Hiring freeze - Khi tạm dừng là việc cần làm để tồn tại
1. Hiring freeze là gì?
Hiring freeze, hay đóng băng tuyển dụng chỉ tình trạng một tổ chức ngừng tuyển dụng lao động mới. Đây thường là giải pháp tạm thời khi công ty gặp khó khăn về tài chính, và muốn hạn chế cắt giảm lực lượng nhân sự hiện tại. Hiring freeze cũng có thể xảy ra khi ứng viên đã trúng tuyển, nhưng bị hoãn ngày bắt đầu đi làm.
Trong một số trường hợp, hiring freeze được thực hiện để chấn chỉnh những bộ máy nhân sự cồng kềnh song hoạt động không hiệu quả. Theo Tech Insider, có 3 kiểu hiring freeze chính:
- Total freeze (đóng băng toàn phần): Xảy ra khi tổ chức ngừng tuyển dụng ở mọi bộ phận, nhằm đối mặt với suy thoái nghiêm trọng về kinh tế hoặc tài chính.
- Partial freeze (đóng băng một phần): Tổ chức ngừng tuyển nhân sự ở một số bộ phận, nhưng tiếp tục tuyển dụng cho các bộ phận thiết yếu khác.
- Limited time freeze (đóng băng có thời hạn): Tổ chức đặt ra giới hạn thời gian cho việc ngừng tuyển dụng. Đây thường là một phần quá trình kiểm soát chất lượng nhân sự hiện tại.
2. Nguồn gốc của hiring freeze?
Do là từ chuyên ngành nhân sự, hiring freeze không có nguồn gốc cụ thể. Tuy nhiên theo chuyên trang nhân sự Gartner, từ này bắt đầu được sử dụng từ khoảng thập niên 1930. Đây là thời điểm nước Mỹ trải qua cuộc Đại khủng hoảng (Great Depression), dẫn đến hàng loạt công ty lớn đóng băng tuyển dụng và cắt giảm nhân sự để tìm cách tồn tại.
Bên cạnh đó, vào tháng 1/2017, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh đóng băng quá trình tuyển dụng liên bang chỉ 3 ngày sau khi nhậm chức. Dù sắc lệnh này giảm bớt gánh nặng cho ngân sách liên bang Mỹ, nó vẫn nhận nhiều lời chỉ trích vì làm tê liệt cơ hội việc làm cho phụ nữ, cựu chiến binh và các cộng đồng thiểu số khác.
3. Vì sao hiring freeze phổ biến?
Hiring freeze phổ biến từ quý I/2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Theo khảo sát của Fortune, 60% trong số hơn 200 CEO được phỏng vấn coi hiring freeze là giải pháp tối ưu giúp duy trì công ty, cũng như đảm bảo việc làm cho lực lượng nhân sự lúc bấy giờ.
Ngay cả các công ty viễn thông như Zoom hay Netflix - vốn được coi là “ngoại lệ” mùa dịch - cũng khó tránh tình trạng này. Sau thời kỳ gia tăng tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu về làm việc/giải trí online, lượng nhân sự được tuyển thời dịch bỗng trở nên dư thừa khi thế giới trở lại bình thường.
Tình trạng bất ổn kinh tế cũng cho thấy, nhiều công ty lớn sẽ tiếp tục sa thải quy mô lớn hoặc đóng băng tuyển dụng trong thời gian tới. Với sự phát triển của AI và ngày càng nhiều người chọn làm freelancer toàn thời gian, các công ty có thêm nhiều lựa chọn để tiết kiệm chi phí mà không cần tuyển dụng thêm nhân sự mới.
Ngoài cắt giảm chi phí, hiring freeze cũng mang lại những ưu thế nhất định cho văn hóa công ty. Theo Harvard Business Review, khi không có thay đổi lớn về nhân sự, ban lãnh đạo có cơ hội quan sát kỹ hơn đội ngũ hiện tại. Điều này giúp họ tăng cường thấu hiểu lẫn nhau, củng cố tinh thần đồng đội.
Tuy nhiên hiring freeze nhiều khi cũng khiến họ phải “cân” thêm đầu việc của những người đã nghỉ, mà chưa chắc đã được tăng lương. Điều này dễ khiến họ bị burnout, dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc tăng lên. Do đó, hiring freeze thường không được coi là giải pháp bền vững về lâu dài.
4. Cách dùng hiring freeze
Tiếng Anh
A: I just got an offer to join Google, but they delayed my start date. I don’t know how long this is going to last.
B: It seems they are conducting a hiring freeze. Be prepared in case they end up not hiring you anymore.
Tiếng Việt
A: Tôi nhận được lời mời vào Google, nhưng họ dời ngày bắt đầu của tôi rồi. Tôi không biết bao giờ mới được đi làm nữa.
B: Có vẻ họ đang đóng băng tuyển dụng rồi. Ông nên chuẩn bị sẵn trong trường hợp họ không tuyển ông nữa.