"Muốn làm giàu thì phải biết cách mượn nợ"
Chúng tôi ngồi cùng anh Thành Công, chủ kênh YouTube về tài chính cá nhân Thành Công TC. Là một người nghiện công việc chính hiệu, anh Công thần tượng Warren Buffett và Graham Stephan - người mà anh lấy cảm hứng cho khẩu hiệu “dập nát nút like”.
Với anh Công, học cách tiết kiệm, đầu tư và mượn nợ từ sớm là rất quan trọng. Trong danh mục của mình, anh Công dành tỷ lệ 80% cho những khoản đầu tư an toàn, và 20% cho những khoản mạo hiểm.
1. Nguồn thu nhập chính của bạn trong hiện tại là gì?
Một số bạn có thể đã biết mình là youtuber Thành Công TC, đồng thời cũng là influencer trên mạng xã hội. Ngoài ra mình cũng làm tư vấn tài chính (financial advisor) và phụ trách mảng marketing cho một startup công nghệ về phân tích cổ phiếu. Làm việc từ xa thôi vì hiện tại mình vẫn đang học bên Mỹ mà (cười).
Mình cũng đầu tư chứng khoán nữa. Cái này thì cũng không biết có nên gọi là nguồn thu nhập hay không, vì đầu tư thì có lúc được lúc mất. Cơ mà được nhiều hơn mất nên thôi tính cũng được.
2. Nếu như có 1 lời khuyên về tiền mà bạn chắc chắn phải nói cho con cháu của mình, đó là gì?
Học cách xài thẻ tín dụng, học cách mượn nợ một cách hiệu quả. Khi xài thẻ tín dụng thì cần trả nợ đúng hẹn, và phải trả đủ chứ không trả một phần nha.
Ở Việt Nam thì việc sử dụng thẻ tín dụng mình nghĩ chưa quá phổ biến, chứ như ở Mỹ nơi mình ở thì việc sử dụng thẻ tín dụng là rất cần thiết. Vì nếu mình có điểm tín dụng cao, mình sẽ dễ dàng mượn nợ hay mua nhà mua xe hơn.
Cho nên mình nghĩ biết cách sử dụng thẻ tín dụng là điều quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân, và nên biết càng sớm càng tốt.
3. Trong một thế giới hoàn hảo, bạn sẽ nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi?
Nếu độc thân thì mục tiêu mình đặt ra là 30 tuổi. Nhưng nếu sau này có gia đình, con cái thì chắc phải lùi lại 10 năm nữa là 40 tuổi.
Trước khi có gia đình thì mình đặt mục tiêu có net worth ít nhất 500 nghìn USD (~11 tỷ VND). Nếu sau này mình ở Mỹ thì sẽ lấy con số này, còn nếu ở Việt Nam thì chắc sẽ giảm đi một nửa.
4. Bạn sẽ làm gì nếu trúng số 100 tỷ?
100 tỷ này phải là sau thuế nha, chứ trước thuế là không chơi đâu vì trừ thuế xong còn nhiêu đâu mà xài (cười).
Nếu trúng số 100 tỷ thì mình sẽ dành 50 tỷ để đầu tư vào quỹ, 20 tỷ đầu tư bất động sản và 5 tỷ cho việc từ thiện hoặc một số khoản chi mà mình chưa nghĩ tới. Mình cũng sẽ dự trữ 20 tỷ tiền mặt để đợi thời cơ đầu tư. Còn lại 5 tỷ nữa thì mình ăn chơi tiêu xài cho đã!
5. Bạn xem những khoản nợ nào là tốt, và những khoản nào là xấu?
Nợ tốt với mình là những khoản nợ mang lại giá trị cho bản thân, và có giá trị lâu dài. Về mặt tài chính thì lãi suất phải thấp, khoảng gấp 2-2.5 lãi suất hiện hành của chính phủ là mình thấy phù hợp. Ví dụ như nợ để đi học và xây dựng kiến thức.
Ngược lại thì nợ xấu là những khoản nợ không mang lại giá trị nhiều, hoặc có lãi suất cao. Đây có thể là nợ để mua hàng trả góp, hay những thứ xa xỉ để tạo ấn tượng với những người không quan trọng, ví dụ như một chiếc điện thoại đắt tiền hay một chiếc ví hàng chục ngàn đô.
6. Trở về tuổi 20 với vốn kiến thức hiện có, hoặc già thêm 20 tuổi nhưng sở hữu 1 tỷ USD. Bạn sẽ chọn cái nào?
Chắc chắn là già thêm 20 tuổi nhưng sở hữu 1 tỷ đô rồi (cười). 20 năm nữa thì mình cũng chỉ mới 43 tuổi thôi. Tuổi này thì vẫn đủ sức khỏe để tiêu tiền và đi du lịch vòng quanh thế giới.
Nếu câu hỏi chỉ cho 10 triệu USD thì mình sẽ cân nhắc này nọ, chứ còn 1 tỷ USD thì mình sống cả đời cũng chả biết có kiếm nổi không, nên tội gì không lấy!
7. Bí kíp tiết kiệm hiệu quả nhất mà bạn biết?
Theo dõi chi tiêu. Với mình, việc có con số trước mặt nhìn hằng ngày để biết được một tháng mình chi tiêu như thế nào ảnh hưởng rất nhiều đến việc chi tiêu.
Ngày xưa thì mình cũng không tự làm đâu, mà ba mình bắt làm do mình đi học thì tiêu tiền của ba. Lúc đó thì mình cũng khá chống đối, nhưng làm được một thời gian thì thấy hiệu quả quá, nên thành ra tự làm luôn, khỏi cần ba nhắc.
Để theo dõi chi tiêu thì mình sử dụng phần mềm Excel. Excel hay ở chỗ nó cho phép người dùng tự do tùy chỉnh theo nhu cầu, cũng như giúp bảo mật thông tin tốt hơn. Đây cũng là điểm khiến mình thích dùng Excel hơn một ứng dụng quản lý chi tiêu nào đó, do nếu dùng ứng dụng thì mình phải cung cấp thông tin cá nhân cho nó.
Bật mí là mình cũng nắm chi tiết chi tiêu hàng ngày của bản thân luôn nha. Trên youtube mình cũng có một cái video nói rõ xài bao nhiêu tiền trong năm 2021, và chia ra từng khoản luôn.
8. Bạn thích hình thức đầu tư nào nhất? Vì sao?
Mình thích nhất là đầu tư cổ phiếu. Có 4 lý do cho điều này.
Lý do 1 là cổ phiếu có tính thanh khoản nên mua bán dễ. Lý do 2 là trên thị trường chứng khoán có nhiều nhà đầu tư, mỗi người một tính cách nên nếu biết cách thì mình cũng dễ nổi bật hơn. Lý do 3 là không cần quá nhiều tiền để đa dạng hóa danh mục. Và lý do 4 là lợi nhuận rất tiềm năng, có thể khổng lồ nếu biết đầu tư đúng.
Mình cũng thích đầu tư cổ phiếu hơn crypto. Do là hiện tại mình thấy thị trường crypto hưng phấn và loạn quá, và chính bản thân crypto mình thấy cũng chưa có quá nhiều ứng dụng trong cuộc sống. Cho nên hiện tại đầu tư crypto với mình chỉ mang tính kỳ vọng thôi, chiếm chưa đến 1% tổng tài sản.
9. Trong đầu tư, mức chịu rủi ro của bạn như thế nào?
Trong kiến thức của mình thì mình thấy là an toàn, nhưng với người khác thì không biết nha. Phong cách của mình là đã chơi là khô máu luôn và chỉ mua thêm thôi, rớt giá thì trung bình giá xuống chứ không cắt lỗ gì hết. Xác định đã bỏ tiền là tin yêu công ty nên càng xuống càng mua (cười).
Cơ mà mình cũng từng có đợt phải cắt lỗ vì cổ phiếu mất đến 90% giá trị. Đợt đó dịch Covid đang căng thẳng, giá dầu giảm mạnh và mình quyết định đầu tư vào một công ty dầu ở châu Âu. Sau này thì công ty không hồi phục được, và số tiền đầu tư của mình cũng vì thế mà “bay màu” theo.
Hồi đấy thua lỗ cũng một phần do kiến thức mình chưa có nhiều. Giờ thì đương nhiên trước khi mua mình phải tìm hiểu kỹ hơn.
10. Thứ gì thúc đẩy bạn cố gắng trong thời gian qua?
Đó là mục tiêu đạt được tự do tài chính càng sớm càng tốt, để sau năm 30 tuổi mình không phải làm việc vì tiền nữa.
Sau năm 30 tuổi mình mong muốn được làm những công việc yêu thích, hơn là làm việc chỉ để kiếm tiền. Đồng tiền là thứ thúc đẩy mình làm việc, nhưng mình biết rằng nếu tách bản thân khỏi đồng tiền thì sẽ thoải mái hơn.
Cơ mà trộm vía là ở thời điểm hiện tại mình vẫn đang kiếm tiền từ những công việc mình yêu thích nên không thấy áp lực (cười).
TOPI là ứng dụng đầu tư và quản lí tài chính cá nhân toàn diện.
TOPI hỗ trợ nhà đầu tư thông qua 3 tính năng chính: Phân tích thị trường ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn Big data để đưa ra chỉ số tâm lí thị trường phục vụ việc dự báo thị trường một cách tốt nhất. Hợp tác với những quỹ đầu tư lớn và công ty chứng khoán hàng đầu để đưa các sản phẩm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và vàng trên một nền tảng hợp nhất. Lập kế hoạch tài chính, quản lí toàn bộ các khoản thu chi và đầu tư.
Tải ngay ứng dụng tại đây.