Powerful dressing – Quyền lực hay bất lực? 

Xây dựng hình ảnh quyền lực từ trang phục được nhiều người thực hiện. Tuy nhiên, một bộ trang phục theo “powerful dressing” có  thể khiến chúng ta gặp vài rắc rối. 
Minh Trang
"Powerful dressing" giúp gì cho chúng ta? | Nguồn: Crash Landing On You

"Powerful dressing" giúp gì cho chúng ta? | Nguồn: Crash Landing On You

Powerful dressing, tạm dịch: “ăn mặc quyền lực”, ám chỉ phong cách thời trang giúp người mặc tỏa ra một cảm giác tự tin và đầy kiêu hãnh. Bạn sẽ chọn lựa những bộ trang phục giúp bạn cảm thấy tốt hơn về bản thân, cải thiện tâm trạng, và truyền tải một hình ảnh tích cực đến những người xung quanh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những gì bạn mặc có thể ảnh hưởng đến hành vi và thái độ của bạn, vậy nên những bộ cánh “thần thái” cùng các cử chỉ tự tin có thể tác động lớn đến sự thành công của chính bạn.

Lịch sử của “trang phục” & “quyền lực”

Việc gắn liền trang phục với quyền lực đã xuất hiện từ thời cổ đại, khi nhìn vào quần áo có thể giúp con người phân biệt các tầng lớp xã hội khác nhau. Ở thời Ai Cập cổ đại, những bộ trang phục của các vị vua pharaoh và quan chức cấp cao trông rất lộng lẫy với những chất liệu quý giá, biểu trưng cho sự thịnh vượng và quyền lực. Tương tự, ở thời Rome cổ đại, những vị hoàng đế sẽ khoác lên mình những chiếc áo choàng togas làm từ những chất liệu vải đắt đỏ để khẳng định địa vị và quyền lực của mình.

Xuyên suốt thời kỳ Trung Cổ, quần áo vẫn tiếp tục trở thành một biểu tượng của sự quyền uy. Giới hoàng gia và quý tộc chọn lựa những bộ quần áo cầu kì được trang trí bằng đá quý và các loại vải thượng hạng. Còn các hiệp sĩ và chiến binh mặc áo giáp và các loại quần áo bảo hộ giúp họ thể hiện sức mạnh và sự dũng cảm.

Đến thời kỳ Phục Hưng, hơn cả một biểu tượng về quyền lực và địa vị, trang phục đóng một vai trò quan trọng hơn khi các tầng lớp cận thần bắt đầu xuất hiện, và con người xem thời trang như một cách để thể hiện bản thân. Quần áo lúc này như một công cụ để truyền tải các giá trị nghệ thuật và văn hoá.

Tiếp đến, sự trỗi dậy của thời trang hiện đại trong thế kỷ 20 đã giúp quần áo trở thành phương tiện thể hiện tính cá nhân và quyền lực mạnh mẽ hơn. Từ đó, thời trang có những bước chuyển biến, tiến tới các phong cách đa dạng hơn. Vào những năm 1980, phong cách "powerful dressing" được ra đời, nhấn mạnh vào những bộ vest được thiết kế riêng, cùng các chi tiết thể hiện uy quyền và sự tự tin tại môi trường làm việc.

Ngày nay, "powerful dressing" tiếp tục trở thành một phần không thể thiếu của thời trang và phong cách cá nhân. Nhiều người chọn khoác lên các bộ cánh giúp họ thể hiện bản sắc cá nhân cũng như nâng cao sự tự tin. Từ các sàn diễn ở Paris đến đường phố ở New York, quần áo vẫn luôn là một biểu tượng quan trọng của sức mạnh, uy quyền và là phương tiện để con người thể hiện bản thân.

Hiểu đúng về “thời trang quyền lực” trong bối cảnh hiện tại

Trước hết, chúng ta cần đánh giá lại mức độ quan trọng của việc xây dựng hình ảnh cá nhân theo hướng “quyền lực”. Việc ăn mặc chỉn chu sẽ tạo một cảm giác đáng tin khi bạn đi làm công sở, phỏng vấn xin việc hoặc tham gia các cuộc họp quan trọng. Thế nhưng, “work-from-home” đã khiến việc lựa chọn trang phục tự do hơn. Quỳnh Như (30t, làm việc tại Singapore) cho biết cô không còn áp lực chuyện “tỏ ra quyền lực” với trang phục nữa vì chuyển sang làm online. Tuy nhiên cô cho biết khi họp Zoom vẫn chọn trang phục phù hợp, dù không quá “nghiêm túc” nhưng vẫn cần cho thấy sự chuyên nghiệp.

Bối cảnh sử dụng "powerful dressing" cũng ít nhiều thay đổi. Ngày nay, khi nội dung hướng nghiệp được ưa chuộng trên mạng, nhiều người mở hẳn “sự nghiệp” chỉ với chiếc camera, đèn LED. Trên mạng, họ khoác lên mình những bộ quần áo mang đến cảm giác như một “sếp tổng”. Với vẻ ngoài uy tín, việc bán các khóa học sẽ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, "powerful dressing" khiến nhiều người bị lóa mắt và mua phải những khóa học, sản phẩm kém chất lượng. Quả thật, ta rất khó kiểm chứng tác phong, thần thái của một người có thật sự tốt hay không nếu họ đã cất công chọn một vẻ ngoài quyền lực, đáng tin.

Một quan niệm khác cần được thay đổi chính là để trở nên quyền lực hơn đồng nghĩa với việc ăn mặc cứng nhắc, mạnh mẽ hay quá nam tính. Trong một cuộc khảo sát ngắn do người viết thực hiện, có đến ⅘ người bạn nữ cho rằng để quyền lực hơn họ cần diện vest, quần áo tối màu, cột tóc cao…

Còn nam giới thì đã luôn “mặc định” là họ sẽ trông quyền lực hơn khi diện suit. Nhưng thực tế, xét riêng thời trang nữ vẫn có những dáng quần áo gọn gàng, nữ tính và tạo nên phong thái chuyên nghiệp. Đơn cử như các loại Skirt suit (trang phục gồm áo vest kết hợp với chân váy bút chì), jacket, đầm dệt kim, hoặc dùng phụ kiện, đồng hồ…

Quyền lực hay bất lực?

Không thể phủ nhận những lợi ích của việc ăn mặc theo phong cách quyền lực, khi chúng giúp bạn cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn. Nhưng cũng có những “red flag” tiềm ẩn mà bạn cũng cần xem xét.

Đầu tiên, một mặt trái của “trông lúc nào cũng quyền lực” chính là… áp lực phải duy trì một hình ảnh nhất định. Một số ngành đòi hỏi hình ảnh chuyên nghiệp như bảo hiểm, tài chính vẫn chưa thể trút bỏ được áp lực xây dựng hình ảnh.

Dù thực tế chính những vẻ ngoài lung linh đã gây ra không ít tai tiếng cho ngành (vì nhân viên tư vấn chỉ có hình ảnh đẹp mà thiếu chuyên môn). Ngoài ra, tự gắn nhãn “quyền lực”, bạn có nguy cơ trở nên tự ti nếu chẳng may có lúc không thể đáp ứng các tiêu chuẩn này.

Kế đến, "powerful dressing" vẫn là một tiêu chuẩn và kỳ vọng của xã hội về quần áo và ngoại hình. Từ đó, nó có thể trở thành những định kiến và là nguồn cơn của phân biệt đối xử. Áp lực tuân theo các tiêu chuẩn về sắc đẹp và quy tắc ăn mặc nhất định có thể khiến những cá nhân không phù hợp với các chuẩn mực đó bị đào thải.

Bên cạnh đó, khi nhắc đến “trang phục quyền lực”, yếu tố về giới tính vẫn còn nhiều tranh cãi. Hãy xem xét trường hợp thú vị tại chính trường Anh. Đó là năm 2022, khi Liz Truss trở thành thủ tướng Anh. Trong nhiệm kỳ chỉ 44 ngày, bà liên tục bị soi về trang phục, kiểu dáng, màu sắc. Trong khi đó, thủ tướng Anh trước đây là Boris Johnson luôn xuất hiện với quả đầu rối bời, quần áo xộc xệch thì dường như chẳng ai bàn cãi. Nhưng thử nghĩ nếu nữ thủ tướng xuất hiện với sự xộc xệch này thì sao? Quả thật, tiêu chuẩn kép là thứ vẫn đè nặng lên phụ nữ khi nói về thời trang và những thông điệp từ nó.

Trả lời trên Vogue, cựu thủ tướng Anh Theresa May đã chia sẻ về những lựa chọn thời trang đã thu hút sự chú ý của công chúng, từ quần da đến giày họa tiết da báo của bà: “Hãy nhìn xem, trong suốt sự nghiệp chính trị của tôi, mọi người đã bình luận về những gì tôi mặc. Nhưng điều đó không ngăn tôi ra ngoài và tận hưởng thời trang. Và tôi cũng nghĩ điều quan trọng là có thể chứng minh rằng một người phụ nữ có thể làm một công việc như thế này (thủ tướng) mà vẫn quan tâm đến quần áo”.

Thoải mái là “quyền lực” mới

Trang phục quyền lực đến cuối cùng vẫn phải tạo ra cảm giác thoải mái. Bạn có thể chọn thể hiện quyền lực theo cách “truyền thống” là menswear, sơ mi, vest… Nhưng sẽ chẳng có thần thái hay tâm thế tự tin nào xuất hiện nên bạn mặc và cảm thấy gò bó, gồng gánh. Nếu có thể, hãy tìm kiếm sự thoải mái cho trang phục trước khi bắt chúng mang nhiều “thông điệp” khác.

Và bạn cũng có thể "powerful dressing" theo những cách hoàn toàn mới. Theo Helen Lambert, Giám đốc điều hành của The Style Pulse, “quyền lực” nay thể hiện qua quần áo giúp người mặc di chuyển tự do và có chất liệu độ bền cao hơn. Những chiếc váy cài khuy sau thoải mái sẽ thay thế cho những bộ quần áo kiểu dáng trang nghiêm với những cà vạt và áo khoác vest. Quần jean ống rộng, áo len và quần thể thao sẽ bắt đầu chiếm ưu thế.

Tóm lại, quần áo cũng chỉ là một phương tiện giúp bạn thể hiện bản thân. Bạn không cần phải đóng đinh mình vào bất kỳ hình ảnh nào, hay cố gượng ép bản thân trở nên “quyền lực”. Miễn là chúng ta biết “mặc” lên mình một phong thái tự tin, quần jeans áo thun cũng có thể trở thành "powerful dressing".


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục