Mục tiêu năm mới: Làm sao để nói được, làm được, và duy trì được?

Năm 2020, làm thế nào để xây dựng một bản kế hoạch năm mới thiết thực hơn, chứ không chỉ là những khẩu hiệu viết ra trong lúc vui vẻ?

Tracy
Mục tiêu năm mới: Làm sao để nói được, làm được, và duy trì được?

Mục tiêu năm mới: Làm sao để nói được, làm được, và duy trì được?

Hơn cả một dịp lễ được nghỉ học nghỉ làm, Tết còn là một khoảng dừng giữa nhịp sống vội vã. Đây là lúc mỗi người nhìn lại hành trình đã qua trong năm cũ, và vạch ra những kế hoạch tốt đẹp cho năm tới.

Chúng ta đang ở những ngày đầu tiên của năm 2020, cũng là năm đầu tiên của thập kỷ mới. Những mong muốn đổi thay, những kế hoạch phát triển, chắc hẳn ai cũng có. “Mình sẽ học thêm một ngoại ngữ mới”; “Mình sẽ tập một môn thể thao”; “Mình sẽ ăn uống thật lành mạnh”… Thế nhưng, đã bao giờ bạn nhìn lại bản New Year Resolution (bản mục tiêu năm mới) từ năm trước, và nhận ra mình đã “quên” thực hiện phần lớn trong số đó?

Trong năm 2020 này, đã đến lúc chúng ta đặt ra mục tiêu năm mới thiết thực hơn. Nó cần bao gồm những điều mà bạn muốn làm và thực sự sẽ làm để phát triển bản thân, chứ không chỉ là những gạch đầu, những khẩu hiệu viết ra trong lúc vui vẻ. Cùng Vietcetera điểm qua phương pháp đặt mục tiêu năm mới thiết thực, được truyền cảm hứng bởi tác giả Jen A Miller. Hy vọng rằng một năm sau nhìn lại, chúng ta đều thấy mình đã trưởng thành theo đúng định hướng mà mình mong muốn.

Đã đến lúc chúng ta đặt ra những mục tiêu thiết thực hơn, để một năm sau nhìn lại, chúng ta đều thấy mình đã trưởng thành theo đúng định hướng mà mình mong muốn.

Chọn đúng mục tiêu

Theo nghiên cứu của tổ chức cung cấp dịch vụ về quản lý thời gian Franklin Coley, 1/3 người viết bản mục tiêu năm mới phá vỡ mọi kế hoạch của mình vào cuối tháng 1, tức là chưa đầy 1 tháng sau khi họ viết ra.

Có 3 lý do để lý giải cho điều này:

(1) Mục tiêu của bạn dựa trên những điều người khác nói rằng bạn cần thay đổi, chứ không phải điều bạn thực sự mong muốn.

(2) Mục tiêu của bạn quá mơ hồ.

(3) Bạn không có một kế hoạch thực tế để đạt được mục tiêu đề ra.

Năm 1981, tổ chức Management Review đã đề ra 5 tiêu chuẩn cho một mục tiêu tốt, được viết tắt thành SMART. 5 yếu tố đó bao gồm:

  • Specific – Cụ thể: “Tôi sẽ tiết kiệm tiền” không phải là một mục tiêu rõ ràng; nhưng “Tôi sẽ tiết kiệm 5 triệu trong 2 tháng đầu năm” lại đủ cụ thể và có thể hiệu quả hơn.
  • Measurable – Đo lường được: Để tiết kiệm 5 triệu trong 2 tháng, bạn sẽ đo lường bằng cách nào? Hãy ghi lại từng bước tiến nhỏ, có thể bằng ghi chú trên điện thoại, hoặc phần mềm theo dõi. Điều này sẽ giúp bạn nhận ra mình đã đi đến đâu trên hành trình đạt mục tiêu này.
  • Achievable – Tính khả thi: Cố gắng thực hiện những mục tiêu quá lớn lao là một trong những lỗi phổ biến. Tiết kiệm 500 triệu để nghỉ hưu tuổi 30 là phi thực tế, nhưng tiết kiệm mỗi tháng 3 triệu là một kế hoạch có thể đạt được.
  • Relevant – Tính phù hợp: Mục tiêu cần phù hợp với tầm nhìn của bạn về chính bạn. Ví dụ, bạn mong muốn học thêm nhiều kỹ năng, bạn tiết kiệm tiền để đầu tư vào những khoá học đó.
  • Time Bound – Giới hạn thời gian: Xác định một khoảng thời gian nhất định để hiện thực hoá mục tiêu, đồng thời chia mục tiêu thành những bước nhỏ trên cả hành trình. Điều này sẽ giúp bạn thực hiện tiến độ dần dần trước khi giành “chiến thắng” lớn.

1/3 người viết bản mục tiêu năm mới phá vỡ mọi kế hoạch của mình vào cuối tháng 1, tức là chưa đầy 1 tháng sau khi họ viết ra. Nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc đặt mục tiêu chưa thiết thực.

Nhận biết những thách thức

Dù bạn có một mục tiêu năm mới tốt đến đâu, sẽ luôn có một phần nào đó trong bạn không muốn thay đổi và tìm lý do để trì hoãn. Cụ thể như:

“Mục tiêu này là quá lớn và sẽ có quá nhiều việc phải làm”

Nếu như bạn phải chạy 5 km, suy nghĩ nào sau đây sẽ khiến bạn có động lực hơn: “Tôi mới chạy được 1 km và còn tận 4 km ở phía trước” hay “Tôi đã chạy được 1 km và sắp được 2 km rồi”? Thay vì nhìn vào hàng tá công việc trước mắt, hãy tập trung vào những việc bạn đã thực hiện được, và trân trọng từng bước tiến nhỏ trong quá trình thay đổi ấy.

“Tôi đã cố gắng tích cực, nhưng vẫn không thể làm được”

Tích cực là quan trọng, nhưng chưa đủ để thành công. Một yếu tố khác là “Realistic” – đánh giá được tình hình và khó khăn thực tế để có cách xử lý phù hợp. Mô hình W.O.O.P có thể giúp bạn vượt qua điều này.

  • Wish – Mong ước: Mục tiêu bạn muốn thực hiện?
  • Outcome – Kết quả: Kết quả lý tưởng bạn muốn đạt được là gì?
  • Obstacle – Rào cản: Điều gì ngăn cản bạn thực hiện điều mình muốn?
  • Plan – Kế hoạch hành động: Khi rào cản đó xuất hiện, bạn làm gì để vượt qua?

Ví dụ, tôi muốn xây dựng thói quen tập thể dục mỗi sáng 30 phút, để có cơ thể khoẻ mạnh và nhiều năng lượng hơn. Nhưng tôi thường dậy muộn, hoặc bận kiểm tra email, lướt Facebook. Để thay đổi, tôi sẽ luôn đặt đồng hồ báo thức sớm, tắt thông báo email và Facebook trên điện thoại.

“Tôi không thể thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra.”

Trong một nghiên cứu năm 2015, hai nhóm người tham gia nghiên cứu được trả tiền để đến phòng tập gym trong một tháng. Nhóm thứ nhất được trả tiền nếu họ tập cố định 2 tiếng mỗi ngày. Nhóm thứ hai được trả tiền bất cứ khi nào họ đến phòng tập.

Sau một tháng, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng nhóm thứ hai đến phòng tập đều đặn hơn. Vì vậy, lên mục tiêu là tốt, nhưng cũng cần linh hoạt tuỳ theo thực tế. Đôi khi bạn thất bại vì kế hoạch bạn đặt ra quá khắc nghiệt, chưa phù hợp với nhịp sống hiện tại.

Lên mục tiêu là tốt, nhưng cũng cần linh hoạt tuỳ theo thực tế.

Chia sẻ mục tiêu với đúng người

Bạn không nhất thiết phải thực hiện mọi mục tiêu năm mới một mình, tìm một người đồng hành phù hợp sẽ giúp chặng đường này thú vị hơn. Bạn có thể chia sẻ bản Resolution của mình với một vài người khác, hoặc chia sẻ trên mạng xã hội. Khi nhiều người biết đến, bạn sẽ có nhiều động lực và áp lực để thực hiện hơn, nhờ đó cam kết cũng cao hơn.

Hoặc bạn có thể dùng một hình phạt nào đó làm động lực. Ví dụ, nếu tôi không duy trì được 3 buổi chạy/ 1 tuần, tôi sẽ phải nộp cho bạn đồng hành của tôi 100 nghìn. Khi yếu tố tài chính được đưa vào, cuộc chơi sẽ khác.

Vậy thế nào là một người đồng hành phù hợp?

Trước hết, họ cũng phải có mong muốn thay đổi và tư duy tích cực để cùng hỗ trợ bạn. Tiếp theo, họ phải là người đủ nghiêm khắc để nhắc nhở và thúc giục mỗi khi bạn lệch khỏi đường ray.

Ngoài ra, một nghiên cứu được đăng tải trên chuyên trang về Tâm lý học Ứng dụng (Journal of Applied Psychology) cho biết, bạn nên chia sẻ với những người có địa vị và trình độ cao hơn. Nguyên nhân là vì bạn quan tâm đến cách suy nghĩ và nhìn nhận của người đó về mình, nên bạn sẽ có quyết tâm cao hơn.

Howard, tác giả của nghiên cứu khẳng định: “Bạn muốn bám sát kế hoạch, không cho phép mình lùi bước, thì bạn phải chia sẻ nó với người mà bạn ngưỡng mộ”.

Để có thêm động lực, hãy chia sẻ mục tiêu của mình với một người đồng hành, hoặc một người bạn ngưỡng mộ/ có trình độ, địa vị cao hơn.

Và nếu bạn vẫn thất bại, thì sao?

Chuyện không đạt được mục tiêu ngay cả khi đã rất cố gắng là hoàn toàn có thể hiểu được. Điều quan trọng là tự đánh giá và tìm được lý do đằng sau những mục tiêu thất bại ấy.

Có thể là vì một vài tháng sau khi viết bản mục tiêu năm mới, hoàn cảnh đã thay đổi, và những mục tiêu đặt ra không còn phù hợp nữa. Khi đó, bạn cần phân tích tình hình hiện tại để điều chỉnh mục tiêu và kế hoạch hành động cho phù hợp hơn.

Trong nhiều trường hợp, bạn thậm chí còn chưa bắt đầu thực hiện một vài mục tiêu trong danh sách. Trước khi tự trách mình lười biếng, hoặc tự ti về năng lực, hãy nhìn nhận lại chính mục tiêu đó một cách khách quan nhất. Rất có thể, mục tiêu bạn đặt ra không sai, nhưng lựa chọn thời điểm chưa chính xác. Một cách giải quyết trong trường hợp này là thử lại một lần nữa vào thời điểm khác phù hợp hơn.

Về bản chất, mục đích của việc tự nhìn nhận và đặt ra kế hoạch mục tiêu năm mới là để khơi gợi cảm xúc hứng khởi và đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp. Vì vậy, quan trọng nhất là tư duy tích cực và cái nhìn thực tế.

Tư duy tích cực để luôn nhìn nhận điều mình có thể học hỏi hoặc làm khác đi, để biết trân quý từng khoảnh khắc và bài học trong cuộc sống. Cái nhìn thực tế để đánh giá khách quan tình hình, để không quá dễ dãi với bản thân, không tự trách mình, và cũng không tự khiến mình căng thẳng.

Bài viết này được thực hiện bởi Tracy.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục