Làm thế nào để startup cân bằng giữa lợi nhuận và ảnh hưởng về mặt xã hội?
Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.
Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.
Quỹ đầu tư mạo hiểm đã trở thành một khái niệm quen thuộc đối với mọi tầng lớp trong xã hội. Trong thời đại công nghệ phát triển chóng mặt, hệ quả tất yếu là sẽ luôn có một bộ phận bị bỏ lại phía sau. Và đó là lý do quỹ đầu tư mạo hiểm tạo tác động cho xã hội (impact capital firm) ra đời.
An Đỗ hiện là Principal tại Patamar Capital, một quỹ đầu tư tạo ra tác động xã hội. Xu hướng này xuất hiện gần một thập kỷ trở lại đây. Mô hình quỹ đầu tư này dựa trên sự tương quan cân đối giữa lợi nhuận và các tác động của xã hội. Vậy mô hình quỹ đầu tư này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thế nào để giữ mối tương quan này được cân bằng và thích nghi với tốc độ phát triển hiện đại?
Đầu tư như trồng cây măng cụt
Khi tốt nghiệp đại học, An đã ứng tuyển vào ngành quản lý quỹ đầu tư, cũng là ngành An thích. Sau đó, An nhận công việc đầu tiên tại DWS. Năm 2014, trong một lần về Việt Nam tìm kiếm cơ hội trước khi quyết định quay về. Nhờ lời khuyên từ những anh chị trong ngành, An nhận ra mình đã trải nghiệm được vòng đời của một quỹ đầu tư, từ gọi vốn, giải ngân, quản lý và đề ra chiến lược cho doanh nghiệp, đến khi thoái vốn. Một vòng đời này diễn ra trong 7 đến 11 năm. Và ở năm thứ 7 trong sự nghiệp, An quyết định quay về Việt Nam.
Khi được hỏi về sự khác biệt giữa quỹ đầu tư tư nhân (private equity hay PE) và quỹ đầu tư mạo hiểm VC, An đã mượn hình ảnh một cây măng cụt để giải thích. Đây cũng là loài cây mà An gắn bó trong tuổi thơ. Và một cây măng cụt cũng cần 8 đến 10 năm để kết trái từ lúc gieo hạt. Theo An, hai nhánh quỹ đầu tư nào chỉ khác nhau ở chỉ số mạo hiểm mà quỹ phải chịu, liên quan đến giai đoạn trưởng thành của một startup.
Một nhà đầu tư PE sẽ đầu tư vào cổ phần của một công ty tư nhân chưa được niêm yết. Họ sẽ muốn mua một vườn măng cụt đã được 8 đến 10 năm tuổi. Lúc này, họ đã có thể tính toán được sản lượng sẽ như thế nào. Với những rủi ro trong lúc gieo mầm đã biến mất, nhà đầu tư lúc này sẽ tập trung hơn vào những tiềm năng trong tương lai.
Nhà đầu tư mạo hiểm VC là người sẽ mua một mảnh đất trống và một bao hạt giống măng cụt. Lúc này, họ chấp nhận tất cả rủi ro trong 5 đến 8 năm tiếp theo. Tuy vậy, nhà đầu tư PE hay VC đều mong muốn vườn cây của mình sẽ có những cây khoẻ mạnh và trĩu quả ngọt.
Thay đổi để tạo ra thay đổi
Khi làm việc tại PE, An chủ yếu làm việc với những doanh nghiệp đã xác định được mô hình kinh doanh, lợi nhuận và doanh thu cũng đã được chứng minh. Hiện tại, khi chuyển sang quỹ đầu tư mạo hiểm, An lại tìm kiếm những doanh nghiệp còn ở buổi bình minh. Đây chính là những hạt giống sẽ trở thành một cây to bóng cả trong ngành công nghiệp họ theo đuổi.
Thế nhưng, công việc tại một quỹ đầu tư tạo ảnh hưởng cũng khác với VC truyền thống. Khi thẩm định một dự án, An vẫn xem xét đến khía cạnh kinh doanh, lợi nhuận và đội ngũ. Đồng thời, An lại đặt trọng tâm vào tiềm năng truyền cảm hứng cũng như những hiệu quả về mặt xã hội của doanh nghiệp. Đặc biệt, An sẽ tìm hiểu lòng nhiệt thành của những nhà sáng lập, từ góc nhìn của một nhà đầu tư ảnh hưởng.
Khi chuyển đổi mô hình quỹ đầu tư, An chia sẻ bản thân đã thay đổi cách tiếp cận khi tìm hiểu về một startup. Khi làm việc ở PE, An tập trung vào những hiệu quả và tiềm năng trong tương lai của startup. Giờ đây, óc phán đoán của An dựa vào quy luật vòng đời của một công ty.
Một vòng đời công ty bao gồm 3 giai đoạn:
- Tìm kiếm và chứng minh giá trị của sản phẩm và định hướng phát triển,
- Bứt phá tăng trưởng,
- Xác định và duy trì vị thế trên thị trường.
An phải là người “cùng bay” với những startup từ giai đoạn đầu tiên. Trong quá trình làm việc, An càng chú trọng hơn yếu tố về đội ngũ và con người. Theo thống kê tại Mỹ, một công ty có xu hướng thay đổi mô hình kinh doanh khoảng 3 lần. Với sự thay đổi khó tránh khỏi này, An nhận định yếu tố con người là chìa khóa để các startup có thể thích nghi và tiếp tục phát triển và chuyển hoá.
Thước đo cho sự thành công
Được thành lập vào 2011, Patamar là quỹ đầu tư tạo ảnh hưởng tiên phong trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á, tập trung giải ngân và hỗ trợ các startup về công nghệ từ giai đoạn hạt giống đến series A. Một số dự án có thể đã trở thành những cái tên quen thuộc như: Topica, Giúp Việc, Kim An, Mio và Vigo. Điểm khác biệt với các VC khác là Patamar biết được ảnh hưởng về mặt xã hội mà quỹ đầu tư mong muốn là gì.
Patamar tập trung vào hai đối tượng chính: nhóm người tiêu dùng đại chúng và nhóm các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Đây cũng là phần đa số tại khu vực Đông Nam và Nam Á. 4 ảnh hưởng mà Patamar muốn mang lại cho 2 nhóm đối tượng trên là:
- Tạo thêm việc làm,
- Tăng thêm thu nhập,
- Giảm chi phí sinh hoạt,
- Giúp họ tiếp cận được những sản phẩm và dịch vụ mà họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận.
Những ảnh hưởng trên không dễ dàng đo lường bằng số. An và những nhà sáng lập thường có 60 ngày cùng ngồi lại để quyết định phương thức đo lường. Thông thường, An sẽ thu hẹp phạm vi đối tượng để có thể dễ khảo sát hơn. Và với mỗi cá nhân trong nhóm đối tượng ấy, An sẽ khuyến khích doanh nghiệp nhìn vào những thay đổi của bản thân họ, mở rộng ra người thân và gia đình tuỳ vào ý nghĩa dựa án hướng đến.
Trong 2 năm làm việc tại Patamar, An chia sẻ mình cũng nhận thấy nhiều định kiến về quỹ đầu tư tạo ảnh hưởng. Không chỉ đến từ bên ngoài ngành đầu tư, mà cả những VC truyền thống cũng có những ý kiến trái chiều. Tuy vậy, An tin rằng nếu tiếp tục làm việc với một cái đầu lạnh và một trái tim nóng, quỹ đầu tư tạo ảnh hưởng sẽ tạo ra được những tác động tích cực đến xã hội. Và đó cũng là nguồn động lực An dành cho chính bản thân mình.
Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.