Nếu một câu chuyện được kể dài hơn, nó có khác không?

Nhiếp ảnh gia Maika Elan nhìn lại những buông bỏ sau mỗi dự án và giải thưởng.
Thuỳ Minh
Nhiếp ảnh gia Maika Elan. | Nguồn: Guy Trương cho Vietcetera

Nhiếp ảnh gia Maika Elan. | Nguồn: Guy Trương cho Vietcetera

Chúng tôi gặp Maika (tên thật Nguyễn Thanh Hải) trong những ngày này khi trời có nhiều mưa và hơi nước. Nhiếp ảnh gia đã từng làm những đề tài đời nhất, chạm đến những chân dung thiểu số nhất, cũng là một trong những người Việt đoạt giải thưởng cao nhất về nhiếp ảnh của thế giới, giờ chủ yếu nhìn thời tiết trồng cây!

Chào Maika, những ngày này, bạn quan tâm nhất đến điều gì?

Tình hình thời tiết, xem nắng hay mưa, xem có phải tưới cây hay không. Hôm nào mưa thì thấy rất đau khổ cho đám xương rồng trong vườn.

Bạn là người khó hay dễ trong việc tìm đề tài chụp ảnh?

Cả hai.

Dự án cá nhân thì đề tài đến với mình rất dễ- vì bản thân mình vốn biết khá rõ mình bị thu hút bởi điều gì. Các mối quan hệ xung quanh con người, con người với thiên nhiên luôn khiến mình tò mò, luôn khiến mình phải đặt ra câu hỏi: vì sao người này hay người kia lại có mối quan tâm đó…

Mình sẽ lên mạng tìm ảnh về các ý tưởng nảy ra trong đầu. Nếu lúc đó Google chưa có nhiều ảnh, hoặc có ảnh nhưng không giống với những gì mình hình dung về đề tài, thì đấy là lúc mình biết mình sẽ bắt tay làm!

Khó ở chỗ, mình cứ loanh quanh những thứ mình thích, nên dễ bị bỏ qua những cơ hội khác.

Trong rất nhiều dự án đã thực hiện, dự án nào theo cá nhân bạn là vất vả nhất?

Chẳng cái nào cả (cười).

Làm cái mình thích nên gì cũng thấy vui. Khi đi làm, mình tương tác nhiều. Chụp mỗi nhân vật mới, mình lại được đến một không gian mới, nói câu chuyện mới, ăn các thứ mới họ mời, nên chẳng thấy vất vả gì.

Trong công việc, mình có khả năng tập trung đến nỗi có ốm cũng khỏi ốm, thức nguyên đêm để làm hay đứng chụp cả ngày không cần đi… vệ sinh. Mình cũng không phải phụ thuộc vào cà phê hay trà để có thể bắt tay vào việc.

Nhiếp ảnh gia có giống diễn viên, phải "xả vai" sau mỗi nhân vật/dự án?

Không. Vì mình rất giữ khoảng cách với nhân vật của mình và không có thói quen nói chuyện với họ trong lúc chụp. Vì thế mình thường nhìn họ khách quan nhất có thể. Nhân vật cũng tuỳ người, có người thích chia sẻ nhiều hơn hẳn những người còn lại. Và cũng có nhiều người sau đó thành bạn của mình.

Nhưng mình không phải là kiểu trong lúc chụp bị nhân vật cuốn đi. Có cảm giác mình gặp họ, lấy từ họ những thứ mình cần rồi thôi. Không ai nợ ai cả.

Dự án nào khiến bạn phải "sống" lâu nhất trong đó?

The Pink Choice – Yêu là yêu, vì nó trải dài. Mình có gần 1 năm chuẩn bị, 2 năm thực hiện, hành trình triển lãm… đến tận năm ngoái vẫn diễn ra. Cuộc sống của tác phẩm sẽ có vòng đời từ 3 đến 5 năm ở các dạng triển lãm, workshop khác nhau.

Nghĩ đến chữ #bỏ, bạn bỏ lại gì sau mỗi dự án ảnh của mình?

Mỗi lần có ý tưởng, mình thường suy nghĩ nhiều tới mức mất ngủ. Chưa kịp nghĩ về việc thực hiện nó thế nào, khả thi hay không, nhân vật là ai, mà mình lại chọn mơ màng đến kết quả của ý tưởng đấy trước.

Tức là sẽ nghĩ về không gian triển lãm trông như thế nào, họp báo thì được hỏi câu gì. Hình dung không gian ánh sáng lúc đó ra sao. Ảnh được in trong khổ bao nhiêu… Sau khi thoả mãn hết những thứ ấy, mình mới đi vào chi tiết của dự án.

Cứ mỗi lần đi chệch đường, mình lại hình dung từ đầu, lại mất ngủ từ đầu cả một chuỗi những nghĩ suy ấy.

#Bỏ với mình là kết thúc những chuỗi ngày như thế!

Có bao nhiêu sự bỏ diễn ra tự nguyện?

Mình là người xong là xong. Mình không bao giờ hối hận theo kiểu giá mà, ước gì lúc đấy làm tốt hơn. Nếu chọn phải làm lại thì mình sẽ làm một thứ khác hẳn.

Nói thế để chia sẻ rằng sau mỗi dự án, mình dứt được gì là dứt luôn.

Mình luôn đặt câu hỏi: Nếu câu chuyện được kể dài hơn, nó có khác không? Ảnh có thể đẹp hơn nếu ta dành nhiều hơn thời gian thật đấy, nhưng nếu câu chuyện vẫn thế thì… thôi!

Khi bỏ người ta cũng nói đến "được". Bạn thấy mình được gì nhất sau mỗi lần thực hiện các tác phẩm lớn như The Pink Choice hay về Hikikomori, ngoài các giải thưởng và sự xưng tụng của báo chí nước ngoài?

Mình được nhiều. Được mọi thứ. Được đi chơi!

Được nhất là một quá trình trải nghiệm của bản thân đạt đến độ tự nhiên nhẹ nhõm.

Mình nhớ trong lúc thực hiện The Pink Choice, có người hỏi mình rằng mình có phải người đồng tính không khi chọn đề tài này. Lúc ấy mình thấy rất khó chịu. Nhưng sau này vài năm, mình tự thấy bản thân chẳng việc gì phải trả lời những câu hỏi đó.

Với bộ Hikikomori cũng vậy, lúc mới chụp mình cũng có những ác cảm rằng họ lười biếng, con nhà giàu nên mới sống như thế. Nhưng phải sống trong thế giới của họ mới thấy điều họ đang làm là cần thiết.

Qua thời gian, mình học được có nhiều thứ cứ im lặng thay đổi bên trong mình, mà không cần chia sẻ ra thành lời với ai. Tự mình cảm thấy chính mình sống tử tế bao dung hơn. Cũng ít nhu cầu hơn.

Nghe nói nhiếp ảnh gia Maika giờ "bỏ" cả nghề đi về mở vườn cây? Bạn có dự án ảnh tiếp theo chưa?

Mình không bỏ, chỉ là làm thêm một khu vườn nhỏ tên là Elan Garden để bán cây chủ yếu cho bạn bè người quen.

Dự án mới của mình đúng là "ngâm" mãi vẫn chưa bắt tay vào việc. Mình đang quan tâm đến đề nạo phá thai và vai trò của nam giới trong quá trình ấy.

Thế khi làm về cây thì vui nhất cái gì?

Hồi mới chụp ảnh với kiểu chụp đời thường, nên mình cứ thấy cái gì nghèo và bẩn thì tự dưng là đẹp.

Bắt đầu chụp thời trang thì mình tập trung nhìn ánh sáng và khối, giờ nào nắng đẹp, toà nhà nào đẹp…

Khi chụp nhiều hơn về tư liệu thì mình nhìn con người xem họ đẹp lúc nào.

Giờ mở vườn cây thì tầm nhìn của mình là từ mặt đất đến tận... sân thượng.

Mình nhìn cây nhiều đến nỗi đường từ nhà đến vườn, là con đường đi mỗi ngày từ quận 4 đến quận 1, nhà nào có xê dịch cây có khi mình... biết hết. Mình còn thuộc hết mấy lớp nền cỏ trên ban công nhà họ đến việc ngã tư bùng binh đi qua có mấy lớp cây…

Khi chúng ta chọn cho mình một công việc mới, một mối quan tâm mới, thì tầm nhìn là thứ thay đổi lớn nhất!

Xem thêm các triển lãm của Maika Elan tại

Hikikomori là từ chỉ những thanh niên trẻ Nhật Bản muốn xa lánh cuộc sống bên ngoài và hoàn toàn khép mình trong căn phòng với mọi sinh hoạt cá nhân. Với những chàng trai Hikikomori, 2,3 năm và thậm chí cả 10 năm không ra khỏi nhà là điều hoàn toàn bình thường.

“The Pink Choice - Yêu là yêu”, một bộ ảnh của Maika về cuộc sống của các cặp đôi đồng giới đã đoạt ngôi quán quân thể loại “Contemporary Issues” (Vấn đề đương đại) của giải World Press Photo, một giải ảnh báo chí quốc tế danh giá.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục