Nghe tin siêu âm “lại con gái”, cảm giác đầu tiên của mình là buồn và lo...

Mình buồn và xót vì những bất công con mình có thể sẽ phải chịu.
Mai Nguyễn (Hoài)
Nguồn: Trần Thu Hà

Nguồn: Trần Thu Hà

14 năm trước, nghe tin siêu âm “lại con gái”, cảm giác đầu tiên của mình là buồn và lo. Theo thống kê ở Việt Nam, tỷ lệ trầm cảm ở các bà mẹ sinh con gái cao gấp 2 lần các mẹ sinh con trai.

Xung quanh mình, nội, ngoại, chồng, hàng xóm... ai ai cũng thích con trai. Và mình lo con gái mình sẽ khổ ở Việt Nam.

Tuần trước, chàng trai Công Hoàng gốc Huế nói sẽ ly dị nếu vợ không sinh con trai. Cậu ta bị ăn gạch đá, một phần vì dại dột nói điều đó trên sóng. Chứ thật ra thì, luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân cũng nói: “Không hiếm trường hợp chồng ly hôn vì vợ không sinh được con trai”.

Bạn bè mình đang cùng lên tiếng về chuyện đồng phục ở trường THPT Bùi Thị Xuân. Gia đình các em nữ sinh phải tốn gấp ba lần tiền đồng phục cho con mình. Chỉ bởi các em sinh ra là con gái.

Sau những ngày lên tiếng của học sinh Bùi Thị Xuân thì quy định đã có chút thay đổi, không ép lịch mặc váy và quần nữa. Nhưng về số bộ và số tiền thì nữ vẫn đang thiệt hơn nam ba lần.

Mình đã viết rất nhiều bài viết về bình đẳng giới, nhưng buồn là tới tận bây giờ, năm 2021, nhiều nhà trường vẫn nặng định kiến giới.

Thường xuyên nghe thầy cô nhắc các bạn nữ: “Là con gái thì phải thùy mị chứ, sao lại chạy nhảy vậy?”, “Là con gái mà lười học quá”, “Con gái mà để lớp dơ thế này”, “Con gái thì nhịn chút đi”...

Từ nhỏ, Xu đã hay về nhà hỏi mẹ: “Vậy con trai thì được lười học sao? Con trai thì không cần dọn lớp sạch sẽ sao? Con trai không cần chạy nhảy đúng chỗ sao?”

Xu cũng từng lên tiếng về đồng phục, nhưng vẫn chưa thành công. Trường Xu đồng phục nữ sinh là chân váy bút chì, khá bó. Chân váy nhìn cũng đẹp, nhưng khó khăn khi đi lại, chạy nhảy. Thậm chí ngồi xe máy, đi xe đạp hay đi cầu thang đều khó.

Theo PGS.TS Nguyễn Phương Mai: “Đồng phục học sinh bắt nguồn từ thế kỷ 16 tại Anh, trong những ngôi trường nuôi dạy trẻ mồ côi và gia đình nghèo khó. Những đứa trẻ bất hạnh này được những người dân hảo tâm tặng cho những chiếc áo khoác màu xanh để các em giữ ấm. Lâu dần, những chiếc áo màu xanh trở thành đặc trưng của ngôi trường (bluecoat schools).

Mãi sau này, đồng phục lấy thêm cảm hứng từ quân đội và trở nên phổ biến vì các tác dụng sau:

- Tạo ra môi trường bình đẳng

- Tạo sự đoàn kết

- Giữ kỷ luật

Nếu ta nhìn vào ba tác dụng trên, đồng phục chỉ là một công cụ, và các nghiên cứu giáo dục đã chỉ ra đó không hẳn là công cụ tối ưu nhất.

Đó chính là lý do rất nhiều trường ở châu Âu đã và sẽ bỏ đồng phục. Lý do lớn nhất là sự lo ngại các em nhỏ bị tước đi tự do tinh thần. Trong một xã hội có tư tưởng cấp tiến, đồng phục bị nhìn một cách hoài nghi vì nó cản trở tự do và ý chí cá nhân”.

Các trường ở châu Âu còn muốn bỏ đồng phục, dù đồng phục của họ vẫn có vẻ an toàn. Họ mà phải mặc áo dài chắc là "khóc thét".

Áo dài ảnh hưởng tới tính mạng nữ sinh bởi nó vướng víu, dễ vấp té, tà áo quấn vào bánh xe có thể ngã chết người. Trong một bài viết về áo dài năm ngoái, mình nhận được rất nhiều lời nhắn kể về việc bị té ngã khi mặc áo dài đi học. Trường học phải là nơi đặt yếu tố thuận tiện, an toàn và công bằng của học sinh lên hàng đầu, tại sao các thầy cô giáo vô cảm vậy?

14 năm trước, khi biết có con gái, mình buồn và xót vì những bất công con mình có thể sẽ phải chịu.

Còn bây giờ, mình tự hào vì có 2 con gái, và mình đấu tranh bền bỉ chống lại những bất công mà con mình phải chịu.

Mình lên tiếng vì khi Ban giám hiệu bớt những định kiến giới thì nam sinh cũng được hưởng lợi rất nhiều từ công bằng đó.

Việc này không chỉ cho đồng phục của THPT Bùi Thị Xuân, mà đồng phục của con mình ở một trường khác cũng cần được lắng nghe. Việc này cũng không chỉ cho học sinh của THPT Bùi Thị Xuân.

Cách kiên trì lên tiếng, cách phối hợp toàn diện với những người có ảnh hưởng, là ví dụ trực quan tuyệt vời để học sinh trường khác cũng lên tiếng về những vấn đề của mình.

(Chia sẻ của tác giả Trần Thu Hà)

Nhật Kýseries kể lại những trải nghiệm khó quên. Bạn cũng có câu chuyện khó quên? Hãy kể cho chúng tôi tại .


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục