Vừa mở mắt ra đã thấy mình bị bôi nhọ trên mạng 

Nếu rơi vào trường hợp đó, bạn sẽ làm gì?
Phan Chung
Một người ngồi ở quán cà phê.

Nguồn: @Brooke Cagle/Unsplash

Bắt nạt qua mạng (cyberbully), “ném đá”, bôi nhọ danh dự, làm nhục người khác... là mặt trái mà mạng xã hội không thể nào tẩy xóa hay ẩn đi. Dù "ẩn danh" bằng nick ảo hay không, hành động xấu xí và vi phạm pháp luật này cần được lên án.

Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ Việt đã trở thành nạn nhân bị bôi nhỏ danh dự, thậm chí là vu khống trên mạng xã hội. Mỗi người một cách ứng xử, Trấn Thành nhờ luật sư khởi kiện và thành công, Nhật Kim Anh nhờ công an vào cuộc để xử lý vụ việc, Đàm Vĩnh Hưng, Lan Khuê... cũng đã có cách giải quyết riêng.

Pháp luật chưa định nghĩa rõ ràng thế nào là xúc phạm người khác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, pháp luật luôn bảo vệ nạn nhân trước việc bị cá nhân, tổ chức khác bôi nhọ danh dự, dù là đời thực hay trên mạng.

Vì vậy, nếu một ngày thức dậy, bạn thấy mình bị bôi nhọ danh dự trên Facebook, bạn sẽ làm gì?

Vi bằng là gì? Vì sao nên lập vi bằng?

Dù bạn quyết định im lặng hay “làm tới cùng” thì lập vi bằng nên là bước đầu tiên.

Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Hiểu đơn giản, đây là tài liệu bằng văn bản đã được làm chứng, ghi nhận một cách khách quan về hành vi, sự kiện lập vi bằng.

Vì thế, bạn nên chụp màn hình (screenshot) lại tất cả hình ảnh, video, bài viết, bình luận có chứa nội dung bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu lại các tệp (file) video, hình ảnh, âm thanh liên quan nếu có.

Bạn nên biết, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Nhưng đây là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật.

Làm đơn tố cáo như thế nào?

Trước hết, bạn tải mẫu đơn tố cáo chuẩn về hình thức và đầy đủ nội dung tại đây.

Bạn cần điền đầy đủ và chính xác các thông tin; ký tên hoặc điểm chỉ vào mẫu đơn. Bạn cũng nên gửi kèm các vi bằng mà mình thu thập được trước đó đến cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Trong trường hợp hành vi bôi nhọ danh dự gây thiệt hại lên bản thân, bạn nên trình bày rõ khi gửi kèm đơn tố cáo và vi bằng đến cơ quan chức năng.

Cơ quan nào nhận đơn tố cáo?

Theo Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

  • Đối với hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự, Điều 163 Bộ luật tố tụng Hình sự quy định cơ quan công an, Viện kiểm sát ở bất cứ đâu... có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển đến cơ quan có thẩm quyết để giải quyết.
  • Đối với hành vi vi phạm hành chính, khoản 2 Điều 24 Luật Tố cáo quy định, người dân có thể gửi đơn tố cáo hoặc đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan công để được giải quyết hoặc có những hướng dẫn cụ thể.

Hành vi xúc phạm nhân phẩm bị xử lý thế nào?

Hiến pháp Việt Nam quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm. Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ" dù ngoài đời thực hay trên mạng xã hội.

Theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Điều 155 Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ về Tội làm nhục người khác hoặc Điều 156 về Tội vu khống. Khung hình phạt cao nhất của 02 tội này lần lượt là 05 năm và 07 năm tù giam.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục