Nháy mắt là quấy rối tình dục?
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Ngày 25/05, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kết hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố bản dự thảo . Quá trình soạn thảo bộ quy tắc có sự tham vấn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), dựa trên bộ quy tắc ứng xử cùng tên đã được giới thiệu vào năm 2015 và tích hợp vào Luật Lao động năm 2019.
Bộ quy tắc “hướng dẫn triển khai trên thực tiễn” các quy định. Văn bản hướng tới việc giúp người lao động, người sử dụng lao động, và các tổ chức công đoàn “phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc” và “giải quyết có hiệu quả tình trạng quấy rối tình dục.”
2. Điểm mới của dự thảo là gì?
Bộ quy tắc nêu ra những định nghĩa và khía cạnh cơ bản nhất của hiện tượng quấy rối tại nơi làm việc, đưa ra những chỉ dẫn để các đơn vị, các doanh nghiệp áp dụng bộ quy tắc vào từng môi trường đặc thù của đơn vị mình. Theo đó, có ba hình thức quấy rối được xác định nghĩa:
- Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất: động chạm không mong muốn, cưỡng hiếp.
- Quấy rối bằng lời nói: gồm “các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa”, “những ngụ ý về tình dục” như đùa cợt hay nhận xét về ngoại hình, “những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.”
- Quấy rối bằng hành vi phi lời: hướng tới các biểu hiện tinh vi hơn như “ngôn ngữ cơ thể khiêu khích”, “cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục,” hay phô bày tài liệu khiêu dâm.
Nếu các hành vi quấy rối thể chất đã xuất hiện trong nhiều quy định và văn bản pháp lý trong nước, thì bộ quy tắc cho thấy sự phát triển trong nhận thức pháp luật về vấn đề xâm hại tình dục khi đưa cả hành vi quấy rối bằng lời và phi lời vào tầm ngắm.
3. Truyền thông và dư luận trong nước phản ứng thế nào với dự thảo này?
Trong bối cảnh nhiều vụ việc xâm hại tình dục được phát giác, dư luận trong nước đang dành sự chú ý đặc biệt cho phổ chủ đề này. Vì vậy, dự thảo bộ quy tắc ứng xử của Bộ Lao động và các bên nhận được nhiều sự quan tâm, tranh cãi, và góp ý từ phía công chúng, các chuyên gia, và các đơn vị truyền thông.
Hầu hết các ý kiến đều hoan nghênh dự thảo và những nỗ lực của các bên trong việc thiết lập không gian làm việc an toàn. Một số đơn vị báo chí thì tập trung vào những điểm cần làm rõ, hay là các chi tiết có vẻ chưa hợp lý như coi “cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục” là quấy rối phi lời nói.
4. Có những vấn đề nào khác ảnh hưởng tới chính sách phòng chống quấy rối tình dục?
Trong khi các bộ quy tắc và đạo luật áp chế tài chung cho tất cả mọi người trong tất cả mọi hoàn cảnh, thì xâm hại tình dục thay đổi theo từng hoàn cảnh, trong từng môi trường khác nhau. Nếu các đơn vị chỉ máy móc tuân theo văn bản, sẽ có nhiều tranh cãi và bất đồng xung quanh các quy tắc.
Để minh họa, khi nào thì “nháy mắt liên tục” và "nhìn gợi tình" là quấy rối? Khó có thể xác định mức độ phạm luật nếu chỉ dựa vào văn bản mà không quy chiếu tới trường hợp cụ thể, hoàn cảnh cụ thể. Do đó, các cơ quan cần hiểu và áp dụng linh hoạt các chính sách.
Bên cạnh đó, các nạn nhân phải chịu áp lực tâm lý và dư luận khi tố cáo nghi phạm. Vì thế, họ thường không phát giác các vụ việc dù đã có hướng dẫn chi tiết về quy trình khiếu nại. Khoảng cách giữa văn bản quy phạm và thực tế cuộc sống có thể khiến những vụ việc xâm hại chìm vào quên lãng.
5. Làm gì khi bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc?
Quấy rối tình dục có thể xảy ra với bất cứ ai trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vì vậy, điều quan trọng nhất là tự bảo vệ bản thân và duy trì một môi trường làm việc an toàn và trong sạch.
Khi cảm thấy bị quấy rối, ta nên báo cáo lại sự việc với quản lý hoặc bộ phận nhân sự để có hướng giải quyết phù hợp. Người bị xâm hại có thể chọn đối đầu trực diện với kẻ xâm hại qua quy trình chính thức, hoặc nhờ người đại diện làm trung gian hòa giải thay thế thông qua quy trình không chính thức.
Nếu địa điểm làm việc có đủ ánh sáng và các thiết bị giám sát điện tử, nạn nhân có thể yêu cầu trích xuất thông tin làm bằng chứng để xác định hành vi quấy rối. Trong những trường hợp quấy rối bằng lời nói hoặc phi lời nói, nạn nhân có thể cảnh cáo hoặc thông báo về ý định tố giác xâm hại của mình.
Ở những trường hợp nghiêm trọng hơn, nạn nhân có quyền yêu cầu lập đơn vị xác minh độc lập, đồng thời đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với đơn vị chủ quản. Ngoài ra, người bị xâm hại có ý định tố giác nên làm việc sát sao với các công đoàn hay các bên đại diện quyền lợi người lao động.