Mai Nguyên Anh: Sáng tạo dựa vào câu chuyện mình muốn kể

"Mình sẽ chia sẻ với họ tất cả những gì mình định làm một cách thành thật nhất, để sự tương tác của họ trở thành một phần của tác phẩm."
Thinh Hoang
Nguồn: Mai Nguyên Anh

Nguồn: Mai Nguyên Anh

Mai Nguyên Anh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Anh là một nghệ sĩ thị giác/nhiếp ảnh tập trung khai thác chủ đề đương đại bằng hơi hướng nghệ thuật. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Đại học kinh tế ở Anh, Nguyên Anh sang Trung Đông làm ký giả tự do.

Trở về nước, anh làm ký giả ảnh chính thức cho báo điện tử VnExpress được hơn một năm. Năm 2016, anh hoàn thành chương trình đào tạo tại International Center of Photography tại New York. Một lần nữa trở lại quê nhà, anh cùng ba người bạn Linh Phạm, Đào Thu Hà và Sơn Đặng sáng lập ra Matca - một dự án nhiếp ảnh tại Việt Nam.

Các tác phẩm của anh đa dạng về chủ đề, thường là những thứ anh quan tâm, hay bắt gặp trong cuộc sống và thay đổi theo quá trình trưởng thành của bản thân. Xuyên suốt những dự án anh từng thực hiện luôn mang ẩn dụ về mâu thuẫn hay nghịch lý xã hội. Người xem có thể thấy chúng qua các tác phẩm mang hơi hướng tư liệu tự sự. Nguyên Anh thường tự biến bản thân thành một phần của câu chuyện, hoặc kể câu chuyện dưới góc nhìn chủ quan của mình.

1. Lý do gì khiến bạn chọn những tác phẩm liên quan đến gia đình?

Dự án Gửi Anh Tuyền thực ra là dự án đầu tiên và hiện cũng là duy nhất liên quan đến gia đình. Những bức ảnh ban đầu được chụp chỉ nhằm mục đích kỷ niệm, lưu giữ lại cuộc đoàn tụ của bà ngoại mình và người anh trai thất lạc sau 63 năm xa cách.

Tuy vậy, cuộc đoàn tụ này cho mình thấy rõ được sự chia cắt dân tộc trong tâm khảm người Việt còn tồn tại tới tận ngày nay. Từ đó mình mới nghiêm túc thực hiện dự án.

2. Để nắm được tâm lý nhân vật cũng như thông tin lịch sử cho các tác phẩm của mình, bạn đã tìm hiểu và nghiên cứu những gì?

Ngoài lục lọi tư liệu gia đình, mình phỏng vấn tất cả những người thân có liên quan mật thiết tới câu chuyện. Mình thuyết phục mọi người chia sẻ những cảm nhận mà họ thực sự có.

Để có nền tảng lịch sử đa chiều hơn, mình đã gặp gỡ, phỏng vấn cộng đồng người Việt tại Mỹ. Mình tìm xem các tư liệu, phim ảnh về cuộc chiến tại Việt Nam cũng như các chương trình về đoàn tụ gia đình.

3. Điều gì khiến bạn khó chịu nhất về công việc của mình?

Mình cũng chưa nghĩ ra. Mình chấp nhận theo công việc này, và thực ra được làm nghệ thuật, thứ mình thích là một đặc ân. Trong khi nhiều người vất vả chân lấm tay bùn thì công việc của mình là tạo ra thứ mà mọi người cho là "đẹp". Hiểu vậy rồi thì chả còn gì để mà khó chịu nữa.

4. Bạn sẽ chụp ai nếu có thể chọn bất kỳ? Trong lúc họ đang làm gì?

Một loạt đàn ông Việt Nam, ở đủ mọi độ tuổi và ngành nghề, trong lúc họ đọc lá thư của mình để hoàn thiện dự án Ex-love Letter.

Cách đây 5 năm mình nhận được email từ một người mình chưa từng gặp hay nói chuyện. Nội dung của bức email khiến mình không thể đọc hết nó ở thời điểm đó. Gần 5 năm sau, mình đủ sự bình tĩnh để đọc hết bức thư. Trong dự án Ex-love Letter, mình chia sẻ bức thư với nhân vật và cùng họ tìm phương án trả lời và giải quyết những khúc mắc trong đó.

5. Bạn năm 10 tuổi sẽ nghĩ gì về công việc hiện tại của bạn?

Năm mình 10 tuổi, mình chưa từng nghĩ sẽ làm nghệ thuật hay nhiếp ảnh trong tương lai. Cả ba mẹ mình đều là kỹ sư, do vậy hồi bé mình luôn muốn làm việc gì đó liên quan tới máy móc.

Nếu mình 10 tuổi có lẽ mình sẽ nghĩ chụp ảnh nhiều thì máy ảnh phải hỏng, nên sẽ băn khoăn không biết mọi người đi sửa máy ảnh ở đâu.

6. Khoảnh khắc đóng vai trò như thế nào trong quá trình thực hành nhiếp ảnh của bạn?

Khoảnh khắc có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất của nhiếp ảnh, nó giúp nhiếp ảnh tách biệt khỏi những loại hình thị giác khác. Việc ghi lại được một khoảnh khắc đẹp hay đắt giá với mình là trải nghiệm cảm xúc tuyệt vời nhất của loại hình nghệ thuật này.

Tuy nhiên, trong thực hành của bản thân, mình tránh không phụ thuộc quá nhiều vào khoảnh khắc. Cũng như nhiều nhiếp ảnh gia, hay nghệ sĩ nhiếp ảnh khác, mình luôn hy vọng sẽ nắm bắt được khoảnh khắc, nhưng mình không săn lùng, tìm kiếm hay chờ đợi chúng.

Mình không muốn thực hành của mình chỉ dựa vào sự may rủi ngẫu nhiên, mà mình muốn sự may rủi ngẫu nhiên đó sẽ là một phần thêm vào cho những tư duy của bản thân để góp phần tăng giá trị cảm xúc cho tác phẩm.

7. Khoảnh khắc khiến bạn có thể tự tin gọi mình là một nghệ sĩ thị giác là lúc nào?

Khi tác phẩm của mình bắt đầu có người sưu tập.

Các dự án của mình thường kéo dài vài năm. Trong khoảng thời gian đó, đã có không biết bao nhiêu lần mình nghi ngờ khả năng của bản thân, sự khả thi của câu chuyện, bế tắc trong ý tưởng hay cách thực hiện và muốn từ bỏ.

Không biết bao nhiêu lần, mình đi làm các công việc khác để trang trải cuộc sống mà mình trở nên thoải mái, muốn bỏ hẳn việc làm nghệ thuật. Nhưng bằng một cách nào đó mình vẫn tiếp tục.

Triển lãm, tác phẩm được sưu tập hay các cơ hội tương tự khác là những thứ khiến mình thêm tin tưởng vào bản thân, và là động lực lớn để mình tiếp tục sáng tác. Vì ngoài kia vẫn có những người tìm được sự đồng cảm trong tác phẩm mình và tin vào vào chúng.

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory là không gian đầu tiên tại Việt Nam có chủ đích dành riêng cho nghệ thuật đương đại. Mang mô hình như một doanh nghiệp xã hội, The Factory tập trung vào các hoạt động văn hoá liên ngành nhằm giới thiệu và nâng cao kiến thức về nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.
Địa chỉ: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, 15 Nguyễn Ư Dĩ, Phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh
Thông tin liên hệ: art@factoryartscentre.com | +84 (0)28 3744 2589


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục