Tại sao phải mang một "bộ mặt thứ hai" khi đi làm?

Cách thể hiện bản thân nhiều hơn nơi công sở để thăng tiến dễ dàng hơn.
Hang Nguyen
Nguồn: Pexels

Nguồn: Pexels

Theo báo cáo của Truity năm 2019, tính cách bạn thể hiện ra ngoài có thể quyết định mức thu nhập.

Ví dụ người hướng ngoại có thể kiếm trung bình 50,034 $/năm. Trong khi người hướng nội kiếm thấp hơn gần 10,000 $/năm.

Theo Truity, những tính cách liên quan đến hướng ngoại thường giúp người sở hữu nó có thu nhập cao hơn các tính cách hướng nội.

Có nhiều lý do khiến việc người ngoài đánh giá bạn thế nào lại ảnh hưởng lớn đến cơ hội nghề nghiệp. Và có lẽ đã đến lúc bạn nên cân nhắc việc thể hiện bản thân nhiều hơn nếu muốn thành công hơn.

Mọi người chỉ tin vào những gì họ thấy

Khi làm việc cùng nhau, lãnh đạo và đồng nghiệp chỉ có thể nhìn những gì bạn thể hiện để đánh giá.

Cụ thể, báo cáo của Truity chỉ ra những biểu hiện thường gắn liền với tính cách hướng ngoại như: Năng nổ phát biểu, mạnh dạn bộc lộ cá tính và thoải mái trong đám đông.

Ngoài ra báo cáo cũng cho biết những người có thu nhập cao thường không trốn tránh mâu thuẫn, thích tranh luận, đưa ra quyết định dựa vào dữ liệu và có tham vọng hay mục tiêu rõ ràng.

Vì thế khá dễ hiểu là họ thường được trao các vị trí có nhiều trọng trách hơn, đồng nghĩa lương cao hơn.

3 Cá tính tham vọng, ham thử thách và mạnh dạn bộc lộ càng mạnh thì thu nhập của bạn sẽ càng cao.

Ngày nay, với việc các kết nối trên không gian mạng có sức ảnh hưởng tương đương, thậm chí lớn hơn ngoài đời, thì hình ảnh bạn thể hiện trên online cũng được đưa vào đánh giá.

Theo khảo sát của CareerBuilder năm 2018, 70% nhà tuyển dụng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để sàng lọc ứng viên và 43% quản lý sử dụng để kiểm tra nhân viên hiện tại.

Gần 50% số nhà tuyển dụng tham gia khảo sát nói rằng họ sẽ gần như không gọi ứng viên đến phỏng vấn, nếu không tìm thấy trang mạng xã hội của họ.

Đi sâu vào việc những cách thể hiện online nào sẽ ghi điểm với nhà tuyển dụng, các kết quả cho ra như sau:

  • 30 – 37% cho rằng đó là nội dung chuyên nghiệp, phù hợp với công ty và có liên quan đến lĩnh vực ứng tuyển.
  • 18 – 28% cho rằng đó là số lượng tương tác, bạn bè và người theo dõi.

Đồng thời, khi bắt gặp các hình ảnh, video, nội dung thông tin không phù hợp, 40% nhà tuyển dụng trả lời sẽ đánh trượt ứng viên hoặc khi nhận thấy khả năng giao tiếp nghèo nàn của ứng viên trên mạng xã hội, 27% sẽ đánh trượt người đó.

Mọi người không có khả năng đọc tâm trí của bạn

Theo Harvard Business Review, nhân viên thường than phiền: “Tôi không biết sếp muốn báo cáo được hoàn thành thế nào vì ông ấy chưa bao giờ nói”, “Tôi không thể giúp gì đồng nghiệp nếu họ không nói ra điều đó",...

Mong muốn đẩy nhanh tiến độ bằng cách mặc định người khác ngầm hiểu ý mình không phải lối tắt an toàn và thường dẫn đến những hậu quả tai hại trong công việc.

