Làm ầm trong quán cafe: Trẻ em không phải đối tượng duy nhất
Sự việc quán cafe tại Đà Nẵng thông báo cấm trẻ em tới quán gây ra nhiều sự chú ý và tranh cãi. Trong khi nhiều người đồng tình và ủng hộ hết lời, cũng có những người cho rằng đây là một quyết định có phần cực đoan.
Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, việc một số nhà hàng, quán cafe cấm trẻ em cũng không phải chuyện lạ. Điều mà chúng ta có thể thấy được khi quan sát cuộc tranh luận này không phải là chuyện cấm hay không cấm, mà là cách nhìn nhận về trẻ em trong các không gian công cộng và bán công cộng.
Nếu chỉ nói đơn thuần là cấm vì trẻ em nghịch ngợm, làm ồn, dường như ta đang đơn giản hóa vấn đề và cách giải quyết. Hơn nữa, nhu cầu sinh hoạt gia đình ở những không gian công cộng là chính đáng. Việc cấm chỉ giải quyết vấn đề bên phía những người làm dịch vụ, nhưng lại tạo vấn đề cho nhiều khách hàng.
Vậy đứng từ nhiều góc nhìn khác nhau, ta có thể đánh giá sự việc theo cách nào?
Nhìn nhận công bằng về trẻ em
Lý do trực tiếp mà quán cafe đưa ra là bởi trẻ em có thể làm ồn, chạy nhảy, hoặc quậy phá trong không gian của quán. Ẩn bên dưới lý do này là một quan niệm về trẻ em như những cá nhân thiếu thốn các quan niệm xã hội và những hành xử theo lẽ thông thường trong không gian công cộng hay bán công cộng.
Nhìn vào trẻ em như một tập hợp đồng nhất như vậy, các quán cafe dễ dàng đưa ra quyết định - cấm. Thế nhưng, rõ ràng trẻ em không phải là nhóm duy nhất làm ồn tại các không gian chung.
Những nhóm thanh niên biến quán trà chanh thành sòng bài, những bà cô trung tuổi xúng xính váy áo biến quán cafe thành studio chụp ảnh, hay những nhóm học sinh đi họp dự án - tất cả đều có thể là nguồn cơn gây ồn ào, ảnh hưởng tới những người xung quanh và tới việc kinh doanh của đơn vị.
Cách giải quyết với trường hợp người lớn làm ồn thường là nhắc nhở riêng. Nhưng khi trẻ em làm ồn, thì cấm lại là cách giải quyết được nhất trí cao. Tâm lý này xuất phát từ cách nhìn nhận rằng tất cả trẻ em thì đều có thể hành xử bột phát bất cứ lúc nào.
Quan niệm này có phần “khái quát hoá” với các bạn nhỏ, bởi không phải đứa trẻ nào cũng quấy và thích làm loạn. Nhiều đứa trẻ dù nghịch nhưng cũng rất nghe lời người thân, và sẽ tự điều chỉnh hành vi khi có sự nhắc nhở nghiêm khắc từ bố, mẹ.
Bên cạnh đó, việc mang trẻ con cùng ra cafe đôi khi là phương án tiết kiệm thời gian, sức lực, và tiền bạc nhất cho các bậc phụ huynh. Một lệnh cấm như vậy vô tình gạt cả trẻ em lẫn các gia đình có con ra khỏi không gian xã hội.
Các quán cafe có đang gánh quá nhiều trách nhiệm?
Dường như các quán cafe nói riêng, và các không gian bán công nói chung đang phải chịu nhiều áp lực tới từ những nhu cầu sử dụng dịch vụ khác nhau của những nhóm khách khác nhau. Có người đến cafe để làm việc, có người đến để hội họp, và việc thỏa mãn tất cả những nhu cầu này khiến nhiều quán cafe lúng túng.
Các không gian bán công mang một phần đặc tính của không gian công cộng, nhưng có tính riêng tư bởi ta phải tuân theo những quy định đặt ra bởi những người quản lý. Những nơi này vừa giải quyết nhu cầu xã hội của người dân, vừa là nơi kinh doanh với những quy định riêng của người chủ.
Tại Hà Nội, những không gian thực sự rộng mở và thân thiện với trẻ em chỉ xuất hiện ở các khu tập thể cao cấp hay những tổ hợp giải trí, sáng tạo. Không phải ai cũng có điều kiện sống ở những khu tập thể xa hoa, và việc thường xuyên đưa trẻ tới các tổ hợp giải trí có thể là một gánh nặng tài chính thực sự với các gia đình trung lưu trở xuống.
Còn ở các khu tập thể cũ hay khu dân cư thông thường, sân chơi vẫn có nhưng không lớn và vị lấn chiếm bởi các hoạt động kinh doanh, hoặc bởi các hoạt động thể thao, văn nghệ của người lớn.
Trong bối cảnh này, những quán cafe trở thành nơi duy nhất để các bậc phụ huynh đưa con đi và gặp gỡ bạn bè mà không cần hầu bao rủng rỉnh. Thế nhưng lại có rất ít quán cafe có đủ năng lực và hạ tầng để phục vụ các khách hàng nhí. Đây chính là tình thế tiến thoái lưỡng nan của nhiều gia đình có con nhỏ.
Việc sinh hoạt và tương tác trong không gian bán công là sự thỏa hiệp giữa người chủ và khách hàng, cũng như giữa những nhóm người dùng dịch vụ khác nhau. Để làm điều này, các bên cần lắng nghe nhau, thay vì áp đặt tuyệt đối.
Hằn học có phải cách giải quyết hiệu quả?
Bên cạnh cuộc đối thoại về chuyện cấm hay không cấm, một số người mở ra một hướng tiếp cận khác: cấm thế nào để sự việc không rùm beng và lôi kéo những sự chú ý tiêu cực. Những người này không thể hiện chính kiến với thông báo của quán cafe, mà quan tâm nhiều hơn tới cách quán đưa ra thông báo.
Theo họ, thông tin này đã có thể được truyền đạt một cách cẩn thận và thân thiện hơn là một bài đăng ngắn và có phần áp đặt, quy chụp với tất cả trẻ em và những gia đình có trẻ em. Tông giọng và cách dùng từ trong thông báo cũng dễ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, đặc biệt là người có con nhỏ.
Bên cạnh đó, vụ việc có thể giải quyết được bằng các biện pháp dân sự thông thường (theo blogger Trần Tiến, người có quan điểm rõ ràng về sự việc). Quán cafe có thể tận dụng đặc tính của không gian bán công để quán triệt tinh thần với các gia đình có con nhỏ khi họ bước vào quán.
Cách tiếp cận này vừa giải quyết được vấn đề, vừa thúc đẩy sự đối thoại giữa các bên. Nó cũng cho thấy sự tôn trọng của những người chủ đối với nhóm khách hàng có con nhỏ, bởi lệnh cấm mang tính áp đặt có thể gây khó chịu cho những bậc phụ huynh có thể đảm bảo cách hành xử của con mình.
Đây vẫn chỉ là một giải pháp ngắn hạn. Để tránh những sự việc này, chúng ta cần nhiều hơn những không gian vui chơi công cộng thực thụ dành cho trẻ em. Đây vừa là dịp để chúng ta nghĩ về các phương án quy hoạch thành phố trong tương lai, vừa là cơ hội phát triển cho các mô hình kinh doanh dành cho trẻ em hoặc thân thiện với trẻ em.