Sex/Life có gì mà top 1 Netflix?

Sex/Life có gì hấp dẫn mà dù bị chê về nội dung, bộ phim vẫn lọt top 1 Netflix?
Mai Nguyễn (Hoài)
Nguồn: Sex/Life

Nguồn: Sex/Life

1. Sex/Life nói về điều gì?

Ra mắt vào ngày 25 tháng 6 vừa qua, Sex/Life (tạm dịch: Tình Dục/Cuộc Sống) đã nhanh chóng trở thành top 1 phim được xem nhiều nhất tại Netflix Việt Nam. Bộ phim là một series dán nhãn R với 8 tập, mỗi tập dài khoảng 50 phút.

Vì chuyện chăn gối với chồng không viên mãn, Billie (nhân vật chính) thường nhớ lại đời sống tình dục phong phú thời trẻ cùng bạn trai cũ Brad sau một lần tình cờ gặp lại anh. Cả hai chàng trai đều rất yêu thương Billie và tìm nhiều cách để chứng minh cho cô thấy điều đó qua tình dục (màu chủ đạo của Sex/Life).

2. Ai đứng sau Sex/Life?

Sex/Life được lấy cảm hứng từ cuốn sách 44 Chapters About 4 Men - một tự truyện nằm trong top 100 sách bán chạy của Amazon.

Bộ phim được thay phiên đạo diễn mỗi hai tập bởi Patricia Rozema (từng đạo diễn một tập phim “Anne”) và Sheree Folkson (đạo diễn series nổi bật của Netflix cuối năm 2020 - Bridgerton).

3. Mọi người nói thế nào về Sex/Life?

Trên Rotten Tomatoes, Sex/Life được chấm 31%, một mức điểm cực thấp. Trang Time thậm chí còn đăng một review với cái tít “Sex/Life tệ đến mức nó làm ta buồn cười”.

Việc có quá nhiều cảnh xôi thịt của Billie với hai người đàn ông của đời mình khiến khán giả cảm thấy bội thực. Nhiều người nhận xét nội dung phim không có chiều sâu, tính cách nhân vật chính cũng không nhất quán. Cái kết để gợi mở phần hai không làm khán giả hứng thú, mà chỉ bực mình trước quyết định của Billie.

Đặt trong thời điểm những bộ phim với nữ chính kiên cường, biết mình muốn gì như trong Enola Holmes hay Mine, hình ảnh Billie luôn loay hoay "đứng núi này trông núi nọ" không tạo thiện cảm trong mắt khán giả.

4. Vì sao phim không hấp dẫn nhưng vẫn top 1 trending?

Chủ đề thú vị

Tại Việt Nam, tình dục là chủ đề thôi thúc lượng lớn người nhấn vào và theo dõi. Cách đây vài năm, lượng tìm kiếm từ “sex” tại Việt Nam luôn nằm trong top đầu thế giới. Năm 2016, khảo sát 1000 người trẻ ở TP.HCM và Hà Nội cho biết cứ 10 người nam được khảo sát thì có đến 9 người duy trì việc xem phim người lớn. Còn ở nữ, tỉ lệ đó là 6/10.

Phim ảnh về đề tài hôn nhân vốn cũng nhận được lượng quan tâm lớn tại Việt Nam. Các bộ phim "Sống Chung Với Mẹ Chồng" hay "Cả Một Đời Ân Oán" đều từng gây bùng nổ mạng xã hội. Thế nhưng, vấn đề tình dục trong hôn nhân lại là chủ đề phim Việt tránh nhắc đến. Có lẽ vì vậy mà đề tài Sex/Life đưa ra dễ thu hút người xem Netflix ở Việt Nam đến vậy.

Trào lưu react "phút thứ 19:50"

Trào lưu react “phút thứ 19:50 của tập 3” trên Twitter và Tiktok đã quảng bá bộ phim đến nhiều người hơn. Cụ thể, đây là phân cảnh nhân vật Brad “lộ hàng” trước mặt nhân vật Cooper trong phòng tắm ở nơi tập gym.

Khởi nguồn của trào lưu này là từ một tweet về Sex/Life vào ngày 30/06 trên trang chủ của Netflix, với ghi chú “Trạng thái nào trong tấm hình này thể hiện cảm xúc của bạn khi xem đến cảnh ẤY trong tập 3?”. Câu hỏi này đã tạo sự chú ý, thu hút người sử dụng Twitter và Tiktok đăng các clip/meme reaction, bộc lộ cảm xúc của mình khi xem phân đoạn thú vị này.

5. Vì sao khán giả chán cảnh nóng trong Sex/Life?

Không phải "nhiều cảnh nóng" là thứ khiến Sex/Life bị đánh giá thấp. Bộ phim không khiến khán giả hài lòng vì các phân cảnh quan hệ tình dục lặp đi lặp lại không phục vụ cho mục đích phát triển của phim.

Trong bộ phim History Of Violence, sự khác biệt giữa hai cảnh sex ở đầu phim và giữa phim đã cho thấy thái độ của hai nhân vật thay đổi thế nào trong hôn nhân, mà họ không cần phải nói ra thành lời.

Phân cảnh tình dục lúc này thể hiện tốt chức năng của nó: không chỉ là bản năng hay ham muốn, mà còn là nơi con người thể hiện những cảm xúc của mình một cách chân thật nhất.

So sánh với Sex/Life, lượng cảnh nóng dày đặc cũng chỉ phục vụ cho một thông điệp: nhân vật chính mong nhớ bạn trai cũ. Đó là lý do khán giả bội thực.

6. Netflix đang làm gì với các bộ phim có yếu tố tình dục?

Nhiều người nhận xét, xem phim có yếu tố tình dục khiến họ cảm thấy "thật" hơn, từ đó dễ thấy hứng thú mà không bị "ngán" như phim khiêu dâm thông thường. (Nguồn: quora.com)

Bridgerton dù là một bộ phim về giới quý tộc thời xưa, nhưng cũng có khá nhiều cảnh quan hệ tình dục. Trước Sex/Life, bộ phim 365 Days với nhiều cảnh nóng cũng bị nhận xét tiêu cực, nhưng vẫn từng đứng top trending trên Netflix.

Với một trang web xem phim trực tuyến, nội dung nào càng có nhiều người xem, càng cần được đầu tư. The Naked Director đã ra mắt phần 2 và Sex Education rục rịch công chiếu sắp tới thể hiện rõ việc Netflix đang mở rộng trải nghiệm người xem với các nội dung về tình dục cho nhiều lứa tuổi.

Cùng với việc Netflix liên tục cải thiện các nội dung của mình để thu hút thêm nhiều người theo dõi, bạn có thể đón chờ thêm nhiều tác phẩm thú vị với đề tài sex trên nền tảng này!

7. Nếu thích đề tài sex, bạn nên xem phim gì?

Nếu thấy chán khi xem Sex/Life thì Netflix vẫn còn rất nhiều bộ phim lấy đề tài tình dục hoặc có yếu tố tình dục với nội dung lôi cuốn, cách tiếp cận mới lạ để bạn khám phá:

  • The Naked Director: Bộ phim kể lại hành trình trở thành ông hoàng trong ngành công nghiệp video khiêu dâm Nhật Bản của đạo diễn Toru Muranishi.
  • Sex Education: Nội dung giáo dục giới tính nhẹ nhàng, dễ thương về hành trình tư vấn cũng như khám phá về tình dục của cậu bé Otis.
  • Bonding: Nhân vật chính sáng là sinh viên, tối là “cô chủ” (dominatrix) trong giới BDSM. Phim đi sâu vào thế giới BDSM, với nhiều kiến thức mới lạ.
  • Sextify: Một nhóm bạn khởi nghiệp bằng cách tạo một ứng dụng để khám phá về xu hướng tính dục và điểm kích thích tình dục ở phụ nữ.
  • Sex Explained: Giải thích tất-tần-tật những kiến thức về tình dục.

Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục