Permalancer - Liệu có thể làm việc linh hoạt mà thu nhập vẫn ổn định?

Nhờ kết hợp được hai hình thức lao động tự do và làm việc toàn thời gian, permalancer đang trở thành xu hướng làm việc mới được ưa chuộng.
Hiền Lê
Nguồn: Shutterstock

Nguồn: Shutterstock

1. Permalancer là gì?

Permalancer (ˈpɜːməlɑːnsə) là những người lao động tự do (freelancer) có hợp đồng làm việc lâu dài cho một hoặc nhiều tổ chức cùng một lúc. Tuy nhiên họ không được hưởng những phúc lợi về bảo hiểm, y tế… như các nhân viên toàn thời gian.

Freelancer thường trở thành permalancer khi họ nhận làm nhiều dự án cho cùng một tổ chức, hoặc đóng vai trò như một tư vấn viên (consultant) mà tổ chức này thuê ngoài trong thời gian dài hạn.

2. Nguồn gốc của permalancer

Permalancer được ghép từ 2 từ tiếng Anh là permanent (cố định, lâu dài) và freelancer (người lao động tự do). Họ có thể sở hữu doanh nghiệp riêng, nhưng về bản chất họ chính là những “công ty TNHH Một Mình Tôi.”

Permalancer giống với freelancer ở chỗ được hoàn toàn tự chủ về giờ giấc và địa điểm làm việc của mình. Một số có thể làm việc tại tổ chức theo giờ, hoặc theo chế độ bán thời gian (part-time). Tuy nhiên khác với freelancer giao sản phẩm theo từng hợp đồng riêng biệt, các permalancer có một hợp đồng dài hạn hơn, yêu cầu họ cam kết với tổ chức ở một mức độ nhất định về kỳ hạn làm việc và khối lượng công việc.

Ví dụ, một freelancer cho trang báo chỉ viết một số bài nhất định theo hợp đồng đã ký, sau khi hoàn thành sẽ được thanh toán thù lao trong một lần duy nhất (one-off payment). Với permalancer, họ sẽ ký hợp đồng thời hạn 1 năm với cam kết viết ít nhất 4 bài/tháng, và được trả thù lao mỗi cuối tháng như nhân viên toàn thời gian. Dù vậy họ không được hưởng các phúc lợi về bảo hiểm hay chế độ nghỉ phép, cũng như phải tự chịu trách nhiệm kê khai, quyết toán thuế.

3. Vì sao permalancer phổ biến?

Theo nhà văn Brianna Wiest chia sẻ trên Forbes, permalancer trở thành giải pháp tiết kiệm chi phí cho nhiều doanh nghiệp sau đại dịch. Vì về phía doanh nghiệp, họ không phải đưa vào các phúc lợi, không mất hoặc mất rất ít chi phí tuyển dụng và đào tạo và có thể dễ dàng thay đổi kỳ hạn hoặc lượng công việc được “khoán” cho permalancer.

Về phía các permalancer, họ tìm được một giải pháp trung gian giữa freelancer và nhân viên toàn thời gian. Làm việc tự do có thu nhập bấp bênh, trong khi làm toàn thời gian lại cần mức độ cam kết lớn. "Permalancing" khiến họ vừa được tự do và linh hoạt hơn trong công việc, vừa có một nguồn thu nhập ổn định hơn. Đây chính là hai đặc điểm mà lực lượng lao động thuộc thế hệ millennial và gen Z đề cao sau đại dịch.

Một yếu tố khiến kiểu làm việc này được ưa chuộng là dòng thu nhập tiềm năng vô hạn mà nó mang lại. Thay vì nhận một khoản lương định kỳ hay thù lao theo từng dự án riêng biệt, permalancer có thể ký hợp đồng với bao nhiêu tổ chức tùy ý. Điều này không chỉ đa dạng hóa nguồn thu, mà còn giúp họ tăng mức định giá bản thân nhanh đáng kể so với lộ trình thăng tiến truyền thống trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên vì thiếu đi các chế độ phúc lợi, permalancer vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực. Tương tự như freelancer, họ cần có chuyên môn giỏi, kỹ năng tự kỷ luật, quản lý và làm việc độc lập cũng như sự an toàn nhất định về tài chính. Bạn có thể tham khảo bài viết Nghề freelance không dành cho những ai? để cân nhắc kỹ trước khi quyết định trở thành permalancer.

4. Sử dụng permalancer như thế nào?

Tiếng Anh

A: I’m considering becoming a permalancer. Not only do I enjoy flexibility over my work hours, but I also get a steady income source.

B: That sounds cool, but keep in mind that you’ll have to find your own insurance package too. The company won’t be responsible for that.

Tiếng Việt

A: Mình đang cân nhắc làm việc tự do theo hợp đồng cố định đây. Như vậy mình vừa được linh hoạt về giờ giấc làm việc, lại vừa có nguồn thu nhập ổn định.

B: Nghe ổn đó, nhưng lưu ý là cậu phải tự tìm gói bảo hiểm mà tham gia nữa. Công ty họ không chịu trách nhiệm khoản đó đâu.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục