Kotaro Lives Alone: “Cháu không biết việc mình được sinh ra là một điều tốt”
1. “Tên cháu là Sato, mong được chiếu cố ạ”
Đó là câu đầu tiên anh chàng Shin Karino được nghe từ cậu nhóc mới chuyển đến nhà kế bên. Trên tay cậu bé cầm một hộp khăn giấy, như một món quà nhỏ tặng hàng xóm. Cậu bé tên Kotaro Sato, chỉ mới 4 tuổi, nhưng sống một mình ở căn hộ 203.
Và đó cũng là khởi đầu của bộ anime Kotaro Lives Alone. Với 10 tập, mỗi tập khoảng 30 phút, series kể các câu chuyện xoay quanh cuộc sống của cậu bé Kotaro tại chung cư Shimizu và ở nhà trẻ.
Mỗi tập, người xem lại khám phá được một phần về quá khứ đau lòng của Kotaro, về việc bố mẹ cậu ở đâu và có gì đằng sau sự chững chạc đến bất ngờ của đứa trẻ 4 tuổi này.
Kotaro Lives Alone có nguyên tác là một series manga ra đời năm 2015, với một live-action năm 2021. Ra mắt Netflix từ đầu tháng 3, anime Kotaro Lives Alone được đón nhận khá nhiệt liệt và đã được bật đèn xanh cho mùa 2.
2. “Xin lỗi đã nhờ vả, nhưng vì cháu sống một mình…”
Hình ảnh trẻ em được khắc họa trong phim ảnh, nhất là phim hoạt hình, thường biểu hiện cho sự dễ thương, cần được bảo vệ và là niềm hy vọng mới.
Chẳng hạn như trong Train to Busan, nhân vật sống sót cuối cùng giữa cuộc chiến với zombie chắc chắn phải là con của nhân vật chính và người phụ nữ đang mang thai. Hoặc ở Baby Boss của hãng DreamWorks, dù cậu nhóc thông minh đến mức có thể thành CEO thì bộ phim vẫn xây dựng nhân vật hài hước đậm màu con nít, với sự dựa dẫm nhất định.
Nhưng Kotaro thì gần như mất đi những khoảnh khắc con nít. Cậu tự đi chợ, tự nấu cơm, không hay cười, biết chăm sóc cho mọi người và luôn xin lỗi hoặc không thích nhờ vả người khác.
Người xem dễ quên mất Kotaro là con nít, đến khi cậu nhóc cực kỳ cuồng một nhân vật hoạt hình, hay loay hoay với việc dầu gội làm cay mắt. Chính sự độc lập trong hình dáng trẻ con ấy lấy nhiều nước mắt của người xem.
Việc xem những bộ phim buồn kích thích hệ thống edorphins, từ đó khiến não bộ tăng khả năng tạo cảm giác dễ chịu và còn có tác dụng giảm đau. Có lẽ vì đó mà ta không thể ngừng theo dõi hành trình của Kotaro dù rất buồn. Thêm vào đó, mọi người luôn muốn xem tiếp với niềm hy vọng Kotaro sẽ được vũ trụ đền đáp những gì tuyệt vời nhất.
3. “Cháu không biết mình được sinh ra là một điều tốt”
Theo Liên Hợp Quốc ước tính, có khoảng 60 triệu trẻ em và trẻ sơ sinh đã bị bỏ rơi trên thế giới. Ở Việt Nam, từ 2016 -2018 số trẻ bị bỏ rơi lên tới 469,869 trẻ.
Riêng ở Nhật Bản, các vụ bỏ rơi trẻ em còn có nhiều tính chất vô cảm và tàn bạo. Năm 2010, một phụ nữ ở Osaka từng nhốt con trong nhà đến khi hai đứa trẻ qua đời vì đói.
Khó khăn về mặt tài chính, tâm lý bất ổn hoặc việc không tình nguyện nuôi con là những lý do gây ra việc bỏ rơi trẻ em.
Trong phim, mẹ Kotaro được miêu tả có một số dấu hiệu của bệnh trầm cảm, chẳng hạn việc phải đeo găng tay mới dám chạm vào con mình. Trầm cảm sau khi sinh có thể khiến người mẹ cáu gắt, thậm chí sợ hãi chính con của mình. Vì mẹ là người chăm sóc chính, nên những đứa trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý khi người mẹ bất ổn.
Chấn thương tâm lý thời thơ ấu góp nhiều phần trong việc hình thành nhân cách của trẻ em. Họ dễ gặp các vấn đề về hành vi như hiếu động thái quá hoặc có vấn đề về điều chỉnh cảm xúc. Nhiều tội phạm giết người khét tiếng trên thế giới đều có tuổi thơ bất hạnh vì bị bạo hành, bỏ rơi.
4. “Dù có tốt thế nào đi nữa, chúng tôi cũng không phải bố mẹ”
Vì số lượng trẻ em bị bỏ rơi quá nhiều nên năm 2006, Nhật Bản đã thông qua dịch vụ “Hộp trẻ em” (Baby Hatch). Cụ thể, đây là nơi mọi người có thể bỏ trẻ em (thường là trẻ sơ sinh) ở một nơi an toàn để được tìm thấy và chăm sóc. Baby Hatch đã được biết đến và sử dụng nhiều ở Pakistan hoặc Phần Lan.
Tuy nhiên, dịch vụ này cũng nhận được nhiều phản đối, dấy lên tranh cãi rằng liệu có đang tạo cơ hội cho cha mẹ bỏ rơi con nhiều hơn.
Tại Việt Nam, để ngăn tình trạng bỏ rơi con, một người mẹ vứt bỏ con đẻ sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 - 15 triệu đồng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, họ còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Giáo dục giới tính đang cố gắng để ngăn chặn việc mang thai ngoài ý muốn vì không đủ kiến thức bảo vệ bản thân. Nhưng xa hơn, chúng ta cũng cần được biết việc mang một đứa trẻ đến thế giới này cần chuẩn bị những gì, về tài chính, về tâm lý và về cả những kiến thức trong nuôi dạy con.
Với tỉ lệ trầm cảm sau sinh đối với các bà mẹ khoảng 10-20% trên thế giới và có thể lên tới 33% ở Việt Nam, việc chăm sóc tinh thần cho người mẹ là điều vô cùng cần thiết.
Phá thai từ lâu đã không bị cấm ở hầu hết các nước trên thế giới. Còn ở những bang ban hành luật cấm phá thai như Alabama tại Mỹ, người dân vẫn đang liên tục biểu tình, không chỉ để bảo vệ quyền của người mẹ, mà còn là bảo vệ quyền trẻ em.
Bởi dù có được quốc gia, hoặc những nhà hảo tâm quan tâm đến mức nào, một đứa trẻ chỉ có thể thực sự hạnh phúc khi được sinh ra và sống trong tình yêu thương.
5. Khóc xong với Kotaro thì chuẩn bị khóc với phim gì?
Bạn có thể xem các bộ phim khai thác các góc tối với nhân vật chính là trẻ em ngoài Kotaro Lives Alone, như:
- Capernaum: Một cậu bé kiện ba mẹ vì đã sinh mình ra. Bộ phim đã gây tiếng vang lớn tại Liên hoan phim Cannes.
- Hope: Bộ phim lấy chất liệu từ một câu chuyện có thật - một bé gái 8 tuổi bị bạo hành và cưỡng hiếp trên đường đi bộ đến trường một mình và tên tội phạm chỉ lãnh án 12 năm tù.
- The Boy in the Striped Pajamas: Đằng sau tình bạn trong sáng của hai đứa trẻ là thực tế tăm tối với nạn diệt chủng.