Massimo Roj cho chúng ta biết điều gì từ 7 triệu mét vuông văn phòng?
Văn phòng nên là một nơi như thế nào? Và vì sao chúng ta gắn bó với nó nhiều hơn ta tưởng?
Trong hơn một năm qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, hàng triệu người trên thế giới đã làm việc tại nhà thay vì đến công sở.
Văn phòng - nơi từng khiến người ta chán nản khi nghĩ đến vào mỗi sáng thứ Hai, lại trở nên đầy nhớ mong khi xã hội giãn cách. Liệu đó có phải chỉ là nơi 8 tiếng được lấp đầy bởi các deadline và stress, hay còn điều gì khác hơn thế?
Massimo Roj là một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất ở Ý, người sáng lập công ty kiến trúc Progetto CMR vào năm 1994. Trong 25 năm hoạt động, ông cùng các cộng sự đã thiết kế hơn 7 triệu mét vuông diện tích văn phòng từ châu Âu tới châu Á. Tại Việt Nam, Dreamplex Thái Hà là dự án văn phòng làm việc đầu tiên của kiến trúc sư Roj, cũng là nơi ông thể hiện rất nhiều triết lý thiết kế tương đồng giữa Ý và Việt Nam.
Vậy với Roj, văn phòng nên là một nơi như thế nào? Và vì sao chúng ta gắn bó với nó nhiều hơn ta tưởng?
Văn phòng nên là nơi bạn được làm việc thoải mái và an tâm
Kiến trúc sư Roj bắt đầu bằng việc giải thích khái niệm cơ bản nhất của danh từ “office” (văn phòng). “Office” trong từ gốc tiếng Latin là “opificium”, có nghĩa là “làm việc”.
Mục đích chính của một văn phòng không phải một địa điểm vật lý đơn thuần. Đó là nơi được tạo ra để thúc đẩy bạn làm việc, tư duy, sáng tạo để đạt hiệu quả cao nhất… Điều đó chỉ có thể đạt được khi bạn thật sự thoải mái và an tâm trong không gian đó.
Cảm giác thoải mái và an tâm này đến từ đâu? Chính là nhờ cách bố trí, thiết kế của mọi thành tố trong một văn phòng. Cách sắp xếp bàn ghế để tạo ra khoảng cách vừa đủ để nhân viên vừa có thể kết nối mà vẫn có được không gian riêng. Những màu sắc kích thích trí sáng tạo, hoặc tạo cảm giác thư giãn và tích cực, giảm căng thẳng sẽ được ưu tiên sử dụng.
“Ở văn phòng Dreamplex Thái Hà, chúng tôi sử dụng tông màu chủ đạo là các sắc thái của màu xanh lá cây và màu trắng ngà, kết hợp với việc bố trí các mảng xanh, điểm thêm ghế nghỉ màu ghi và vàng.
Màu vàng rất tốt cho sự sáng tạo, xanh lá cây tốt cho mắt khi phải tiếp xúc với ánh sáng xanh của máy tính. Màu ghi mang lại cảm giác bình tĩnh để giảm căng thẳng. Trong khi trắng ngà vừa mang lại cảm giác sạch sẽ, chuyên nghiệp vừa đủ mà lại không lạnh lẽo.
Đèn trên trần cũng mấp mô một cách có chủ ý. Đó là ý tưởng từ một trải nghiệm từ nhỏ của tôi, khi tôi ghép các khay để trứng vào nhau, sơn lên nó và dán vào tường khi xung quanh quá ồn ào và tôi cần sự tập trung. Nó cũng tương tự như ý tưởng về phòng cách âm. Tôi lấy ý tưởng đó để thiết kế đèn thả từ trần xuống bàn làm việc.”
Văn phòng được thiết kế để ghi nhớ các trải nghiệm
Triết lý thiết kế của Roj là đặt con người vào vị trí trung tâm. Ông cho rằng trải nghiệm và cảm giác của người sử dụng nó là quan trọng nhất. Thay vì giải thích thế nào là một thiết kế đẹp, ông kể về năm giác quan cơ bản nhất của con người, gồm thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác và vị giác.
“Tôi nghĩ về những người sẽ làm việc trong không gian đó. Họ sẽ nhìn thấy gì đầu tiên? Âm thanh họ thường nghe thấy là gì? Khoảng cách từ không gian chung đến khu bếp là bao xa để mùi thức ăn không gây phiền toái? Họ phải di chuyển bao xa để đến được phòng nghỉ?...
Khi bắt tay vào thiết kế Dreamplex Thái Hà, chúng tôi hiểu rằng ưu tiên cao nhất của họ chính là mang đến trải nghiệm toàn diện và thoải mái nhất cho người dùng. Bên cạnh các hoạt động, các sự kiện, thiết kế văn phòng cũng chính là thiết kế trải nghiệm của người dùng. Một văn phòng đem lại trải nghiệm tốt chính là một văn phòng có thiết kế tối ưu”.
Mỗi bộ phận trong một văn phòng phải liên kết để tạo nên một không gian tổng thể mà người dùng có thể cảm nhận bằng mọi giác quan. Tiếng thang máy đóng mở, tiếng máy pha cà phê, ánh nắng chiếu vào từ cửa sổ, chất liệu của bàn ghế, mùi thơm từ chiếc máy pha cà phê trong bếp...
Những điều đó tạo nên sự kết nối vật lý giữa người dùng và văn phòng, từ đó khơi gợi sự kết nối về tinh thần. Khi xa rời không gian đó, cái bạn nhớ không phải là chiếc bàn, chiếc ghế hay cái máy, mà là những trải nghiệm của bạn với nó.
Phòng làm việc là một đặc trưng văn hóa thu nhỏ
Mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa đều có những quan điểm về thẩm mỹ tồn tại qua nhiều thế kỷ. Nó hiện diện trong thói quen sinh hoạt, cách vận động của con người ở đó. Văn phòng làm việc cũng mang những đặc trưng như vậy.
Ở châu Âu, cụ thể là ở Ý, nguyên tắc thiết kế là các bàn làm việc đều không ở quá xa cửa sổ. Họ muốn mọi vị trí trong gian phòng đều được tiếp xúc nhiều nhất với ánh sáng tự nhiên, gần nhất với thiên nhiên. Trong khi ở Mỹ, để tiết kiệm không gian, cầu thang thường được bố trí trong góc. Các vách ngăn cũng được sử dụng để đảm bảo sự riêng tư.
Tương tự, khi thiết kế văn phòng làm việc ở châu Á, kiến trúc sư buộc phải cân nhắc đến các yếu tố phong thủy. Đây là nguyên tắc tâm linh của người châu Á, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và năng lượng của người dùng trong đó.
“Trước khi thiết kế văn phòng ở Dreamplex Thái Hà, chúng tôi thực hiện rất nhiều phỏng vấn và khảo sát về nhu cầu làm việc, thói quen, văn hóa của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thiết kế của tôi phải đáp ứng được 3 yếu tố cùng lúc: nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau, tôn chỉ đề cao trải nghiệm người dùng của Dreamplex và vẫn giữ được phong cách thiết kế của Ý”.
Thiết kế văn phòng tương lai hướng tới sự bền vững
Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong hơn một năm qua vì đại dịch, tất cả đều cần học cách thích ứng với hoàn cảnh mới, với khái niệm “bình thường mới”. Văn phòng làm việc cũng không ngoại lệ.
Điều đầu tiên Roj và các cộng sự của mình làm khi hoàn thiện trụ sở mới của Progetto CMR tại Milan chính là mở rộng đội ngũ nhân sự, trong đó có sự xuất hiện đặc biệt của những chuyên gia tâm lý.
“Chắc chắn tâm lý của con người nói chung sẽ thay đổi rất nhiều sau đại dịch này. Họ sẽ có những yêu cầu mới, cách suy nghĩ và làm việc mới. Nếu người ngồi bên cạnh ở quá gần hoặc quá xa có khiến năng suất làm việc của họ bị ảnh hưởng hay không? Điều gì làm họ yên tâm hơn hoặc bất an hơn? Chúng ta cần nghiên cứu về nó nhiều hơn để tìm được tiếng nói chung với các trạng thái tâm lý mới của con người, biết được nhu cầu và mong muốn của họ”.
Đơn cử, với các thiết kế gần đây, Roj lựa chọn kết cấu trần hở để người dùng có thể nhìn thấy rõ cả các đường ống, kết cấu ngay phía trên trần gian phòng của mình. “Bạn biết trên đó có gì, bạn nhìn thấy nó một cách rõ ràng. So với thiết kế trần kín truyền thống, điều này đem lại cảm giác thân thiện và làm giảm đi sự bất an”.
Bên cạnh đó, những câu hỏi về tính bền vững và sự hòa hợp với thiên nhiên cũng chưa bao giờ bị bỏ ngỏ. Các kiến trúc sư có xu hướng lựa chọn vật liệu thân thiện với môi trường hơn, sử dụng công nghệ để tái sử dụng các vật liệu cũ, các vật dụng cần đa chức năng và có thể di chuyển, thay đổi cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau.
“Nghĩ một cách mới để sử dụng các vật liệu cũ chính là tương lai của thiết kế bền vững”.
Bên cạnh 5 chi nhánh đang hoạt động rất sôi nổi tại TP.HCM và Hà Nội, Dreamplex tiếp tục mở rộng 3 địa điểm nữa trong năm nay, đặc biệt là dự án The Unoffice ở quận 2, The Campus ở quận 4 và Dreamplex Hàm Nghi, nâng tổng số chi nhánh của Dreamplex lên 8 địa điểm trên khắp cả nước. Mỗi địa điểm được thiết kế với phong cách riêng nhưng vẫn theo đuổi mục tiêu chung nhất là tạo ra những trải nghiệm làm việc tối ưu cho người dùng như thông điệp "A better day at work".