Anna Ranieri, Huấn luyện viên Điều hành và Cố vấn nghề nghiệp chỉ ra: "Không những bạn không đọc được tâm trí của đồng nghiệp, mà cả họ cũng vậy."

Việc không thể hiện rõ ràng suy nghĩ của nhau có thể gây những hậu quả nghiêm trọng như cả nhóm phải làm lại công việc do hiểu sai ý, hoặc gây rạn nứt quan hệ đồng nghiệp.

Ví dụ nếu bạn chỉ nói “Hãy làm cho tôi báo cáo này“ hoặc “Chúng ta phải cố gắng hơn“, thì liệu đồng nghiệp có hiểu được bạn có yêu cầu cụ thể gì cho báo cáo hay phần nào cần cải thiện không?

Cách thể hiện bản thân trong môi trường công việc

Vì môi trường làm việc và đời sống cá nhân đôi khi quá khác nhau, nên theo nhà tâm lý học Andrea Liner việc có những cá tính phù hợp cho mỗi nơi là điều rất tự nhiên.

Bạn có thể tạo hai cá tính. Một là con người thật bạn thể hiện ra ngoài mà không sợ bất cứ hậu quả gì. Cá tính còn lại là để đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp của môi trường văn phòng.

Nhưng hãy chú ý là môi trường làm việc đó không nên xung khắc với giá trị sống của bạn. Nếu có thì bạn nên cân nhắc tìm kiếm công việc mới.

Dưới đây là một số cách để con người văn phòng của bạn được thể hiện tốt hơn.

Truyền đạt ý tưởng

Như đã nhắc ở trên, nhóm của bạn không có khả năng đọc tâm trí nhau, vì vậy cách truyền đạt ý tưởng đến người khác rất quan trọng.

Để tránh gây ảnh hưởng tới quan hệ đồng nghiệp, và việc cả nhóm phải làm lại công việc vì hiểu sai ý, khi giao tiếp, hãy cho người kia biết được bức tranh tổng thể.

Việc luyện tập trả lời 5 câu hỏi W (Who - ai, What - cái gì, When - khi nào, Why - tại sao, How - như thế nào) về một vấn đề là hướng nên cân nhắc.

Hãy đảm bảo tất cả những người liên quan cùng được biết và hiểu vấn đề như nhau. Bạn có thể gửi email cho cả nhóm hay tạo group thảo luận online để tất cả có thể tra cứu lại hay trao đổi thêm nếu có thắc mắc.

Đón nhận ý tưởng

Hãy thực sự lắng nghe đối phương và sau đó diễn đạt lại theo ý của mình.

Để làm được điều này thì bạn hãy chú tâm vào những gì họ nói. Đừng mãi suy nghĩ về cách phản hồi lại và cũng đừng xen ngang khi họ chưa dứt ý.

Hãy chọn khoảng nghỉ phù hợp và kiểm tra xem cả hai đã hiểu ý nhau chưa bằng cách hỏi họ các câu liên quan.

Đây là cách để bạn thể hiện rằng mình coi trọng ý tưởng này và cũng là cơ hội để hai bên thực sự nhìn mọi thứ theo cùng một hướng.

Các câu hỏi tránh mang tính hung hăng như “Ý đó là gì cơ?”, mà thay vào đó bạn có thể hỏi với tinh thần khích lệ “Hãy giải thích giúp tôi ý của bạn”.

Thể hiện cảm xúc

Trong môi trường làm việc, bạn không nhất thiết phải kìm nén mọi cảm xúc, nhưng hãy chú ý đến cách thể hiện. Hãy thành thật nhưng vẫn giữ thái độ tôn trọng và luôn ghi nhớ: không đả kích cá nhân.

Ví dụ khi tức giận vì một lỗi sai của đồng nghiệp, thay vì gào thét và lăng mạ đối phương, hãy bình tĩnh, suy nghĩ kỹ vấn đề và nói: “Ôi, chị tưởng em đã hiểu phải làm thế nào”, hoặc “Thực ra thì em có thể làm thế này nhé”.

Ngoài ra, đừng miễn cưỡng nhận lời một đề nghị khi bạn không muốn. Điều đó không chỉ khiến bạn khó chịu, mà đôi khi còn ảnh hưởng hiệu suất công việc. Hãy thành thật nói ra hoàn cảnh của mình.

Đừng ngại thể hiện điểm yếu

Trong cuốn The Advantage, tác giả Patrick Lencioni cho rằng: một nhà lãnh đạo tốt là người có thể chia sẻ những điểm yếu của mình và có thể nói “Tôi cần giúp đỡ”.

Nhiều người lo lắng nếu thể hiện ra điểm yếu, đồng nghiệp sẽ mất đi sự kỳ vọng và không còn đánh giá cao họ. Nhưng theo Patrick Lencioni, việc chia sẻ điểm yếu sẽ tăng tính cảm thông và chân thành trong quan hệ của bạn với đồng nghiệp.

Nếu cần giúp đỡ, hãy tạo ra những câu đề nghị với nội dung rõ ràng, súc tích, không lúng túng.

Điều quan trọng là bạn cần chủ động nêu cụ thể điểm nào mình cần giúp đỡ và tư vấn, chứ không chỉ than vãn rằng mình không làm được việc này hay việc kia. Việc này sẽ giúp bạn tránh bị đánh giá là thụ động hay viện cớ.

Tốt nhất hãy tìm kiếm 1 - 2 người sẵn sàng hỗ trợ bạn. Bạn không những sẽ nhận được lời khuyên bổ ích mà còn tạo thêm nhiều đồng nghiệp tốt từ đó.

Ngoài ra hãy chủ động giúp đỡ mọi người. Đó là chìa khóa của thành công, đồng thời cũng tạo nên danh tiếng về năng lực của bạn.

Theo James Clift, Giám đốc điều hành của VisualCV: “Danh tiếng đó sẽ giúp người khác nhận thức rằng nếu bạn đang đặt câu hỏi, đó là vì bạn muốn thực hiện công việc của mình đúng cách chứ không phải vì bạn không đủ năng lực."

Skip Weisman, một chuyên gia về lãnh đạo và giao tiếp cũng cho rằng: "Nếu bạn giúp đỡ người khác trước, họ sẽ tự động cảm thấy có nghĩa vụ phải trả lại sự hỗ trợ đó".

Hãy hoàn thành xuất sắc việc được giao

Chỉ hoàn thành công việc không thể giúp bạn ấn tượng trong mắt đồng nghiệp và sếp. Thay vào đó, hãy hoàn thành chúng xuất sắc.

Hãy duy trì chất lượng công việc qua từng ngày, với cả những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại. Hãy chứng minh bạn là tài sản không thể thay thế của công ty.

Bạn có thể vận dụng quy tắc Pareto 80/20 để sắp xếp công việc. Nghĩa là hãy tách danh sách đầu việc thành 20% công việc quan trọng, cần xử lý đầu tiên và 80% công việc ít quan trọng hơn. Từ đó, tối đa hóa thời gian và công sức để làm 20% công việc này.

Tập trung vào những lĩnh vực chuyên môn của mình để xử lý trước. Hãy xác định những trở ngại trong công việc và từng bước tháo gỡ chúng.

Thông thường có 80% trở ngại là nội tại và 20% là khách quan. Ngoài ra xác định các bước để hoàn thành đầu việc và hoàn thành từng bước một sẽ giúp bạn đi đến mục tiêu nhanh hơn và hoàn hảo hơn.

Kết luận

Môi trường công việc vốn dĩ rất khắc nghiệt và phức tạp. Dù là nhân viên mới hay lâu năm vẫn phải tìm cách xoay sở và cải thiện bản thân. Nhưng dù ở môi trường nào, việc hài hòa tính cách cá nhân để thích nghi với môi trường ấy cũng quan trọng và cần được chú ý.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục