Nghệ sĩ Quốc Tuấn: “Những khi chạm đáy mới là lúc ta bắt đầu"
Tôi nhớ lần gần nhất mình khóc trong lúc xem phim là vào nhiều năm trước, trong một lần lướt qua một video... quảng cáo bảo hiểm. Trong đoạn clip, người cha vì kiếm tiền trang trải viện phí cho con mà sẵn sàng bán đi cây đàn violin, là tất cả vốn liếng và đam mê của mình.
Đến lúc viết recap Have A Sip, tôi ngỡ ngàng khi nhận ra người cha trong đoạn phim ấy cũng chính là khách mời tập podcast lần này - Nghệ sĩ Quốc Tuấn. Ngạc nhiên hơn cả là sự nghiệp và hành trình nuôi con của ông cũng có nhiều điểm tương đồng với nhân vật trong quảng cáo.
Ngoài được biết đến với vai trò diễn viên trong 12A4H, Người vác tù và hàng tổng,... ông còn được nhiều người mến mộ khi ở cương vị một người cha. Bôm - con trai ông không may mang căn bệnh APERT (xương cứng sớm cục bộ) khi mới chào đời. Ông đã gác lại các hoạt động nghệ thuật, kề vai sát cánh cùng con trong hành trình chữa trị suốt 20 năm.
Chỉ đến khi Bôm tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành Piano Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia, thì nghệ sĩ Quốc Tuấn mới có thời gian thảnh thơi trò chuyện cùng host Thuỳ Minh về những hoài bão ngày trẻ, cùng tình yêu vô bờ bến mà ông dành cho con.
Dù nản lòng vẫn không buông bỏ sự nghiệp
Khi còn học chuyên ngành diễn viên ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, ông thường trốn học và không nghiêm túc, nên chỉ được thầy giáo giao đóng những vai diễn quần chúng. Sau khi tốt nghiệp, bạn bè cùng khoá đều đã nhanh chóng có thành tựu, trong khi ông vẫn dậm chân tại chỗ.
Điều này đã khiến ông vỡ lẽ rằng: Nếu cứ mãi hời hợt như thế, thì sự nghiệp của mình chỉ dừng lại ở những vai nhỏ lẻ, không bao giờ tiến triển thêm được nữa. Từ đó, ông ý thức được mình cần phải làm việc không ngừng nghỉ, bất kể ngày đêm, với quyết tâm tìm được chỗ đứng cho riêng mình.
Dù phải trầy trật nhiều năm trời thì sự nghiệp mới khởi sắc, ông vẫn rất tự hào về chặng đường đã qua. Vì sau bao khó khăn, mệt mỏi, ông vẫn không bỏ cuộc và kiên định với mục tiêu. Với ông, chỉ cần vượt qua những lúc nản lòng, thì hành trình của ta mới thật sự bắt đầu. Đó cũng là lúc ta sẽ gặt hái được thành công.
Điều này cũng là bài học ông muốn gửi gắm đến người trẻ: Khi bắt đầu chuyến hành trình, ta không thể tự tin khẳng định ngay mình là người giỏi được. Sẽ có những lúc vấp ngã, thăng trầm, hay nghi ngờ bản thân. Nhưng nhất quyết đừng buông tay. Vì buông tay là mất hết tất cả.
Dù lòng vụn vỡ nhưng vẫn kiên quyết ở bên con
Sự kiên định còn là kim chỉ nam để ông áp dụng vào việc nuôi nấng và chăm sóc con. Lúc chứng kiến con ra đời với khiếm khuyết, ông như rớt xuống đáy vực, không ngừng oán trách cuộc đời tại sao lại để con mình sinh ra không lành lặn.
Nhưng không vì vậy mà ông ruồng bỏ số phận, quay lưng với con mình. Trong suốt 20 năm kể từ khi con ra đời, ông gác lại tất cả hoạt động nghệ thuật để có thời gian chăm sóc, đồng hành cùng con. Ông đã túc trực bên Bôm qua 11 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, tốn biết bao công sức và chi phí.
Vất vả là thế, nhưng khi nhận ra Bôm có năng khiếu và niềm yêu thích đặc biệt với piano, nghệ sĩ Quốc Tuấn vẫn động viên, khuyến khích con vừa chữa trị, vừa học tập để theo đuổi đam mê. Và những cố gắng, nỗ lực của hai cha con cuối cùng cũng được đền đáp, khi Bôm vừa mới hoàn thành 7 năm học Trung cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia và chuẩn bị vào Đại học.
Dù con mang khiếm khuyết, nhưng nghệ sĩ Quốc Tuấn vẫn rèn luyện cho Bôm thái độ nghiêm túc với nghề. Ông không muốn con viện lý do mình có vấn đề sức khỏe để nhận được sự thông cảm từ mọi người. Vì nếu khán giả đã dành thời gian, tiền bạc để đến xem mình biểu diễn, thì nghệ sĩ cũng phải có trách nhiệm với màn trình diễn của mình.
Kết
Nhiều người nói rằng, có một bậc phụ huynh như nghệ sĩ Quốc Tuấn là niềm may mắn của Bôm. Nhưng ở một góc nhìn khác, sự hiện diện của Bôm cũng chính là phước lành. Vì dù chặng đường đã qua có gian nan, vất vả, thậm chí phải hy sinh ước mơ của mình, ông đã nhận được tình yêu và nguồn động lực vô giá từ con, để tiếp tục sống, tiếp tục kiên định với đam mê của mình.
Và nếu ví cuộc đời mỗi người như một tấm thảm, thì có lẽ nghệ sĩ Quốc Tuấn đã dệt nên được một tấm thảm sắc màu.