Nguyễn Hoàng Tú: Những đường cắt táo bạo trên organza

Nguyễn Hoàng Tú là thí sinh Việt Nam duy nhất lọt top 12 Audi Star Creation 2014. Sau đó, anh trình làng bộ sưu tập tại Elle Fashion Show 2015 và thành lập thương hiệu mang tên mình, chuyên về những thiết kế ráp nối, kỹ thuật 3D điêu luyện trên nền lụa, organza, và đũi Việt Nam.

Minh Ng
Nguyễn Hoàng Tú: Những đường cắt táo bạo trên organza

Trở về với tư cách nhà thiết kế Việt Nam duy nhất lọt vào top 12 cuộc thi thiết kế thời trang Audi Star Creation năm 2014, một năm sau, Nguyễn Hoàng Tú chính thức giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên tại Elle Fashion Show 2015. Từ đó, làng thời trang Việt có thêm một nhân tố mới với biệt tài ráp nối, kỹ thuật 3D điêu luyện và những chi tiết thủ công phức tạp. “Tính tỉ mỉ của tôi được truyền từ mẹ – một người may áo dài,” anh bắt đầu câu chuyện, “sau khi tham gia Elle Fashion Show 2015, nhiều cơ hội đến với tôi hơn, và đó cũng là khi tôi nghĩ bản thân đã sẵn sàng để cho ra mắt một thương hiệu Nguyễn Hoàng Tú.”

“Nhưng việc mở cửa hàng cách đây hơn nửa năm thật sự là một bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Hoặc là thành công, hoặc là thất bại,” anh nói trong lúc chờ chúng tôi dạo một vòng quanh tầng trệt, nơi anh trưng bày các bộ sưu tập ứng dụng cho cả nam và nữ, “nhưng thật ra, tôi là một nhà thiết kế chính thống làm việc theo cảm quan chứ không phải doanh nhân. Thành công chỉ đơn giản là nhìn thấy nhiều người mặc những thiết kế cầu kỳ của mình nhiều hơn. Điều đó khiến tôi cảm thấy như những nỗ lực, tâm huyết của mình đã phần nào được công nhận.”

Sau đó, ba người chúng tôi yên vị tại một căn phòng khác trên tầng hai, với các mặt tường được lát hoàn toàn bằng gương, vừa chiêm ngưỡng những thiết kế organza đen cầu kỳ, chúng tôi vừa được nghe anh kể về hành trình thời trang từ những ngày còn bé của mình.

Được biết, ngày bé anh rất sợ may vá, vậy tại sao anh lại quyết định theo đuổi nghề thiết kế thời trang?

Thật ra, hồi bé tôi rất thích nghịch ngợm vải vóc và mẹ là người đã chỉ tôi cách may vá. Khi ấy, nhà chỉ có hai mẹ con, thấy tôi may tốt nên mẹ tiến cử cho lên làm thợ phụ. Thế là ngoài giờ học ở trường, tôi còn làm công việc nhà và kiêm luôn việc ở xưởng may. Vì cứ may đi may lại một phom dáng áo dài nên đâm ra chán. Tôi muốn được sáng tạo nhiều hơn. Nhưng lúc đó chỉ suy nghĩ đơn giản là làm thiết kế thì chỉ việc vẽ vời rồi đưa người khác thực hiện.

Lớn thêm một tí nữa, tôi ý thức được rằng muốn làm ra một bộ sưu tập hoàn chỉnh, thì mình phải biết tất cả các công đoạn, từ khâu chuẩn bị đến thành phẩm. Nên tôi quyết định thi vào ngành thiết kế để xây dựng nền tảng kiến thức cơ bản. Ngoài thời gian học, tôi còn tìm hiểu tất cả các tài liệu liên quan đến thời trang trong nước và quốc tế để tìm ra phong cách và hướng đi cho riêng mình. Sau đó là vài năm đi làm lấy kinh nghiệm, thử sức ở một số cuộc thi và cuối cùng là xác định đi theo con đường thời trang chuyên nghiệp. Tính tới thời điểm này cũng đã được hơn 4 năm.

Anh hãy chia sẻ về nguồn cảm hứng thiết kế của mình.

Nguồn cảm hứng lớn nhất là từ thiên nhiên và vải vóc. Vốn “sống trong nhung lụa” từ nhỏ, mỗi lần thấy mẹ đem vải về may áo dài cho khách, thật lòng tôi nghĩ mình có thể tạo ra được rất nhiều thứ hay ho. Nhưng hồi đó mẹ không cho, nên bây giờ tôi thích chơi đùa với vải vóc cho thỏa thích. Thiên nhiên cũng mang lại những điều rất hay. Thử nghĩ mình sống một cuộc sống bận rộn ở đây, nếu không có những chuyến tìm về với thiên nhiên thì chắc ngã quỵ lúc nào không hay.

Ngoài ra, tôi còn được truyền cảm hứng rất nhiều từ những giá trị văn hóa Á Đông, nhất là chế độ mẫu hệ. Qua những tài liệu đã tham khảo, tôi cảm thấy phụ nữ có nhiều đức tính rất đáng nể. Họ cầu toàn, chỉnh chu và chu đáo với gia đình. Đồng thời, phụ nữ Á Đông cũng rất mạnh mẽ và nhẫn nhịn, giống mẹ tôi vậy. Một mình mẹ làm nuôi ba người con và không ngừng ủng hộ tôi thực hiện những gì mình đam mê. Nét mộc mạc nhưng kiên cường của mẹ cũng như những người phụ nữ Á Đông thật sự là một hình tượng đẹp.

Anh có thể kể một số chất liệu và phương pháp truyền thống mình thường sử dụng được không?

Phải đến 70 – 80% thiết kế trong các bộ sưu tập của tôi sử dụng phương pháp và chất liệu truyền thống. Hồi còn may phụ mẹ, tôi có học được cách luông áo dài. Đó là kỹ thuật giấu sợi chỉ ở trong và kết hợp hai miếng vải lại với nhau. Bằng cách này, những đường may được giấu vào bên trong và mặt ngoài của trang phục nhìn rất trơn tru. Phương pháp thứ hai là cữ lộn dây khuy. Để có một dây khuy đẹp, chắc và không bị giãn theo thời gian, tôi thường tự làm dây khuy thủ công.

Khi nói tới lụa Việt Nam, mọi người thường nghĩ tới thứ lụa tơ tằm óng ánh, nhưng đũi cũng là lụa và cũng được dệt bằng sợi tơ tằm. Từ những ngày còn là sinh viên, tôi đã bị organza mê hoặc. Tôi thích hình ảnh nhẹ nhàng, trong suốt, thoắt ẩn thoắt hiện mà organza mang lại. Cũng thích cắt organza thành những đường vải xéo, mảnh rồi may lại để tạo ra kết cấu vải mới cho riêng mình. Đến bây giờ, organza đã trở thành bản sắc rất riêng trong các bộ sưu tập của tôi.

Giữa những bộ sưu tập, tôi thường giành thời gian nghỉ ngơi, vừa du lịch đây đó, vừa tranh thủ tìm kiếm vải vóc. Tôi thích tìm đến những làng lụa ở Bảo Lộc và Vạn Phúc (hay còn gọi là làng lụa Hà Đông), Hà Nội.

Anh có thể bật mí một số bí kíp để có thể ráp 3D một cách điêu luyện được không?

Một phần kiến thức đó đến từ sách vở. Tôi thường tìm hiểu những kỹ thuật đã làm nên tên tuổi của những nhà thiết kế đi trước. Trong đó có Charles James, một trong những nhà thiết kế Haute Couture đầu tiên và giỏi nhất của nước Mỹ. Ông là người đầu tiên tạo ra những bộ trang phục với phom dáng mới lạ, phá cách. Tiếp theo là nhà thiết kế thời trang người Hà Lan, Irish van Herpen – một trong những người tiên phong trong công nghệ in 3-D của ngành thời trang. Tuy chạm trổ công phu nhưng thiết kế của cô luôn có phom dáng thanh thoát và tinh tế.

Phần còn lại là do tôi thích vừa thiết kế vừa làm rập để có thể chỉnh sửa liên tục. Qua cả một quá trình như vậy, tôi học được cách để tạo ra những kỹ thuật dựng phom cho riêng mình. Ví dụ như chi tiết bông hoa đi ra từ thân áo, thật ra là được tạo thành từ những đường cắt song song, không có đường ráp nối giữa thân áo và hoa. Vì thường sử dụng các chất liệu đơn sắc, đen trên đen, trắng trên trắng, nên tôi thường phải suy nghĩ làm sao để gây ấn tượng với người xem. Không những thu hút được ánh nhìn đầu tiên mà còn phải khiến họ muốn lại gần và khám phá những chi tiết bề mặt cũng như những kỹ thuật may bên trong.

Bộ sưu tập nào khiến anh tự hào nhất? Và Nguyễn Hoàng Tú đã trưởng thành như thế nào sau 10 bộ sưu tập?

Tất cả đều là thích nhất (cười). Theo tôi, bộ sưu tập nào cũng có nét đẹp và ý nghĩa của riêng nó. Nhưng đồng thời, với tôi, bộ sưu tập sau phải một phần nào đó phủ định bộ sưu tập trước, như là đẹp hơn và truyền tải ý tưởng táo bạo hơn. Đó là động lực để tôi có thể sáng tạo ra những thiết kế mới lạ hơn và tìm tòi thêm nhiều chất liệu mới hơn.

Nói về sự trưởng thành, thật sự là nhiều lắm! Những ngày đầu, nếu mọi người đánh giá trang phục của tôi cầu kỳ thì tôi chỉ nói rằng đó là phong cách của mình. Nhưng theo thời gian, tôi không cho phép bản thân được lấp liếm như vậy nữa. Những câu hỏi như: Tại sao lại chọn những chi tiết này cho trang phục? Những phom dáng này lấy ý tưởng từ đâu? – Tất cả đều phải có câu trả lời. Nếu đã thiết kế ra một bộ trang phục, thì phải bảo vệ nó đến cùng. Và muốn như vậy, thì phải không ngừng trang bị kiến thức cho mình.

Sắp tới, anh định hướng phát triển thương hiệu của mình như thế nào?

Tôi vẫn đang cố gắng hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để sản phẩm của mình phù hợp với những quy chuẩn quốc tế hơn. Hy vọng các thiết kế trong dự án sắp tới nhanh chóng được giới thiệu đến người yêu trang phục của tôi ở nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á.

Cuối cùng, anh có thể gợi ý một nhân vật trò chuyện tiếp theo cho Vietcetera được không?

Vietcetera hãy trò chuyện cùng anh Dzũng Yoko. Anh là người có đóng góp nổi bật cho thời trang Việt Nam và cũng là một người đã đồng hành cùng tôi trong rất nhiều dự án, đặc biệt là quyển fashion artbook thứ 3 sắp tới.

Facebook | NguyenhoangtuOfficial

Xem thêm:
[Bài viết] Thời trang bền vững tại Việt Nam: Những tiềm năng cần phát triển
[Bài viết] Lâm Gia Khang ra mắt GIA STUDIOS – Ngôi nhà của những nàng thơ


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục