Huấn luyện viên Park Hang-seo: 5 năm, 3 dấu ấn, 1 hành trình
Tối ngày 16/1, Thái Lan đánh bại Việt Nam với tỉ số tối thiểu trên sân Thammasat, qua đó bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup. Danh hiệu vô địch năm 2023 đánh dấu lần thứ 7 đội bóng xứ chùa vàng đăng quang tại một trong những giải đấu danh giá nhất khu vực.
Trận lượt về tại Thammasat cũng là trận đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo với đội tuyển Việt Nam. Hợp đồng 5 năm của ông với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã kết thúc với cái kết không được trọn vẹn. Nhưng một nốt trầm không đủ sức phủ nhận toàn bộ bài ca.
Hành trình của ông Park tại Việt Nam đã mang tới những thành tựu và những cung bậc cảm xúc đáng nhớ cho không chỉ riêng ông, mà cả đội tuyển và hàng triệu người hâm mộ. Nếu đứng từ góc nhìn này, ông Park và đội tuyển đã đi một chặng đường dài và đáng tự hào.
Hãy cùng nhìn lại quá trình đồng hành của huấn luyện viên Park Hang-seo với đội tuyển quốc gia Việt Nam. Trong 5 năm, “quý ngài ngủ gật” Park Hang-seo đã thay đổi bóng đá Việt Nam như thế nào? Làm thế nào mà ông có thể thành công tại một môi trường bóng đá mà 9 trên 10 huấn luyện viên trước đó đã bị sa thải trước thời hạn hợp đồng?
Người đứng sau tâm lý vững vàng của đội tuyển
Trong số những chiến tích mà đội tuyển Việt Nam đạt được dưới triều đại của ông Park, ngôi Á quân giải vô địch U-23 châu Á có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Đó là lần đầu tiên người hâm mộ chứng kiến đội nhà tiến sâu trong một giải đấu châu lục và chơi thứ bóng đá đẹp mắt, hứng khởi với nhiều cảm hứng.
Thành tích tại Thường Châu là kết quả của thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Chúng ta có một lứa cầu thủ trẻ giàu tiềm năng kết hợp với kinh nghiệm của một huấn luyện viên đứng tuổi từng dự World Cup, tranh tài tại một giải đấu không yêu cầu di chuyển nhiều giữa các địa điểm. Kết quả nằm ngoài sự mong đợi với ngôi vị Á quân dành cho đội tuyển tưởng như chỉ là lót đường.
Những khoảnh khắc ở trận chung kết Thường Châu cho thấy rằng đội tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể làm nên những kỳ tích với lứa cầu thủ mới. Nó cũng báo hiệu những thành công của ông Park tại một nền bóng đá khi ấy còn đang mơ ngủ trong sự ảm đạm, cũng như những thay đổi về nhiều mặt mà ông sẽ mang lại cho nền bóng đá ấy.
Sự thay đổi đầu tiên xuất hiện trong không khí bóng đá. Sau thành tích Á quân, nhiều người hâm mộ còn đang say mê những chàng trai U-23 đã đi tới các sân vận động trong nước để xem giải quốc nội.
Người dẫn đầu trào lưu này, không ai khác, cũng chính là ông Park. Ông thường xuyên có mặt tại các trận V-league, vừa tìm kiếm nhân tài cho đội tuyển, và cảm nhận và hòa nhập vào không khí bóng đá địa phương.
Người dân hào hứng hơn với đội tuyển và giải vô địch quốc nội, cầu thủ cũng nhờ ông Park mà cởi bỏ được rào cản tâm lý khi thi đấu. Trước khi có thành công tại Thường Châu, chúng ta chơi bóng với sự dè chừng trong cả lối chơi lẫn trong suy nghĩ, luôn dè dặt dù cho đối thủ là những người hàng xóm Đông Nam Á hay những người khổng lồ Tây Á.
Chính nhờ sự dẫn dắt của ông Park, đội bóng và người hâm mộ nhận ra rằng chúng ta có thể tiếp cận trận đấu một cách chủ động và đá sòng phẳng với đối thủ. Và đừng quên rằng, danh hiệu đầu tiên của ông Park với đội tuyển Việt Nam chính là ngôi Á quân cúp giao hữu M-150 năm 2017 - khi ta đánh bại Thái Lan và chỉ chịu thua trước Nhật Bản trong trận chung kết.
Dấu ấn chiến thuật trên sân cỏ
Không thể phủ nhận cái may của ông Park khi ông tới Việt Nam vào thời điểm lứa cầu thủ của học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG ở độ chín phù hợp để nhận những sự chỉ dẫn về chiến thuật, những sự uốn nắn về thể lực và kỷ luật, cũng như những định hướng thi đấu cụ thể.
Thế nhưng sẽ là bất công nếu ta cho rằng ông không đóng góp vào sự phát triển của các cầu thủ. Chính giáo án huấn luyện và sự sắp xếp đội hình của thầy Park đã tạo điều kiện cho Duy Mạnh, Văn Thanh, Văn Hậu, và đặc biệt là Quang Hải có thể phát triển tiềm năng to lớn của mình.
Với những nhân sự này, ông Park triển khai một triết lý bóng đá chắc chắn và vững chãi với sự chú trọng lớn về hàng thủ cũng như các đấu pháp chiến thuật xung quanh việc phòng thủ. Ông là huấn luyện viên đầu tiên của đội tuyển Việt Nam áp dụng thành công sơ đồ 5 hậu vệ để đảm bảo phòng ngự.
Đây là một đấu pháp hợp lý, nhất là khi xét tới việc tuyển Việt Nam thường xuyên phải đối đầu với những ông lớn của châu lục trong thời kỳ đầu của triều đại Park Hang-seo. Điều đáng nói là ông đã phát triển một đội hình tưởng như chỉ mang tính thời điểm thành một dấu ấn chiến thuật thực sự của đội tuyển.
Dưới thời ông Park, đặc biệt là trong giai đoạn 2018-2020, đội tuyển Việt Nam nổi bật với việc phòng thủ vững chắc bằng 5 hậu vệ, sau đó ghi bàn trong những pha phản công, chuyển đổi trạng thái sang đội hình 3-5-2 hoặc 3-4-3.
Chính nhờ chiến thuật này mà các cầu thủ như Văn Thanh, Trọng Hoàng, Văn Hậu, Tấn Tài, và Nguyễn Phong Hồng Duy đã thỏa sức “bay” trên đôi cánh của đội tuyển.
Ông cũng là người đề ra sự chuyển đổi linh hoạt giữa những pha ban bật ngắn và các pha chuyền dài theo từng trường hợp, đồng thời chỉ dẫn các học trò các phương án thoát pressing phù hợp. Đây chỉ là một trong nhiều bí kíp nằm trong “bộ công cụ” mà thầy Park trang bị cho các cầu thủ tại vòng loại thứ ba World Cup.
Con người của sự dấn thân và kết nối
Nhìn vào chặng đường của ông Park tại Việt Nam, ta có thể thấy rằng ông đã chấp nhận nhiều rủi ro, nhận nhiều việc hơn mức cần thiết. Chỉ riêng việc ông chăm chỉ đi xem V-league để theo dõi phong độ các trụ cột đội tuyển và “xem giò” các nhân tố tiềm năng đã cho thấy sự tận hiến của thầy Park với nền bóng đá Việt.
Ông vừa là huấn luyện viên đội tuyển quốc gia, cũng vừa dẫn dắt đội U-23. Chính nhờ đó, chiến lược gia người Hàn góp công xây dựng một hệ thống làm việc và huấn luyện khoa học cho bóng đá Việt Nam, trong đó nhiều nhân sự đội tuyển quốc gia chính là những cầu thủ U-23 trẻ trung. Việc chia sẻ nhân sự cũng tạo ra sự đồng nhất về chiến thuật, lối chơi, tư duy thi đấu, và cách thức huấn luyện ở các cấp độ khác nhau của đội tuyển.
Nhưng sự dấn thân của ông thường trực và có bề sâu hơn chỉ là những kết quả trên sân cỏ. Sự dấn thân ấy thể hiện ở cách ông ăn ngủ cùng học trò, dành thời gian với họ ngoài giờ luyện tập và thi đấu để tạo ra sự gắn kết thầy-trò thân tình chứ không chỉ là mối quan hệ giữa huấn luyện viên và cầu thủ.
Thầy Park thường xuyên tới phòng y tế của khu huấn luyện, nơi hầu hết các cầu thủ sẽ có mặt sau khi luyện tập để thả lỏng, hồi sức, hoặc điều trị chấn thương. Ông vừa tranh thủ trò chuyện với cầu thủ này, trêu chọc cậu trò kia, vừa quan sát xem ai bị chấn thương gì, cần điều trị ra sao, cũng như tình hình cảm xúc và tâm lý của họ.
Không dừng lại ở đó, thầy Park cũng thích nghi với tập tục Việt. Ông từ chối đồ Hàn nấu riêng cho mình bởi sợ rằng việc ăn đồ ăn riêng có thể gây ra sự chia cách với các cầu thủ Việt. Ông cũng linh hoạt thay đổi khung giờ tập luyện để các cầu thủ có thời gian ngủ trưa - và bản thân ông cũng tập ngủ trưa.
Ông tự tay đắp mặt nạ dưỡng da cho Trọng Hoàng, vào tận phòng của Đình Trọng để mát-xa chân cho anh, nhường ghế hạng thương gia cho cầu thủ nghỉ ngơi, thậm chí còn… cởi trần chơi bóng bàn cùng cầu thủ.
Chừng ấy là quá đủ để cho thấy sự tận tâm của ông - một người chưa bao giờ ngại khó, ngại khổ khi phải làm việc ở một nền văn hóa xa lạ.
Tạm kết
Trong một bức thư viết trên mạng xã hội dành cho ông Park Hang-seo, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói rằng: “Nhưng trên một sân cỏ đúng nghĩa, thắng hay thua đều mang vẻ đẹp của nó.” Có lẽ tất cả các cổ động viên của đội tuyển Việt Nam đều sẽ đồng ý với nhà văn, bởi dù thua nhưng thầy Park và đội tuyển đã nỗ lực hết sức để mang lại cho người hâm mộ những phút giây nồng nhiệt cuối cùng dưới triều đại Park Hang-seo.
Sự kết thúc của triều đại Park Hang-seo là một bước ngoặt quan trọng của bóng đá Việt. Đây có thể là khởi điểm của một thời kỳ sa sút, hoặc là bước chạy đà để tiến tới những thành công lớn hơn dựa trên nền tảng mà vị chiến lược gia người Hàn để lại.
Nhưng thành hay bại là câu chuyện của tương lai. Ở thời điểm hiện tại, xin được cảm ơn huấn luyện viên Park Hang-seo vì sự tận tâm của ông và những cảm xúc mà ông đã mang lại trong suốt 5 năm qua.