Người trẻ nhất Forbes Under 30 đã quay lại danh sách sau khi bị gỡ khỏi website

Trong quá khứ, N.H.A. nhiều lần bị tố quấy rối qua tin nhắn. 
Minh Anh
Nguồn: Hong cho Vietcetera

Nguồn: Hong cho Vietcetera

1. Chuyện gì đã xảy ra?

N.H.A. là cựu học sinh trường Phổ thông Năng khiếu (PTNK) và hiện đang học tại Đại học École Polytechnique (Pháp). Vừa qua, N.H.A. đã lọt vào danh sách Forbes Under 30 Việt Nam.

Điều này đã gây ra bức xúc trong cộng đồng cựu học sinh PTNK khi mà trong quá khứ, N.H.A. nhiều lần bị tố quấy rối qua tin nhắn.

Hiện tại, sự việc chưa có sự can thiệp của cơ quan chức năng và mọi bằng chứng đều tới từ cáo buộc của những người trong câu chuyện.

2. Những cột mốc chính của sự việc là gì?

Để rõ hơn về những tranh cãi trong hiện tại, chúng ta có thể điểm qua những sự kiện chính đã xảy ra trong quá khứ:

29/02/2020

Sự việc bắt đầu khi K.N (cựu học sinh PTNK đang là du học sinh tại Anh) đăng một bài viết, tố cáo N.H.A.

K.N cho rằng N.H.A. đã có hành vi quấy rối và gạ gẫm cô chat sex, cởi một phần quần áo, dù cô đã luôn từ chối. Cuộc hội thoại giữa hai người cũng được K.N đính kèm trong bài đăng.

Nửa đêm ngày 29/02, N.H.A. đã xin lỗi trên trang cá nhân của mình ở chế độ bạn bè. N.H.A. nhấn mạnh mình không cố ý quấy rối. Lúc đó, N.H.A. nghĩ cả hai đủ thân thiết để trò chuyện như vậy. Bài đăng này sau đó cũng đã bị xóa ngay. (Theo Năng khiếu Express)

01/03/2020

Sự việc chuyển biến bất ngờ khi K.N đăng bài viết xin lỗi. Trước hành động này, Năng khiếu Express đã liên hệ và có được câu trả lời cho lý do đằng sau:

“Theo lời chị, rất nhiều bình luận trên trang UEVF - Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp bênh vực cho N.H.A., một số thầy cô PTNK biết chuyện cũng đồng ý rằng N.H.A. sai nhưng đều muốn chị xóa bài và giảng hòa. K.N. cảm thấy như chỉ có một mình mình chiến đấu, không có ai ủng hộ - mọi người chỉ đơn thuần là muốn “hít drama”.’

10/04/2020

Sau đó một thời gian, các bạn nữ khác cũng bắt đầu lên tiếng. Một tài khoản tên Tra My của nhóm các bạn cựu học sinh đã tổng hợp và đăng tải thêm bằng chứng về các bạn nữ khác cũng bị quấy rối.

13/04/2020

Trước những tranh cãi, hiệu phó của trường PTNK, thông qua trang đã có một tâm thư về sự việc. Trong đó, nhà trường thừa nhận hành vi của N.H.A. là sai và chỉ yêu cầu anh ta xin lỗi. Các biện pháp phòng ngừa trong tương lai cũng không được nhà trường nói rõ.

Trước đó một hôm, thầy hiệu phó cũng đã có bài viết bóng gió về việc học lễ là chuyện cả đời. Tới tháng 10 thầy cũng tiếp tục đăng một bài viết của N.H.A. về trải nghiệm đi du học.

18/04/2020

Sự việc vẫn tiếp tục được chia sẻ rộng rãi trong các hội nhóm cựu học sinh. Tuy nhiên, ban quản trị nhóm lại xóa toàn bộ bài viết.

Lúc này, trong giới học sinh và cựu học sinh cũng bàn luận về việc có khả năng sự việc đang bị che đậy.

Từ ngày 16/02/2022 tới nay

Câu chuyện một lần nữa được thổi bùng lên khi mà N.H.A có mặt trong danh sách Forbes Under 30. Bài đăng của Trường PTNK nhận lại nhiều phản ứng 'phẫn nộ' khi chia sẻ về sự việc.

Sáng 17/02/2022, Forbes Vietnam đăng bài thông báo sẽ tìm hiểu rõ ràng về sự việc. Thông tin của N.H.A cũng đã biến mất vài tiếng, sau đó lại xuất hiện trên trang chủ của Forbes.

3. Consent đóng vai trò gì trong câu chuyện?

Kể từ khi bắt đầu sự việc, K.N đã nói trong bài đăng tố cáo quấy rối tình dục qua mạng của mình rằng:

"Nhân vật này còn có nhiều lần gợi chuyện hoặc cố ý lái chủ đề sang tình dục, dù mình đã phản đối."

Sự đồng thuận trong tình dục, hay consent đã không tồn tại ngay từ đầu trong cuộc hội thoại của hai người. Tương tự, digital consent nhắc tới sự đồng ý của cả hai bên trong không gian mạng. Hiện nay, cuộc sống dần số hóa, chúng ta cũng bắt đầu có những nhu cầu mới như cybersex (điện tình). Về cơ bản, các hoạt động cybersex như sexting cũng yêu cầu sự đồng thuận của cả 2 bên.

Việc chia sẻ những nội dung số này cũng cần có sự đồng tình từ hai phía. Việc bỏ qua hay coi nhẹ sự đồng thuận, dễ dẫn tới các hành vi như lạm dụng và quấy rối tình dục.

4. Sexting sao cho duyên?

Trong những năm vừa qua, với sự phát triển của các mạnh xã hội hình ảnh như Snapchat mà hình thức sexting cũng dần trở nên phổ biến hơn. Điều này dẫn tới nhiều trường hợp oái ăm khi một ngày đẹp trời, bạn nhận được ảnh ‘chim cò” của một người lạ mặt. Hình thức này được gọi là non-consensual sext (chat sex mà không có sự đồng thuận).

Non-consensual sext có thể bắt đầu cả từ những tin nhắn hội thoại gạ gẫm vô duyên vô ý, chứ không chỉ dừng ở việc gửi hình. Ảnh chụp màn hình cuộc hội thoại cho thấy bạn nữ không hề đồng thuận sexting, nhưng sau đó N.H.A vẫn tiếp tục.

Sexting chỉ vui khi những người tham gia đều cảm thấy thoải mái với những thứ mình được nhận và gửi đi. Và mỗi người nên chủ động mở lời với đối phương trước khi tiến tới cuộc trò chuyện thân mật, cũng như tránh mặc định rằng im lặng là đồng ý.

5. Vấn đề pháp luật liên quan tới sexting là gì?

Một vấn đề khác cần phải nhắc tới trong câu chuyện của N.H.A. đó là những người lên tiếng cáo buộc anh ta, đa phần đều đều đang học cấp 3 (từ 15-19 tuổi).

Tại Việt Nam, hành vi dụ dỗ trẻ em dưới 16 tuổi bằng hình thức quấy rối tình dục qua tin nhắn, chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật chỉ nhắc tới các hành vi vi phạm liên quan tới tình dục bao gồm: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu và dâm ô với trẻ em.

Bản thân hành vi quấy rối tình dục cũng chưa được bổ sung vào Bộ luật Hình sự. Trong một số trường hợp, hành vi nhắn tin quấy rối chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác.

California thì có hẳn luật liên quan tới sexting, trong đó nhấn mạnh việc trao đổi ảnh nóng được cho phép nếu có sự đồng thuận giữa hai bên. Việc quy định rõ về hành vi này cũng sẽ giúp nhiều người được bảo vệ khỏi sextortion (tống tình).


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục