Homeschooling – Liệu có thay thế được giáo dục truyền thống?

Hệ thống giáo dục Homeschooling nổi lên vì sự cách ly của COVID-19. Sau đây là những gì bố mẹ cần biết về phương pháp giáo dục này

Tử Long
Homeschooling – Liệu có thay thế được giáo dục truyền thống?

Nguồn: Gettyimages

Đại dịch COVID-19 bùng phát khiến các trường học buộc phải đóng cửa. “Cái khó ló cái khôn”, nhiều bậc phụ huynh đã chủ động tìm hiểu về một biện pháp giáo dục kiểu mới, được gọi là Homeschooling. 

1. Homeschooling là gì?

Homeschooling - “học tại nhà” là một phương pháp giáo dục thay thế cho phương pháp giáo dục truyền thống. Với phương pháp này, các bậc phụ huynh có thể cho con em mình được học tại nhà thay vì gửi con đến trường. 

Phương pháp giáo dục này được nhà nghiên cứu John Holt phát triển và giới thiệu lần đầu vào thập niên 70 tại Mỹ. Ngày nay, Homeschooling khá phổ biến ở các nước phát triển. Đặc biệt là tại Mỹ, số liệu thống kê của Bộ giáo dục Hoa Kỳ công bố có 3,4% trẻ em trong độ tuổi đến trường được cha mẹ cho học tại nhà. Con số này vẫn gia tăng đều đặn mỗi năm.

Tại Việt Nam, phương pháp cho con học ở nhà đang được nhiều bậc cha mẹ trẻ có tư tưởng tiến bộ quan tâm. Tại một số thành phố lớn, các bậc phụ huynh áp dụng Homeschooling đã tự tìm kiếm và kết nối với nhau, tạo nên một môi trường cộng đồng phát triển đa dạng cho con em mình, nhóm Facebook Homeschooling in Viet Nam là một ví dụ. Tại đây, họ chia sẻ với nhau những kinh nghiệm và phương giáo dục con tại nhà.

2. Học tại nhà giải quyết được vấn đề gì?

Nền giáo dục Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập như chương trình học quá nặng, kiến thức chưa tiếp cận được với thế giới, chưa cập nhật với xu thế,.... Trong bối cảnh đó, Homeschooling là một sự lựa chọn với nhiều điểm cải thiện hơn. Có thể kể đến là:

Phát huy sự cá nhân hóa của trẻ

Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc nhất, bẩm sinh đã có những tố chất, kỹ năng riêng, ước mơ và hoài bão cũng khác nhau. Chúng có những điểm mạnh và điểm yếu không đồng đều, với tốc độ tiếp nhận kiến thức khác nhau.

Tuy nhiên, số lượng học sinh tại các trường, lớp tương đối lớn, các thầy cô khó lòng điều chỉnh giáo án và theo sát từng bé. Trong khi đó, phương pháp giáo dục tại nhà lại được thiết kế riêng nhằm phù hợp với khả năng tư duy và nhận thức của từng trẻ. 

Trong cuốn sách "Creative Schools: The Grassroots Revolution That's Transforming Education", tác giả Ken Robinson đã nhấn mạnh rằng trẻ em chỉ có thể tiếp thu tốt nhất với tốc độ phù hợp và phương pháp ưa thích. Những nền tảng như Abeka cung cấp giáo trình và phương pháp Homeschooling dành cho các bậc cha mẹ. Qua đó, cha mẹ sẽ có một phương pháp giáo dục phù hợp với khả năng, sở thích và phong cách học tập của con mình.

Một người chị của tôi cũng đang áp dụng phương pháp này với cậu con trai 6 tuổi. Một ngày học tập của cậu bé có thể bắt đầu ở vườn nhà với việc quan sát và vẽ bức tranh khung cảnh để phát triển óc sáng tạo. Sau đó, cậu kết thúc bằng một buổi học làm bánh trong bếp cùng mẹ. Phương pháp giáo dục này cho phép trẻ được tự do khám phá, tự do sáng tạo mà không bị bó buộc trong khuôn phép.

Hóa giải sự “quá tải” của giáo dục truyền thống

Chương trình giáo dục tại Việt Nam được đánh giá là quá sức đối nhiều học sinh bởi khối lượng kiến thức khổng lồ và chương trình học dàn trải. Khi áp dụng Homeschooling, các bậc phụ huynh có thể lựa chọn và sắp xếp chương trình học phù hợp với khả năng tiếp thu của con. Từ đó khai thác tối đa tiềm năng phát triển của trẻ.

Đồng thời, học tại nhà giảm thiểu sức ép về điểm số, các em không còn phải lo lắng và gồng mình trước quá nhiều bài kiểm tra. 

Hơn nữa, vấn nạn bạo lực học đường luôn luôn hiện hữu. Những trẻ bị bạo hành ở trường sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển tâm sinh lý. Homeschooling cũng giúp cha mẹ giải quyết mối lo này.

Gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con

Nhìn con trưởng thành mỗi ngày là niềm hạnh phúc của mỗi bậc cha mẹ. Lựa chọn Homeschooling là giải pháp tốt để cha mẹ gần gũi với con cái hơn. Lúc này, cha mẹ như những người bạn của con mình, dễ dàng lắng nghe và chia sẻ với con cái.

3. Ý kiến trái chiều về Homeschooling

Liệu trẻ có bị hạn chế khả năng giao tiếp xã hội?

Mối lo lớn nhất của các bậc phụ huynh đối với phương pháp học tại nhà đó là con cái họ sẽ không có cơ hội phát triển khả năng giao tiếp xã hội và các kỹ năng mềm cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều bậc phụ huynh đã hoá giải mối lo này bằng cách kết nối với nhau, tạo nên những nhóm đa văn hóa, đa sắc tộc để cùng học tại nhà. 

Blogger Phạm Thiên Hương—quản trị viên của nhóm Homeschooling in Vietnam—là người tiên phong cho phương pháp học tại nhà ở Việt Nam. Chị đã kết nối với các bậc phụ huynh khác đến từ các nền văn hóa khác nhau như Mỹ, Úc, Nhật Bản,... Qua đó, chị tổ chức những buổi giao lưu và tạo ra môi trường phát triển phong phú cho các con.

Còn hạn chế tại Việt Nam

Ở Mỹ, Homeschooling được công nhận là phương pháp giáo dục chính thống, có các tiêu chuẩn để đánh giá người học và biên soạn giáo án. Tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chí này. Các bậc phụ huynh người Việt vẫn phải sử dụng giáo án bằng tiếng Anh và theo tiêu chuẩn văn hóa Âu Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là một lợi thế cho trẻ, khi chúng được tiếp xúc với tiếng Anh và nền giáo dục Âu Mỹ từ sớm.

Mặt khác, hệ thống giáo dục Việt Nam được phân thành các cấp bậc liền mạch với nhau. Nhất là các trường điểm, trường chuyên có chất lượng đào tạo tốt thì thường tuyển sinh theo phương thức xét học bạ hoặc thi đầu vào. Vì vậy, các con chỉ có thể học ở nhà tới hết cấp Một hoặc cấp Hai, sau đó bắt buộc phải thi tuyển đầu vào. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh muốn áp dụng Homeschooling cần phải lựa chọn kỹ lưỡng lộ trình học cho con mình. 

Chi phí tốn kém

Rất ít phụ huynh có đủ vốn kiến thức và kỹ năng để tự dạy học cho con em tại nhà. Do vậy, buộc họ phải mua các chương trình đào tạo của các nhà cung cấp như Abeka, ABCmouse,.... Cũng vì là những giáo án tiên tiến nên chi phí cho chúng cũng không hề rẻ so với thu nhập trung bình tại Việt Nam. 

Không phải lựa chọn của các bậc phụ huynh bận rộn 

Cho con học ở nhà cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh phải dành thời gian cho con nhiều hơn. Không chỉ làm người dạy học mà còn là người bạn, phải theo sát quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Đối với những phụ huynh bận rộn công việc thì rất khó để áp dụng phương pháp này. Vì thế, các bậc phụ huynh cần cân đối các yếu tố để quyết định có cho con học theo phương pháp này hay không.

Kết

Homeschooling là một phương pháp giáo dục mới, giúp cải thiện được một số vấn đề trong phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, Homeschooling tại Việt Nam vẫn còn nhiều mặt hạn chế, vậy nên các bậc cha mẹ cần tìm hiểu kỹ lưỡng, xây dựng lộ trình học chi tiết trước khi quyết định áp dụng phương pháp giáo dục mới này cho con em mình.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục