Performative Activism - Hoạt động xã hội hay đánh bóng hình ảnh?

Trong thời đại mà ai cũng có thể có quan điểm về xã hội, ta đang lên tiếng vì cộng đồng hay vì bản thân?
Sơn Hoàng
Nguồn: The Politics Society

Nguồn: The Politics Society

Không gian tự do của các mạng xã hội khiến việc bày tỏ ý kiến trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tất cả mọi người đều có thể tranh luận và tranh đấu về các vấn đề xã hội thông qua các thao tác như like hay share. Nhưng việc share một bài đăng về bình đẳng xã hội có tương đồng với tham gia đấu tranh vì bình đẳng xã hội không?

Và quan trọng hơn, ai là người hưởng lợi từ sự đấu tranh đó?

1. Performative Activism là gì?

Performative Activism là việc thực hiện, tham gia các hoạt động xã hội nhưng không để giải quyết vấn đề, mà để nâng cao vị thế của người tham gia trong mắt cộng đồng. Nói cách khác, performative activism là hành vi sử dụng các hoạt động xã hội với mục đích “trưng diện” cho bản thân và thu hút những người có cùng mối quan tâm.

Ở một nghĩa rộng hơn, performative activism còn ám chỉ việc những dự án hoạt động xã hội biến thành những chiến dịch truyền thông bắt tai bắt mắt nhưng không bắt trọn được vấn đề cần giải quyết mà chỉ tập trung ở bề nổi.

Một ví dụ nổi bật của performative activism là Blackout Tuesday. Đây là một sự kiện thuộc phong trào Black Lives Matter, trong đó người tham gia sẽ thay toàn bộ ảnh đại diện và ảnh bài đăng trên Instagram bằng các ô màu đen để thể hiện sự ủng hộ với người da đen và phản đối bạo lực sắc tộc.

Việc một lượng lớn tài khoản đồng loạt thay ảnh đen với hashtag vô tình khiến thuật toán loại bỏ những thông tin có ích về phong trào BLM ra khỏi dòng chảy thông tin. Mặt khác, Blackout Tuesday mang tới sự thỏa mãn có tính thời điểm và định hướng dư luận vào những hành động biểu tượng có tính vị kỷ thay vì cách giải quyết vấn đề.

2. Nguồn gốc của Performative Activism?

Thuật ngữ performative activism xuất hiện lần đầu vào năm 1998 trong một nghiên cứu của Barbara Green. Ban đầu, performative activism ám chỉ những hoạt động xã hội có yếu tố trình diễn (perform), ví dụ như diễn kịch hay nhảy tập thể nhằm thúc đẩy nhận thức về một vấn đề nào đó.

Cụm từ này bắt đầu mang nét nghĩa mới vào khoảng 2015. Trong quá trình quan sát các phong trào xã hội ở ngoài thực tế và trên không gian mạng, nhiều cây bút chuyên nghiệp và nhà nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ ra tính chất nửa vời và hô hào của một bộ phận các nhà hoạt động xã hội. Họ sử dụng cụm performative activism để khắc họa hiện tượng này.

Tính trình diễn (performative) của nét nghĩa mới nằm ở việc các hoạt động xã hội được thực hiện để trình diễn và trưng bày (for show) mà không thực sự nhằm mục đích cải thiện xã hội. Lợi ích của performative activism dừng ở việc nâng cao nhận thức, chứ không hướng tới một hành động cụ thể để giải quyết vấn đề.

Người hưởng lợi từ performative activism là các nhà hoạt động chứ không phải các nhóm yếu thế. Những nhà hoạt động thu về các con số truyền thông, các hình ảnh quảng bá, và thẩm quyền nói rằng họ đã “tham gia phong trào xã hội” để đổi lấy mối quan hệ và sự bóng bẩy.

3. Tại sao Performative Activism lại phổ biến?

Performative activism tạo cho ta cảm giác dấn thân, rằng ta đã tham gia vào việc cải tạo xã hội mà không cần phải hành động. Hành vi này rất phổ biến trên không gian truyền thông và mạng xã hội, tới mức người ta có một cụm từ cho nó là “slacktivism” - ám chỉ việc đấu tranh xã hội bằng like, share, hay tweet.

Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, performative activism thường xuất hiện dưới dạng số: những lượt tương tác, lượt bình luận, những dòng trạng thái, hay vài tấm ảnh. Chính vì thế, performative activism rất dễ thực hiện, nó lợi dụng sự tiện lợi của mạng xã hội và dòng chảy thông tin liên tục trên đó để lôi kéo mọi người.

Blackout Tuesday cho ta thấy performative activism dễ thực hiện tới mức nào. Để đấu tranh vì bình đẳng xã hội, ta không cần phải thực sự hành động, thậm chí không cần hiểu, mà chỉ cần thay ảnh và đặt hashtag. Điều này đã quy giản việc đấu tranh, vốn là một hành động phức tạp và đa nghĩa, thành một thao tác cơ học đơn thuần.

Vì thế, trước khi like, share, hay lên tiếng cho bất cứ một phong trào xã hội nào, hãy tự hỏi bản thân rằng bạn đang lên tiếng vì ai.

4. Cách dùng Performative Activism

Tiếng Anh:

A: My whole family is planning to join Blackout Tuesday on Instagram. Are you joining?

B: Thanks, but I'll pass because I think such an act is performative activism and not actually helping the movement.

Tiếng Việt:

A: Cả nhà tớ sẽ tham gia Blackout Tuesday trên Instagram. Cậu có tham gia không?

B: Cảm ơn cậu, nhưng tớ sẽ bỏ qua, vì tớ nghĩ hành động ấy mang tính hô hào nhiều hơn là thực sự ủng hộ phong trào.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục