1. Double standard là gì?
Double standard (tiêu chuẩn kép) là những luật lệ hoặc tiêu chuẩn mà nhóm người này phải tuân theo, trong khi nhóm người khác thì không. Double standard cũng chỉ việc áp dụng góc nhìn khác nhau cho cùng một sự vật, sự việc.
Ví dụ một người đàn ông có nhiều bạn tình thì được coi là “đào hoa”, trong khi phụ nữ bị gọi là “lẳng lơ”.
2. Nguồn gốc của double standard?
Thuật ngữ double standard đã được sử dụng từ thế kỷ 18 để chỉ sự bất bình đẳng trong việc đối xử với phụ nữ.
Vào năm 1775, triết gia và nhà hoạt động xã hội Thomas Paine đã từng viết về tiêu chuẩn kép trên tập san Pennsylvania như sau: “Phụ nữ không có quyền định đoạt đối với tài sản của chính họ, bị pháp luật tước đoạt tự do ý chí và trở thành nạn nhân của một hệ thống tiêu chuẩn kép tàn ác.”
3. Vì sao double standard lại trở nên phổ biến?
Vào những năm 1930 ở Mỹ, cụm từ tiêu chuẩn kép trở nên phổ biến hơn khi nó được dùng để phản ánh sự phân biệt đối với nam nữ khi đứng trước cùng một vấn đề. Cụ thể, một người đàn ông có nhiều bạn tình thì được tán dương nhưng phụ nữ lại phải chịu sự gièm pha.
Ở Việt Nam, gần đây lại xôn xao câu chuyện một nữ TikToker phản đối việc “các dì lớn tuổi trong gia đình bảo bạn phải nấu cơm rửa bát, trong khi đàn ông trong nhà ngồi chơi uống rượu”. Không bàn về những tranh cãi xung quanh đoạn clip, chỉ riêng mô típ “nhà có cỗ, phụ nữ rửa bát nấu cơm, đàn ông ngồi chơi xơi nước” thì chúng ta cũng thấy tiêu chuẩn kép quen thuộc như thế nào.
Hoặc trước đó là câu chuyện mặc áo dài đi học, nếu ở nữ sinh điều này có phần “hiển nhiên” thì câu chuyện khuyến khích nam sinh mặc áo dài lại là vấn đề gây tranh cãi.
Tuy nhiên, nữ giới không phải là nạn nhân duy nhất của tiêu chuẩn kép. Trong một video thực nghiệm xã hội (social experiment) về bạo hành trong mối quan hệ, người đi đường lập tức can ngăn khi thấy người bạn trai đánh bạn gái mình, trong khi đó lại có thái độ tản lờ hoặc thậm chí cười cợt khi sự việc diễn ra ở chiều ngược lại.
Hoặc ở những vụ xâm hại tình dục, nhiều phụ huynh còn coi nhẹ mức độ ảnh hưởng của nó lên các bé trai nên đã lựa chọn bỏ qua việc kiện tụng.
Tiêu chuẩn kép được coi là vi phạm nguyên tắc về sự công bằng khi những người khác nhau lại có mức độ trách nhiệm khác nhau cho cùng một sự việc.
Ngoài ra, tiêu chuẩn kép cũng khác với biện chứng đa chiều. Nếu biện chứng đa chiều là dùng logic, triết học và khoa học để phân tích các mặt đối lập, thì tiêu chuẩn kép chỉ đưa ra hai góc nhìn và bỏ qua tính logic.
Ví dụ đơn giản, nam và nữ không thi đấu cạnh tranh trong thể thao do sự khác biệt về mặt sinh học (cân nặng, chiều cao, thể lực,...). Tuy nhiên, nếu dùng lý do “con trai thường có những hoạt động năng động hơn con gái, mặc áo dài sẽ gây vướng víu khó chịu” để lý giải cho việc nam sinh không nên mặc áo dài thì lại là tiêu chuẩn kép vì nữ sinh cũng thấy vướng víu khó chịu.
Ngoài giới tính, tiêu chuẩn kép cũng thường hiện diện trong pháp luật, chính trị, nơi công sở, giữa các vùng miền hoặc chủng tộc, giữa người giàu và người nghèo - khi một nhóm người chiếm ưu thế hơn nhóm còn lại.
4. Cách sử dụng double standard?
Tiếng Anh
A: I saw a girl hit her boyfriend on the street yesterday. Nobody stops her.
B: It would be different if the one who got hit was the girl. That’s quite a double standard.
Tiếng Việt
A: Hôm qua tao mới thấy một bạn nữ đánh bạn trai mình trên đường mà không thấy ai can hết trơn.
B: Nếu mà người bị đánh là bạn nữ là đã khác rồi. Tiêu chuẩn kép ghê!