MC Điệp Anh: “Dù đầu tư cái gì, cũng nên nghiên cứu thị trường thật kỹ”
Trước khi trở thành MC Bản tin tài chính, Điệp Anh từng đạt nhiều thành tích ấn tượng: là Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, Á Khôi 1 cuộc thi “Duyên dáng Ngoại thương” năm 2015… Thế nhưng ít ai biết rằng khi còn đi học, cô từng khá sợ môn Toán, thậm chí đã loại ngành tài chính khỏi danh mục công việc muốn lựa chọn.
Vietcetera đã có dịp lắng nghe Điệp Anh chia sẻ những bài học về đầu tư, tài chính, về những gì cô học được trong hành trình thử nghiệm nhiều vai trò khác nhau. Đối với Điệp Anh, việc tiết kiệm và đầu tư có thể bắt đầu ngay khi bạn chỉ có… vài trăm nghìn. Và khi muốn đầu tư vào bất cứ cái gì, bạn cũng phải dành thời gian tìm hiểu thật kỹ thị trường đó trước khi quyết định.
1. Bạn đã kiếm 100 triệu đầu tiên như thế nào?
Mình không nhớ! Và đây chính là điều khiến mình khá hối tiếc khi nghĩ về nó bây giờ. Lý do vì sao thì mình sẽ bật mí sau.
Tuy nhiên mình sẽ chia sẻ về tháng lương đầu tiên mình kiếm được - 2 triệu đồng. Đó là một công việc part-time về digital marketing tại một công cụ tìm kiếm. Mình làm công việc này cách đây 9 năm, khi đang học năm hai đại học.
Đúng là khi đi làm rồi mới hiểu được giá trị đồng tiền. Bởi nếu mình xin, ba mẹ có thể cho mình 2 triệu khá dễ dàng, nhưng nếu mình đi làm thì phải 4 tiếng/ngày (24 ngày/tháng) mới kiếm được ngần đó. Giả sử mình vẫn tiếp tục công việc đó, chắc phải mất 50 tháng (hơn 4 năm) mình mới kiếm được 100 triệu mất.
2. Nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau, bạn sẽ làm nghề gì?
Chắc chắn vẫn là công việc hiện tại. Mình gắn bó với nghề truyền hình vì đam mê, chứ không phải vì thu nhập. Nên nếu được “yêu lại từ đầu”, mình vẫn sẽ chọn nghề hiện tại.
Câu hỏi này cũng phần nào nói lên nỗi lo của nhiều bạn sinh viên sắp ra trường: không biết mình thích gì. Kinh nghiệm của mình là phải thử - bạn thử càng nhiều, càng sớm thì càng nhanh biết được câu trả lời.
Đầu tiên, thử nghĩ xem bản thân bạn đam mê, thích thú với điều gì. Nếu chưa biết mình đam mê gì, thử xác định xem khả năng của bạn phù hợp với ngành nghề gì.
Ví dụ thời đi học mình khá… e dè với môn Toán, nên đã gạch ngành tài chính khỏi danh mục lựa chọn. Ngược lại kỹ năng thuyết trình của mình khá tốt, lại ăn nói lưu loát nên đã thử sức với lĩnh vực truyền thông, và gắn bó với VTV đến giờ. Chỉ có điều mình không ngờ, là mình lại dẫn chương trình về tài chính!
3. Nếu được quay về năm 20 tuổi, bạn sẽ cho bản thân lời khuyên gì?
Học cách quản lý tài chính tốt hơn. Đây cũng chính là điều mình muốn bật mí ở câu hỏi đầu tiên.
Khi bắt đầu kiếm tiền, mình không hề nghĩ đến tầm quan trọng của việc học cách quản lý nó. Lúc đó mình cứ nghĩ tiền kiếm còn không đủ tiêu thì phân bổ làm gì cho mệt, có đâu mà phân. Nhưng trên thực tế, bạn chỉ cần vài trăm nghìn là có thể bắt đầu tiết kiệm và đầu tư được rồi.
Chẳng hạn cách đây 3 tháng, mình có phỏng vấn một bạn trẻ 21 tuổi. Bạn ấy trích 500.000 từ tháng lương đầu tiên (1.5 triệu) để tiết kiệm, và sau 6 tháng là bạn có 3 triệu để đầu tư.
Thoạt nghe thì 3 triệu không phải một số tiền lớn, nhưng thực tế có rất nhiều sản phẩm bạn có thể lựa chọn. Chẳng hạn theo thị giá hôm nay, 3 triệu đồng bạn đã có thể mua 170 cổ phiếu LPB, 60 cổ phiếu MWG… Việc của bạn chỉ là bắt đầu.
4. Một kiến thức mà bạn nghĩ trường học không dạy?
Vẫn là kiến thức về đầu tư và quản lý tài chính. Đặc biệt trên thị trường đầu tư, có kiến thức này được coi là “kỳ quan thứ 8 của thế giới”: lãi kép.
Chẳng hạn bạn đầu tư 100 triệu trong 3 năm với lãi suất kép 10%/năm, thì sau năm đầu tiên bạn sẽ được 100 triệu + (10% x 100 triệu) = 110 triệu. Theo cách này, năm thứ 2 bạn được 121 triệu, năm thứ 3 bạn thu về 133.1 triệu.
Năm nay, nhiều công ty chứng khoán dự báo VN-Index sẽ đạt tỉ suất 14%. Cũng hấp dẫn phải không? Và khi bạn đầu tư càng sớm, bạn sẽ càng sớm hưởng thành quả ngọt ngào.
5. Một món đồ đắt nhất, nhưng đáng tiền nhất mà bạn từng mua?
Chiếc laptop mình đang sử dụng. Nó là công cụ đắc lực nhất với mình trong cả công việc, đầu tư và học tập.
6. Theo bạn, mua hàng hiệu là tài sản hay tiêu sản? Có nên coi hàng hiệu là một dạng đầu tư không?
Vấn đề này mình nghĩ tuỳ thuộc vào góc nhìn của từng người. Nhưng một khi bạn coi việc bỏ tiền vào đâu đó là đầu tư, bạn buộc phải theo dõi và dành thật nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường đó, bất kể là chứng khoán, vàng hay hàng hiệu.
Ví dụ một chiếc đồng hồ Patek Philippe có thời điểm chỉ cần bạn xách ra khỏi cửa hàng chính hãng và bán ngay là đã lãi cả vài chục phần trăm rồi. Nhưng cũng có thời điểm nó rớt giá, nên nếu coi hàng hiệu là một khoản đầu tư, bạn cần nghiên cứu kỹ về thị trường của nó.
Với cá nhân mình thì hàng hiệu là tiêu sản. Vì mình rất yêu thích và trân trọng những đồ vật gắn bó với mình, nên mình chưa bao giờ nghĩ tới việc chuyển nhượng hay thanh lý chúng cả.
7. Thứ gì đắt tiền bạn đã mua mà thấy phí?
Hai chiếc váy giống hệt nhau mà mình mua cách đây khoảng 4 năm. Căn bản mình thích mẫu váy đó quá nên quyết định mua một chiếc để mặc, một chiếc để… cất tủ. Dù không phải giá trị quá lớn nhưng thói quen chi tiền như vậy phải bỏ!
8. Bạn đã tiêu tháng lương đầu tiên của mình như thế nào?
Mình đã dành để mua quà tặng mẹ. Giờ thì không tặng mẹ theo tháng lương nữa, nhưng cứ đến cuối năm, mình sẽ dành một khoản nho nhỏ để biếu bố mẹ sắm Tết.
9. Theo bạn, có thứ gì mà tiền không thể mua được?
Sức khỏe và hạnh phúc. Nhiều người nghĩ có tiền là hạnh phúc - thực ra câu này cũng đúng một phần nào đó. Bởi có tài chính ổn định, dư dả sẽ giúp bạn bớt áp lực trong cuộc sống.
Thế nhưng trong kinh tế học có một khái niệm mình thấy rất đúng với thực tế, đó là “lợi ích cận biên giảm dần”. Chẳng hạn khi bạn khát, bạn uống cốc nước đầu tiên sẽ vô cùng sảng khoái. Nhưng đến cốc thứ hai thấy bình thường, và cốc thứ 3 thì chắc bạn không muốn uống nữa.
Mua sắm hàng hiệu cũng thế. Bạn có thể phấn khích đến mất ăn mất ngủ khi mua được chiếc túi hiệu đầu tiên. Đến chiếc thứ hai, bạn vẫn hào hứng chụp ảnh up Facebook. Nhưng đến chiếc thứ 10, có lẽ bạn sẽ chỉ còn coi nó như một món đồ mua về thi thoảng sử dụng, còn phần lớn thời gian cất tủ. Chúng ta không còn hạnh phúc như ban đầu!
Thực ra ở mỗi giai đoạn, chúng ta đều có những suy nghĩ, trải nghiệm và cách tận hưởng cuộc sống khác nhau. Ở tuổi 20, bạn thích đi đây đó, tiêu xài cho bản thân. Đến những năm 30, bạn lại thích chăm chút gia đình nhỏ. Còn sang đến đầu 4 thì sức khỏe lại trở thành ưu tiên hàng đầu. Nhưng có một sự thật rằng, dù ở giai đoạn nào, sức khoẻ và hạnh phúc là thứ chúng ta không bao giờ mua được bằng tiền.
10. Một lời khuyên về tài chính mà bạn luôn tuân theo?
Đầu tư từ sớm, và tìm hiểu thật sâu về kênh bạn mong muốn đầu tư. Đây là kinh nghiệm mình đúc kết từ một bài học đau thương chính mình đã trải qua.
Cách đây hơn 2 năm khi thị trường chứng khoán thăng hoa, mình cũng có tập tành đầu tư qua một vài công ty chứng khoán. Và khi thị trường thăng hoa thì bạn có mua mã nào cũng thắng. Có thời điểm tài khoản của mình nhân 3, nhân 5 là chuyện bình thường.
Nhưng vì chưa tích lũy nhiều kinh nghiệm, mình cũng không tính toán được thời điểm chốt lời. Mình lại nghe theo lời khuyên của một số “tổ lái”, nên lúc rời bỏ thị trường, thú thật mình có lỗ mất một chút.
Thế nhưng chúng ta luôn học hỏi từ những kinh nghiệm, không thử sao biết, phải không? Chúc các bạn một năm mới, dám làm, dám thử và dám thành công nha!
Cảm ơn DOTO Holdings đã đồng hành cùng bài viết trong The Money Date series.
Đội ngũ Doto đã phân tích trải nghiệm của hàng triệu nhà giao dịch và xây dựng một sàn giao dịch dễ sử dụng, phá vỡ các rào cản và giúp giao dịch trở nên khả dụng cho tất cả mọi người. Chỉ cần đăng ký cùng một vài thao tác, bạn sẽ sẵn sàng để mở giao dịch đầu tiên. Đây chính là những đặc điểm giúp cho Doto trở thành sàn giao dịch thân thiện với người dùng.
Khởi đầu cùng Doto. Đơn giản hoá giao dịch.