Nguyễn Art Foundation: Nuôi dưỡng thế hệ nghệ sĩ và giám tuyển tiếp nối
Trò chuyện với Quỳnh Nguyễn và con gái về vai trò của nghệ thuật trong giáo dục và làm thế nào để người trẻ quan tâm hơn đến nghệ thuật đương đại.
Là một giám tuyển tranh nghệ thuật, Quỳnh Nguyễn đã có một khởi đầu rất sớm. Khi còn là sinh viên, cô được phác hoạ chân dung bởi ông Bùi Quang Ngọc, một danh hoạ nổi tiếng tại Việt Nam, và lập tức say mê nó. Chân dung của cô khác với những bức vẽ thiếu nữ tóc dài khác. Vậy mà phải đến 5 năm sau, Quỳnh mới có đủ can đảm để hỏi mua bức chân dung của chính mình.
Giờ đây, Quỳnh đã quyết đoán hơn trong việc mua tranh, và thường mua ngay tại chỗ. Bức chân dung của cô cũng là khởi đầu cho bộ sưu tập làm nên Nguyễn Art Foundation (NAF), một tổ chức phi lợi nhuận thành lập vào năm 2018 với mục tiêu lan toả nghệ thuật đương đại. Với hàng trăm bức hoạ, tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật trình diễn và sắp đặt, NAF sở hữu một trong những bộ sưu tập nghệ thuật đương đại tư nhân lớn nhất tại Việt Nam.
Không như mẹ mình, Thy Nguyễn — hiện là người phụ các dự án đặc biệt tại NAF — lại không có tác phẩm bước ngoặt nào. Trong phòng trưng bày tại nhà của gia đình cô ở Houston, nghệ thuật xuất hiện cả trên tường và trong các cuộc trò chuyện vào bữa tối. Các buổi đi chơi cùng gia đình bao gồm việc tham dự các buổi trò chuyện với nghệ sĩ tại Menil Collection — một không gian nghệ thuật với bộ sưu tập riêng của John và Dominique de Menil, và cũng là nguồn cảm hứng cho NAF.
Khi cả gia đình quay về Việt Nam, kế hoạch của Thy là hoàn thành khoá học tại Mỹ trước khi tìm ra cách tốt nhất để phát triển NAF. Một trong những mục tiêu lâu dài của tổ chức là đặt nền móng để xây dựng bảo tàng mỹ thuật đương đại đầu tiên tại Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, tổ chức chú trọng vào việc hỗ trợ các nghệ sĩ trong và ngoài nước hướng đến trường phái nghệ thuật Việt, đồng thời giới thiệu và lan toả nghệ thuật đương đại đến các trường học như EMASI và Renaissance, cũng được gia đình cô Quỳnh sở hữu.
Vietcetera đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với hai mẹ con cô Quỳnh về vai trò của hội họa trong giáo dục và làm thế nào để nâng cao giá trị của nghệ thuật đương đại trong mắt các thế hệ người Việt trẻ khắp nơi.
NAF đang xây dựng không gian nghệ thuật tại các trường học tại Sài Gòn. Câu chuyện đằng sau ý tưởng này là gì?
Chị Quỳnh: Vào năm 2017, khi thiết kế trường EMASI, chúng tôi đã làm việc cùng một cố vấn nghệ thuật. Đề bài là tạo ra một không gian nghệ thuật linh hoạt để có thể vừa làm phòng tranh, tổ chức sự kiện, studio và cả thư viện.
Hai cơ sở đầu tiên, EMASI Nam Long và Vạn Phúc, sẽ mở cửa chào đón học sinh vào tháng 10 năm 2020, với buổi triển lãm gồm các tác phẩm được chọn từ bộ sưu tập tại NAF. Mọi nội dung và hoạt động tương quan giữa các buổi triển lãm, các dự án và chương trình học sẽ được phát triển song song với sự tham khảo từ phụ huynh, giáo viên, giám tuyển và cả các em học sinh.
Nhưng những không gian này chỉ là một phần trong nỗ lực lan toả nghệ thuật đương đại của chúng tôi. Tại cả 3 cơ sở, học sinh đều đã được tiếp xúc với nghệ thuật mỗi ngày. Các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt cũng như nhiều bức hoạ chất lượng khác đều được đặt quanh lớp học và khuôn viên trường để các em có thể chiêm ngưỡng ở bất kỳ đâu. Học sinh tại đây thật sự được đắm chìm trong nghệ thuật.
Chúng tôi cũng tổ chức các buổi ngoại khoá về nghệ thuật. Vào tháng 10 năm 2018, chúng tôi kết nối các học sinh Tú tài Quốc tế IB với các nghệ sĩ tại A. Farm, một trung tâm nghệ thuật do chúng tôi hợp tác xây dựng với MoT+++ và Sàn Art — 2 địa điểm nghệ thuật độc lập tại Sài Gòn. Được thấy công việc hằng ngày của một nghệ sĩ và hiểu được quá trình sáng tạo của họ là một trải nghiệm vô giá đối với các học sinh.
Tôi tin rằng chúng tôi là những người duy nhất đang lan toả nghệ thuật đương đại tại trường học Việt Nam cũng như đang thực hiện các dự án này.
Ngoài các tác phẩm tại trường học, công chúng còn có thể xem các bộ sưu tập của NAF ở đâu?
Chị Quỳnh: Phải đến gần đây, tôi mới chuyển được bộ sưu tập của mình từ Houston về Việt Nam, vì vậy chúng tôi vẫn đang tìm cách để trưng bày cố định các tác phẩm chủ đạo. Hiện tại, mọi người có thể xem qua một phần của bộ sưu tập trên website của NAF, được quản lý bởi MoT+++. Khi không gian triển lãm tại EMASI và Renaissance hoàn thành, mọi người sẽ có thể ghé và chiêm ngưỡng các tác phẩm trực tiếp.
Hiện tại, nhà riêng và văn phòng của tôi cũng đang là khu trưng bày. Trong 8 năm (từ 2010 đến 2018), khi gia đình tôi còn sống tại Houston, nhà của chúng tôi thật sự là một phòng tranh tại gia. Chúng tôi luôn rộng mở đón chào bạn bè, các nghệ sĩ và bất kỳ ai quan tâm đến nghệ thuật đương đại.
Năm 2014, chúng tôi giới thiệu một loạt nghệ sĩ đương đại đến công chúng: Đặng Xuân Hoà, the Gang of Five, Thành Chương, Phạm An Hải, Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu và Đinh Quân — thế hệ nghệ sĩ đương đại đầu tiên tại Việt Nam.
Chị nghĩ bao lâu nữa Việt Nam sẽ có bảo tàng mỹ thuật đương đại đầu tiên? Liệu đó sẽ là bảo tàng công lập hay bảo tàng tư nhân?
Chị Quỳnh: Khi tôi trò chuyện với chị Trần Thanh Hà, nhà sáng lập của MoT+++, về việc xây dựng một không gian tương tự như Menil Collection tại Houston, chị đã đề xuất mô hình này. Hà đã kết nối tôi với nhiều nghệ sĩ và giám tuyển tại Sài Gòn, và mọi người đều rất hứng thú về NAF.
Chúng tôi đều nghĩ rằng, phải đến 10 năm nữa Việt Nam mới có bảo tàng mỹ thuật đương đại đầu tiên. Trong lúc đó, chúng tôi sẽ phải xây dựng nền móng cho mỹ thuật đương đại trước.
Tôi nghĩ bảo tàng sẽ hoạt động độc lập, và sẽ được mở tại Sài Gòn. So với Hà Nội, Sài Gòn có một cộng đồng nghệ thuật sôi động và cởi mở hơn rất nhiều.
Chị có chiến lược hay định hướng nào để chọn mua tác phẩm?
Chị Quỳnh: Thật ra tôi rất ngẫu hứng trong việc chọn mua tác phẩm. Tôi mua những gì mình thấy thích, và thường là chúng không có một chủ đề chung, vì vậy tôi cũng không bao giờ bán lại. Bộ sưu tập của tôi, đến giờ, vẫn còn được xây dựng theo sở thích rất nhiều.
Nhưng sắp tới, chúng tôi sẽ mở thêm nhiều không gian công khai và tập trung nhiều hơn vào việc giáo dục, và chiến lược mua tranh của chúng tôi cũng sẽ khác đi nhiều.
Thy: Hiện tại NAF đang làm việc với MoT+++ và các giám tuyển địa phương để thực hiện các bài các bài tiểu luận và nghiên cứu chuyên sâu, tập trung vào các nghệ sĩ xuất hiện trong bộ sưu tập. Ngoài loạt video sẽ được chia sẻ trên các kênh xã hội, chúng tôi cũng sẽ xuất bản một bộ sách tìm hiểu về công việc của các nghệ sĩ.
Cuốn sách đầu tiên mà NAF xuất bản sẽ là bản dịch của cuốn ’Origin’ do mình viết bằng tiếng Anh, được xuất bản tại Mỹ bởi nhà xuất bản New Degree Press. Cuốn sách thảo luận về các ảnh hưởng văn hoá và xã hội, được viết bằng tiếng Việt và sẽ ra mắt trong khoảng một tháng tới.
Chị Quỳnh: Một lý do khác khiến NAF chuyển hướng là chúng tôi muốn tập trung vào mục tiêu dài hạn hơn: trở thành tổ chức đại diện cho nghệ thuật đương đại Việt Nam. Việc tham dự các hội chợ nghệ thuật quốc tế như S.E.A. Focus tại Singapore cho chúng tôi một nơi để nói lên các vấn đề xã hội chỉ có ở Việt Nam, thông qua nghệ thuật, đồng thời nâng tầm nghệ thuật đương đại trong nước.
Thy, với vai trò quản lý dự án đặc biệt, các công việc bạn đang đảm nhận tại NAF là gì?
Thy: Từ lâu mình đã luôn quan tâm đến nghệ thuật, cả trong việc vẽ và đọc về lịch sử nghệ thuật, nên được đảm nhận một vai trò quan trọng tại NAF thật sự rất thú vị.
Một trong những dự án mà mình đang thực hiện tại NAF là một chuỗi các cuộc thảo luận về nghệ thuật và tác động xã hội. Ý tưởng này ra đời từ suy nghĩ rằng hiện nay, cộng đồng nghệ thuật vẫn chưa thể chạm đến một thị trường tiềm năng: sinh viên đang du học và người đi làm tại Việt Nam.
Mục tiêu của chuỗi thảo luận là kết nối nghệ thuật với người Việt trẻ. NAF muốn thay đổi cách họ nhìn nhận nghệ thuật và cách mà nghệ thuật phản ánh một Việt Nam mới và các vấn đề xã hội đang diễn ra.
Trong mỗi cuộc thảo luận, chúng tôi mời 1 nghệ sĩ và 3 sinh viên/người đi làm trẻ và tập trung vào một vấn đề xã hội nào đó: chủng tộc, giới tính hay sự bình đẳng. Ta sẽ xem xét cách mà nghệ thuật giúp khuếch đại những vấn đề này.
Theo dõi Instagram tại:
Nguyễn Art Foundation: @nguyenartfoundation
Thy Nguyễn: @dthynguyen