Road to Oscar 2023: 10 Bộ phim hay nhất năm 2022 (Phần 1)

Dù phòng vé toàn cầu gặp khủng hoảng sau đại dịch, điện ảnh thế giới vẫn cống hiến cho khán giả nhiều bộ phim vượt trội. Nhân mùa Oscar sắp đến, Vietcetera lựa chọn 10 bộ phim xuất sắc nhất của năm.
Lâm Lê
Nguồn: IMDb

Nguồn: IMDb

10. Triangle of Sadness (Thụy Điển)

Tác phẩm đậm chất trào phúng và châm biếm xã hội của đạo diễn người Thụy Điển Ruben Ostlund đã mang về cho anh giải Cành cọ vàng danh giá thứ hai chỉ sau 5 năm. Dù không tạo được hiệu ứng mạnh mẽ như Force Majeure (2014) hay The Square (2017), Triangle of Sadness vẫn đậm chất hài đen (black comedy) đầy thách thức, tấn công trực diện vào bản chất của con người thời hiện đại.

Triangle of Sadness có cấu trúc gồm 3 phần độc lập nhưng kết nối với nhau qua hai nhân vật chính là một cặp đôi người mẫu và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Họ được mời tham gia một chuyến trải nghiệm trên chiếc du thuyền của giới siêu giàu để rồi tất cả bọn họ phải trải qua những tình huống bất ngờ.

Ở mỗi phần, đạo diễn xử lý một chủ đề khác nhau, từ vai trò giới tính hay mối quan hệ hiện đại lệch lạc trong phần 1 đến sự phân cấp xã hội, những đặc quyền của giới siêu giàu trong phần 2 và cuối cùng là một cuộc “đổi ngôi” ngoạn mục khi những kẻ sống sót trên chiếc du thuyền phải sống giữa hoang đảo như thời nguyên thủy.

Với cách tiếp cận và xử lý chủ đề vừa trực diện vừa phi lý, hài hước một cách táo tợn, Triangle of Sadness một lần nữa cho thấy thứ điện ảnh dị biệt và có phần kỳ quặc đến từ Bắc Âu nói chung và từ đạo diễn Ruben Ostlund nói riêng.

9. RRR (Ấn Độ)

RRR (Rise Roar Revolt) của đạo diễn Ấn Độ S. S. Rajamouli là một chú ngựa ô bất ngờ tại mùa giải điện ảnh năm nay. Sau khi vượt qua cả Lady Gaga, Taylor Swift và Rihanna để chiến thắng Ca khúc nhạc phim hay nhất (Naatu Naatu) tại giải Quả cầu vàng, RRR tiếp tục thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài và Ca khúc tại giải thưởng của Critics Choice Awards mới đây.

Tại giải Oscar sắp tới, cho dù không được Ấn Độ lựa chọn để tranh giải Phim quốc tế hay nhất, nhưng RRR có thể tranh giải ở các hạng mục chính khác, thậm chí là giải Phim hay nhất. Sự thành công vang dội của RRR tại Oscar năm nay có thể so sánh với Parasite của Hàn Quốc năm 2019 hay Drive My Car của Nhật Bản năm ngoái.

Dưới sự dàn dựng của đạo diễn Rajamouli - người được ví như James Cameron của điện ảnh ấn, RRR có mọi chất liệu đặc trưng trong phim Ấn Độ. Nó có những màn ca vũ cuồng nhiệt, những màn slow-motion xuất hiện xuyên suốt bộ phim, và một kịch bản đậm chất sử thi hào hùng kết hợp với những cảnh melodrama mùi mẫn. Bộ phim kích thích lòng tự hào dân tộc của người Ấn theo một kiểu... phô trương nhưng lại rất hấp dẫn về thị giác.

8. All quiet on the Western front (Đức)

Dù đã có vài bản chuyển thể điện ảnh, trong đó phiên bản đầu tiên vào năm 1931 từng thắng giải Oscar cho Phim hay nhất, bản chuyển thể mới nhất của đạo diễn người Đức Edward Berger từ cuốn tiểu thuyết All Quiet on the Western Front (1929) gây một ấn tượng sâu đậm, thậm chí ám ảnh về sự khốc liệt và tàn bạo của Thế chiến I qua những cảnh phim tả thực rúng động. Tác phẩm xứng đáng được xếp vào list những bộ phim hay nhất về chiến tranh.

Giống như trong tiểu thuyết gốc của tác giả Remarque, bản chuyển thể mới nhất là góc nhìn của chàng tân binh Paul Bäumer (qua diễn xuất đầy ám ảnh của Felix Kammerer) khi trải qua một cuộc chiến tranh tàn bạo, một cỗ máy xay người nghiền nát tuổi trẻ của anh ta cùng những người bạn ngây thơ của mình và để lại một dư chấn kéo dài đến suốt cuộc đời.

All Quiet on the Western Front là một tác phẩm quan trọng nói về hiểm họa của chủ nghĩa dân tộc, sự cuồng tín và vô nghĩa đến tận cùng của chiến tranh. Những dòng thông tin ở cuối phim cho biết cuộc chiến ở mặt trận phía Tây của nước Đức kéo dài trong suốt 4 năm, “nướng” hàng vạn binh lính trong bom đạn, bùn lầy, đói khát cùng cực để rồi chỉ chiếm được vài trăm mét đất của nước Pháp.

Ra đời sau gần một thế kỷ sau, All Quiet on the Western Front vẫn là một bộ phim vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện tại khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những cái chết vô nghĩa, những nỗi thống khổ và tuyệt vọng của những kẻ sống sót sau khi trải qua cuộc chiến cứ lặp đi lặp lại ở nơi này hoặc nơi khác, cho thấy loài người vẫn không học được bao nhiêu từ những bi thương của lịch

7. Argentina, 1985 (Argentina)

Nếu bạn là fan của dòng phim “courtroom drama” (phim chính kịch về xử án) với những bộ phim kinh điển như 12 Angry Men, To Kill a Mockingbird, hay The Trial of the Chicago 7… thì đây là một tác phẩm mới nhất và hấp dẫn nhất thuộc dòng phim này dành cho bạn.

Argentina, 1985 lấy cảm hứng từ các sự kiện có thật xoay quanh phiên tòa xét xử Juntas năm 1985 nhằm truy tố những kẻ cầm đầu chế độ độc tài dân sự - quân sự cuối cùng của đất nước này. Đây được coi là chế độ độc tài đẫm máu nhất trong lịch sử Argentina vì đã bắt cóc, tra tấn và giết chết hàng chục ngàn người, trong đó có những phụ nữ đang mang thai và thậm chí là trẻ sơ sinh.

Bộ phim tập trung vào hành trình công lý của vị công tố viên Julio César Strassera và luật sư trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm Luis Moreno Ocampo. Họ quyết tâm đưa những kẻ quyền lực ra vành móng ngựa dù phải chịu nhiều sự đe dọa đến tính mạng và gia đình mình.

Nói như viên luật sư trẻ tuổi khi trả lời phỏng vấn: “Tôi là một luật sư, luật là nỗi ám ảnh của tôi. Tôi không cho phép kẻ phạm luật thoát tội. Thứ mà chúng tôi muốn, ngoài công lý cho các nạn nhân, là chấm dứt việc dùng cái chết làm công cụ chính trị”.

Bộ phim được dàn dựng hấp dẫn và cực kỳ lôi cuốn, đặc biệt là những cảnh tập trung vào phiên tòa ở cuối phim. Argentina, 1985 của đạo diễn Santiago Mitre và diễn viên ngôi sao Ricardo Darín đang trở thành ứng cử viên quan trọng của giải Phim quốc tế xuất sắc nhất của Oscar 2023 sau khi đã thắng giải này tại Quả cầu vàng mới đây.

6. Aftersun (Anh)

Nếu không đủ kiên nhẫn để vượt qua sự nhàm chán ban đầu, bạn sẽ lỡ một bộ phim nhỏ nhưng được ví như một viên ngọc của điện ảnh năm qua vì ngôn ngữ điện ảnh tinh tế cũng như câu chuyện về tình cha con, về ký ức lay động cảm xúc..

Aftersun là bộ phim đậm màu sắc riêng tư, kể về hồi ức tuổi thơ của cô trong chuyến đi nghỉ dưỡng cuối cùng với bố mình ở một resort rẻ tiền tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến đi đó đã kết nối tình cha con đồng thời khám phá những nỗi đau của người cha được che giấu bên dưới một gương mặt bình thản.

Hình ảnh người cha trong phim (qua diễn xuất của ngôi sao đang lên Paul Mescal) đặt ra một câu hỏi quan trọng cho nhiều người đàn ông khác: điều gì sẽ xảy ra nếu bạn trở thành cha khi chưa thực sự sẵn sàng hay ở trong một mối quan hệ đổ vỡ với người mẹ của con mình?

Được kể lại dưới lăng kính hồi ức, Aftersun hiện lên với những khung hình của hoài niệm, của những khoảnh khắc riêng tư và gần gũi, của những cuộc trò chuyện tưởng vô thưởng vô phạt nhưng tiết lộ những góc khuất của người cha. Những phân cảnh đó làm nên một bộ phim nhỏ nhưng tinh tế, giản dị, mà càng về cuối càng bóp chặt cảm xúc của ta và để lại một cái kết mãnh liệt.

Tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Charlotte Wells nhận những lời khen ngợi nồng nhiệt của giới phê bình, giành được nhiều đề cử tại giải thưởng điện ảnh độc lập của Anh và thậm chí còn được tờ tạp chí điện ảnh Sight & Sound xếp hạng 1 trong top 50 bộ phim hay nhất năm 2022.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục