Liệu sinh con có phải là mục đích cuối cùng của hôn nhân?

Nữ giới được “trang bị” những đặc tính sinh học sẵn sàng cho việc sinh con. Nhưng có nhất thiết tất cả phụ nữ đều phải “dùng” đến những chức năng đó?
Nhà Nhiều Cột
Nguồn: Irish83 @ Unsplash

Nguồn: Irish83 @ Unsplash

“Nghĩ ngắn, ham chơi ích kỷ. Có đứa con kết nối tình cảm sẽ càng hạnh phúc hơn.”

“Bây giờ còn trẻ thì nói vậy chứ đến già không có ai chăm mới sáng mắt ra.”

Đó là một số bình luận trái chiều về quyết định không sinh con của vợ chồng chị Phạm Bích Ngọc (31 tuổi) và anh Trịnh Nam Thái (31 tuổi). Theo cặp đôi này, sinh con là quyết định của họ, không ai có thể quyết định thay, kể cả bố mẹ. Tuy nhiên anh Thái chia sẻ, quyết định trên đã khiến họ phải chịu nhiều áp lực từ xã hội và nhất là từ bố mẹ hai bên.

Sự việc trên một lần nữa buộc chúng ta phải đặt câu hỏi: Liệu sinh con có phải mục đích cuối cùng của hôn nhân? Tại sao quyết định không sinh con lại bị gán nhãn là “ích kỷ”, “nhìn ngắn”, “bất hiếu” hay “trái tự nhiên”?

Mục đích của hôn nhân trong quá khứ

Trong lịch sử, mục đích phổ biến nhất của hôn nhân là tạo mối liên kết giữa những người xa lạ. Từ thuở sơ khai, con người đã biết dựa vào cộng đồng để sinh tồn, và hôn nhân trở thành công cụ củng cố mối liên kết giữa con người. Theo đó, người làm chủ gia đình, bộ tộc sẽ quyết định hôn nhân của con cái. Nơi nào môi trường tự nhiên càng khắc nghiệt, hôn nhân càng bị kiểm soát chặt chẽ và ngược lại.

Trong thời kỳ phong kiến, hôn nhân được coi như hình thức liên minh kinh tế và chính trị. Ý tưởng tôn vinh tình yêu như mục đích quan trọng nhất của hôn nhân mới chỉ ra đời vào thế kỷ 18 ở châu Âu đã tạo ra một cuộc cách mạng. Tại thời điểm đó, con người bắt đầu có sự độc lập với gia đình, cũng như nhận thức về quyền cá nhân và sự bình đẳng.

Tại Việt Nam, các bộ luật hôn nhân cũ góp phần duy trì chế độ phụ hệ và đảm bảo chức năng sinh sản của gia đình. Bộ luật Hồng Đức thế kỷ 18 buộc chồng phải bỏ vợ nếu người vợ không có con. Năm 1815, bộ Luật Gia Long cho phép chồng bỏ vợ nếu không sinh con trai, việc hiếm muộn bị coi là “ác tật”.

Năm 1959, luật hôn nhân cấm người bất lực hoàn toàn về sinh lý kết hôn. Năm 2000, luật cấm người đồng giới kết hôn. Ngoài ra, chỉ sau năm 1959, luật Việt Nam mới thay thế chế độ đa thê sang một vợ - một chồng.

Không sinh con là bất hiếu?

Theo Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, việc hướng đến các giá trị con cái truyền thống khá phổ biến ở những gia đình nông thôn Việt Nam, đặc biệt ở đồng bằng sông Hồng, Cửu Long và Tây Nguyên. Ví dụ có thể kể đến dùng con cái để duy trì hôn nhân, coi trọng việc có con để làm hài lòng cha mẹ và giá trị an sinh của nó (coi con như “bảo hiểm” tuổi già). Những nơi này cũng xem trọng quan điểm giữ gìn nền nếp gia phong cho con cháu.

Còn ở các thành phố lớn, tỷ lệ người dân chấp nhận các giá trị “mới” trong hôn nhân cao hơn (như sống độc thân, mẹ đơn thân, hôn nhân đồng giới, chung sống không kết hôn, kết hôn không sinh con…). Họ đề cao giá trị tình cảm của con cái, và đánh giá thấp giá trị an sinh của việc có con so với nông thôn. Họ cũng coi trọng giá trị cuộc sống vợ chồng riêng tư trong đảm bảo sự bền vững gia đình, và mong muốn sống riêng khi về già.

Như vậy, quan niệm chủ đạo về con cái của người Việt hiện nay có sự khác nhau ở mỗi khu vực. Có nơi coi trọng giá trị tinh thần & sự độc lập, có nơi lại hướng đến bảo lưu truyền thống & kết nối cộng đồng. Đó là chưa kể mỗi cá nhân sinh trưởng trong môi trường hoàn toàn dị biệt, do đó luôn tồn tại sự đa tạp về hệ giá trị. Quy kết một người lựa chọn không sinh con là “bất hiếu” có thể nói là ngộ nhận, áp đặt mong muốn của bản thân lên tất cả mọi người.

Không sinh con là ích kỷ?

Từ năm 1945 đến 2019, tỷ lệ sinh con có xu hướng giảm dần tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ sinh con trung bình của mỗi phụ nữ giảm từ 4.99 xuống 1.95; tại Nhật Bản, tỷ lệ này giản từ 3.1 xuống còn 1.47. Ở châu Âu, tỷ lệ giảm từ 2.05 xuống 1.87 tại Anh, và từ 3.07 còn 1.29 ở Phần Lan.

Theo Forbes, xu hướng không sinh con đã gia tăng ở Mỹ qua ba thế hệ. Làn sóng này bùng lên vào cuối những năm 60, khi sáng kiến bình đẳng cho phụ nữ ra đời. Phụ nữ được tham gia làm việc trong những lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới và nắm quyền kiểm soát sinh nở bằng thuốc. Hiện nay, gần 20% người Mỹ trong độ tuổi 55-64 không có con. Con số này là gần 16% với người từ 65-74 tuổi, và gần 11% với người trên 75 tuổi.

Những lý do tỷ lệ sinh giảm có thể kể đến sự cạnh tranh của môi trường lao động, sự bất an về kinh tế, tiền và chi phí cơ hội khi nuôi dạy trẻ cũng như sự bất đồng về thể chế (gây ra bởi thái độ về gia đình, giới tính, việc nuôi con).

Chẳng hạn theo Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, mức thu nhập tiềm năng của phụ nữ có con giảm 20% so với chồng, và khả năng kiếm tiền của họ giảm 4% sau mỗi đứa con. Đối với nhiều phụ nữ, đây là chi phí cơ hội khá lớn.

Ngoài ra, việc không có con phần nào giúp cá nhân tiếp cận giáo dục tốt hơn, chủ động hơn trong sự nghiệp và tự do hơn trong tài chính. Tuy nhiên lựa chọn này lại khiến họ bị dán nhãn là “ích kỷ”, “kén chọn” hay “ham công việc”. Chẳng hạn tại Trung Quốc, phụ nữ độc thân trong độ tuổi cuối 20 bị coi là “hàng tồn” của xã hội. Họ bị áp lực chứng tỏ bản thân bằng chủ nghĩa tiêu dùng: tiêu tiền cho bản thân và tặng quà cho cha mẹ.

Có thể nói, không sinh con không còn là điều “bất thường” trong xã hội mà đang trở thành một “tâm thức” của thời đại. Trong bối cảnh địa chính trị hỗn mang, con người càng có thêm cơ sở để cân nhắc từng lựa chọn của mình. Việc quy kết một người lựa chọn không sinh con là “ích kỷ” dường như đến từ người có đặc quyền, hoặc không ý thức được bản thân có đặc quyền.

Không sinh con là trái tự nhiên?

Một quan điểm phổ biến cho rằng quyết định không sinh con là “trái tự nhiên”, chưa làm cha mẹ là chưa hạnh phúc. Trong khi việc sinh con ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể người phụ nữ, thì “làm mẹ” được lãng mạn hóa và coi như lẽ tự nhiên bằng cái nhãn “thiên chức”, công việc mang tính tự nhiên và thiêng liêng.

Theo nhà phê bình văn hóa Laura Kipnis, quan điểm coi “tình mẫu tử” và “bản năng làm mẹ” là tự nhiên nằm trong quy ước xã hội về phụ nữ vào một thời điểm lịch sử nhất định, chứ không phải điều kiện bất biến. Theo đó, chỉ từ thế kỷ XX, khái niệm “tình mẫu tử” mới trở nên phổ biến. Bởi trước đó 15-30% trẻ sơ sinh không sống quá 1 tuổi, dẫn đến phụ nữ không đủ khả năng gắn bó với tất cả con cái của mình.

Tương tự như vậy, trong thời kỳ công nghiệp hóa phát triển, phụ nữ có lựa chọn lao động để được trả lương. Vì vậy theo The Atlantic, khái niệm “thiên chức” người mẹ ra đời nhằm thôi thúc phụ nữ nên ở nhà. Thậm chí vào những năm 60, truyền thông Mỹ phát tán những câu chuyện giả tưởng chống lại mong muốn trì hoãn/từ chối kết hôn và có con của phụ nữ.

Tự nhiên cho con người cơ hội tạo ra con cái. Tuy nhiên, cơ hội ấy không biến việc sinh nở và nuôi con trở thành nghĩa vụ của chúng ta. Bởi theo nguyên tắc bình đẳng giới, mỗi cá nhân đều có quyền lựa chọn hoặc không sử dụng cơ hội của mình.

Góc khuất của mô hình gia đình hạt nhân

Kỳ vọng sinh con phần nào cho thấy mong muốn duy trì mô hình gia đình hạt nhân. Hiện nay, trong hầu hết các nền văn hóa, gia đình hạt nhân (1 vợ, 1 chồng và các con) là kiểu gia đình phổ biến nhất. Khái niệm này ra đời dựa trên quan điểm “phân vai”, đàn ông chu cấp còn phụ nữ thì nuôi dưỡng. Nó được xếp vào loại môi trường lý tưởng để nuôi dạy trẻ trong thế kỷ XX.

Tuy nhiên về mặt cấu trúc, gia đình hạt nhân củng cố giả định gia đình chỉ nên là dị tính. Trong đó, đàn ông luôn được coi là người duy trì dòng giống và người phụ nữ nhận trách nhiệm sinh sản. Hoàng đế Napoleon, một người đàn ông sinh ra trong thời kỳ đỉnh cao của chủ nghĩa duy vật siêu hình (chủ nghĩa coi thế giới là một cỗ máy) vào thế kỷ XX, đã cho rằng phụ nữ chỉ là “những cái máy sản xuất con cái”.

Về mặt kinh tế - xã hội, người đàn ông trưởng thành được “ban” quyền sở hữu vợ và con cái, kể cả quyền bạo hành thân thể họ. Chẳng hạn ở Mỹ, “đánh vợ” chỉ bị coi là phạm pháp từ năm 1920, và mãi tới thập niên 70 thì bạo hành gia đình mới được coi là một tội nghiêm trọng. Tương tự trong các nền văn hóa Á Đông, quan điểm “con trai nối dõi tông đường” khiến khả năng nắm giữ tài sản và quyền lực của phụ nữ bị giới hạn, thậm chí bất khả thi.

Xoay quanh tình yêu

Trong cuốn All About Love (Xoay quanh tình yêu), Gloria Watkins (bút danh bell hooks) lập luận, gia đình không phải là cái khung tốt nhất cho con người. Đúng hơn, chúng ta nên xây đắp đời sống của chúng ta xoay quanh tình yêu. Bà tin rằng chính cộng đồng, chứ không phải gia đình hạt nhân, mới mang lại tình yêu và an toàn cho nhân loại.

"Phần lớn các cuộc đối thoại về “giá trị gia đình” trong xã hội đều nhấn mạnh về gia đình hạt nhân, tức là gia đình gồm cha, mẹ và 1-2 đứa con là lý tưởng," hooks chỉ ra. "Ở Mỹ, đơn vị này được trưng ra như một tổ chức chính yếu và được ưa chuộng cho việc nuôi dạy trẻ em, một đơn vị đảm bảo hạnh phúc tối ưu cho tất cả. Tất nhiên, đây là một hình ảnh ảo tưởng về gia đình. Hầu như chưa có ai trong xã hội chúng ta được sống trong một môi trường như thế này".


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục