Marzuz: Trèo lên khỏi miệng hố bất ổn và cô đơn
Năm 11 tuổi, Trần My Anh cầm đàn guitar bước lên sân khấu Vietnam’s Got Talent, trình diễn hit Em về tóc xanh của diva Trần Thu Hà. Giọng hát trong trẻo cùng âm sắc đặc biệt đã thu hút người nghe nhạc ngay lập tức. Sân khấu đầu tiên của Trần My Anh vì thế mà thành công ngoài tưởng tượng.
Trở lại âm nhạc sau đó, Trần My Anh trở thành Marzuz – một cá tính âm nhạc độc đáo thuộc thế hệ nghệ sĩ gen Z của Việt Nam. Xây dựng hình tượng ca sĩ/ nhạc sĩ, Marzuz lần lượt phát hành các đĩa đơn Vì, Nếu, 3 phút, Và thế giới đã mất đi… được khán giả yêu thích và đồng cảm.
Đằng sau vẻ ngoài cá tính và gai góc của Marzuz là nội tâm đầy phức tạp. Đưa tâm trạng bất ổn của bản thân vào âm nhạc, cô kiến tạo một thế giới cô đơn nhưng đẹp đẽ, và nhu cầu vượt thoát khỏi thực tại nhàm chán.
Ngồi lại với Vietcetera, Marzuz chia sẻ câu chuyện từ “trái tim cô độc của mùa thu dài bâng khuâng những tâm tư” đến “và thế giới đã mất đi một người cô đơn.”
Câu chuyện đằng sau cái tên Marzuz là…
Marzuz đối với tôi là một mộng ước của thuở còn bé. Ngày đó, khi nằm cạnh bức tường trong lớp học (lớp 3), các bạn đang say giấc ngủ trưa thì có một đứa nhỏ tên My Anh “trằn trọc” không ngủ được. Đứa nhỏ ấy cứ mải mê nghĩ tới hình tượng một người ca sĩ đang giãi bày hết tâm tư của mình trước mặt không biết bao nhiêu người.
Cái tên Marzuz đến rất tự nhiên nhưng để lại ấn tượng rất mạnh, khiến tôi luôn nghĩ một ngày sẽ đưa cái tên đó ra ngoài những suy nghĩ của riêng mình. Cũng có vài ý kiến cho rằng cái tên Marzuz khó đọc, khó nhớ nhưng nó lại mang ý nghĩa rất lớn đối với tôi; không dễ và không thể từ bỏ được.
Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ Marzuz chính là một cá tính, một cá thể khác luôn muốn giúp đỡ My Anh có thể nói ra những tâm tư của mình. Bởi My Anh ngoài đời… thực sự không biết cách thể hiện cảm xúc của mình.
Bạn chỉ “chơi” với Soundcloud mà không có kênh Spotify, YouTube… vì sao vậy?
Thời điểm tôi bắt đầu đăng những sản phẩm của mình lên Internet là khoảng 2015 – 2016. Lúc ấy, chỉ có Soundcloud là nền tảng chia sẻ âm nhạc dễ sử dụng và dễ tiếp cận người nghe nhất. Spotify chưa xuất hiện ở Việt Nam còn Youtube lại có nhiều sản phẩm của những nghệ sĩ kỳ cựu và chuyện nghiệp.
Khi các nền tảng âm nhạc quốc tế bắt đầu mạnh hơn ở Việt Nam thì tôi lại rơi vào giai đoạn chậm lại để xác định cá tính âm nhạc của mình. Ngoài ra, tôi cũng chưa tìm được những cộng sự phù hợp nên những bài hát của tôi vẫn chưa có trên những nền tảng này. Nếu có, hầu hết đó là những bài hát được feature (cộng tác) mà thôi.
Marzuz đang giấu mình hay chưa đến thời điểm lập kênh chính thức để quảng bá âm nhạc của mình?
Nghĩ như vậy cũng được (cười).
Không phát hành nhiều sản phẩm, bạn muốn âm nhạc phải chắt lọc và kể câu chuyện của chính mình?
Tất cả nghệ sĩ đều có sự khó tính của riêng mình. Tôi không ra sản phẩm ồ ạt đơn giản là vì chưa đủ giỏi. Mỗi bài hát tôi đưa ra sẽ là một câu chuyện thể hiện cách nhìn nhận và suy nghĩ vào từng thời điểm khác nhau trong cuộc đời. Nhưng có những câu chuyện, càng lớn càng… không dễ để kể ra.
Nhiều người cũng bảo rằng, tôi cứ làm như vậy thì “chết”. Nhưng nếu tôi không cố gắng chắt lọc và truyền tải đúng nhất hay nhất con người mình thì còn “chết” hơn nữa.
Bạn có từng nghĩ về chân dung âm nhạc của mình? Bạn muốn trở thành ai trong ngành này?
Nếu câu hỏi này được đặt ra khoảng 1 -2 năm trước, có thể tôi sẽ trả lời rằng, tôi muốn được trở thành những thần tượng của mình, người này hay người kia ở cả Việt Nam lẫn nước ngoài. Nhưng ngay lúc này tôi chỉ đơn giản muốn được là chính tôi, bất kể là trong âm nhạc hay cuộc sống vô thường.
Tôi đã trải qua những giai đoạn bị "át tiếng" bởi định kiến, những mong chờ từ môi trường âm nhạc lẫn mọi người xung quanh. Và chẳng may, tôi đánh mất cá tính và sự tự tin của mình.
Giờ đây, điều khó nhất và quan trọng nhất là tìm lại sự bình yên và thoải mái khi được là chính mình. Tôi muốn được nói điều tôi nghĩ, làm thứ tôi thích, không bị phụ thuộc vào xu hướng hay áp lực rằng mình phải trở thành ai hay cái gì.
Với Marzuz, sáng tạo âm nhạc quan trọng hơn sự nổi tiếng và được nhận diện ở mọi nơi?
Tôi không hát, không sáng tác vì tiền tài hay danh vọng. Hẳn sẽ có người không tin và đánh giá vì họ cho rằng làm gì có ai không thích tiền và sự hào nhoáng.
Thích và cần là hai khái niệm khác nhau. Đối với tôi, sự nổi tiếng hay thù lao khá vô nghĩa. Tôi rất biết ơn những điều tốt, những người nghe nhạc của mình, những người bạn tuyệt vời đã đến với tôi trong quá trình làm nhạc.
Đôi khi tôi suy nghĩ ngây ngô đến mức, chỉ ước rằng thế giới không vận hành bằng những thứ đó. Nhưng khi nghĩ lại, nếu không như vậy xã hội khó mà phát triển được. Vì thế, tôi cứ đi từ từ và lặng lẽ đứng sau.
Thế giới âm nhạc của Marzuz cô đơn và nhiều khi cảm xúc quá (emotion). Đây là điểm chung của nghệ sĩ gen Z hay chỉ riêng bạn?
Bạn có tin khi tôi nói rằng, thực ra thế hệ nào cũng có nhiều cảm xúc như vậy không? Đối với nghệ sĩ, những người làm công việc liên quan đến nghệ thuật, họ luôn là những linh hồn đa sầu, đa cảm, bất kể thời đại nào.
Tôi học được qua một câu hát cũ của nhạc sĩ Trần Tiến, rằng “con người chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn”. Những trải nghiệm của riêng tôi đã chứng minh câu hát này là đúng. Tôi thấy việc thường xuyên cô đơn và quá nhiều cảm xúc không phải điều xấu. Nó giúp tôi có được thêm sự mềm mại và tinh tế.
Và nữa, tôi không thể đứng ra đại diện tiếng nói cho thế hệ Z vì mỗi người sẽ có một cá tính và câu chuyện riêng. Tôi nghĩ rằng, thời đại này xã hội thoáng hơn và con người cũng tự tin hơn để đi vào những góc cạnh mà thế hệ cũ đã trải qua nhưng không nói ra mà thôi.
Không ngại nói về mental health (sức khỏe tâm lý), nhưng Marzuz đã vượt qua và đưa câu chuyện này vào âm nhạc như thế nào?
Mặc dù việc nói ra rất khó khăn nhưng tôi may mắn được trao cho tiếng nói (dù chưa lớn) cũng chỉ để làm việc này. Nếu mình là một người đã trải qua mà không dám chia sẻ, giúp đỡ người khác vượt qua thì sự ảnh hưởng của mình sẽ là hoang phí.
Ngày xưa khi còn trong giai đoạn khủng hoảng, mọi người chưa biết và quan tâm đúng mức đến “bệnh tâm lý”. Người ta đơn giản chỉ chia ra 2 thái cực: người bình thường và người điên. Vì thế, để vượt qua tôi cũng mất rất nhiều thời gian, cố gắng. Khi trưởng thành, tôi mới có thể thoát ra hố sâu đó.
Nhưng tôi không hối hận hay tiếc nuối. Nó khiến tôi có được chiều sâu trong suy nghĩ; giúp tôi tìm được âm nhạc là người bạn tri kỷ. Thời gian vượt qua khủng hoảng cũng dạy cho tôi sự kiên nhẫn, lòng biết ơn cuộc sống và những gì mình đang có.
Không một buổi sáng nào tôi thức dậy mà không cảm ơn gia đình, bạn bè, những người vẫn luôn ở bên cạnh mình. Họ chính là lý do tôi vẫn ở đây đến ngày hôm nay, làm những điều tôi vẫn làm đến thời điểm này.
Thế khi sáng tạo thì sao, đâu là phần hào hứng và khó chịu nhất khi bạn làm nhạc?
Với tôi, cả niềm hào hứng lẫn sự khó chịu có lẽ là lúc bắt đầu.
Lúc bắt đầu phải dò tìm trong tâm tư kí ức, những điều thầm kín mình muốn viết ra rồi thả mình trong cảm xúc đó. Tôi hay gọi đó là kiểu sống đi sống lại một khoảnh khắc chỉ để có thể lôi nó ra và truyền đạt lại bằng một phương thức khác.
Sau này, khi đã bắt đầu được thì mọi thứ đơn giản hơn một chút.
Đâu là tiêu chuẩn để bạn đưa sản phẩm của mình đến người nghe nhạc?
Tiêu chuẩn của tôi trước giờ vẫn luôn như vậy, chỉ đưa ra những câu chuyện chân thật nhất; và phải kể một cách tự nhiên, hồn nhiên và không toan tính nhất. Không biết khi lớn hơn, có nhiều trải nghiệm hơn, tiêu chuẩn này sẽ thay đổi ra sao nhưng sự chân thật sẽ không bị gạt bỏ đi.
Dịch Covid-19 tác động như nào đến bạn, khi gần như chẳng thể bước lên sân khấu và trình diễn?
Rất tiếc vì lâu rồi tôi không được hát cho mọi người nghe. Nhưng tôi nghĩ, đây là một thời điểm tốt để ngồi lại quan sát, cải thiện bản thân và tìm tòi những chất liệu mới. Vì thế, Covid-19 không làm tôi phải khó chịu mấy.
Tới đây bạn sẽ ra mắt sản phẩm âm nhạc mới hay vẫn đang tiếp tục tìm tòi sáng tạo?
Tôi vẫn đang học cách tận hưởng cuộc sống và tận hưởng việc sáng tác vô lo vô tư như một đứa trẻ. Có lẽ sẽ có một sản phẩm được hoàn thiện và phát hành nhưng thời gian cụ thể thì tôi không dám hứa. Những lời hứa suông quá nhiều sẽ trở thành vô nghĩa và chẳng đáng tin.