STD không phải Chí Phèo

Nên nó sẽ không "trừ bạn ra".
Hồ Minh Đức
Ảnh: Very Well Health

Ảnh: Very Well Health

Một trong những truyện ngắn thú vị nhất thời học phổ thông là Chí Phèo. Nam Cao mở đầu truyện bằng chi tiết Chí uống rượu, chân vẫn bước mà mồm luôn miệng chửi. Chửi trời, chửi đời, rồi chửi cả làng Vũ Đại, nhưng ai cũng nghĩ “chắc nó trừ mình ra”.

Thú vị là kiểu suy nghĩ đánh giá cao khả năng xảy ra của các kết quả có lợi, đánh giá thấp khả năng xảy ra của các kết quả bất lợi không chỉ có ở dân làng Vũ Đại. Nó nằm sẵn trong chúng ta, nhất là khi đối mặt với những chủ đề thiếu thông tin và dễ gây xấu hổ, như các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs).

“Chắc nó trừ mình ra”

Optimism bias (tạm dịch: Thiên kiến lạc quan) là thái độ lạc quan khi kết quả hình dung vượt thực tế, nếu không đạt được như thực tế thì được coi là bi quan.

Có nghiên cứu khoa học về mối quan hệ giữa thiên kiến lạc quan và cách con người phản ứng trước các mối đe dọa về sức khỏe. Kết quả cho thấy con người hay đánh giá thấp khả năng mình bị nhiễm các bệnh và tin rằng các vấn đề sức khỏe sẽ không xảy ra với họ (1). Điều này có thể áp dụng cho các bệnh nói chung vầ các STDs nói riêng.

Sự thật là STDs không phân biệt người tốt hay người xấu. STDs cũng không phải hình phạt cho một hành vi lăng nhăng, STDs gần hơn bạn nghĩ rất nhiều. Theo ước tính của WHO, trên thế giới có hơn 1 triệu ca mắc các bệnh tình dục mỗi ngày (2).

Đừng coi STD là Chí Phèo!

Để không rơi vào những tình huống “bị bệnh oan”, bạn sẽ cần chuẩn bị nhiều kiến thức về những căn bệnh STD phổ biến nhất. Chúng là gì và chúng đến từ đâu?

Sùi mào gà

Sùi mào gà là tình trạng xuất hiện những mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Nguyên nhân bệnh đến từ nhiễm HPV, chủ yếu là các chủng nguy cơ thấp như 6 hay 11.

Nam giới trưởng thành có xác suất 91% nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời, còn với nữ giới là 85% khi có ít nhất một bạn tình (3). HPV thường lây qua quan hệ tình dục, quan hệ tình dục qua đường hậu môn, hoặc quan hệ tình dục bằng miệng. Ngoài ra, việc dùng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm HPV cũng có thể là nguyên nhân của việc nhiễm HPV.

Chlamydia

Chlamydia là một bệnh phổ biến khác lây truyền qua đường tình dục. Tác nhân gây bệnh này là vi khuẩn Chlamydia trachomatis.

Trong năm 2020, thống kê cho thấy có 128,5 triệu ca mắc chlamydia ở người lớn (tuổi 15-49) trên toàn cầu (3). Điều nguy hiểm là chlamydia có thể gây bệnh ở cả nam và nữ, hầu hết các ca mắc không có hoặc ít triệu chứng điển hình.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau buốt khi đi tiểu hoặc tiết dịch bất thường ở bộ phận sinh dục. Nếu không được chữa trị kịp thời, chlamydia còn có thể gây vô sinh. Tuy rằng người nhiễm chlamydia thường không có biểu hiện đáng kể, nhưng chúng ta nên thăm khám khi thấy các dấu hiệu bất thường như đi tiểu có cảm giác đau, hay bộ phận sinh dục tiết dịch bất thường.

Bệnh lậu

Giống như nhiều STDs, bệnh lậu cũng sẽ khiến người nhiễm cảm thấy đau buốt khi đi tiểu hay bộ phận sinh dục tiết dịch bất thường. Tuy nhiên, tác nhân gây bệnh lậu là vi khuẩn lậu cầu - Neisseria gonorrhoeae.

Trên thế giới, ước tính mỗi năm có 82 triệu ca mắc bệnh lậu (2). Trong trường hợp xấu nhất, nhiễm khuẩn lậu cầu có thể gây ra hiếm muộn hoặc vô sinh.

Bao cao su là phương thức bảo vệ hàng đầu khi người ta nghĩ tới các STDs, nhưng đó không phải tất cả. Mỗi người cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, quan hệ tình dục lành mạnh, tránh dùng chung đồ cá nhân.

Mỗi người trưởng thành có xác suất nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời, với tỉ lệ nam giới là 91% và nữ giới là 85% khi có ít nhất một bạn tình.

HPV là vi rút gây ung thư nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể được phòng ngừa sớm nhờ các biện pháp dự phòng, đảm bảo an toàn cho bản thân và người thân.

Dự phòng HPV sớm với 2 bước:
- Tham khảo thông tin chi tiết tại .
- Đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn.

(Nội dung này do Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục). VN-GSL-00534 21122025.


Tài liệu tham khảo:

(1) Murray A. L. (2011). Editorial: The implications of the optimistic bias for nursing and health. Journal of clinical nursing, 20(17-18), 2588–2590. https://doi.org/10.1111/j.1365-2702.2010.03340.x

(2) WHO (2023) “Sexually transmitted infections (STIs)”. Available at: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/sexually-transmitted-infections-(stis)

(3) Chesson, H. W., Dunne, E. F., Hariri, S., & Markowitz, L. E. (2014). The estimated lifetime probability of acquiring human papillomavirus in the United States. Sexually transmitted diseases, 41(11), 660–664. https://doi.org/10.1097/OLQ.0000000000000193

(4) WHO (2023) “Chlamydia”. Available at: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/chlamydia


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục