“Mai lại sang ăn cơm cùng bà cho vui nhé"
Một năm trước, mình biết tin bà bị ung thư trong khi mình đang đi du lịch. Chuyến bay về Sài Gòn hôm đó mình đã khóc rất nhiều. Khi nghe tin, tất cả những gì mình nghĩ đến là hộp nem bà làm cho mình mang vào Sài Gòn từ đợt mình về tốt nghiệp trước đó một tháng. “Đó (có thể) là hộp nem cuối cùng bà làm cho mình rồi”, mình đã nghĩ vậy.
Nói mình lớn lên cùng bà không hề sai, ký ức tuổi thơ của mình toàn về ông bà ngoại. Cũng khi nghe tin, đầu mình bỗng hiện lên những thước phim tua chậm về lại những ngày xưa. Về căn bếp nhà ông bà, về hình ảnh bà ngày nào cũng đưa đón mình đi học, về những bát bún sườn bà làm nóng hổi. Những bữa cơm bà làm trong suốt những năm tháng ấy, chưa có món nào dở, chỉ có món nào mình thích hơn và hay đặc biệt đòi bà làm hơn mà thôi.
Trộm vía một năm qua, sức khoẻ bà khá ổn. Bà đã làm thêm cho mình được hai hộp nem nữa trong hai lần mình về Hà Nội. Lần này mình về ngắn ngày, cũng không nói cho bà biết, định bụng làm bà bất ngờ. Nhưng rồi chính mình mới là người bất ngờ vì ngay khi bà thấy mình về, bà đã tất bật mua đồ gói nem. “Thấy cháu về thì phải làm nem ngay chứ".
Lần về này, mình quyết định sang nhà bà ăn cơm trưa thay vì cắm đầu vào công việc và tự ăn qua loa bữa trưa ở nhà. Bữa cơm chỉ có mọc kho và canh rau cải nhưng nước mắt mình cứ dâng lên, một phần vì bà liên tục gắp cho mình, bảo mình “ăn nhiều vào” - câu mà khi ở Sài Gòn chẳng có ai nói với mình.
Một phần vì những món bà làm có hương vị không khác gì mười mấy năm trước khi mình vẫn là một cô bé học tiểu học sống cùng ông bà. Đến giờ mình mới hiểu, bố mẹ, ông bà chỉ cần thấy con, cháu mình về, ăn được bữa cơm cùng nhau là vui không tả xiết.
Trước khi mình về, bà bảo “mai lại sang ăn cơm cùng bà cho vui nhé". Lúc ấy mình nghĩ, ước gì trưa nào mình cũng có thể ăn cơm với bà.