Pha quay xe thế kỷ thuộc về Mỹ khi bãi bỏ quyền phá thai
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Tòa án Tối cao Mỹ đã bỏ quyền phá thai vào ngày 24/06/2022. Nói chính xác hơn là đảo ngược phán quyết công nhận quyền phá thai của phụ nữ.
Họ cho rằng phán quyết trong vụ kiện “Roe v. Wade" - sự kiện thay đổi quyền phá thai của Mỹ - là sai lầm vì Hiến pháp Mỹ vốn không đề cập cụ thể quyền phá thai.
Vậy nên, luật cấm phá thai không đi ngược lại với Hiến pháp. Hiện tại, các bang tại Mỹ có quyền thông qua luật cấm phá thai hoặc cho phép quyền phá thai.
Quyết định này đã gây ra làn sóng phản đối khắp nước Mỹ. Một số lãnh đạo trên thế giới cũng bất ngờ trước thay đổi này và gọi đó là bước đi lùi của nước Mỹ.
2. Các bang của Mỹ đang chia rẽ ra sao?
Sau quyết định của Tòa án tối cao Mỹ, nhiều bang của Mỹ bắt đầu tiến hành áp dụng luật cấm phá thai.
Đã có 13 bang tại Mỹ chuẩn bị sẵn sàng với trigger laws, luật được đặt ra sẵn nhưng chưa đủ hiệu lực để thi hành. Mục đích của nó là sẵn sàng thông qua luật cấm phá thai ngay lập tức khi vừa có quyết định của Tòa án Tối cao. Nổi bật trong số đó có Utah thậm chí cấm việc phụ nữ phá thai ở nơi khác.
Đa số các bang đều không trực tiếp phạt những sản phụ muốn phá thai. Thay vào đó, họ phạt những cơ sở, bác sĩ và những người tham gia hỗ trợ phá thai.
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn một số bang tại Mỹ vẫn đang cân nhắc áp dụng luật cấm hoặc giới hạn phá thai trong thời gian sắp tới. Quyết định cấm hay không cấm cũng phụ thuộc nhiều vào nhiệm kỳ sắp tới của các bang nằm trong tay đảng Cộng hòa hay Dân chủ.
Tới hiện tại vẫn còn 16 tiểu bang cho phép phá thai theo luật của mình như: phá thai trong giới hạn của thai kỳ hoặc bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Đây được cho là “những thiên đường an toàn" cho phụ nữ muốn được tiếp cận phương pháp chăm sóc sức khỏe trước và sau phá thai.
3. Hệ quả của quyết định này sẽ là gì?
Di chuyển xa để phá thai
Báo New York Times vừa qua đã có bài viết tính toán khoảng cách phụ nữ ở những bang cấm phá thai phải di chuyển nếu cần phải phá thai. Bài viết cho thấy một phần bốn sản phụ Mỹ sẽ phải di chuyển tới hơn 300km chỉ để tiếp cận cơ sở phá thai gần mình nhất. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới nhóm phụ nữ yếu thế và không có đủ điều kiện tài chính.
Trước sự thay đổi này, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng để bảo vệ quyền lợi cho nhân viên. Nhiều công ty quyết định chi trả cho chi phí di chuyển đến bang cho phép phá thai nếu nhân viên cần. Google cũng vừa viết tâm thư cho phép nhân viên chuyển công tác tới bang cho phép phá thai.
Sức khỏe và cuộc sống của sản phụ
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, có thể tỷ lệ phá thai sẽ không thực sự giảm mà thay vào đó nhiều người sẽ tìm cách phá luật và chọn những biện pháp không an toàn.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, rất nhiều phụ nữ vì không thể phá thai đã phải sống trong nghèo khó vì không có khả năng nuôi con. Một trong số đó thậm chí phải gửi con đi cho người khác nhận nuôi, hay thậm chí đánh đổi mạng sống vì thai nhi. Lúc này, sức khỏe và quyền tự do cá nhân của sản phụ đã bị xếp sau sự quan trọng của một bào thai chưa được ra đời.
Ngành công nghiệp thụ tinh nhân tạo
Bên cạnh đó, ở những bang có luật cấm phá thai khả năng cao cũng sẽ ảnh hưởng tới việc thụ tinh trong ống thí nghiệm (IVF). Bởi một số bang định nghĩa bào thai đã là một con người. Vậy nên, theo The Washington Post, tính pháp lý của quá trình IVF trở nên không chắc chắn khi trong quá trình này bao gồm việc tạo, lưu trữ và phá hủy phôi thai.
4. Công nghệ đóng vai trò gì trong giai đoạn này?
Ngay từ những ngày đầu tiên xuất hiện dự thảo mới, nhiều phụ nữ bắt đầu lo ngại khi sử dụng các ứng dụng theo dõi kinh nguyệt. Những thông tin từ các ứng dụng này khả năng cao sẽ biến thành bằng chứng chống lại những người phụ nữ đã hoặc có ý định phá thai ở những bang không cho phép.
Trong quá khứ, ứng dụng theo dõi kinh nguyệt phổ biến Flo cũng từng bị phát hiện là bán dữ liệu 43 triệu người dùng cho công ty quảng cáo. Trước đó năm 2019, sở y tế bang Missouri cũng thừa nhận đã lưu giữ thông tin người dùng ứng dụng Planned Parenthood để có thông tin các ca phá thai.
Đa phần các ứng dụng sức khỏe nắm giữ rất nhiều thông tin nhạy cảm của người dùng nhưng lại thiếu mức độ bảo mật như ở các cơ sở khám chữa bệnh.
Những thay đổi trong luật pháp Mỹ đã khiến nhiều công ty phát triển ứng dụng theo dõi sức khỏe thay đổi cách lưu trữ dữ liệu. Qua đó họ sẽ tìm cách khiến người dùng trở nên ẩn danh để ngay cả người điều hành ứng dụng cũng không thể biết được thông tin người dùng.
5. Người Việt Nam cần lưu ý những gì về thay đổi pháp quyền ở Mỹ?
Quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ khả năng cao sẽ gây ra những hậu quả trên toàn cầu. Một trong số đó là gây ảnh hưởng tới nỗ lực đấu tranh và mở rộng quyền liên quan tới sức khỏe sinh sản và tình dục trên thế giới. Các định kiến như “tội phạm hóa" phụ nữ phá thai cũng sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Pháp luật Việt Nam cho phép phá thai theo nguyện vọng của người phụ nữ. Các trường hợp không được đồng ý phá thai bao gồm lý do lựa chọn giới tính hoặc qua tuần tuổi quy định (22 tuần tuổi).
Cho tới hiện tại, Việt Nam vẫn nằm trong top 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, rơi vào độ tuổi 15 tới 19 - độ tuổi cần được tiếp cận giáo dục giới tính. Số liệu của WHO cũng chỉ ra rằng tỷ lệ học sinh quan hệ tình dục trước 14 tuổi tại Việt Nam đã tăng lên trong vòng 6 năm qua.
Nhiều chuyên gia nhận định đã có lỗ hổng trong việc giáo dục giới tính và phá thai là một trong những hệ quả của vấn đề này. Tại Mỹ, các chuyên gia giáo dục và sức khỏe cũng tin rằng giáo dục giới tính sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn ở thời điểm hiện tại. Và đây nên trở thành một chiến lược dài hạn để phòng tránh việc có thai ngoài ý muốn, thay vì sử dụng luật pháp để giới hạn quyền cơ bản của con người.