Hoàng Luân - Bình luận viên “thổi lửa” cho eSports Việt
“Có thể nói ở Việt Nam, eSports là môn thể thao có lượng người xem trực tiếp đông nhất chỉ sau bóng đá. Số người xem dao động từ hàng chục đến hàng trăm ngàn ở mỗi trận đấu chính là minh chứng cho tầm ảnh hưởng không thể phủ nhận của eSports. Nếu bảy năm trước, eSports vẫn chưa được công nhận rộng rãi tại Việt Nam, thì năm nay, bộ môn này đã chính thức góp mặt vào hạng mục tranh tài có huy chương tại SEA Games 2019”. Đây là những chia sẻ đầy tự hào của bình luận viên Hoàng Luân về bước chuyển mình của eSports Việt thời điểm hiện tại.
Nhìn lại đoạn đường sự nghiệp, Hoàng Luân cho rằng bản thân khá may mắn. Từ một cậu sinh viên ngành Ngữ Văn Anh chưa rõ chí hướng, chỉ sở hữu vỏn vẹn hai niềm đam mê là bóng đá và game, anh đã trở thành gương mặt quen thuộc và sở hữu vị trí vững chắc khó bề thay thế trong lĩnh vực bình luận viên eSports.
SEA Games 2019 Hoàng Luân
Dĩ nhiên, vị trí hàng đầu này không chỉ đến từ may mắn. Sự chủ động và đặc biệt lý trí ở mọi tình huống công việc chính là bí quyết giúp Hoàng Luân trở nên khác biệt.
“Bình luận viên eSports là công việc chịu nhiều áp lực từ khán giả. Thế nên, theo mình, càng là công việc chịu nhiều tác động từ bên ngoài, bản thân chúng ta càng phải giữ cho mình ở thế chủ động. Mình chỉ cho phép phản hồi của người xung quanh tác động đến bản thân khoảng 10%, 90% còn lại phụ thuộc vào việc mình tự nhận xét và đúc kết kinh nghiệm.”
Là một trong những bình luận viên eSports đầu tiên tại Việt Nam, anh đã bắt đầu như thế nào?
eSports lúc đó không chỉ là một bộ môn mới mẻ, mà hình thức bình luận hai người – gồm Play by Play (thuật những gì đang diễn ra) và Analysis (phân tích lối chơi và tình huống) – khi đó của eSports cũng chưa từng được áp dụng cho bất kỳ môn thể thao nào. Cho nên, những ngày đầu mình luôn tự tìm tòi và học hỏi từ nhiều nguồn nước ngoài. Hằng ngày mình dành hàng giờ đồng hồ để xem và nghe những bình luận viên eSports nước ngoài, nhằm chắt lọc những bài học kinh nghiệm. Đến nay, mình vẫn duy trì thói quen này khi rảnh.
Ngoài ra, để củng cố hiểu biết về tựa game, khoảng thời gian đầu, mình chơi game rất nhiều, thường kéo dài từ 5-6 tiếng mỗi ngày. Bây giờ thì không nhiều vậy nữa đâu (cười).
Một bình luận viên eSports cần sở hữu những tố chất nào?
Như bao bộ môn khác, trách nhiệm của một bình luận viên eSports là tạo kết nối giữa khán giả và trận đấu. Vì thế, cách thức truyền tải thông tin phải được chú tâm hàng đầu. Một bình luận viên giỏi không chỉ sở hữu nền tảng kiến thức tốt, mà cách truyền tải nội dung phải luôn theo hướng chia sẻ để người nghe dễ tiếp nhận.
Sai lầm tối kị nhất của bình luận viên là trình bày theo kiểu ‘bề trên’. Tiếp đó là lối bình luận thiếu cơ sở. Mình thường nhắc nhở các bạn trong nhóm rằng khi cảm thấy không tự tin với nội dung trình bày, bạn có quyền nói “không chắc chắn”. Bởi sự tự tin quá mức sẽ gây phản cảm cho người nghe.
Quy trình làm việc của bình luận viên eSports cho mỗi trận đấu như thế nào?
Trước mỗi trận, đội bình luận viên thường dành từ 2-3 ngày hoặc vài tiếng (nếu điều kiện không cho phép) trước trận đấu để tập trung nghiên cứu về thành tích, lịch sử đối đầu… của các đội tham gia. Sau đó, cả đội sẽ di chuyển đến studio hay địa điểm tổ chức. Sau khi hoàn tất quá trình chuẩn bị, đội bình luận viên sẽ họp lại lần cuối và chính thức lên sóng. Công việc chuẩn bị thường chiếm nhiều thời gian nhất.
Ngoài ra, áp lực nhận phản hồi của người xem đồng thời là một nỗi e ngại thường gặp trong công việc. Tuy nhiên, với anh, đó chỉ là thử thách để bản thân tiếp tục phấn đấu.
Điều gì tạo nên sự khác biệt của bình luận viên eSports Hoàng Luân?
Mình là người vô cùng dễ bị cuốn vào trận đấu. Bản tính đó giúp mình theo sát diễn biến, nắm bắt những pha giao tranh chớp nhoáng và tường thuật tình huống gây cấn chuẩn xác.
Có lẽ chính vì thế mà mình may mắn được khán giả nhớ đến với hình ảnh một bình luận viên đầy ‘máu lửa’, thường xuyên cùng người xem hoà nhịp vào trận đấu, đặc biệt là ở những đoạn cao trào.
Anh nghĩ sao về nhận định “giờ giấc làm việc của bình luận viên rất khắc nghiệt”?
Quả thật giờ giấc có khác thường một chút, nhưng theo mình, nhìn chung, nó không thật sự khắc nghiệt. Lịch làm việc của bình luận viên thường tập trung vào cuối tuần – Thứ 5, 6, 7 và Chủ nhật – và được nghỉ vào Thứ 2, 3 hoặc Thứ 4. Thế nhưng, trên thực tế phần lớn các bình luận viên không bị buộc phải làm xuyên suốt 4 ngày liên tiếp mà chỉ làm từ 2-3 ngày cuối tuần. Ngoài giờ, vào lúc rảnh rỗi, các bạn còn lấn sân sang streaming, nhằm tăng tính giao lưu, tương tác với khán giả.
Vào thời điểm diễn ra giải quốc tế, lịch trình có chút vất vả hơn. Với 5,6 trận đấu diễn ra liên tiếp, thời gian làm việc trong ngày của bình luận viên cũng vì thế mà kéo dài hơn bình thường, dao động khoảng 10 tiếng. Mỗi người trong đội thường được phân chia bình luận từ 2-3 trận và giờ giấc cũng được sắp xếp sao cho phù hợp nhất có thể.
Bên cạnh giờ giấc thất thường thì công việc này còn những áp lực nào?
Không như bao lĩnh vực thông thường, mọi phản hồi của người xem luôn mang tính chất trực tiếp và ngay lập tức. Đó là nỗi e ngại, thậm chí khiếp sợ khiến nhiều ‘tân binh’ bỏ cuộc. Thế nhưng, mình xem đó là thử thách để tiếp tục phấn đấu.
Ngoài việc duy trì thói quen học hỏi các bình luận viên quốc tế, hằng tuần mình luôn tự rút kinh nghiệm từ các trận đấu từng làm. Từ đó, qua thời gian mình dần tự trang bị và phát triển khả năng ‘lọc’ phản hồi khán giả. Đối với mình, trước khi cho phép những lời nhận xét bên ngoài ảnh hưởng, chúng ta phải luôn là người hiểu rõ năng lực bản thân nhất.
Xem thêm:
[Bài viết] Nghề Lạ: Câu chuyện đồ chơi của Ti Du
[Bài viết] Nghề Lạ: Xây dựng thương hiệu phong cách sống cùng Quang Đại