Mình gap year đi rửa bát, chà bồn cầu

Ai cũng khuyên phải chuẩn bị kỹ càng đừng để gap year trôi qua lãng phí. Nhưng thật vô lý khi bảo một người không biết làm gì phải lên kế hoạch làm gì.
Phương Thảo
Nguồn: NVCC

Nguồn: NVCC

18 tuổi, cánh cổng đại học mở ra nhưng không mở ra tương lai tươi sáng như mình tưởng tượng. Mỗi lần thức dậy vào buổi sáng, mình đều nghĩ tới chuyện bỏ học. Môi trường học tập không khác quá nhiều với cấp ba, vẫn là những giờ lên lớp, nghe giảng, ghi chép, chuẩn bị thi cử, quanh đi quẩn lại như vậy.

Mỗi tối trước khi đi ngủ luôn là khoảng thời gian mình sợ nhất. Nhắm mắt lại là thấy ngày mai cần một buổi lên trường đi học, một buổi tới văn phòng đi làm, về tới phòng là thở dài mệt mỏi nhưng lại dành nốt buổi tối nằm dài trên giường lướt điện thoại tới khuya. Thêm một ngày nữa trôi qua nhưng không thấy mình hạnh phúc, cũng không thấy mình lớn lên.

Điều giữ mình lại với vòng lặp ấy là kỳ vọng của gia đình, là nỗi sợ thua kém bạn bè, và hơn hết là sự vô định: Không đi học nữa thì biết đi đâu? Mình lao đi tìm tất cả những nội dung chia sẻ về định hướng cuộc sống, về gap year, hòng mở ra một lối thoát cho bản thân.

Trong suốt 3 năm, tất cả những bài viết mình đọc được đều có cùng một dạng lời khuyên phải chuẩn bị kế hoạch kỹ càng. Đừng để gap year trôi qua lãng phí chỉ ăn với ngủ hay loanh quanh mưu sinh đi rửa bát, làm phục vụ. Nhưng thật vô lý khi khuyên một người vốn đang không biết làm gì với cuộc đời nên mới chọn gap year lại cần phải lên kế hoạch cho một năm đó.

Vậy thôi, mình không nghĩ nữa, mình làm đại. Vào năm cuối đại học, mình xin giáo viên hướng dẫn cho làm khóa luận tốt nghiệp từ xa, rồi xách ba lô lên và đi. Nhưng gap year hóa ra không phải một cánh cửa thoát hiểm đưa mình ra khỏi thực tại. Chưa đi thì mơ về một miền đất hứa với cuộc sống mới, đi rồi thì mới biết… dù đi đâu cũng mang theo chính mình.

Mang theo sự hoang mang của mình

Mình xin vào làm tình nguyện viên cho một homestay trên Tà Xùa - một hình thức đi du lịch không trả tiền mà trả công. Mình sẽ phụ bất kỳ công việc gì mà anh chị chủ cần, đổi lại mình được ăn ở miễn phí, có thời gian đi xung quanh chơi, và sau này may mắn còn được trả một khoản tiền nho nhỏ.

Cuối tuần đông khách mình phải làm việc không ngơi tay, nhưng những ngày trong tuần của mình cơ bản là sáng dậy ngắm mặt trời mọc, chiều tà nhìn mây hững hờ trôi, tối đến thì ra sân ngóng trăng sao. Đây không phải định nghĩa của "cô nàng thư giãn" thì còn có thể là gì nữa?

Dù vậy sự hoài nghi về tương lai của bản thân vẫn luôn chực chờ ở đó. Mỗi lần nấu xong một bữa cơm, mùi hành tỏi ám rất lâu, rửa tay kỹ cỡ nào cũng không hết được, trong đầu mình liền trùm xuống một màn đen có khi nào đó là số phận dai dẳng sẽ đeo bám lấy mình mãi như thế. Lúc kỳ cọ bồn cầu, lại trộm nghĩ chẳng nhẽ đời mình chỉ có thế này thôi sao.

Bố mẹ mình dĩ nhiên chẳng đồng tình với quyết định này. Hai người không chấp nhận được bố mẹ vất vả bao năm để lên được thành phố, cho đứa con gái đi ăn học đàng hoàng rồi nó lại chọn về cái nơi khỉ ho cò gáy, lao động tay chân.

Vài ba ngày mẹ lại gọi điện giục mình: “Bao giờ Thảo mới về, không lo kiếm công ăn việc làm ổn định đi. Dở hơi lắm cơ!” Mình trả lời tạm bợ: “Cứ từ từ đã, Thảo phải đi cho biết chứ” nhưng thực lòng mình cũng chẳng rõ rốt cục là biết cái gì.

Mang theo sự vụng dại của mình

Chẳng để mình phải chờ lâu. Một buổi sáng khi vẫn còn đang chìm trong giấc nồng, chị chủ đánh thức mình dậy với gương mặt hốt hoảng, hóa ra mình đã để nguyên nồi cơm trên bếp ga cả đêm mà không tắt. May là không cháy nhà chỉ cháy đen thui cái nồi.

Hay sang một lần khác, sức tay yếu ớt của mình không giữ nổi con gà lúc mọi người cắt tiết làm máu đổ lênh láng cả căn bếp. Mình vẫn nhớ ngày hôm đó là 31/10 - một đêm halloween kinh hoàng. Đúng là mình chả biết cái gì cả.

Lúc ở nhà bố hay cằn nhằn mình: “Không biết sau này làm công to việc lớn gì mà giờ có cái nhà quét không thấy sạch.” Mình toàn bỏ ngoài tai, ở nhà bố mẹ dạy không chịu nghe đâu nhưng ra ngoài “gây họa” như thế mới thấm làm cái gì cũng phải chú tâm vào.

Mình thôi nhìn việc tay chân với thái độ như trước. Sau khi sưu tầm thêm vài nồi cơm sống, cơm khê, cơm nhão đủ cả, mình nấu ra những nồi cơm ăn sạch bay cả cháy. Từ chân phụ bếp, chạy vặt mình chuyển sang đứng bếp, quán xuyến lo cơm nước cho hàng chục người. Và rồi mình bị… “đuổi” ra khỏi bếp.

Mang theo cả kiến thức của mình

Ban đầu chỉ là một lần “để đấy chị làm cho, ra chụp cho chị cái ảnh đăng page, nay trời đẹp quá kìa”, càng ngày tần suất càng tăng lên, mình chụp ảnh phòng, chụp ảnh đồ ăn, chụp ảnh cho khách xong tới thiết kế ấn phẩm quảng cáo tour. Hóa ra trong vòng lặp nhàm chán của chuỗi ngày đi học, đi thực tập trước đó mình cũng góp nhặt được kha khá kiến thức để lôi ra dùng.

Vốn tiếng Anh dùi mài sách vở bao nhiêu năm của mình cũng có dịp được cho “ra đời”. Đương nhiên nó dở ẹc, nhưng mình là lựa chọn tốt nhất mà những khách vị nước ngoài có ở đó. Nên nhờ vậy, mình được luyện nói tiếng Anh với đủ chủ đề trên trời dưới biển mà chẳng mất đồng nào.

Còn khách Việt nhìn mình chắc cũng thấy tò mò. Nên mình hay nhận được câu hỏi y chang mấy em bé vùng cao kiểu:“Em có được đi học không?” Và đến khi nghe xong đầu đuôi câu chuyện của mình, mọi người sẽ cảm thán: “Nếu còn ở tuổi em, anh/chị cũng muốn đi trải nghiệm như vậy”.

Còn mình thì cảm thán ngược lại ở tuổi của anh chị có việc, có tiền để đi du lịch, thấy mà mê. Hoá ra chúng ta cứ luôn FOMO theo cách này hay cách khác.

Những lần đối thoại bất ngờ đó cũng cho mình cơ hội được biết nhiều chuyện đời thú vị. Có người từ bỏ công danh sự nghiệp, quyết định về rừng sống chậm làm nông dân. Có người đi làm văn phòng vài năm rồi tách ra làm freelance, mỗi tháng đi du lịch một chỗ.

Có người vừa ra trường đã đậu vào chương trình của một sàn thương mại điện tử lớn, nhận lương cả ngàn đô, nhưng tới lúc thấy mệt, sẵn sàng chọn nghỉ ngơi nửa năm để tìm lại cảm hứng trước khi quay về đi làm lại.

Còn mình thì sao? Phiên bản chuyện đời của mình sẽ tiếp diễn thế nào? Mình không biết. 22 tuổi, một năm gap year khép lại, cánh cổng “đại học” mở ra lần nữa, đưa mình vào trường đời. Mình lại tìm đường đi tới một nơi khác. Mình bay vào Sài Gòn hoa lệ đi làm để xem có hoa hay có lệ.

Biết là dù đi đâu cũng mang theo chính mình thôi, nhưng "chính mình" sau một năm gap year có vẻ đã khác. Và gap year không cho mình câu trả lời vạn năng giúp mình biết tất tần tật về bản thân mình và những gì mình sẽ muốn trong đời. Nhưng nó dạy mình chấp nhận sự mơ hồ, thử sức với những điều chưa biết. Nên thôi cứ làm đại, rồi biết đâu, đại sự nào đó sẽ thành.

Chấp bút từ lời kể của Thảo.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục