"Never give up!" hay những kẻ chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc

Sau nhiều năm bền bỉ và không bỏ cuộc, những diễn viên đã nâng cao tượng vàng của họ lên như để cùng khẳng định cho thông điệp chiến thắng: “Never give up!”
Lâm Lê
Nguồn: Getty Images

Nguồn: Getty Images

Chủ đề về người nhập cư gốc Á ở Hollywood luôn là một đề tài mang tính thiểu số hoặc bên lề. Các nền điện ảnh hay diễn viên châu Á cũng vậy, tài năng của họ chưa bao giờ được Hollywood đánh giá đúng.

Nhưng trong vài năm gần đây, Viện Hàn lâm Mỹ đã “sửa sai” khi lần lượt vinh danh Parasite đến từ Hàn Quốc ở những hạng mục danh giá nhất, vinh danh Minari với câu chuyện về một gia đình nhập cư gốc Hàn tại Mỹ những năm 80. Và tại Oscar năm nay, họ tiếp tục vinh danh Everything Everywhere All at Once về một gia đình người nhập cư gốc Hoa tại Mỹ đang phải chiến đấu với chính bản thân họ trong một đa vũ trụ hỗn loạn.

Daniel Kwan – một trong hai biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất của bộ phim, là người nhập cư gốc Hoa. Nguồn cảm hứng lớn lao để anh viết kịch bản gốc của phim là những trải nghiệm cá nhân, đặc biệt là hình ảnh người mẹ nhập cư phải vật lộn đấu tranh để thành công trên đất Mỹ nhưng vẫn giữ những giá trị của gia đình.

Sự kiên cường và tâm thế không bỏ cuộc đó cũng chính là thông điệp của những diễn viên đã thắng giải thưởng cao nhất trong đêm Oscar. Ba trong số đó tới từ bộ phim của Daniel Kwan.

“Đừng bao giờ bỏ cuộc!”

Quan Kế Huy và giấc mơ Mỹ

EEAAO làm nên một “giấc mơ Mỹ” tuyệt đẹp cho Quan Kế Huy và là sự khẳng định cho tài năng và nỗ lực cống hiến không biết mệt mỏi của cả Dương Tử Quỳnh lẫn Jamie Lee Curtis – hai nữ diễn viên gạo cội có sự nghiệp kéo dài 4 đến 5 thập niên. Cả ba đều giành được tượng vàng Oscar cho những vai diễn mang tính biểu tượng của họ.

Từ một cậu bé nhập cư gốc Á, Quan Kế Huy đã có một khởi đầu đẹp như mơ tại Hollywood khi được ba ông lớn là Steven Spielberg, George Lucas và Harrison Ford gật đầu để đóng vai Short Round đồng hành cùng Indiana Jones trong những cuộc phiêu lưu hấp dẫn của loạt phim ăn khách đầu thập niên 80.

Một năm sau đó, Steven Spielberg tiếp tục chọn anh vào một dự án phim kinh dị ăn khách khác là The Goonies, biến Quan Kế Huy trở thành một trong những diễn viên nhí được yêu thích nhất trong thập niên 80.

Nhưng cũng như bao diễn viên nhí khác, sự nghiệp của Quan Kế Huy trở nên khó khăn khi anh trưởng thành, đơn giản vì cơ hội cho diễn viên gốc Á luôn hiếm ở Hollywood. Quan Kế Huy phải tìm kiếm cơ hội ở thị trường châu Á (thậm chí còn sang Việt Nam đóng phim thời… mì ăn liền), làm trợ lý sản xuất và từng làm trợ lý cho Vương Gia Vệ trong dự án phim 2046 của ông.

Dù không còn nhiều cơ hội và gần như đã bị quên lãng, Quan Kế Huy chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ diễn xuất của mình. Và khi cơ hội đó tới với sự thành công mang tính đột phá của Crazy Rich Asians, anh nắm bắt ngay thời cơ để tái xuất và được chọn đóng vai thứ chính trong EEAAO.

Sự từ chối của Thành Long giúp anh có cơ hội nhận vai và “đổi vai” trong EEAAO. Thay vì nam chính, anh trở thành nam phụ. Và khi thoát khỏi cái khung “alpha male” đôi lúc phải “gồng” rất mệt trong những bộ phim khuôn mẫu của Hollywood, anh trở thành một người đàn ông chân thành và sống đúng với bản chất của mình. Cần ngôn tình thì vẫn ngôn tình mà cần lau nhà giặt ủi rửa bát đóng thuế với người đàn bà mình yêu thì vẫn cứ phải hạnh phúc cùng nhau.

Trong EEAAO, giữa một cái gia đình hỗn loạn giá trị sống, anh là người bình tâm nhất và cũng là nhân vật đáng yêu nhất. Đó là lý do khiến Quan Kế Huy là người chiến thắng giòn giã nhất trong mùa giải điện ảnh năm nay. Sự trở lại vì không bỏ cuộc của anh đẹp như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường vậy.

"Brenaissance" - Sự trở lại của Brendan Fraser

Brendan Fraser cũng kể một câu chuyện cổ tích đẹp khác về tinh thần “never give up!” Nam diễn viên điển trai đúng “chuẩn Hollywood” này từng đóng chung với Quan Kế Huy trong một bộ phim thời mới vào nghề (Encino Man, 1992), từng đến Việt Nam vào năm 2001 để đóng vai chính cạnh Đỗ Hải Yến trong The Quiet American (2002) và đóng chung với Dương Tử Quỳnh trong một bộ phim bom tấn thời đỉnh cao (The Mummy: Tomb of the Dragon Emperor, 2008).

Nhưng kể từ sau bộ phim ăn khách đó, Brendan Fraser dần biến mất khỏi Hollywood. Phải nhiều năm sau, anh mới trở lại cùng một bài báo gây chấn động, kể về những năm tháng chìm trong khủng hoảng cá nhân dẫn đến trầm cảm do bệnh tật (bởi chấn thương trong những năm tháng đóng phim hành động), gia đình tan vỡ, một đứa con bị tự kỷ và kể cả bị lạm dụng tình dục bởi một nhân vật quyền lực trong ngành phim ở Hollywood.

Những năm tháng ấy đã nhấn chìm sự nghiệp của Brendan Fraser và tưởng như đã biến anh trở thành ngôi sao hết thời. Bài báo chân thành đó đồng thời cũng là một tấm phao cứu sinh khi có cả một chiến dịch “giải cứu sự nghiệp của Brendan Fraser” từ cộng đồng những người hâm mộ lẫn các đồng nghiệp của anh.

Và cơ hội tuyệt vời đã đến khi đạo diễn Darren Aronofsky đã chọn anh đóng vai chính trong bộ phim chính kịch tâm lý The Whale với một nhân vật như… đo ni đóng giày. Nhân vật Charlie trong phim là một người đàn ông đồng tính béo phì và đang vật lộn với bệnh tật trong những ngày cuối đời.

Nhưng anh ta không muốn ra đi trong sự vô nghĩa của một cuộc đời nhiều bi kịch. Anh tìm sự cứu chuộc của bản thân qua việc kết nối với đứa con gái ghẻ lạnh vì những tổn thương mà anh từng gây ra thời cô còn ấu thơ.

Vai diễn đầy sức nặng tâm lý đó đã được Brendan Fraser chuyển tải với một tinh thần của “người trong cuộc” – kẻ cũng có những chấn thương tinh thần nhưng không bao giờ bỏ cuộc và đang tìm cách cứu vãn sự nghiệp của mình bằng những bộ phim chất lượng. Và ở tuổi 52, Brendan Fraser đã quay trở lại đỉnh cao của sự nghiệp một lần nữa với một tầm cao mới: giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

“Hãy mơ lớn và đừng để ai nói bạn đã hết thời”

Nếu Quan Kế Huy và Brendan Fraser đại diện cho tinh thần “never give up” truyền cảm hứng cho bao người từng gặp khó khăn và thất bại, thì Jamie Lee Curtis và Dương Tử Quỳnh – hai nữ cường nhân của điện ảnh thế giới lại đại diện cho tinh thần lao động bền bỉ, kể cả ở độ tuổi mà cơ hội cho nữ diễn viên càng lúc càng hiếm hoi.

Jamie Lee Curtis: Từ "scream queen" tới tượng vàng

Jamie Lee Curtis vốn là con nhà nòi ở Hollywood, có bố và mẹ là những diễn viên kỳ cựu từng được đề cử Oscar là Tony Curtis (phim nổi bật nhất là Some Like It Hot đóng chung với Marilyn Monroe) và Janet Leigh (đóng Psycho của Alfred Hitchcock) nhưng chưa bao giờ đoạt giải.

Tiếp nối thành tựu của bố mẹ, Jamie Lee Curtis có một sự nghiệp thành công không kém từ thập niên 80 tới giờ với vô số bộ phim thành công về mặt thương mại và cả nghệ thuật như loạt phim Halloween (giúp bà được mệnh danh là “Scream Queen” ở Hollywood), True Lies, A Fish Called Wanda, Freaky Friday

Nhưng mãi tới năm nay, ở tuổi 64, Jamie Lee Curtis mới có đề cử Oscar đầu tiên trong EEAAO. Vai diễn vừa hài hước, vừa có nhiều nỗi niềm khi chia sẻ những bi kịch của gia đình khiến Jamie được khán giả lẫn giới phê bình tán tụng và gọi đây là thời điểm để tôn vinh tài năng của bà.

Trên sân khấu nhận giải, khi giương cao tượng vàng Oscar, Jamie Lee Curtis đã gửi lời tri ân tới bố mẹ của bà, dù họ giờ đây đã ở một thế giới khác – vì những di sản của họ đã được công nhận bởi Viện Hàn lâm.

Dương Tử Quỳnh: 40 năm vượt qua giới hạn của chính mình

Nhân vật cuối cùng trong bộ tứ “never give up” với tinh thần lao động bền bỉ nhất chính là Dương Tử Quỳnh, một ngôi sao mà cái mác “đả nữ” khiến cô bị đánh giá thấp hơn các nữ đồng nghiệp cùng thời như Củng Lợi, Trương Mạn Ngọc, thậm chí cả đàn em như Chương Tử Di.

Hành trình của Dương Tử Quỳnh xuất phát từ danh hiệu hoa hậu Malaysia năm 1983 đến đả nữ của phim hành động Hongkong thập niên 80, 90 với một loạt phim ăn khách đóng chung với Thành Long, Lý Liên Kiệt, Trương Mạn Ngọc, Mai Diễm Phương...

Cuối thập niên 90 cho đến gần đây, cô phát triển sự nghiệp vươn tầm quốc tế, từ vai diễn Bond girl trong Tomorrow Never Dies (1997), Ngọa Hổ Tàng Long (2000), Hồi Ức Của Một Geisha (2005) và rất nhiều bom tấn Hollywood khác.

Thế nhưng mãi đến năm 2022, Dương Tử Quỳnh mới có được một vai diễn mang tính biểu tượng của sự nghiệp trong EEAAO, từ sự biến hóa của các dị bản ở các vũ trụ khác nhau đến chiều sâu trong nội tâm của nhân vật.

Chiến thắng ở tuổi 61 càng tạo nhiều cảm hứng cho phụ nữ gốc Á nói riêng và diễn viên lớn tuổi nói chung, thể hiện qua bài phát biểu mạnh mẽ của cô: “Các quý cô, đừng để bất kỳ ai nói với bạn rằng bạn đã qua thời kỳ đỉnh cao.” Cũng thông qua đó, Dương Tử Quỳnh ngấm ngầm chỉ trích cái gọi là “chủ nghĩa tuổi tác ở Hollywood.”

Theo một thống kê, độ tuổi trung bình của những diễn viên từng đoạt giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất là 37 tuổi. Ở hạng mục phụ, trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2006, chênh lệch giữa Nam diễn viên phụ và Nữ diễn viên phụ là… 20 tuổi. Nói cách khác, nữ diễn viên được phát hiện và tỏa sáng khi còn trẻ nhưng sự nghiệp chóng tàn, nam diễn viên được công nhận muộn hơn nhưng sự nghiệp dài lâu hơn.

May mắn thay, đã có những thay đổi tích cực hơn trong những năm gần đây. Độ tuổi trung bình của 4 diễn viên thắng giải Oscar năm nay trung bình là 57 tuổi. Dù vẫn tham gia các dự án điện ảnh lớn, Dương Tử Quỳnh cũng phải thừa nhận rằng, đối với diễn viên nữ thì tuổi tác càng lớn, cơ hội càng ít đi.

Cô đã từng có ý định từ giã sự nghiệp như nhiều nữ đồng nghiệp châu Á khác, đơn giản vì những vai diễn rập khuôn. Nhưng tình yêu điện ảnh khiến cô không thể từ bỏ, để rồi cơ hội có được một vai diễn để đời đã đến khi hai đạo diễn Daniels quyết định “thay đổi giới tính” cho nhân vật chính và đưa cô trở thành diễn viên trung tâm của bộ phim.

Vai diễn đột phá này giúp tên tuổi của Dương Tử Quỳnh tỏa sáng khắp thế giới và được công nhận bởi giải thưởng cao quý nhất, cho dù trên gương mặt của cô đã hằn những nếp nhăn của tuổi tác.

Chiến thắng lịch sử của Dương Tử Quỳnh chính xác là biểu tượng cho “ngọn hải đăng của niềm hy vọng” và “hãy mơ lớn và biến những giấc mơ thành sự thật” như những lời phát biểu đầy cảm hứng của cô trong đêm nhận giải Oscar vừa qua.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục