Mẫn Tiên: Một chặng đường học tập và tìm hiểu văn hóa Nhật Bản
Chia sẻ của Mẫn Tiên, cô mẫu teen của “Bộ Ba Sát Thủ” ngày nào, về quá trình du học của cô tại Đại Học Ritsumeikan APU, Nhật Bản và kế hoạch cho ngày cô trở về Việt Nam.
Bảy năm về trước, ba cô bạn xinh xắn Mẫn Tiên, Quỳnh Anh Shyn và An Japan cùng nhau chụp một bộ ảnh lưu niệm và đăng tải lên một trang mạng xã hội mới nổi ở Việt Nam. Thời bấy giờ, không ai trong số họ lường trước sức lan tỏa của cộng đồng Facebook đang dần lớn mạnh. Bộ ảnh bỗng được chia sẻ rộng rãi, mang lại cho ba cô mẫu “bất đắc dĩ” một sự chú ý ngay cả những người mẫu chuyên nghiệp cũng khó có được. Được cộng đồng mạng đặt tên “Bộ Ba Sát Thủ”, ba cô gái duy trì độ phủ sóng rộng trên Facebook, Instagram và YouTube, nơi họ chia sẻ bí quyết làm đẹp và trải nghiệm sống của mình. Cùng hàng ngàn bạn trẻ Việt khám phá sức mạnh của truyền thông mới, “Bộ Ba Sát Thủ” đánh dấu thế hệ social media influencers mới tại Việt Nam.
Tới thời điểm hiện tại, khi Quỳnh Anh Shyn tiếp tục con đường fashionista và An Japan kinh doanh thời trang, Mẫn Tiên lại có một bước ngoặt khác biệt – đi du học. Hội ngộ với cô mẫu teen trong một quán cà phê nhỏ nơi cô đang theo học, chúng tôi cùng nghe cô tâm sự về quá trình trưởng thành trên một miền đất mới.
Điều gì khiến bạn quyết định đi du học? Vì sao lại là nước Nhật?
Tiên đặt chân tới Nhật Bản phần nhiều do cái duyên. Mình vốn dự định đi châu Âu, thế nhưng sau buổi cà phê với một người bạn đang theo học Đại Học Ritsumeikan APU, Nhật Bản, mình nhanh chóng quyết định ứng tuyển. Từ đó tới lúc có kết quả chỉ vỏn vẹn hai tháng.
Về lâu dài, mình không muốn định cư ở nước ngoài nên đã chọn một điểm đến không quá xa cách về địa lý và văn hóa. Mình muốn dễ dàng bắt nhịp với cuộc sống ở Việt Nam ngày trở lại.
Bạn đã bị sốc văn hóa bao giờ chưa?
May mắn là chưa. Điều thú vị là có tới tận 500 người Việt tại trường nên mình hòa nhập rất nhanh. Chúng mình là một trong những cộng đồng sinh viên quốc tế đoàn kết và lớn mạnh nhất ở đây.
Người Việt có lầm tưởng nào lớn nhất về Nhật Bản, và ấn tượng nào đúng nhất về đất nước này?
Khi nhắc đến Nhật Bản, người Việt thường nghĩ tới chốn đô thị phồn hoa với dòng người cuốn theo guồng quay công việc và học tập hối hả. Truyền thông Nhật liên tục đưa tin về tỷ lệ tử tự tăng đỉnh điểm do áp lực xã hội.
Mình có cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở những thành phố không quá lớn và thấy một mặt khác của xã hội Nhật. Người Nhật ở đây có đời sống tinh thần rất phong phú bên cạnh công việc. Họ rất biết hưởng thụ. Cuối tuần bạn luôn bắt gặp họ trải mình trên bãi cỏ, cắm trại bên bờ hồ hay chơi đùa cùng con cái trong công viên. Mọi người rất tích cực đi lễ hội và tham gia vào các hoạt động cộng đồng.
Một ấn tượng đúng về Nhật Bản là lòng tin giữa người với người. Niềm tin với người Nhật có thể ví như không khí – bạn không nhìn thấy nó nhưng nó ở khắp mọi nơi. Tàu xe luôn đúng giờ. Túi xách không có khóa. Nhiều cửa hàng không có người trông coi, bạn có thể lấy một món đồ và để lại tiền trong một chiếc hộp không có nắp. Có thể đây là một sự so sánh khập khiễng, nhưng mình không khỏi buồn khi nghĩ về lòng tin trong xã hội Việt Nam hiện tại.
Cuộc sống học đường của bạn thế nào? Làm sao để bạn cân bằng giữa nhiều hoạt động như vậy?
Mình không phải tuýp học sinh gương mẫu (cười). Bố mẹ chưa bao giờ đặt nặng áp lực điểm số lên mình, họ tin vào triết lý thành nhân trước khi thành tài. Du học không chỉ là học tập ở một đất nước mới, mà còn là cơ hội trưởng thành theo một cách mới. Đầu kỳ học nào mình cũng hào hứng gặp gỡ bạn bè. Cùng ngồi trong lớp với mình là những người bạn đến từ mọi nơi trên thế giới, mọi tầng lớp và hoàn cảnh sống. Mình vỡ ra nhiều điều khi lắng nghe và tương tác với họ. Đó có thể là thói quen tốt như liên tục nói cảm ơn xin lỗi, hay sự nhạy cảm và kiên nhẫn với các nền văn hóa khác biệt đằng sau những hành động nhỏ đó.
Không bị chi phối bởi áp lực học hành, mình dễ dàng cân bằng cuộc sống hơn. Những tháng hè ở Việt Nam mình tích cực hoạt động và trở nên khá bận rộn. Nhưng chỉ cần về Nhật, cuộc sống của mình bình ổn và từ tốn trở lại.
Trải nghiệm của bạn khi hợp tác với những nhãn hàng ở Nhật Bản thế nào?
Mình may mắn được làm việc với nhiều công ty, tổ chức và chính phủ địa phương từ Nhật Bản ở lĩnh vực làm đẹp, du lịch và du học. Họ tìm đến mình để tiếp cận khách hàng Việt Nam một cách gần gũi và hiệu quả hơn. Tiếng nói của mình được tin tưởng vì độc giả biết mình sẽ không mạo hiểm hình ảnh cá nhân để quảng bá cho một sản phẩm kém chất lượng.
Thú thật, làm việc với người Nhật hơi áp lực hơn so với người Việt Nam. Mọi thứ luôn phải đúng tiến độ và thời hạn, gần như không có sự linh hoạt. Mặt tốt là họ đối đãi mình hết sức chu đáo và hào phóng. Dịch vụ ở Nhật đúng là không chê vào đâu được!
Những thay đổi trong môi trường sống ảnh hưởng thế nào tới tính cách và lối suy nghĩ của bạn?
Mình nghĩ về – và nghĩ cho gia đình nhiều hơn. Không rõ vì khoảng cách địa lý khiến mình lùi lại và thấm thía tình thương của bố mẹ hơn, hay đơn giản vì mình lớn rồi.
Thứ gì có ở Việt Nam mà bạn không thấy ở Nhật và ngược lại?
Bạn không thể tìm thấy nhiều rau củ quả ở đâu bằng ở Việt Nam. Bạn không thể tìm thấy toilet công cộng ở đâu sạch bằng ở Nhật.
Giới trẻ Việt và Nhật giống và khác nhau như thế nào?
Giới trẻ cả hai nước đều rất năng động. So với thế hệ trước đó, chúng ta giao tiếp cởi mở với những nền văn hóa khác hơn. Phong trào “xách ba lô lên và đi” chưa hết nóng ở cả hai nước – mọi người muốn nhìn ngắm thế giới, trải nghiệm và học hỏi từ những quốc gia khác. Lớp tiếng Việt ở trường mình luôn kín chỗ. Các bạn Nhật rất thích chương trình trao đổi sinh viên ở Việt Nam, có bạn còn ở lại luôn và bắt đầu làm vlog về cuộc sống ở đây. Về phía Việt Nam, nền kinh tế mới nổi đồng nghĩa với thực tế du học ở những nước phát triển là một khoản đầu tư khổng lồ so với thu nhập của cha mẹ. Tuy nhiên, người trẻ vẫn đi du học rất nhiều.
Giới trẻ hai nước khác nhau nhiều về hướng nghiệp và định nghĩa của sự thành công. Tại Việt Nam, rất nhiều cơ hội kinh doanh đang chớm nở cùng một định nghĩa mở về thành công. Người Nhật trẻ định nghĩa rõ ràng hơn: một chiếc ghế trong tập đoàn lớn nơi giữ bạn tại văn phòng 10 tiếng mỗi ngày, sự trung thành và ổn định. Ví dụ, đa số người trẻ Việt không ngại nhảy việc, miễn là họ đưa ra được một lý do hợp lý trong buổi phỏng vấn với công ty mới. Trong khi đó, xã hội Nhật đã thiết lập những định kiến khắt khe về sự trung thành của nhân viên nếu họ chỉ thay đổi chỗ làm sau một vài năm.
Nếu được giới thiệu một ý tưởng/concept từ Nhật tới Việt Nam và ngược lại, bạn sẽ chọn điều gì?
Mình sẽ mang sushi băng chuyền về Việt Nam. Ở Nhật, hầu hết các nhà hàng sushi băng chuyền thuộc phân khúc tầm trung, phục vụ người bình dân như một lựa chọn vui mắt và lành mạnh hơn so với một bữa nhậu. Thật tuyệt vời nếu như sinh viên Việt Nam cũng có thể thưởng thức sushi với giá mềm.
Người Nhật chắc sẽ rất thích thú với sự hiện diện của hàng rong và quán lề đường. Văn hóa ăn uống của họ quá chỉnh tề. Đậu phụ là một trong những món ăn phổ biến nhất ở Nhật, không hiểu sao họ vẫn chưa nghĩ ra món tào phớ!
Kế hoạch của bạn sau tốt nghiệp thế nào?
Mình muốn trở thành một influencer chuyên nghiệp, toàn thời gian. Trước khi đi du học có lẽ mình sẽ không cân nhắc lựa chọn này. Sự chú ý mọi người dành cho mình đến quá tình cờ. Lúc rời khỏi Việt Nam mình đã sẵn sàng… bị lãng quên, không ngờ mọi người còn ủng hộ mạnh mẽ hơn. Mình muốn đầu tư hơn vào chia sẻ kiến thức và trải nghiệm sống, đáp lại cảm tình của những người yêu mến mình. Mong những gì mình mang lại ngày trở về có thể ảnh hưởng tích cực tới thế hệ mới ở Việt Nam.
Nếu mọi thứ thuận lợi, bạn sẽ bắt gặp mình tại Sài Gòn sớm thôi.
Xem thêm:
[Bài viết] Những trải lòng của Nguyễn Sơn Tùng về du lịch chậm và nhiếp ảnh đường phố
[Bài viết] Travel Blogger Lý Thành Cơ: Cảm xúc là điểm đến