Tại sao chiến dịch Free Britney trở lại?

Cái giá của sự nổi tiếng có đi kèm với việc “bị xâm hại quyền riêng tư”? Những phong trào như Free Britney đã cho ta thấy rõ hệ lụy của vấn đề này.
Minh Anh
Bức ảnh hậu trường của ca khúc "Lucky" được chụp năm 2000 bởi Felicia Culotta - bạn và trợ lý của Britney Spears.

Bức ảnh hậu trường của ca khúc "Lucky" được chụp năm 2000 bởi Felicia Culotta - bạn và trợ lý của Britney Spears.

1. Điều gì đem phong trào Free Britney trở lại?

Chỉ vừa mới ra mắt vào đầu tháng 2, bộ phim “Framing Britney Spears” nhanh chóng làm phong trào Free Britney (Trả tự do cho Britney) dậy sóng trở lại. Sức lan tỏa của bộ phim khiến nhiều ngôi sao phải lên tiếng, trong đó có Justin Timberlake - bạn trai cũ của Britney - đã đứng ra xin lỗi sau 15 năm im lặng (Theo bbc.com).

2. Free Britney là gì?

Bắt đầu từ năm 2009, Free Britney ra đời khi mà người hâm mộ của cô tin rằng Britney đang bị “giam lỏng" bởi bố của mình. Toàn bộ phong trào này xoay quanh việc đòi lại những quyền cơ bản cho Britney, thứ bị ràng buộc bởi hợp đồng giám hộ của cha cô.

Tuy từng nhận nhiều chỉ trích, bộ phim tài liệu đã khẳng định sự nghi ngờ của fan về sự “giám sát" của cha Britney lên cô. Luật sư của Britney cũng đã lên tiếng và nói rằng các phiên tòa trong tương lai về quyền giám hộ của cô sẽ được công khai thay vì giữ bí mật như trước giờ cha cô muốn.

3. Framing Britney nói về vấn đề gì?

Được sản xuất bởi NY Times, Framing Britney Spears đi sâu vào câu chuyện đời tư và sự nghiệp của Britney. Bộ phim đưa ra góc nhìn toàn cảnh về việc Britney bị truyền thông xuyên tạc với ngôn ngữ phân biệt giới tính và vật hóa. Bên cạnh đó cũng nhắc tới cách mà cô bị “quản lý" đời sống riêng tư.

Câu chuyện kể về cách mà truyền thông phá hủy cuộc sống của Britney bằng cách vẽ lên hình ảnh cô ca sĩ nổi loạn, người mẹ vô trách nhiệm, được khắc họa rõ ràng tới đau lòng.

4. Văn hóa “lá cải" (tabloid culture) là gì?

Tabloid dùng để chỉ những tờ báo khổ nhỏ, tuy nhiên khi về Việt Nam từ này được dịch thành “lá cải". Ra đời trong bối cảnh thị trường tin tức ngày càng cạnh tranh, báo ‘lá cải' chọn đưa tin những sự kiện mang tính ‘giật gân', giải trí hoặc đào sâu về người nổi tiếng thay vì các nội dung chính thống (chính trị, dân sự,..).

Loại báo này nhận được nhiều chỉ trích khi làm tin tức trở nên xuống cấp và làm giảm giá trị của báo chí. Tuy nhiên dù nói gì thì nói thì các tờ báo này vẫn ăn nên làm ra khi gãi trúng sự tò mò của đám đông (Theo thanhnien.vn).

5. Ngôn ngữ thù ghét phụ nữ của truyền thông?

Tại Anh, kiểu báo chí “lá cải" thường sử dụng ngôn ngữ thù ghét phụ nữ (misogyny) và sự phân biệt giới tính để thu hút chú ý. Sự “giật tít" này xuất hiện thường xuyên đến nỗi đôi khi ta không nhận ra việc cơ thể phụ nữ đang bị vật hóa. (Theo The Guardian)

Các bài báo này thường cố tình sử dụng những từ ngữ như “hớ hênh", “hở bạo", “khoe vòng x", “con giáp 13”,... để hướng tới một đối tượng cụ thể thường là phụ nữ. Sự kiện gần đây nhất chính là câu chuyện dán nhãn “trà xanh".

6. Tiêu chuẩn kép của báo đài?

Nếu Britney Spears là một người đàn ông thì những gì báo “lá cải” luôn chỉ trích cô sẽ như thế nào? Trong câu chuyện ngày trước khi chia tay với Justin Timberlake, trong khi báo đài “tung hô" Justin vì được “ngủ" với Britney thì cô bị phê phán vì “làm mất trinh tiết”.

Tiêu chuẩn kép này còn xuất hiện ở các sự cố lộ ảnh nhạy cảm. Điều rõ ràng là sao nữ luôn nhận được nhiều phản hồi tiêu cực và khiếm nhã hơn so với nam. Đơn giản cũng chỉ bởi vì cái gì mang tính “dâm dục" cũng bán tốt.

7. Người nổi tiếng mà chịu thôi?

Người ta vẫn luôn mặc định rằng cái giá của sự nổi tiếng đi kèm với việc “bị xâm hại quyền riêng tư”. Khi chọn làm người của công chúng, bạn đã tự tay ký vào bản hợp đồng phơi bày cuộc sống riêng cho cộng đồng.

Báo chí hiểu rõ điều đó, người đọc thì không kìm nén được sự hiếu kỳ. Kết quả chúng ta có những câu chuyện như Britney, sự tồn tại của cô hiện lên qua những bài báo đầy sự soi mói, xuyên tạc và nặng tính chỉ trích.

Thái độ chọn tin mà đọc của chúng ta có khả năng ảnh hưởng tới những định kiến này. Nếu không thể thay đổi được những vấn đề quá phức tạp và đã bám rễ lâu bền, ta vẫn có thể chọn #Khôngquantâm tới tin “lá cải”, để không một ai phải tồn tại như một miếng mồi siêu lợi nhuận của truyền thông.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục