Ngắm nhìn mình trong những biểu đạt nghệ thuật tại triển lãm "Giao biên"

Thật mừng vì giữa muôn vàn lo toan của cuộc sống, vẫn có những khoảng lặng như Giao biên để ta nghĩ về bản thân và những thứ xung quanh mình.
Sơn Hoàng
Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Mỗi ngày đi bộ trên đường, hoặc tham gia giao thông bằng xe máy, có khi nào bạn hướng mắt tìm đường chân trời? Giữa thành phố đông người, chật chội nhà chen nhau, liệu còn có thể thấy đường chân trời không? Và kể cả nếu đường chân trời có hiện diện, liệu ta có đủ sức để thoát khỏi những biên giới bao quanh mình để hướng về giao điểm của trời và đất ở đằng xa?

Đó là vài câu hỏi trong số vô vàn thắc mắc nảy sinh trong tôi tại buổi triển lãm Giao biên - Traversing Realms của phòng tranh Lotus với bốn họa sĩ đương đại nổi tiếng là Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Thúy Hằng, Dương Thùy Dương, và Nguyễn Quốc Dũng. Khi đứng riêng, mỗi bức tranh hay chùm tranh của mỗi họa sĩ mời gọi người xem vào một cuộc đối thoại riêng.

Bốn bộ sưu tập của bốn nghệ sĩ tập hợp lại trong một buổi trưng bày để thể hiện những biên giới trong thế giới vật lý lẫn trong tâm tưởng của con người. Có những ranh giới cũ đã bị vượt qua, có những ranh giới mới đang chờ ta vươn tới, lại có cả những đường biên mà ta không nhận ra đó là ranh giới. Nhưng dù là gì đi nữa, thì từng bức tranh nhắc nhở ta về vị trí nhỏ bé của con người giữa muôn vàn những đổi thay quanh mình.

Giữa những ánh nhìn của nghệ thuật

Thoát khỏi dòng người xe đông đúc giữa trời Sài Gòn nắng nóng vào một buổi sáng thứ tư, tôi hơi rùng mình khi bước vào không gian của Wiking Salon. Tôi đã nghĩ cảm giác ấy tới từ hơi lạnh trong phòng tranh phả vào cơ thể đang hầm hập mồ hôi.

Tới khi bước ra khỏi đó, tôi mới nhận ra rằng nhiệt độ trong và ngoài không quá khác nhau. Thứ khiến tôi rùng mình là ánh nhìn của những bức tranh rải rác khắp căn phòng.

Đó có thể là ánh nhìn ái ngại đầy phòng thủ của những người nhập cư trong tranh Nguyễn Quốc Dũng, hay là cái nhìn trực diện, vừa thách thức vừa giàu tâm tư của những người phụ nữ trong tranh Nguyễn Thị Châu Giang.

Nhưng đó vẫn chưa là gì so với chùm tranh của Dương Thùy Dương: 12 bức tranh với 12 khuôn mặt, 12 cặp mắt khác nhau đang chất vấn người xem: hỡi người xa lạ, ngươi có biết mình ở đâu giữa những khuôn mặt này?

Khác với ba họa sĩ trên, Nguyễn Thúy Hằng chẳng những không đưa ánh nhìn nào vào tranh, mà người xem phải căng mắt mới thấy được con người trong tác phẩm của cô. Trong tranh Thúy Hằng, chỉ có những khoảng trống rộng lớn của thiên nhiên, dù là những triền núi, những cánh rừng, hay bầu trời cao rộng.

Mỗi họa sĩ đều có một khu vực của riêng mình, nhưng không có ranh giới nào giữa những chùm tranh khác nhau. Nếu chỉ thả mình vào màu sắc, vào nét cọ mà không để ý tới tên tranh và tên tác giả, người xem hoàn toàn có thể rơi vào một vòng xoáy của cảm xúc và những suy tư không liền mạch.

Với cách bài trí và đánh sáng rất có chủ ý, Lotus đã thiết kế được những điểm nhấn khác nhau trong một không gian nghệ thuật không quá rộng lớn. Ở một bên là bức tranh lụa dài 2m của Nguyễn Thị Châu Giang - tác phẩm lớn nhất mà cô từng thực hiện. Phía bên kia căn phòng là bức tranh trừu tượng của Dương Thu Dương, được Lotus cất công mang về từ Berlin. Cứ như vậy, mỗi bức tranh là một điểm nhìn để người xem đắm chìm vào.

Cuộc gặp của những nghệ sĩ lớn

Chầm chậm bước qua từng bức tranh tại Giao biên, tôi thấy mình như đang tham dự một cuộc hẹn hò với nghệ thuật. Nhưng khác với những buổi xem mặt chớp nhoáng nơi người ta chỉ có đôi phút để cố mà hiểu nhau trước khi sang gặp người khác, Giao biên cho tôi đủ thời gian và không gian để đối thoại với từng nghệ sĩ và tác phẩm của họ, hưởng thụ những phong cách vẽ khác nhau trên những chất liệu và cách trình bày khác nhau.

Nguyễn Quốc Dũng và Nguyễn Thị Châu Giang: Con người ở đâu trong cuộc sống này?

Về chủ đề và đề tài, tranh của Nguyễn Quốc Dũng để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Hội họa trong nước đã có nhiều họa sĩ làm tranh về người lao động và đời sống thường nhật, nhưng ít ai có sự tập trung tuyệt đối vào nhóm người nhập cư như Nguyễn Quốc Dũng. Ngoài ra, còn có ba bức chì than trên giấy mô tả những người chuyển giới - một nhóm người ít được đại diện trong nghệ thuật đại chúng ở nước ta.

Tranh của anh vẽ rất chi tiết những không gian chật hẹp đặc trưng của các khu nhà trọ. Trong một bức, người cha che vải để mẹ thay đồ, trong khi đứa con nhỏ đang ngồi chơi ở trên đệm. Trong một bức khác, một gia đình sáu người cùng sinh hoạt giữa muôn vàn đồ đạc. Giữa những dáng đứng là một dáng nằm hơi trái khoáy, phá vỡ cấu trúc của bức tranh như để góp thêm sự hỗn loạn vào khung cảnh vốn đã chật chội vì đồ đạc.

Ta cần lưu ý rằng tranh của Nguyễn Quốc Dũng đặt trong khung. Điều này có nhiều ý nghĩa hơn ta tưởng, bởi nó kết hợp với cách bài trí không gian và bố cục bất cân xứng để tạo hiệu ứng điểm nhìn. Người xem như đang ngó vào, rơi vào đời sống của người nhập cư qua một khung cửa sổ hay một khe cửa mở hé.

Cũng lấy chủ thể là người nhưng có cách thể hiện và nội dung rất khác là chùm tranh của Nguyễn Thị Châu Giang. Bức tranh lớn nhất của cô cũng là một bức khỏa thân cho thấy vẻ đẹp của người phụ nữ theo thời gian. Với tôi, bức tranh này không chỉ ấn tượng ở kỹ thuật vẽ hai mặt lụa, mà còn gợi những liên tưởng thú vị và mông lung về số phận con người.

Cô còn mang tới triển lãm bộ tranh tứ bình, nhưng không phải là những tùng-cúc-trúc-mai hay xuân-hạ-thu-đông thường thấy trong hội họa truyền thống, mà là bức tứ bình về người phụ nữ, từ thuở thơ ngây tới khi về già. Điểm chung trong tranh của cô là ánh nhìn gần như thách thức của chủ thể trữ tình trong tranh, mời gọi những sự nhìn-lại hay nói-lại của người xem.

Nguyễn Thúy Hằng: “Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu”

Chùm tranh “Đường về” của Nguyễn Thúy Hằng ở buổi trưng bày là những tác phẩm mang lại cho tôi nhiều suy nghĩ nhất. Ở đó, con người bé tí hon lọt giữa thiên nhiên, băng băng bước trên hành trình truy nguyên vô tận. Xem tranh của cô là đang nhìn vào những khoảng không vô tận. Sự vô tận đó sẽ mênh mang tự do, hay là đầy những trống trải và rợn ngợp? Đó là phần cảm xúc của riêng mỗi người.

Với tôi, cái vô tận tạo nên từ những mảng màu mà Nguyễn Thúy Hằng khéo léo bài trí gợi nên sự kiên định. Cuộc sống tiếp diễn, ta cứ đi, đi, và đi mãi giữa mây ngàn. Đôi khi, ta dừng lại để “ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộng.” Cũng có lúc, ta im lặng thẫn thờ trước suy nghĩ rằng “tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu.” Nhưng dù gì, cuộc sống vẫn chảy trôi, và ta vẫn bước đi.

Có lẽ một điểm chạm rất riêng tư giữa cá nhân tôi và Nguyễn Thúy Hằng nằm ở việc cô dùng những câu thơ của Bùi Giáng trong bài thơ Phụng hiến để đặt tên cho tác phẩm của mình. Một bài thơ về số phận tình yêu của con người trước sự hữu hạn của thời gian, và cái kết tất yếu của tất cả mọi thứ đặt cạnh một bức tranh về hành trình tìm nguồn bất tận. Với tôi, đó chính là sự giao biên.

Dương Thùy Dương: Tìm mình và tìm không gian thuộc về mình

Bản thân tôi không phải người có nhiều kinh nghiệm với tranh trừu tượng. Vì thế, một số bức trong chùm tranh của Dương Thùy Dương khiến tôi tốn nhiều thời gian hơn để cảm nhận. Nhưng không sao, bởi nghệ thuật thì không hề dễ dàng.

Điểm ấn tượng nhất trong các tác phẩm của Dương Thùy Dương không chỉ là 12 bức chân dung mô tả con người trong thời đại công nghệ không biên giới, mà còn là việc cô đã đặt vào đó hai tấm gương có kích thước tương đương với tranh.

Lướt qua những bức tranh, ta dừng lại trước gương để nhận ra rằng mình cũng là một nhân vật, rằng căn tính của mình cũng nằm trong muôn vàn những căn tính khác của đời sống hiện đại.

Đó là cách tác phẩm của cô đối thoại lại với người xem. Ngoài 12 bức tranh này còn có những tác phẩm khác ở khổ lớn, miêu tả những hình tượng thiên nhiên theo góc nhìn riêng của cô. Thành thực mà nói, tới tận khi viết những dòng này, tôi vẫn thắc mắc rằng chúng thực sự muốn nói gì? Chúng có muốn nói gì không, hay có gì để nói không? Hay là chúng chỉ phản ánh lại những hỗn mang của suy tư trong mỗi người?

Tôi cũng không biết nữa, nhưng thật mừng vì giữa muôn vàn lo toan của cuộc sống, vẫn có những khoảng lặng như Giao biên để ta nghĩ về bản thân và những thứ xung quanh mình.

Wiking Salon là không gian trải nghiệm nghệ thuật, là nơi gặp gỡ và kết nối của những người bạn có cùng gu, cùng sở thích và cùng đam mê. Đây là không gian để trưng bày, giao lưu những sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật cũng như trình diễn các chương trình âm nhạc, thời trang và ẩm thực. Ngoài ra Wiking Salon Centec còn là “phòng khách” để các thành viên thuộc Wiking Private Club dùng tiếp đón và chiêu đãi đối tác của họ.

Triển lãm Giao biên - Traversing Realms diễn ra tới ngày 04/02/2024. Bạn có thể đăng ký tham gia triển lãm tại đây


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục