Làm việc tự do (freelance) - Cuộc sống không màu hồng

Làm việc tự do (freelance) cũng vui đấy nhưng là vì bạn chưa thấy toàn bộ bức tranh thôi. Thực tế như thế nào? Để freelancer này kể cho mà nghe!

Adele Doan
Nguồn: Unsplash

Nguồn: Unsplash

“The grass is always greener on the other side” – Đây là cách nhiều người làm toàn thời gian đang nhìn về công việc tự do (freelancing): một bức tranh màu hồng.

Bề ngoài, cuộc sống của những người làm việc tự do (freelancer) như tôi có thể khiến nhiều người nghĩ là thiên đường: thu nhập chủ động, linh hoạt về thời gian và công việc, tự do làm điều mình thích với vô số chuyến du lịch cùng trải nghiệm mới, thoát khỏi áp lực bủa vây từ sếp hay khách hàng.

Nhưng thực tế có phải vậy?

Câu trả lời là có, nhưng không phải toàn bộ bức tranh. Điều này cũng giống như khi tôi thấy bạn bè cập nhật trên Instagram về những chuyến công tác nước ngoài, về những văn phòng sang chảnh hiện đại khi làm việc ở tập đoàn đa quốc gia, về những thu nhập cao ngất hay những đợt mua sắm thả ga. Vì đằng sau những thứ hào nhoáng đó có thể là chuỗi ngày làm việc over-time đến 12 giờ đêm, là khách hàng gửi mail lúc 10 giờ tối cũng phải mở laptop trả lời, là những mâu thuẫn không hồi kết trong công việc với sếp, với khách hàng, hoặc những deadline phải hoàn thành trong vài giờ.

Bài viết này sẽ chia sẻ một góc khác của bức tranh – đầy thực tế, không huyễn hoặc hay làm màu từ những trải nghiệm và quan sát thật nhất của bản thân.

7. Thu nhập giảm

Theo quan sát của tôi thu nhập của người làm freelancer sẽ giảm so với người làm toàn thời gian ít nhất là trong giai đoạn đầu. Đặc biệt, điều này sẽ cảm nhận rõ hơn khi bạn đang có vị trí cao, sự nghiệp vững chắc trong các công ty, tập đoàn lớn. Nguyên do là bạn không còn nguồn thu nhập nào chống lưng hàng tháng. Bên cạnh đó, việc thích nghi với tình trạng mới hay tìm khách hàng, nguồn việc cũng chiếm dụng kha khá thời gian nếu bạn không có sẵn những mối quen biết.

Thu nhập giảm sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và những kế hoạch của bạn trong tương lai. Mọi người thường nghĩ thu nhập giảm thì giảm chi tiêu là được. Nhưng thu nhập của chúng ta ngoài chi cho nhu cầu thiết yếu của bản thân còn dùng để tiết kiệm, đầu tư, trả nợ hay chăm sóc cho những người thân yêu. Thu nhập hàng tháng giảm kéo theo việc bạn phải thay đổi toàn bộ kế hoạch quản lý tài chính cá nhân. Nhưng không dừng ở đó…

Người làm việc tự do thường phải làm nhiều việc khác nhau cùng một lúc để bù đắp sự không ổn định của các nguồn thu. Nhà văn Khải Đơn từng chia sẻ trong một talkshow rằng cô đã phải làm 6 công việc một lúc như viết bài PR, viết review, dịch thuật, viết báo…để có thêm thu nhập. Và đa phần, không phải tất cả đều xuất phát từ sở thích.

Nghĩ theo một cách tích cực thì đây là cơ hội để bạn quan sát và quản lý cách chi tiêu của mình: không ăn hàng nữa mà bắt đầu nấu ăn, không mua sắm đồ mới mà phối lại những bộ hiện có hoặc mua đồ cũ dùng lại, thay vì ra ngoài cafe thì hẹn bạn về nhà cùng uống trà. Việc giảm chi tiêu, thực hành lối sống tối giản khi hoàn cảnh bắt buộc sẽ giúp bạn nghiêm túc, triệt để và kiên trì hơn.

6. Những mối quan hệ nhạt dần

Khi đi làm toàn thời gian bạn sẽ có rất nhiều mối quan hệ từ đồng nghiệp, đối tác, khách hàng hay người trong ngành. Nhưng khi lựa chọn làm tự do dù cho cùng hay khác lĩnh vực chuyên môn trước đây, những tương tác đó cũng giảm đi và dần biến mất nếu không chủ động duy trì.

Rời khỏi thị trường lao động một thời gian, vị trí của bạn trong ngành có khả năng lớn sẽ suy giảm. Nguyên do là mọi người có thể đã quên bạn vì bạn không còn nói những chủ đề họ đang nói, không còn mang lại những giá trị họ cần hay vị trí của bạn đã có người thay thế. Theo nghiên cứu của PwC trên 427 000 phụ nữ ở UK thì có 249 000 người có xu hướng chấp nhận những vị trí thấp hơn khi quay lại thị trường lao động.

Dĩ nhiên, việc có một mạng lưới xã hội rộng sẽ hỗ trợ đắc lực cho công việc và cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, việc dành thời gian cho quá nhiều mối quan hệ sẽ khá khó khăn cho những người làm tự do có giờ giấc không ổn định và phải thường xuyên xê dịch, theo như chia sẻ của nhà văn Khải Đơn. Thế nên cô gợi ý: hãy biết sàng lọc và ưu tiên những mối quan hệ thực sự chất lượng. Thường xuyên mời đi ăn hay cập nhật thông tin của nhau là những cách chủ động tương tác giúp bạn tiếp tục xây dựng các mối quan hệ sâu sắc trên.

5. Không còn phúc lợi, phải tự lo bảo hiểm

Làm việc tự do rồi mới thấy những phúc lợi trước kia khi còn làm toàn thời gian cũng quan trọng lắm. Làm việc tự do là bạn sẽ không còn công ty để đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm sức khỏe (nếu có), chưa kể đến những hỗ trợ về nghỉ dưỡng, đào tạo, công tác phí hay trợ cấp cho các trường hợp rủi ro.

Điều này đồng nghĩa bạn phải tự tìm hiểu một lĩnh vực hoàn toàn mới là bảo hiểm, bao gồm: cách thức đăng ký và tham gia bảo hiểm y tế, lên lịch khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm hay lựa chọn các gói bảo hiểm sức khỏe chuyên sâu. Ngoài ra, các chi phí liên lạc, gặp gỡ khách hàng cũng sẽ phải tự liệu tính và đôi khi nó cũng ngốn một phần kha khá trong nguồn tài chính eo hẹp của bạn. Các khóa học để nâng cao kĩ năng, các sự kiện kết nối để duy trì hay xây dựng tên tuổi trong ngành hoặc thể hiện năng lực cạnh tranh cũng là những đầu tư bạn phải cân nhắc khi quyết định chuyển đổi sang công việc tự do.

4. Sự nghiệp và kỹ năng chuyên môn gián đoạn

Lưu ý rằng làm tự do sẽ khiến bạn đối mặt với nguy cơ vụt mất những cơ hội thăng tiến nếu sau này quay lại vị trí chính thức. Nguyên do là thị trường lao động đã thay đổi quá nhiều và có khả năng bạn đã bị những người hiện tại trong ngành bỏ xa. Khoảng cách này sẽ càng lớn khi bạn quyết định chuyển hướng sang làm tự do cho một lĩnh vực hoàn toàn khác.

Hãy nhìn vào thực tế này: người làm tự do bị phụ thuộc rất lớn vào dự án, khách hàng hay các áp lực tài chính nên có thể sẽ phải làm mãi một công việc mà không có thử thách phù hợp để phát triển. Những nhân viên chính thức, với một lộ trình thăng tiến được hoạch định sẵn cùng sự hỗ trợ, thôi thúc của các cấp quản lý sẽ có cơ hội cao hơn để tiến bộ và nâng cao kĩ năng.

Vậy nên khi làm freelancer bạn cần nghiêm túc tự lên kế hoạch phát triển cho bản thân như học kỹ năng mới, tham gia hội thảo, cập nhật kiến thức trong ngành và thử thách chính mình với những dự án khó hơn, yêu cầu cao hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh.

3. Mất đi cơ hội học hỏi không tốn phí

Làm việc tự do bạn cần phát triển khả năng tự học rất nhiều. Tự đọc sách, tự nghiên cứu, tự bỏ tiền cho các khóa học. Còn khi đi làm tại công ty, bạn có cơ hội tham gia các chương trình đào tạo nội bộ, được định hướng, dẫn dắt chuyên môn từ cấp quản lý, được tiếp xúc, truyền lửa từ các anh chị đi trước, các CEO, các nhà lãnh đạo đầy cảm hứng hay học được cách ứng xử linh hoạt trong môi trường công sở.

Nhưng nói thế không có nghĩa làm tự do không mở ra cho bạn các cơ hội học hỏi. Phần lớn những bài học này sẽ không tập trung vào chuyên môn mà xoay quanh những vấn đề liên quan đến kinh doanh hay hợp tác. Bạn biết đấy, làm tự do ở một mặt nào đó khá tương tự với mở công ty riêng và bạn là người điều hành nó.

Vì thế hãy làm quen với những kiến thức liên quan đến marketing, kế toán, lập proposal, liên hệ đối tác, thương thảo hợp đồng, kết toán thuế, quản lý dự án… Ưu điểm là khi đã rành rẽ những điều trên, bạn sẽ trở nên “bất khả chiến bại” dù là trong môi trường làm tự do hay toàn thời gian. Tuy nhiên, khuyết điểm là khi có sai sót xảy ra, bạn cũng là người hứng chịu mọi hậu quả, phần lớn rơi vào hai trường hợp: mất tiền hoặc mất danh tiếng.

2. Khó khăn trong việc quản lý bản thân

Đây cũng là khó khăn và thử thách lớn nhất mà bất kỳ ai chọn con đường này cũng gặp phải. Sẽ không còn sếp hối thúc, không còn KPIs của công ty. Bạn toàn quyền quản lý và sử dụng thời gian của bản thân. Và sẽ rất dễ sao lãng và để bản thân trượt dài so với kế hoạch làm việc khi đối mặt với các cám dỗ đến từ việc thư giãn, giải trí.

Nhà văn Khải Đơn từng chia sẻ: cô quyết định dừng công việc toàn thời gian vì nó quá bận rộn và ảnh hưởng tới sức khỏe cá nhân. Nhưng rồi hai tháng đầu sau khi nghỉ việc cô chỉ dành để ăn và xem phim trên Netflix nên thực tế sức khỏe của cô cũng không cải thiện là bao. Làm việc tự do sẽ hiệu quả và giúp bạn đạt được những điều bạn mong muốn khi và chỉ khi bạn có thể tự kiểm soát, quản lý bản thân thật tốt.

Bên cạnh đó, làm tự do cũng buộc bạn phải năng nổ hơn để tìm kiếm các cơ hội việc làm. Nếu là một người không thường xuyên hay không thoải mái chủ động phát triển các mối quan hệ công việc, bạn sẽ càng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sự ổn định của nguồn thu nhập. Thế nên việc quản lý bản thân ở đây không chỉ dừng lại ở kỷ luật thời gian, khối lượng công việc mà còn cả bước ra khỏi những thói quen thụ động và sự dè dặt đang níu chân bạn.

1. Cảm giác chênh vênh, không ổn định

Chênh vênh là cảm giác thường gặp khi mới bắt đầu làm việc tự do. Chênh vênh là khi bạn thấy mình đang lựa chọn con đường không giống đa số mọi người. Là cảm giác khi bạn bè đang có một sự nghiệp ổn định và ngày càng thăng tiến trong khi bạn vẫn loay hoay để hiểu bản thân mình hơn hay chập chững những bước đầu trong một môi trường hoàn toàn xa lạ. Là cảm giác khi thấy bạn bè đã lập các kế hoạch cuộc đời trong khi bản thân vẫn đang chao đảo với một công việc nay đây mai đó.

Sự không ổn định này không chỉ xuất phát từ những suy nghĩ so sánh trong đầu mà một phần rất lớn tuôn ra từ những bấp bênh thực sự trong cuộc sống: những nguồn thu nhập không ổn định, một giờ giấc làm việc thất thường hay không thấy rõ các bước phát triển sự nghiệp. Vì thế hãy vạch ra mục tiêu rõ ràng, lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi quyết định bước chân vào con đường làm việc tự do này.

Kết

Lựa chọn con đường nào cũng sẽ có ưu và nhược điểm riêng, có những mảng sáng và mảng tối. Vậy nên trước khi đưa quyết định có nên nghỉ việc để chọn làm việc tự do hay không thì ngoài những viễn cảnh màu hồng bạn cũng nên cân nhắc và chuẩn bị trước cho những khó khăn, áp lực mà tôi đã chia sẻ trên đây. Chúc các bạn luôn hạnh phúc và sống hết mình với lựa chọn của bản thân.

Bài viết được thực hiện bởi Adele Doan.

Xem thêm:

[Bài viết] Office Gossip: Làm gì khi cân bằng cuộc sống và công việc là điều không tưởng?

[Bài viết] Kinh nghiệm tiết kiệm tiền khi sống tự lập


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục