Hiệu ứng Barnum – Mánh khoé đằng sau các bài trắc nghiệm tâm lý
Hay vì sao các bài bói toán chiêm tinh lúc nào nghe cũng đúng?
“Sinh vào tháng 1, bạn là người có tư duy độc đáo và sáng tạo.”
“Thuộc cung Thiên Bình, bạn là người yêu cái đẹp và rất có mắt thẩm mỹ.”
“Trong số 12 con giáp, tuổi Tý là con vật dẫn đầu, vì thế những người tuổi này thường có tài năng lãnh đạo tốt, được mọi người ngưỡng mộ vì sự nhanh nhẹn và tháo vát của mình.”
Đã bao lần bạn đọc những mô tả tính cách như vậy và ngạc nhiên vì chẳng trật đi đâu? Thật ra đây không phải là điều kì diệu nào cả, mà do một hiện tượng tâm lý có tên là Hiệu ứng Barnum (Barnum Effect).
1. Hiệu ứng Barnum là gì?
Hiệu ứng Barnum là hiện tượng tâm lý khi ta tin rằng một mô tả tích cực chỉ đúng với mình, nhưng thật ra lại đúng với số đông. Hiệu ứng này là một loại thiên kiến xác nhận (cognitive biases).
2. Nguồn gốc của Hiệu ứng Barnum
Hiệu ứng Barnum được đặt tên theo nghệ sĩ xiếc Phineas Taylor Barnum giỏi thao túng người khác bằng mánh khóe tâm lý. Nó được chứng thực bởi nhà tâm lý học người Mỹ Bertram R. Forer qua một thí nghiệm thực hiện năm 1984, vì thế còn được gọi là Hiệu ứng Forer.
Ông đưa một bài kiểm tra tính cách cho các học sinh lớp Tâm lý, bỏ qua câu trả lời của họ và đưa cho họ những lời đánh giá tương tự nhau, được sao chép từ một quyển sách chiêm tinh mua tại sạp báo, chẳng hạn như “Bạn muốn được mọi người yêu mến và ngưỡng mộ", “Bạn thường khắt khe với bản thân", “Bạn còn những khả năng tiềm ẩn chưa được khai thác".
Sau bài kiểm tra, đa số sinh viên đánh giá kết quả đều rất đúng với mình. Qua đó ông kết luận rằng, chúng ta rất dễ bị thuyết phục bởi những mô tả khái quát nhưng tích cực về bản thân.
3. Hiệu ứng này xuất hiện trong cuộc sống dưới các hình thức nào?
Dù là dưới hình thức nào, cách thức hoạt động của hiệu ứng này luôn gồm 3 bước cơ bản:
- Tạo ra kết nối cá nhân với đối tượng.
- Khiến đối tượng tin vào điều được truyền đạt.
- Dựa trên nền tảng đó, đối tượng sẽ tiếp tục tin vào những điều được truyền đạt kế tiếp.
Mánh khoé chiêm tinh, bói toán, xem chỉ tay
Những người bói toán đưa ra mô tả đúng với đại đa số, nhưng khách hàng tưởng “lời phán" chỉ dành cho mình, và người xem bói đang “đọc vị" mình bằng khả năng tâm linh. Nhờ đó, khách hàng càng dễ bị thuyết phục bởi những “lời phán" tiếp theo sau và xem nhẹ những lỗi sai nhỏ có thể có.
Những nội dung kiểm tra tính cách, dự đoán tương lai,... tăng tương tác trên mạng xã hội
Những bài đăng về tính cách dựa trên tháng sinh, năm tuổi, cung hoàng đạo,... hoặc những video bói tarot online thường có lượt xem và lượt chia sẻ rất cao. Đó là vì chúng luôn đúng với số đông và thường là lời khen, nên chúng ta không ngại chia sẻ và bàn luận với bạn bè.
Những nội dung cá nhân hoá từ các nhãn hàng
“Album nhạc dành cho tâm trạng của [tên bạn]", “Những bộ phim phù hợp với [tên bạn]", nghe thì tưởng như một danh sách tuyển chọn riêng cho từng cá nhân, thật ra chỉ được hệ thống tổng hợp tự động. Thậm chí còn không cần thuật toán, não bạn đã tự liên kết tâm trạng lúc đó với các bài hát rồi. Những nội dung cá nhân hóa sẽ khiến khách hàng yêu thích và trung thành với nhãn hàng hơn.
Marketing và quảng cáo
Thuyết phục khách hàng rằng họ là một “kiểu người" đang gặp vấn đề nào đó, và sản phẩm/dịch vụ đang được quảng cáo sẽ giải quyết vấn đề cho họ. Hiệu ứng này giúp nhãn hàng như đang “nói trúng tim đen” của đối tượng mục tiêu, nhờ đó dễ dàng kết nối và thuyết phục họ hơn.
4. Nó ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
Hiệu ứng này khiến chúng ta:
- Cho rằng những nhận xét tiêu cực không đúng với mình.
- Nghiêng về những phát biểu xu nịnh, tập trung vào điểm tích cực, bỏ qua hoặc giảm nhẹ điểm tiêu cực.
- Chấp nhận những gì phù hợp với hình ảnh mà bản thân tự xây dựng.
Nếu quá tin vào nó, bạn sẽ có nguy cơ:
- Đánh giá sai về bản thân.
- Đưa ra những quyết định sai lầm, nhất là các quyết định trọng đại.
- Bỏ qua những lời khuyên “lời thật mất lòng".
- Dễ rơi vào bẫy quảng cáo.
- Mất tiền oan vào những gói dịch vụ “cá nhân hoá", đọc tâm trí,... thiếu chất lượng.
5. Làm thế nào để khắc phục?
Một số lời khuyên từ chuyên gia để tránh rơi vào cái bẫy tâm lý này:
- Tự hỏi xem liệu đây là có phải một lời nhận xét chung và luôn đúng trong mọi hoàn cảnh không? Ví dụ, “Bạn là một người có suy nghĩ độc lập.” Có ai lại muốn thừa nhận mình có suy nghĩ dựa dẫm đâu.
- Luôn nhớ rằng những bài kiểm tra tâm lý cần trải qua rất nhiều năm để chứng thực được giá trị và tính đáng tin cậy. Những bài trắc nghiệm tâm lý trên mạng, trên báo chỉ nên dừng ở mục đích giải trí.
- Nếu cần đánh giá chuyên môn, hãy tìm đến các chuyên gia trong lĩnh vực đó.