Những kiểu người bình luận trên mạng xã hội

Mạng xã hội trao quyền cho những cá nhân thể hiện bản thân mình dễ dàng hơn. Dù vô tình hay hữu ý, mỗi bình luận để lại đều sẽ nói lên một phần cách nhìn và cá tính của chúng ta.

Vietcetera
Những kiểu người bình luận trên mạng xã hội

Những kiểu người bình luận trên mạng xã hội

Mạng xã hội trao quyền cho những cá nhân thể hiện bản thân mình một cách dễ dàng hơn. Hiện diện trực tuyến (online presence) giờ đây không còn là câu chuyện của riêng nhãn hàng nữa mà đang dần trở thành câu chuyện mang thương hiệu cá nhân. “Bài viết này có khiến người khác nghĩ tôi hài hước không?” “Tấm ảnh này có khoe được thông điệp gì về cuộc sống của tôi không?”

Một trong những công cụ để xây dựng hiện diện trực tuyến là để lại bình luận trên mạng xã hội. Với xu hướng content marketing trên đà nở rộ, các nội dung thấu hiểu người dùng không ngừng mở lối cho các “ngón tay vàng trong làng bình luận” trở thành người ảnh hưởng chỉ với vài phút “múa phím”.

Dù vô tình hay hữu ý, mỗi bình luận để lại đều sẽ nói lên một phần cách nhìn và cá tính của chúng ta. Dưới vỏ bọc mạng xã hội, những người bình luận có thể dễ dàng hoà vào trong đám đông. Nhưng cũng vì thế mà phần bình luận trên mạng xã hội có thể là nơi kích động nhất bởi mức độ khó lường của những kiểu người tham gia dưới đây.

1. “Tôi, tôi, tôi”

Đây là những người đam mê với các bài đăng có nội dung có vẻ như đang nhắc tới mình, nhưng thực chất là đang nhắc tới sự thật chung của nhiều người. Địa bàn hoạt động của nhóm cư dân mạng này thường nằm ở những nội dung tâm lý – tình cảm như “comment nếu bạn từng đi xem phim một mình”, “chấm vào đây nếu bạn là người hay cười nhưng thực chất có nhiều suy tư”, hoặc một câu chuyện ngẫu nhiên nào đó có liên hệ với trải nghiệm bản thân.

Số lượng tương tác nhiều ở những nội dung trên có thể được lý giải bởi khả năng “chạm” đúng chỗ ngứa của người bình luận. Họ cảm thấy vấn đề mình suy nghĩ được đề cập, thấy mình đặc biệt, đôi khi cho rằng vấn đề mình đang trải qua là hiếm người nhận thấy và chia sẻ. Vì thế, đôi khi đây lại là cách để người bình luận tìm kiếm sự thấu hiểu từ người xung quanh.

Nếu được chia sẻ đúng cách, các nội dung đánh đúng tâm lý này có thể giúp người bình luận kết nối với những người có cùng suy nghĩ và gắn kết với bạn bè, ví dụ như thông qua tính năng tag (nhắc tên) của Facebook. Đây cũng là cơ hội cho những người làm marketing khai thác tương tác cộng đồng để truyền đạt những thông điệp có sức lan toả hơn.

Tuy nhiên, những bình luận trên có thể xuất hiện quá nhiều và gây phiền phức trên trang tin của người khác. Bình luận dạng này cũng có khả năng bóp méo hình ảnh của bạn thành người chỉ biết nói về bản thân mình. Ít ai lại thích khi mình đang chia sẻ một câu chuyện buồn, mong chờ một lời an ủi động viên thì ngay bên dưới có một nhân vật nào đó kể một câu chuyện buồn khác chỉ để chứng minh rằng mình… buồn hơn cả.

2. Kẻ comment dạo

‘Vô hại’ và ‘giải trí’ là các tính từ thường được sử dụng để miêu tả nhóm người bình luận này. Phần lớn thời gian họ dành ra để sống trên mạng xã hội, cùng với số lượng không tưởng các bình luận được tạo ra mỗi ngày.

Những người comment dạo có thể nhảy từ nền tảng này sang nền tảng khác, từ trang cá nhân này sang trang cá nhân khác. Các nội dung bình luận xuất hiện trong vòng 7 nốt nhạc như một bản năng. “Cho lên top”, “Thả tim comment này cho một ngày tươi vui”; bình luận ảnh, meme, và gif là những thao tác cực đơn giản giúp họ kiếm danh hiệu ‘fan cứng’ của các trang cộng đồng.

Hoạt động này có thể coi là một hình thức giải trí thuần tuý, nhằm tìm kiếm sự kết nối và hướng đến sự hài hước. Đối với đa số, các phương tiện giải tỏa căng thẳng thường xoay quanh nghe nhạc, xem phim, đọc sách thì đối với những người comment dạo, niềm vui gói gọn ở thiết bị kết nối mạng và thao tác copy – paste xuyên nền tảng.

3. Reviewer chuyên nghiệp

Reviewer được hiểu là những người đưa ra nhận xét dựa trên trải nghiệm của họ về các sản phẩm hoặc dịch vụ. Nghề Reviewer đang nở rộ ở Việt Nam trên mọi lĩnh vực và mọi nền tảng nhờ mức độ chân thực cao và tương tác sôi nổi.

Những Reviewer có tâm sẽ là bạn thân của những nội dung chia sẻ trải nghiệm người dùng – “Comment bộ phim khiến bạn biết ơn cuộc sống” hay “Việt Nam còn địa điểm ấn tượng nào mà ít người biết đến?” Có kiến thức và luôn sẵn sàng chia sẻ, các reviewer tập sự này hoàn toàn có khả năng trở thành một người gây ảnh huởng nhỏ (micro-influencer) trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, cái mác reviewer cũng có thể là nơi ẩn náu của những seeder có ý đồ quảng cáo lộ liễu hoặc đưa ra nguồn thông tin không đáng tin cậy. Có khá nhiều trang cộng đồng lập ra là do một nhãn hàng mới nổi kém chất lượng. Những bài đăng chẳng hạn như “Comment ở đây một trung tâm nghỉ dưỡng bạn thích” thực ra sẽ có các bình luận được trả phí, giả danh “trà trộn” vào để tâng bốc sản phẩm.

4. Quý ngài biết tuốt

Là thành viên quen mặt của các trang cộng đồng có nội dung thời sự, xã hội, thường xuyên đưa ra nhận định về các vấn đề nóng hổi đang diễn ra. Các bình luận thường sẽ ở dạng dài (đoạn văn, bài văn) với các luận điểm được diễn giải chi tiết.

Họ thường sẽ là những người tạo ra các cuộc tranh luận nảy lửa và thu hút đông đảo các bình luận viên khác. Tương tác qua lại với “quý ngài biết tuốt” đôi khi lại là cách để nhiều người dùng mở rộng kiến thức và thách thức niềm tin sẵn có của bản thân.

Vì luôn muốn đưa quan điểm nên có khả năng sẽ có những “quý ngài biết tuốt” chỉ nhìn ra lỗi của người khác và đưa cuộc trao đổi đi vào ngõ cụt. Thay vì tranh luận vào vấn đề, họ lại đẩy câu chuyện lên mức cực đoan, thậm chí lạc đề một cách thần kỳ. Ví như, chỉ với thông tin một thí sinh được giải cao trong cuộc thi về kiến thức, “quý ngài biết tuốt” lại có thể lái ngay sang một bài luận văn về chảy máu chất xám và quản lý nhân lực.

Cũng có những “quý ngài biết tuốt” vội vàng đi tranh luận nhưng lại chẳng hề “biết tuốt” như họ tưởng. Không thiếu những người chưa đọc hết nội dung bài viết hoặc lướt tiêu đề báo nhưng vẫn nhảy vào trao đổi với một loạt lỗ hổng trong lập luận.

5. Kẻ công kích

Kẻ công kích không tập trung vào nội dung được truyền tải mà tập trung công kích cá nhân. Một bài báo nói về giọng hát của một ngôi sao họ không thích, họ sẵn sàng chỉ trích những khía cạnh không liên quan như ngoại hình hay cuộc sống hôn nhân của người ngôi sao nọ. Gặp ai phản biện, họ sẽ công kích luôn người phản biện.

Hình thức bình luận của họ tồn tại dưới dạng ngôn từ chửi rủa, phân biệt (vùng miền, giới tính), đôi khi chỉ là những từ ngữ đay nghiến mà không đưa thêm giải thích gì thêm. “Xấu thì đừng có lên tiếng” là một trong những hình thức xúc phạm cá nhân vô lý nhưng phổ biến nhất. Đôi khi kẻ công kích còn viết IN HOA TOÀN BỘ CHỮ CÁI để thể hiện mức độ tức giận vô cớ của mình, hoặc đi kèm những emoji thể hiện sự phẫn nộ.

Đa số người công kích không biết mình đang công kích. Họ cho rằng mình chỉ đang chia sẻ quan điểm và những ai cảm thấy tổn thương là những người quá nhạy cảm. Tuy nhiên, có một lằn ranh khá mong manh giữa công kích và tranh luận. Công kích mang hàm ý tấn công các giá trị của cá nhân, trong khi tranh luận đồng nghĩa với đưa ra quan điểm, xử lý vấn đề trên vấn đề chứ không phải xử lý vấn đề trên con người. Hành vi có thể sai nhưng tổng thể con người chưa chắc đã sai.

Không thể phủ nhận sự giận giữ của đám đông trên mạng đã giúp vạch trần những vụ việc sai trái trong đời sống thực. Công cụ lắng nghe mạng xã hội social listening đã giúp những người làm báo và những nhà làm chính sách đo lường vấn đề đang được quan tâm để đưa ra hướng khai thác thông tin một cách triệt để nhất. Các nhãn hàng cũng dựa vào đây để cải thiện dịch vụ và xử lý các khủng hoảng truyền thông.

Tuy nhiên, dù được giải quyết thế nào đi chăng nữa, những bình luận gay gắt trên mạng xã hội sẽ mãi là vết thương tinh thần khó chữa lành một khi đã trượt khỏi tầm kiểm soát.

Kết

Sẽ luôn có những loại bình luận khác nhau, và người dùng mạng xã hội có toàn quyền lựa chọn phong cách bình luận của mình để có được giây phút vui vẻ, thư giãn nhất. Không tồn tại một công thức chung nào cho một comment lành mạnh. Tuy nhiên, để mạng xã hội là một không gian chung an toàn, hãy để tâm tới cảm xúc của người đọc bình luận để không tạo ra những thương tổn vô cớ.

Ngoài ra, tư duy phản biện sẽ giúp tìm kiếm các nguồn thông tin xung quanh nội dung và chủ nhân bài viết, từ đó tạo ra những hướng trao đổi cởi mở và đa chiều hơn. Đừng ngại chặn, xoá những bình luận sai trái trên trang cá nhân và các trang cộng đồng bạn quản lý để bảo vệ bản thân và những người theo dõi thân thiết.

Bài viết này được thực hiện bởi Anh Tú.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục