Meme học: Chuyên gia tài chính tấu hài tài tình
1. Meme Chuyên gia tài chính là gì?
“Đại tỷ đọc lệnh”. “Hot girl tỉa nến”. "Chuyên gia thổi nến". Đây là những công thức content để trở thành người nổi bật trên Facebook những ngày vừa qua. Kèm theo đó là tấm poster được design với màu sắc sặc sỡ, phông chữ Arial cùng hiệu ứng neon lóa mắt.
Các nội dung kể trên đều là yếu tố không thể thiếu của loạt meme mang tên Chuyên gia tài chính 4.0, hiện đang làm mưa làm gió khắp Facebook.
2. Nguồn gốc của meme Chuyên gia tài chính?
Meme Chuyên gia tài chính là một trào lưu ‘chế’ poster bùng nổ từ giữa tháng 7 năm nay. Khởi nguồn của nó là từ việc hàng loạt các bài đăng Facebook của những nhân vật tự xưng là “chuyên gia đọc lệnh”, “chuyên gia thổi nến” với hình ảnh khoe dáng bên siêu xe, túi hiệu từ ngày 14/07. Ngoài ra, họ còn tự thiết kế poster với các danh xưng cao cấp.
Họ là thành viên của nhiều sàn giao dịch tài khoản số, hoạt động theo mô hình đa cấp.
Nến là viết tắt của biểu đồ hình nến, một loại biểu đồ tài chính dùng để mô tả chuyển động giá lên - xuống của một mã chứng khoán hoặc một loại tiền tệ. Mỗi thanh nến tượng trưng cho một ngày. Nến xanh là giá tăng, nến đỏ là giá giảm. Chuyên gia thổi, tỉa nến tức là chuyên gia đoán được mã chứng khoán sắp tới sẽ tăng hay giảm.
Lệnh là lệnh giao dịch, chỉ những yêu cầu của khách hàng cho nhà môi giới trong việc mua - bán chứng khoán.
Những người này tự xưng mình thuộc nhóm “Chuyên gia tài chính 4.0”, đoán được thị trường giao dịch tài khoản số một cách chính xác, giúp khách hàng thu lợi nhuận khổng lồ với số vốn ít.
Tài chính 4.0 là thuật ngữ chỉ những chiêu trò lừa đảo công nghệ cao. Các thuật ngữ được sử dụng như BO (Binary Option), sàn giao dịch nhị phân thật ra là cờ bạc tài xỉu (dự đoán kết quả của xúc xắc, hoặc cá độ bóng đá).
3. Vì sao mọi người thích meme Chuyên gia tài chính?
Những “đại tỷ tỉa nến” đều bị bóc phốt là dùng thuê siêu xe, dùng hình ảnh trên mạng để tạo vỏ bọc là người kinh doanh thành đạt.
Chính sự hào nhoáng ảo trong việc xây dựng hình tượng để lừa đảo công nghệ cao đã khiến cộng đồng mạng bức xúc. Chế meme là một cách để châm biếm làn sóng lừa đảo công nghệ cao này.
Năm 2019, có 1,1 triệu người Việt Nam tham gia hoạt động đa cấp. Các câu chuyện về những người đã lâm vào cảnh nợ nần vì tham gia vào các mô hình này chưa bao giờ thiếu.
Tháng 7 năm nay, Hitoption - một giao dịch ngoại hối trên không gian mạng - đã bị công an thành phố Hải Phòng xử phạt vì vi phạm pháp luật, nâng cao mức phẫn nộ của mọi người về mô hình lừa đảo, đa cấp trong vỏ bọc “công nghệ cao”.
Các font chữ thoạt nhìn không ăn nhập với poster của những “chuyên gia đọc lệnh” cũng là một yếu tố khiến cư dân mạng thích thú và đem nó vào tác phẩm meme của mình.
Đặc điểm nhận diện của nhiều hệ thống đa cấp là dùng khẩu hiệu self-help để truyền sức mạnh, củng cố niềm tin trong lòng những đối tượng tiềm năng. Bài viết hay poster của các "chuyên gia" cũng tương tự với các câu truyền động lực như "Mang đôi giày của người khác" hay "Có cố gắng ắt thành công". Các meme thủ cũng từ đó mà có thêm tư liệu để tấm poster của mình thêm phần đặc sắc với đủ loại quote self-help kinh điển.
Theo Hiếu PC, người tham gia những sàn giao dịch được các “chuyên gia” này giới thiệu có rất nhiều khả năng bị mất thông tin và bị mua bán dữ liệu trên dark web.
Về pháp luật, các mô hình giao dịch đa cấp tiền số mà không có giấy phép có thể bị phạt tiền đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 5 năm.