Out and Out: Cánh cửa tri thức nghệ thuật và tham vọng phát triển bản sắc Việt

Lắng nghe quan điểm của những người sáng lập Out and Out, một dự án truyền thông nghệ thuật dưới dạng web-magazine, tập trung chính vào Nghệ thuật Đương Đại và Nghệ thuật Thị Giác.

Vietcetera
Out and Out: Cánh cửa tri thức nghệ thuật và tham vọng phát triển bản sắc Việt

Out and Out: Cánh cửa tri thức nghệ thuật và tham vọng phát triển bản sắc Việt

Nhà văn Pháp, Antoine de Saint-Exupéry nổi tiếng với tác phẩm “Le Petit Prince” đã từng nói: “On ne voit bien qu’avec le coeur” – Chúng ta chỉ có thể thấy rõ bằng trái tim. Nghệ thuật ngày nay cũng như chính câu nói này khi nó không còn bị giới hạn ở đôi mắt mà còn cần có một trái tim nóng.

Câu trả lời chính xác cho câu hỏi: “Nghệ thuật là gì?” luôn rất khó để trả lời.

Mục đích giúp người Việt quan tâm và hiểu sâu hơn về Nghệ thuật, Out and Out – mô hình truyền thông nghệ thuật mang tới những trải nghiệm nghệ thuật trong nước nói riêng, cũng như những kiến thức và xu hướng của nền nghệ thuật thế giới nói chung.

Out and Out tập trung chính vào Nghệ thuật Đương Đại và Nghệ thuật Thị Giác. Ngoài ra, những trải nghiệm về văn hoá, và phong cách sống cũng là những mảng khó tách rời trong dòng chảy cảm hứng kiến tạo nên Nghệ Thuật.

Hãy kể cho chúng tôi về câu chuyện của các bạn?

Linh An: Nhìn toàn cảnh về thị trường Nghệ thuật Việt nam, ngoài tập san Mỹ Thuật ra thì hiện nay nước ta không có một tờ báo online nào về Văn Hoá Nghệ thuật một cách thuần tuý, đặc biệt tập trung vào mảng Nghệ thuật Đương Đại. Trước đây cộng đồng trong nước “may mắn” đã có SOI. Tuy nhiên, mô hình của SOI được định vị là một forum hơn là một trang báo Nghệ thuật.

Bên cạnh đó, các kênh thông tin Nghệ thuật khác đã làm rất tốt công việc của họ là cập nhật các tin tức mới nhất trong nước về các sự kiện văn hoá, hay như một số tờ báo phong cách sống cũng có những bài tổng hợp Nghệ thuật. Nhưng bản chất vì chưa có một kênh nào tập trung 100% tinh lực vào việc phân tích, cập nhật các xu hướng Nghệ thuật Đương Đại, đặc biệt là phê bình Nghệ thuật – nhất là trên nền tảng kĩ thuật số khiến cho nghệ sĩ cũng như cộng đồng đang khá thiếu thốn về mặt kiến thức.

Bên cạnh đó, các kênh thông tin Nghệ thuật khác đã làm rất tốt công việc của họ là cập nhật các tin tức mới nhất trong nước về các sự kiện văn hoá, hay như một số tờ báo phong cách sống cũng có những bài tổng hợp Nghệ thuật. Nhưng bản chất vì chưa có một kênh nào tập trung 100% tinh lực vào việc phân tích, cập nhật các xu hướng Nghệ thuật Đương Đại, đặc biệt là phê bình Nghệ thuật – nhất là trên nền tảng kĩ thuật số khiến cho nghệ sĩ cũng như cộng đồng đang khá thiếu thốn về mặt kiến thức.

Bên cạnh đó, đa phần các cây viết Nghệ thuật tại Việt nam xuất phát điểm là nhà văn, người làm báo, nên góc nhìn của họ rất khác, đầy cảm tính hoặc chỉ đơn thuần mang tính tường thuật. Nghệ thuật cần nhiều hơn một góc nhìn trung lập, tích cực chung chung hay cảm tính thiếu biện luận kèm chiều sâu.

Ngoài ra, sách Nghệ thuật tại Việt Nam tương đối ít. Và nếu có được dịch, cũng là những đầu sách xuất bản đã lâu, nhiều khi không còn mang tính thời sự trong bối cảnh xã hội hiện nay nói chung và Việt nam nói riêng.

Chính vì lẽ đó, một trang Nghệ thuật dành cho người Việt, được viết bằng tiếng Việt, cung cấp kiến thức và xu hướng đúng đắn là một việc vô cùng bức thiết trong bối cảnh hiện nay.

Ý nghĩa đằng sau cái tên “Out and Out”?

Tâm Huỳnh: Out and Out là một cụm từ nói lên sự tuyệt đối, hoàn toàn hay trọn vẹn và nếu theo nghĩa đen từng từ thì là : Ngoài và Ngoài. Con người luôn luôn cần trau dồi kiến thức, “vươn” ra ngoài nhiều hơn để làm giàu vốn sống và góc nhìn của mình.

Chúng tôi nhận thấy rằng nền giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam vẫn còn khá lạc hậu kiểu “hàn lâm” khiến cho giới nghệ sĩ khó có thể hoặc không thể sáng tạo, chỉ biết đi theo một chuẩn mực nhất định (kĩ thuật sao chép hình ảnh chân thực, vẻ đẹp theo chuẩn mực,…). Bên cạnh đó, công chúng thiếu nguồn thông tin để tham khảo, thiếu hoạt động có chất lượng. Tất cả dẫn đến việc thẩm mỹ và tư duy văn hoá đơn giản, an bài theo chuẩn mực xã hội.

Thông qua Out and Out, mọi người đều có thể luôn luôn suy nghĩ cởi mở, vận động theo thời gian để bắt kịp với văn minh thế giới và quan trọng hơn chính là để luôn luôn phát triển bản thân. Điều này quan trọng với nghệ sĩ – yếu tố chính sáng tạo ra Nghệ Thuật, nhưng cũng rất quan trọng với công chúng người Việt nói chung. Ngay chính bản thân ekip Out and Out cũng đang luôn tự học hỏi mỗi ngày, vì tri thức mới là vô hạn.

Đối tượng độc giả của các bạn là ai?

Linh An: Không khó để nhận thấy rằng Việt Nam đang bị chi phối mạnh mẽ bởi những chương trình truyền thông có phần “tẩy não”, giải trí đại chúng và kém văn minh (tin tức giả, báo “lá cải”, chương trình thiếu văn hóa,…). Điều này ảnh hưởng rất lớn tới mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Chúng tôi thấy ai cũng muốn nhanh chóng trở thành “ông chủ, bà chủ”; nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp, đi xe xịn, du lịch sang chảnh” được đặt lên hàng đầu; “sống ảo” là năng lượng mỗi ngày với đa số người trẻ. Khát vọng này không sai, nhưng nếu nó chỉ là khát vọng duy nhất trong cuộc sống thì lại là một vấn đề khác.

Chúng ta bước vào cuộc đại nhảy vọt về tiêu dùng quá nhanh, kèm theo sự phát triển của mạng xã hội. Tuy nhiên, những yếu tố văn hoá lại ít được quan tâm, hoặc thậm chí bị coi nhẹ. Điều này khiến cho tính văn minh của cả một xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khi kết hợp hai câu chuyện này vào với nhau, thì một trang Nghệ thuật chạy tập trung trên nền tảng kĩ thuật số, phát triển nội dung đặc biệt trên các kênh mạng xã hội chính là cách tiếp cận nhanh nhất với người Việt.

Out and Out với “tham vọng” sẽ tạo nên 1 sân chơi mới cởi mở mà ở đó, Nghệ thuật sẽ được phổ cập hơn cho công chúng, là một nguồn kiến thức cũng như nguồn cảm hứng làm đa dạng suy nghĩ, cảm xúc và đa chiều nhận thức cho người dân Việt Nam. Đặc biệt, đối tượng độc giả chính là thế hệ Millennials – những người được sinh ra từ khoảng những năm 1980 trở đi. Họ chính là tương lai bản sắc của Việt Nam.

Chính vì lẽ đó, mà sự kiện sắp tới của các bạn được tổ chức tại 1 quán bar tại Sài gòn?

Tâm Huỳnh: Emmanuel Perrotin, nhà quản lý Nghệ thuật – chủ Phòng trưng bày top đầu Châu Âu cũng như Thế giới thường xuyên tổ chức tiệc Nghệ thuật tại quán Bar, thậm chí….tại Nhà Thờ. Đây không hề là một sự phỉ báng, thậm chí ngược lại.

Chúng tôi không nghĩ rằng một địa điểm Nghệ thuật đích thực phải luôn cần được tổ chức ở trong khuôn viên một Viện Bảo Tàng, Toà nhà văn hoá, hay Trung tâm Nghệ thuật đơn thuần. Nó phải được sáng tạo hơn. Nghệ thuật ở tất cả mọi nơi mà! (Cười).

Giới trẻ có suy nghĩ cởi mở, họ có thể làm việc cật lực 14h/ ngày, gặp gỡ đối tác bạn bè tại một quán bar avant-garde để bàn luận về Nghệ thuật, trong khi vẫn thưởng thức được âm nhạc, nhấp một ly cocktail ngon. Tại sao không?

Khó khăn và thách thức lớn nhất của dự án là gì?

Linh An: Riêng với mô hình khá đặc biệt (niche) này của chúng tôi, yếu tố CON NGƯỜI là khó khăn và cả thách thức.

Khó khăn ở chỗ, tại nước ta, chưa có một trường Đại Học nào dạy về phê bình hay viết về Nghệ thuật. Những năm gần đây có một số bạn trẻ đi du học về Lịch sử Nghệ thuật hoặc Phê bình Nghệ thuật trở về nước. Mặc dù các bạn còn thiếu rất nhiều kĩ năng cũng như thiếu góc nhìn kết nối từ lịch sử Nghệ thuật thế giới với bối cảnh văn hoá-xã hội trong nước; nhưng đây đã là một tín hiệu tốt vì các bạn đã được trang bị kiến thức nền vững chắc tại những nước phát triển.

Ngoài ra, một số giám tuyển trẻ hay cây bút trẻ cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn về việc viết về Văn hoá – Nghệ thuật. Ví dụ như trung tâm Nghệ thuật Đương đại VICAS và kênh thông tin HANOIGRAPEVINE vừa qua có đồng hành cùng Quỹ tài trợ của Đan Mạch hay Quỹ Hội Đồng Anh cũng đã và đang có những workshop cơ bản dạy về các mốc lịch sử Nghệ thuật và một vài kĩ năng viết về Nghệ thuật. Đây vừa là khó khăn, nhưng cũng là một giai đoạn rất đẹp trong tiến trình phát triển văn minh – khi mà chúng ta biết cách dần “kết nối” và học hỏi lẫn nhau. Out and Out luôn mong muốn được làm việc với các bạn trẻ yêu Văn hoá Nghệ thuật không ngại tìm đến chúng tôi.

Việc duy trì bền vững dự án đòi hỏi một nỗ lực không những về mặt tài chính, mà còn cả về ý chí và tinh thần đoàn kết lớn. Quay trở lại với yếu tố CON NGƯỜI, thì đây cũng chính là thách thức đối với dự án. Dẫu vậy, xuất phát điểm việc phát triển dự án vì niềm đam mê với Nghệ thuật và mong muốn phát triển Văn hoá, nên việc “đồng hành” cùng xã hội trải qua giai đoạn này thực sự có ý nghĩa đặc biệt với tất cả ekip Out and Out.

Điểm mạnh và sự khác biệt của Out and Out so với các kênh truyền thông, báo chí về Nghệ thuật trong nước?

Tâm Huỳnh: Mặc dù cá nhân tôi và chị Linh An đều khá trẻ. Nhưng mỗi người đều có điểm mạnh và lợi thế riêng của mình. Tôi mạnh về Nghệ thuật đương đại, chị Linh An mạnh về Truyền thông và Văn hoá. Ngoài ra, ekip Out and Out đa phần là các du học sinh học chuyên ngành về Truyền thông, Nghệ thuật thị giác, Lịch sử Nghệ thuật,… Quan trọng hơn, chúng tôi không ngừng trao đổi thông tin với nhau, đọc và tự học thêm mỗi ngày.

Bản thân tôi và chị Linh An đã từng là du học sinh và cả hai hiện nay đều đang sống tại Châu Âu. Chúng tôi tận dụng lợi về mặt địa lý này để kết nối với các nghệ sĩ, người làm quản lý Nghệ thuật Quốc tế. Song song đó, chúng tôi thường xuyên sắp xếp lịch để có thể tham dự tất cả những sự kiện Văn hoá, Hội chợ Nghệ thuật quan trọng ở Paris, London, Thuỵ Sĩ.

Ví như đợt vừa rồi, ekip Out and Out đã có mặt tại Basel, Thuỵ Sĩ để tận mắt tham quan cũng như kết nối với các Phòng trưng bày, nghệ sĩ và giới quản lý Nghệ thuật Quốc tế nói chung. Những số liệu về doanh thu, biến động của thị trường Nghệ thuật chỉ có thể đến tận nơi mới thu thập được.

Việc thường xuyên đi tới các sự kiện này rất quan trọng đối với những người làm Nghệ thuật. Kiến thức thực tế luôn quan trọng hơn thông tin bạn tra trên Google hay đọc qua những trang sách.

Tương lai thị trường nghệ thuật tại Việt Nam sẽ diễn biến ra sao trong một vài năm tới?

Tâm Huỳnh: Tương lai thị trường Việt Nam sắp tới sẽ có các nhà sưu tập trẻ tuổi hơn, từ đó các triển lãm bộ sưu tập cá nhân sẽ dần xuất hiện một cách đều và dày hơn bây giờ. Thêm vào đó, việc sưu tập sẽ trở nên phong phú hơn cùng các tác phẩm của các nghệ sĩ lớn trên Thế giới.

Ngoài ra, chúng ta sẽ dần nhận thức được rõ ràng hơn tầm quan trọng của vòng tròn mối quan hệ: nghệ sĩ – các lực lượng chuyên môn (phòng trưng bày, báo chí, truyền thông, marketing, cây viết Phê bình,…) – nhà sưu tập. Qua đó, tính chuyên môn hoá của từng khâu sẽ dần được củng cố.

Hiện nay, nghệ sĩ Việt đa phần vẫn còn “lười” trong việc tự phát triển, học hỏi khiến tác phẩm của 100 nghệ sĩ thì may ra có 2,3 nghệ sĩ có sự sáng tạo và phong cách riêng. Khi xã hội phát triển tới một lúc nào đó, họ sẽ cũng như các nghệ sĩ Quốc tế, học thêm những kiến thức mới từ các ngành khoa học khác như: toán học, triết học, lịch sử, kĩ thuật số,vv… để từ đó mang vào các tác phẩm của họ, và thổi vào không chỉ đơn thuần là Cái Đẹp, mà còn là những cảm xúc mới, tư duy mới cho cộng đồng. Nghệ thuật tại các nước phát triển đã vượt qua “sự sao chép” và “sự Đẹp” đơn thuần và đang ở một tầm khác rồi. Việt Nam sẽ mất thời gian lâu hơn nhưng cũng sẽ rất nhanh thôi nhờ vào sự phát triển về công nghệ, Internet và thế hệ các bạn trẻ Việt có điều kiện học và/hoặc làm việc tại môi trường quốc tế.

Vai trò của Out and Out trong sự phát triển này là như thế nào?

Linh An: Trước mắt, dự án đang trong giai đoạn phát triển nhờ vào sự đam mê, tính cảm xúc được đặt vào dự án rất lớn. Nhưng chúng tôi luôn tự nhủ, một dự án chỉ mang lại giá trị thực sự khi nó được định giá ra bằng vật chất.

Một số những trang báo tại Việt nam có cả phần tiếng Anh cho cộng đồng expat trong nước, nhưng chúng tôi thấy đây là một việc không cần thiết với trang Out and Out tại thời điểm hiện tại. Đối tượng chính của chúng tôi là người Việt và thế hệ trẻ Việt. Trong tương lai, nếu dự án có thể phát triển xa hơn nữa, thì phiên bản tiếng Anh sẽ ra đời nhằm phục vụ cho giới chuyên môn Quốc tế muốn tìm hiểu về thị trường trong nước.

Cái đích cuối cùng của chúng tôi chính là nhằm rút ngắn khoảng cách văn minh và tri thức cho các thệ hệ sắp tới bằng cách mang tới kiến thức Văn hóa và Nghệ thuật đúng đắn nhất cho tất cả mọi người.

Xem thêm:

[Bài viết] Khô Mực Studio – Một xưởng in risograph ở Sài Gòn

[Bài viết] Cùng Bùi Công Khánh nhìn lại chặng đường của nghệ thuật đương đại Việt Nam


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục