Kim Eun Sook: Sáng tạo đừng chỉ là "nhật ký đời tôi"
Được mệnh danh là "biên kịch vàng" của làng phim truyền hình Hàn Quốc, Kim Eun Sook (1973 - ) có một sự nghiệp rực rỡ ít ai sánh bằng. Từ bộ phim Lovers in Paris (Chuyện tình Paris, 2004) đến The Glory (Vinh quang trong thù hận, 2023), nữ biên kịch vẫn giữ được sự cuốn hút sau 20 năm sáng tạo và cống hiến.
Sự vinh quang của Kim Eun Sook trải dài với vô vàn bộ phim thành công như Khu vườn bí mật, Phẩm chất quý ông, Người thừa kế, Hậu duệ mặt trời, Yêu tinh... Bằng tài năng và sự thấu thị, Kim biến hóa ở nhiều dạng kịch bản khác nhau tùy vào thời thế: bối cảnh nước ngoài, hoán đổi giới tính, tình cảm - kỳ ảo, báo thù...
Kim Eun Sook không chỉ giữ vững ngôi vị là một trong những biên kịch sở hữu tác phẩm có rating cao nhất mọi thời đại, mà còn tạo nên hoặc phát triển nhiều xu hướng làm phim truyền hình gây sốt tại Hàn Quốc trong hai thập kỷ qua.
Điều gì đã giúp Kim Eun Sook thành công? Triết lý sáng tạo của biên kịch Kim là gì? Bà đã làm gì để luôn giữ vững top đầu trong thị trường phim truyền hình khắc nghiệt tại Hàn Quốc? Và liệu ta có thể học được gì từ "biên kịch vàng" này?
Sáng tạo cần động cơ cá nhân nhưng đừng chỉ viết cho bản thân mình
Bộ phim The Glory đang gây sốt Netflix trong những ngày đầu năm 2023 tiếp tục bảo chứng khả năng nhạy bén của Kim Eun Sook. Tác phẩm lấy đề tài báo thù làm trung tâm, liên kết từ chuyện bạo lực học đường với những sang chấn tâm lý; giữa thói ngạo mạn của kẻ giàu và tiếng nói của người yếu thế nhỏ nhoi trong xã hội…
Có thể nói, đây là một trong những tác phẩm khác biệt nhất của Kim từ trước đến nay, dù ta đã bắt gặp một khía cạnh nào đó từ tác phẩm The Heir (Người thừa kế, 2013) cũng do bà viết kịch bản.
Khác với suy nghĩ của nhiều người, The Glory không đơn thuần là lần 'đổi gió" sau nhiều bộ phim rom-com hay tình cảm - kì ảo mà Kim Eun Sook đã viết trước đây. Một trong những động cơ hay nguyên nhân khiến bà viết nên kịch bản này chính là từ cuộc trò chuyện với người con gái, vốn đang học năm thứ 2 phổ thông.
Kim Eun Sook luôn lo lắng con gái nhận phải sự chú ý không cần thiết hoặc bị hiểu nhầm bởi sự nổi tiếng của mình. Trong một cuộc trò chuyện thân mật giữa hai mẹ con, con gái của Kim đặt câu hỏi, "Nếu con bị ai đó đánh đến chết hoặc con đánh ai đó nhừ tử, điều gì sẽ khiến mẹ đau lòng hơn?"
Trong thâm tâm Kim cho rằng, cả hai trường hợp đều gây đau lòng cho người mẹ. Tuy nhiên, việc con gái đánh ai đó nhừ tử sẽ khiến bà nhẹ lòng hơn. Sau cùng, bà cho rằng không sinh con có lẽ là điều tốt nhất? Nhưng chính cắc cớ cứ lởn vởn thường trực trong đầu khiến bà bắt tay vào viết kịch bản The Glory.
Tất nhiên, động cơ sáng tạo nghệ thuật của Kim Eun Sook không phải lúc nào cũng "nặng nề" như vậy. Bà có thể sáng tạo nên các kịch bản từ nhiều động cơ khác nhau.
Nếu như Kim viết The Glory vì sốc trước câu hỏi của người con gái, thì động cơ bà viết nên kịch bản Phẩm chất quý ông là vì muốn tài tử Jang Dong Gun đóng chính trong phim của mình. Hay một trong những động cơ để Kim Eun Sook viết nên kịch bản phim nổi tiếng Khu vườn bí mật là bởi... để vui vẻ.
Có thể nói, Kim Eun Sook sáng tạo kịch bản đến từ nhiều động cơ cá nhân. Tuy nhiên, khi sáng tạo kịch bản, Kim Eun Sook lại phải bỏ hết yếu tố phục vụ bản nhân để phục vụ khán giả.
20 năm trước, Kim Eun Sook viết kịch bản bộ phim vô cùng thành công, Chuyện tình Paris. Tuy nhiên, nữ biên kịch cũng bị chỉ trích không ít vì cái kết không như ý khán giả. Phải nói thêm rằng, bà cho rằng tập cuối chỉ là "bonus track" (kèm thêm) nhưng lại nhận được phản ứng trái chiều.
Sau sự kiện này, bà bắt đầu xem việc sáng tạo là dành cho mọi người, đặc biệt là ở mảng kịch bản phim truyền hình. Điều này tiếp tục ảnh hưởng đến triết lý sáng tạo sau này của Kim Eun Sook.
Phim truyền hình là để phục vụ khán giả. Nếu tôi chỉ viết để phục vụ bản thân thì đó chỉ là nhật ký đời tôi.
Chính Kim Eun Sook đã thay đổi góc nhìn và phương pháp sáng tạo của mình. Bà cho rằng nếu không thể hiểu và liên kết đến người xem, và lắng nghe nhiều bình luận tiêu cực, có lẽ bà đã không thể tạo ra những tác phẩm thành công.
Nông cạn chả sao miễn là hiểu và phát huy thế mạnh của mình
Có một sự nghiệp đầy thành công với cả danh tiếng, giải thưởng và thù lao top đầu trong ngành nhưng Kim Eun Sook vẫn thường bị chê, sáng tạo ra những nhân vật nông cạn.
Tuy nhiên, có lẽ Kim Eun Sook chưa từng phản đối những đánh giá này của các nhà phê bình. Ở một khía cạnh nào đó, Kim hiểu được thế mạnh của mình và không hề cảm thấy khó chịu trước các bình luận tiêu cực kể trên. Thậm chí, bà còn biến những hạn chế trở thành thế mạnh của mình.
Ví dụ như ở Khu vườn bí mật (Kim Eun Sook đã viết kịch bản trong nhiều năm,) là một bộ phim nhẹ nhàng, dễ dàng để cho mọi gia đình thưởng thức vào cuối tuần. Vì thế cách xây dựng nhân vật, tình tiết và ngôn ngữ của bà không cần đao to búa lớn, hay cần phải sâu sắc.
Hay như trong Người thừa kế, Kim Eun Sook đã viết kịch bản chuyện tình tuổi teen dành cho người lớn. Bà sử dụng nhiều câu nói sáo rỗng nhưng khán giả lại dễ dàng đón nhận. Biên kịch Kim cho rằng, "điều quan trọng là làm cho các nhân vật khác đi, vì vậy khán giả sẽ quên đi những lời sáo rỗng."
Nông cạn hay những lời sáo rỗng đã trở thành một trong những yếu tố tạo nên thành công của Kim Eun Sook, điều mà rất ít biên kịch có thể làm được. Ví dụ như ở phim Yêu tinh, Kim đã tạo ra được sự yêu mến bằng chính sự không hoàn hảo của mình.
Bà từng chia sẻ, "Kim Eun Sook là biên kịch có thể viết ra những câu có vẻ trẻ trâu và khiến ai đó cảm thấy sởn gai ốc. Nhưng chẳng ai nói thế về phim Yêu tinh cả. Tôi nghĩ phong cách viết của mình thay đổi khi trở nên già dặn hơn."
Nói vậy không có nghĩa là Kim Eun Sook không đi ra khỏi vùng an toàn để tạo nên những kịch bản sâu sắc, cùng ngôn ngữ trau chuốt.
Bà từng tự "sửa lưng" chính mình khi sáng tạo nên các bộ phim gai góc hơn như Tòa thị chính (2009.) Hay ở bộ phim mới nhất, The Glory, Kim Eun Sook dần cho thấy khả năng sáng tạo và đào sâu vào ngôn ngữ, phát triển tâm lý của nhân vật xuất sắc đến mức nào.