Kiên bỏ SoundCloud, chúng ta có đang dễ tính với nhạc lậu?

Kiên tuyên bố xóa tài khoản SoundCloud vì nhạc lậu, liệu đã đến lúc người Việt làm 'dữ' với hình thức ăn cắp bản quyền này chưa?
Mai Nguyễn (Hoài)
Nguồn: Facebook, Quốc Cơ

Nguồn: Facebook, Quốc Cơ

1. Chuyện gì đã xảy ra giữa Kiên và SoundCloud?

Kiên (Trịnh Trung Kiên) là một nghệ sĩ nổi bật trong thế giới nhạc indie. Anh vừa được Chi Pu kí hợp đồng sáng tác nhạc độc quyền sau thành công của Cung Đàn Vỡ Đôi.

Kiên nổi tiếng nhờ những bài hát như Em Ăn Sáng Chưa hay Tập Thể Dục, được anh đăng tải lần đầu trên SoundCloud, một nền tảng nghe nhạc trực tuyến miễn phí.

Vào ngày 18/08, Kiên thông báo sẽ xóa tài khoản SoundCloud của mình để thể hiện sự phản đối trước hành vi phát tán nhạc lậu trên nền tảng này.

2. Cư dân mạng nói gì về việc này?

Có nhiều tranh cãi xung quanh ý kiến của Kiên, nổi bật nhất là bài viết của facebooker Trần Tiến cho rằng anh đang không tôn trọng nền tảng đã giúp mình nổi tiếng.

Ngược lại, bài viết của facebooker Kô Phi đồng tình với quyết định của Kiên. Theo bạn, đây là hành động cảnh tỉnh mọi người về trường hợp phát tán phạm pháp các bài nhạc có bản quyền.

3. SoundCloud hoạt động như thế nào?

SoundCloud được giới thiệu là nền tảng âm thanh mở lớn nhất thế giới với hơn 190 triệu bản nhạc từ 20 triệu nghệ sĩ. Những cái tên như Billie Ellish, Ngọt, Cá Hồi Hoang đều trưởng thành từ chiếc nôi này.

SoundCloud hoạt động được là nhờ doanh thu từ các dịch vụ trả phí như SoundCloud Go và SoundCloud Pro. Nền tảng này cũng từng được đầu tư bởi những tên tuổi lớn như Twitter Inc. hay Ngân hàng đầu tư Raine Group (New York).

Năm 2018, SoundCloud thông báo nghệ sĩ indie sẽ được trả tiền khi đăng nhạc trên nền tảng này bằng cách tham gia SoundCloud Premier. Tuy nhiên chương trình này chỉ có hiệu lực ở số ít quốc gia như Mỹ, Anh, Úc, New Zealand, và chưa có ở Việt Nam.

4. Vấn đề của SoundCloud là gì?

Việc cho phép mọi người đăng tải nhạc tự do khiến SoundCloud gặp phải nhiều hành vi đăng tải trái phép.

Nếu tìm một tựa đề nhạc của nghệ sĩ indie bất kì có tài khoản trên SoundCloud, bạn sẽ thấy bài hát được đăng bởi chính chủ cùng hàng loạt bản re-up với lượt nghe cao, thậm chí là cao hơn bài hát gốc, theo Kiên.

Việc làm này không chỉ vi phạm bản quyền, mà còn khiến tác phẩm của nghệ sĩ lọt thỏm giữa cơn sóng re-up và ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của họ.

5. Nhạc lậu là gì?

Nghiên cứu vào năm 2018 của IFPI (Liên đoàn Công nghiệp Thu âm Quốc tế) cho thấy 32% người nghe nhạc trên thế giới vẫn đang sử dụng nhạc lậu (music piracy). Hình thức ăn cắp bản quyền phổ biến nhất là sử dụng phần mềm ghi âm lại các bản nhạc trên YouTube, Spotify với chất lượng thấp.

Nếu bạn đang nghe một bản nhạc không phải do ca sĩ công bố, khả năng cao là bạn đang tiếp tay cho hành vi đăng tải nhạc lậu.

6. Các nền tảng trực tuyến đang làm gì để ngăn chặn nhạc lậu?

SoundCloud đã cố gắng ngăn chặn nhạc lậu bằng việc triển khai Audible Magic, một công nghệ nhận diện các bài re-up nhạc. Điểm hạn chế của phần mềm này là bỏ sót những bản nhạc có một ít khác biệt, ví dụ như những bản re-up với chất lượng thấp hơn hay có thời gian dài hơn bài nhạc gốc.

YouTube đã phát triển Content ID nhằm giúp các chủ sở hữu kiểm tra hành vi đăng tải trái phép sản phẩm của mình. Nếu sản phẩm người khác đăng lên YouTube có sử dụng nhạc của bạn một cách trái phép, bạn được toàn quyền xử lý video đó.

7. Người nghe nhạc có thể làm gì để ngăn chặn nhạc lậu?

Các trang nghe nhạc trực tuyến như YouTube, Spotify đều có lựa chọn sử dụng miễn phí. Việc nghe nhạc miễn phí không phải một lựa chọn xấu nếu bạn:

  • Không tự ý thu âm và phát tán các bản nhạc;
  • Không tự ý đăng tải những bản nhạc bạn đã mua;
  • Không tải nhạc từ những nguồn chưa chính thống (không phải do công ty chủ quản hay chính nghệ sĩ đăng tải).

Nếu muốn ủng hộ nghệ sĩ thông qua việc nghe nhạc trực tuyến, bạn có thể chọn dịch vụ nghe nhạc trả phí của Spotify, Apple Music hoặc đơn giản đừng dùng phần mềm adblock khi sử dụng YouTube.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục