Nonviolent Communication là gì mà giúp mâu thuẫn trở nên nhẹ nhàng hơn?
1. Nonviolent communication là gì?
Nonviolent communication hay giao tiếp phi bạo lực là một thực hành ngôn ngữ đòi hỏi kỹ năng trao đổi cởi mở và lắng nghe thấu cảm. Nó cho phép con người tập nghĩ trước khi nói, từ đó đưa ra những phản hồi “thấu tình đạt ý.”
Gần đây, phương pháp này được quan tâm đặc biệt trong môi trường giáo dục và công sở, nơi giáo viên - học sinh, nhân viên - sếp khó dành đủ sự bao dung và thấu cảm cho nhau.
Phương pháp giao tiếp phi bạo lực gồm bốn yếu tố:
- Quan sát: Ghi nhận những hành động “mắt thấy, tai nghe” mà không phán xét: “Tôi thấy bạn chưa nộp bài” thay vì “Bạn là đồ lười biếng”
- Cảm nhận: Gọi tên những cảm xúc bị kích thích bởi những gì ta quan sát: “Tôi cảm thấy cô đơn” thay vì “Bạn không yêu tôi”
- Nhu cầu: Thừa nhận những nhu cầu đằng sau cảm xúc: “Tôi thấy thất vọng vì tôi muốn được công nhận về những nỗ lực của mình”
- Yêu cầu: Những lời đề nghị cụ thể và thực tiễn để giải quyết vấn đề: “Chúng ta có thể phân công mỗi người dọn nhà 2 lần một tuần, bạn thấy sao?”
2. Nguồn gốc của nonviolent communication
Mô hình của giao tiếp phi bạo lực được phát triển bởi nhà tâm lý học Marshall Rosenberg trên nền tảng và cảm hứng từ phong trào Phi bạo lực của Mahatma Gandhi cùng học thuyết nhân vị trọng tâm của Carl Rogers.
Dựa trên triết lý “ghét cái ác, không ghét kẻ ác,” Rosenberg tin rằng lòng trắc ẩn có trong bản chất của con người và là công cụ để giải quyết những khác biệt về nhu cầu. Vì thế, mục đích của giao tiếp phi bạo lực là để duy trì “tính người” ngay cả trong mâu thuẫn.
Cuốn sách Nonviolent Communication: A Language of Life của Rosenberg được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1999. Đồng thời, ông cũng là nhà sáng lập của The Center for Nonviolent Communication (1984), nơi chuyên chia sẻ và huấn luyện về giao tiếp phi bạo lực.
Trong các khóa học của mình, ông thường dùng con hươu đại diện cho tính phi bạo lực - lòng trắc ẩn, con chó đại diện cho tính bạo lực - sự hung hăng và thống trị.
Mô hình này giúp các mối quan hệ chênh lệch quyền lực như thầy-trò, cha mẹ-con cái, sếp-nhân viên được nhìn nhận theo mối quan hệ đối tác bình đẳng.
3. Vì sao nonviolent communication phổ biến?
Một bài viết trên trang web của Liên Hợp Quốc từng cho rằng giao tiếp phi bạo lực là một yếu tố quan trọng trong các diễn đàn và hội thảo về hòa bình thế giới. Một khi các bên hiểu và đồng cảm với nhu cầu của nhau thì mới có thể cùng hợp tác để giải quyết mâu thuẫn và tranh chấp.
Giao tiếp phi bạo lực có thể được huấn luyện từ nhỏ, một nghiên cứu năm 2018 cho hay. Học viên có thể phát triển các kỹ năng cơ bản nhất như phân biệt hình thức bạo lực, miêu tả cảm xúc và phát biểu quan điểm của bản thân.
Một số sách tranh như Giraffe Juice hay hình minh họa cũng góp phần tập cho trẻ quen dần với hình thức giao tiếp này.
Jack Canfield, một trong những tác giả của bộ sách Hạt giống tâm hồn, đặc biệt hết lời ca ngợi phương pháp này. Ông cho rằng nó có thể “thay đổi thế giới,” nâng cao chất lượng các mối quan hệ xung quanh.
Ngay sau khi nhậm chức CEO của Microsoft vào năm 2014, Satya Nadella đã yêu cầu những vị quản lý cấp cao của công ty đọc cuốn sách Nonviolent Communication: A Language of Life với hy vọng cải thiện hiệu quả giao tiếp. Trước đó, công ty này đã “có tiếng” về văn hóa thù địch và đấu đá nội bộ.
Theo Marshall Rosenberg, những lời chỉ trích, phán xét, chẩn đoán và cơn giận dữ là vẻ ngoài của những nhu cầu không được thỏa mãn (unmet needs). Nếu một người trách móc “bạn không hiểu tôi” có nghĩa là họ đang cần được lắng nghe và quan tâm.
Rosenberg gọi đây là kiểu giao tiếp “life-alienating communication” - tự cô lập với phẩm chất trắc ẩn bên trong mình cũng như ở người khác.
Khi một người thiếu khả năng bày tỏ về khúc mắc của bản thân, họ sẽ không nhìn được rõ căn nguyên vấn đề, dẫn đến những cuộc xung đột kéo dài. Giao tiếp phi bạo lực cho phép chúng ta khoan vội lên tiếng, hạn chế những thiên kiến và những phản ứng “nhanh hơn não.”
Đặc biệt, trên mạng xã hội, các cuộc hội thoại bạo lực, bộc phát càng dễ “sinh sôi” do những thông tin khuyết và nội dung ngắn. Chuyên gia giáo dục trong môi trường mạng, Mike Ribble, còn cho biết sự thiếu tiếp xúc vật lý khiến chúng ta càng khó thấu cảm và nhân từ với nhau. Vì thế, giao tiếp phi bạo lực cần thiết trong mọi không gian tương tác.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp này đòi hỏi thời gian và tính kiên trì cao. Bạn có thể bắt đầu làm quen với những bài tập nhỏ mỗi ngày, theo gợi ý của Postive Psychology:
- Viết nhật ký: Viết lại những diễn biến trong ngày vì bạn có thể gây mâu thuẫn mà không nhận ra. Mô tả lại cảm xúc, mục đích lúc đó và thử áp dụng hướng giải quyết khác.
- Đóng vai “con hươu/con chó”: Đứng vào từng vị trí để nhìn nhận sự việc hoặc phân loại những hành động, suy nghĩ theo từng vai.
- Chuẩn bị: Học thêm vốn từ để gọi tên cảm xúc thay vì những tính từ đánh giá, sưu tập sẵn những mẫu câu để đề nghị thay vì mệnh lệnh.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nonviolent communication vẫn chưa được công nhận rộng rãi trong giới học thuật do số lượng nghiên cứu vẫn còn hạn chế. Psychology Today cũng chỉ ra rằng những kỳ vọng phải đáp ứng nhu cầu thông qua vì giao tiếp phi bạo lực có thể gây căng thẳng thay vì dẫn đến hoà giải.
4. Cách sử dụng nonviolent communication
Tiếng Anh
A: I am training my kids in nonviolent communication methods at home. I notice them starting to listen and share their feelings more often.
B: Oh, really? My kids are still the same, no progress. Maybe we need more time.
Tiếng Việt
A: Tôi đang luyện cho mấy đứa nhà tôi theo phương pháp giao tiếp phi bạo lực. Tôi thấy chúng nó bắt đầu biết cách chia sẻ lắng nghe và chia sẻ cảm xúc nhiều hơn.
B: Vậy sao? Nhà tôi thì vẫn vậy, chả thấy tiến triển gì. Chắc cần nhiều thời gian hơn.