Tại sao nữ giới thường là mục tiêu quấy rối trên mạng?

“Nhìn trẻ như vậy mà đã có bằng Tiến sĩ rồi thì chắc chỉ có “mây mưa” với thầy.”

Chi Nguyễn (The Present Writer)
Tại sao nữ giới thường là mục tiêu quấy rối trên mạng?

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera.

Tôi nhận được câu bình luận ở trên (đã được chỉnh sửa) dưới một video chỉ quay màn hình, bàn tay và khuôn mặt để hướng dẫn các bạn sinh viên cách ghi chép trên giảng đường. Một video thuần tuý học thuật, không hở hang, không có yếu tố nhạy cảm. Nhưng rất tiếc, đó không phải là bình luận khiếm nhã duy nhất.

Tôi là một người phụ nữ đã ngoài 30 tuổi, tốt nghiệp Tiến sĩ tại Mỹ và có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, thuyết trình trước đám đông. Vì vậy, mặc dù những bình luận như trên khiến tôi không khỏi sốc và ghê tởm, chúng không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ tâm lý của tôi như khi còn trẻ nữa.

Nhưng tôi tự hỏi: Nếu một cô gái tuổi vị thành niên hay mới ngoài 20 tuổi nhận được những bình luận kiểu như thế này, cô gái ấy sẽ cảm thấy như thế nào? Cô ấy có dũng cảm tiếp tục theo đuổi đam mê của mình không, hay đóng sập lại máy tính, suy nghĩ tiêu cực về con người và từ đó không bao giờ tự tin chia sẻ bản thân nữa?

Bạn cũng có thể phản biện rằng: Đã đưa bản thân mình lên mạng xã hội rồi thì phải chấp nhận những bình luận trái chiều, thị phi…

Điều này có phần đúng, nhưng nó không thể phủ nhận được sự xấu xa, tiêu cực của một bộ phận những người thường xuyên chầu chực trên mạng để nhắn tin, bình luận quấy rối người khác, đặc biệt là nữ giới. Kể cả những bạn nữ đã để tài khoản riêng tư, hạn chế chia sẻ cũng không tránh khỏi hoàn toàn sự quấy rối.

Tại sao phụ nữ và trẻ em gái lại chịu nhiều sự làm phiền, quấy rối và bắt nạt nhiều trên mạng đến như vậy, đặc biệt ở Việt Nam và các quốc gia Châu Á?

Nữ giới là mục tiêu dễ dàng (easy target)

Dù ở bất kỳ xã hội nào, phụ nữ và trẻ em gái vẫn được xem là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, dễ bị tổn thương và dễ bị lạm dụng. 

Phụ nữ là đối tượng thường bị quấy rối theo hướng tình dục nhiều hơn nam giới và chịu tổn thương nhiều hơn. 

Những kẻ có dụng tâm xấu, đặc biệt khi được tiếp tay bởi mạng xã hội với những tính năng ẩn danh-giấu mặt, thường xuyên nhắm vào đối tượng nữ giới để quấy rối. Vì họ cho rằng các cô gái thường yếu đuối, ít phản kháng, hoặc thường chọn im lặng thay vì đối đầu, tìm ra chân tướng kẻ quấy rối mình. 

Những kẻ biến thái, thường xuyên gửi những hình ảnh tục tĩu qua tin nhắn, email rồi hèn hạ giấu mặt sau tấm màn hình, khoái trá khi nghĩ đến hình ảnh các cô gái tình cờ mở ra, hốt hoảng, rùng mình sợ hãi. Không ít chị em gặp phải tình trạng này nhưng không mấy ai có đủ dũng khí để công khai những kẻ quấy rối bệnh hoạn trên mạng đó.

Trong 4 năm đầu xây dựng blog The Present Writer, tất cả tài khoản trên mạng xã hội của tôi đều là chiếc logo đen trắng — một chiếc logo “phi giới tính”. Nhưng từ năm thứ 5, tôi quyết định thay đổi hình đại diện là hình ảnh gương mặt mình để tạo sự gần gũi hơn với bạn đọc. 

Ngay lập tức sau khi hình đại diện mới được đăng lên, gần như chỉ qua một đêm, tôi nhận được không biết bao nhiêu tin nhắn làm phiền trên mạng.

Hầu hết bắt đầu bằng: “Hi em”, “Hello beautiful”… thậm chí “Muốn XXX không?” “Em trông ngon thế”… kéo dài gần như hàng ngày, thậm chí hàng chục tin nhắn mỗi ngày cho tới khi block hẳn những tài khoản khiếm nhã đó.

Có thể với một số người đàn ông, những tin nhắn kiểu như thế này chỉ là đùa vui, “thả thính” chòng ghẹo chị em một chút — hay như một người từng “bao biện” với tôi bằng câu: “Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”. 

Nhưng bản thân tôi chưa bao giờ thấy một người phụ nữ nào cảm thấy "vui" khi nhận được những tin nhắn trêu đùa như vậy; thay vào đó, hầu như ai cũng cảm thấy rằng đây là hành động quấy rối ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần cần phải lên án.

Tính đố kỵ và gia trưởng

Xã hội Châu Á vẫn còn nhiều tư tưởng trọng nam khinh nữ và áp đặt nhiều tiêu chuẩn khắt khe lên nữ giới. Một mặt, nhiều người khăng khăng rằng đàn ông phải giỏi hơn phụ nữ, mặt khác họ thường xuyên so sánh nữ giới với nhau xem ai giỏi hơn ai, ai sống đúng với “chuẩn mực” xã hội hơn. 

Bởi vậy, quấy rối trên mạng dành cho nữ giới đến từ cả hai giới và từ nhiều góc độ khác nhau.

Rất khó để một người phụ nữ, đặc biệt ở tuổi trẻ, làm được những việc mà trước nay được cho là của cánh đàn ông (như độc lập tài chính, làm chủ gia đình, lãnh đạo doanh nghiệp, có bằng cấp cao…) mà không nhận được ít nhiều sự nghi hoặc, đố kỵ, thậm chí dè bỉu trên mạng.

Lại càng khó hơn cho những người phụ nữ có cá tính mạnh, tư duy độc lập chia sẻ những suy nghĩ của mình mà không vấp phải những chỉ trích từ cả hai giới, theo kiểu: "con gái con lứa gì mà..." 

Khi tôi mới bắt đầu viết blog và chia sẻ hành trình học Tiến sĩ của mình, tôi từng nhận được rất nhiều bình luận quy chụp về bằng cấp như: “Tiến sĩ giả”, “mua bằng”, “nhà giàu mới được đi học”… 

Sau đó khi nhận ra tôi tốt nghiệp ở một trường có tiếng tại Mỹ và đi học với học bổng, một loạt bình luận lại tấn công về mặt cá nhân: “chắc sẽ ế chồng thôi”, “chẳng thằng nào dám lấy…” 

Sau đó nhận ra tôi đã kết hôn và thậm chí có con nhỏ trong quá trình học, các bình luận lại chĩa hướng theo khía cạnh phụ nữ gia đình: “chắc không quan tâm gì đến chồng con”, “không có thời gian làm việc nhà”…

Tôi thực sự cảm thấy bất công, không chỉ cho mình mà cho cả các chị em phụ nữ khác, khi mọi thành công trong sự nghiệp đều bị đưa ra dò xét, nghi hoặc và đặt vào thế đối chọi với gia đình.

Sự đổ lỗi cho nạn nhân

Một yếu tố nữa khiến cho nữ giới thành đối tượng bị quấy rối nhiều trên mạng là tư duy đổ lỗi cho nạn nhân — cho rằng phụ nữ “phải như thế nào đó” thì mới bị quấy rối như vậy. Ví dụ, “ai bảo chụp hình hở hang để gây sự chú ý”, “ai bảo đăng hình xinh xắn làm gì”, “ai bảo viết về đề tài nhạy cảm”…

Đồng ý rằng, nữ giới cũng cần tự bảo vệ mình trước nguy cơ quấy rối trên mạng. Nhưng luôn phải hạn chế bản thân và dè chừng khi thể hiện mình trước công chúng như vậy liệu có công bằng cho nữ giới?

Đó là chưa kể ngay với những nội dung không hề nhạy cảm, hở hang một cách có chủ ý, cũng bị quy chụp, suy diễn ra để làm phiền, quấy rối.

Chính tư duy đổ lỗi cho nạn nhân, thay vì lên án kẻ quấy rối này đã tiếp tay cho những kẻ giấu mặt trên mạng cảm thấy họ có thể làm bất kỳ điều gì vì xem đó "không phải là lỗi của mình".

Kết 

Nếu thực sự muốn ngưng nạn quấy rối, cộng đồng mạng cần nhìn nhận đúng vào bản chất sự việc để lên án những người đáng bị lên án và bảo vệ nạn nhân. 

Trên không gian mạng, cá nhân nào cũng đều xứng đáng được bảo vệ các quyền cơ bản và được tham gia vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống. 

Rất khó để làm trong sạch mạng xã hội và thay đổi tư duy của con người trong ngày một ngày hai. Nhưng nhận thức các điều cơ bản như trên, bạn sẽ trang bị cho bản thân tâm lý vững vàng, kiến thức để tự bảo vệ. Và đó là nền tảng để mọi người có thể chung tay giúp không gian mạng trở nên văn minh hơn.

Plan International là tổ chức nhân đạo phát triển về quyền trẻ em và bình đẳng giới với hơn 80 năm kinh nghiệm và hiện đang hoạt động tại 75 quốc gia trên toàn thế giới. Chiến dịch Girls Get Equal (Em gái Bình đẳng) do Plan và thanh thiếu niên khởi xướng nhằm hỗ trợ các em gái tự tin học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển cuộc sống và tương lai của chính mình.

An toàn trên mạng cho trẻ em gái là mục tiêu năm 2021 của chiến dịch Girls Get Equal. Năm 2020, Plan International lắng nghe chia sẻ từ 26,000 em gái trên toàn thế giới về tác động của tin giả, tin sai lệch - 9 trên 10 em cảm thấy vấn đề này ảnh hưởng tới cuộc sống của mình. Tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái cần kỹ năng và kiến thức để bảo vệ bản thân trước thông tin sai lệch trên không gian số. Chiến dịch #AnToànTrênMạng kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao giáo dục kỹ thuật số cho trẻ em, góp phần xây dựng một môi trường an toàn để trẻ em được kết nối, học tập và chia sẻ. Cùng ký vào thư ngỏ đồng hành cùng Plan trong chiến dịch này tại đây.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục