Tâm lý hạ thấp người khác đến từ đâu?
Những hành vi hạ thấp, chỉ trích... với mục đích tổn hại người khác đến từ đâu? Cùng xem các học thuyết tâm lý đã giải thích thế nào cho vấn đề này.
Mong muốn được công nhận và thể hiện bản thân là nhu cầu tâm lý cơ bản của con người, nhưng đôi khi chúng ta lại chọn cách sai lầm là hạ thấp người khác để nâng cao hình ảnh của mình. Ai cũng biết rằng đó là hành vi cần tránh, nhưng không phải ai cũng nhận thức được nguyên nhân để ngăn chặn kịp thời.
Vậy đâu là động cơ đằng sau hành vi hạ thấp người khác? Các nhà nghiên cứu về học thuyết tâm lý xã hội đã ra 4 nguyên nhân chính sau.
1. Sự phân biệt tích cực
Thuyết bản sắc xã hội cho rằng chúng ta mong muốn phân biệt những điểm tích cực đến từ người khác. Điều này mở rộng sang những người ta cảm thấy có sự tương đồng.
Con người có xu hướng tạo thành từng nhóm nhỏ với người mà họ cho là có nhiều điểm chung (như văn hóa, công việc, quê quán, sở thích…), và có cái nhìn về nhóm của mình tích cực hơn so với những người khác biệt còn lại (ngoài nhóm).
Nhà tâm lý học Henri Tajfel cho rằng đó là sự phân biệt giữa “chúng tôi” và “họ”, hay sự phân chia giữa các nhóm khác nhau. Vì thế những người cùng một nhóm hòa đồng hơn bởi tính đồng dạng, và có xu hướng tìm những khía cạnh tiêu cực của nhóm khác để tăng hình ảnh của nhóm mình.
Học thuyết này giải thích cho các hành vi hạ thấp, cạnh tranh giữa các nhóm với nhau, hoặc giữa những cá nhân có nhiều điểm khác biệt. Sự phân biệt này cũng diễn ra trên phương diện lớn hơn như phân biệt chủng tộc.
2. So sánh với người khác
Nhà tâm lý học Leon Festinger đã phát triển thuyết So sánh xã hội (từ gốc: Social comparison theory) vào năm 1954. Ông cho rằng chúng ta đánh giá bản thân và người khác trong nhiều khía cạnh khác nhau như vẻ ngoài, trí thông minh, mức độ thành công,… theo hai xu hướng:
- So sánh lên: So sánh bản thân với những người mà ta nghĩ là tốt hơn, giúp tạo động lực để phát triển nhưng cũng khởi nguồn nỗi “ghen ăn tức ở”.
- So sánh xuống: Để khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn, ta có xu hướng so sánh với những người mà ta nghĩ là tệ hơn mình.
Dù nhìn lên hay nhìn xuống, nếu bạn bất cẩn trong việc kiểm soát thì có thể biến suy nghĩ này thành sự ghen tức, chỉ thỏa mãn cái tôi thay vì động lực để phát triển bản thân, hậu quả là thể hiện thái độ xem thường, hạ thấp người khác.
3. Lòng tự tôn bị đụng chạm
Lòng tự tôn (hay self-esteem) là giá trị của bản thân mà bạn tự đề ra và có thể ảnh hưởng khi so sánh mình với người khác. Các nhà tâm lý cho rằng lòng tự tôn thấp là nguồn gốc của các hành vi và thái độ công kích.
Một nghiên cứu cho thấy khi lòng tự tôn bị đe dọa, ta có xu hướng xem hành động của người khác chứa nhiều hiềm khích để tự bảo vệ chính mình.
Như khi bạn vô tình cắt ngang câu chuyện khi đang bàn luận công việc, người đang nói sẽ cảm thấy tự ái vì không được lắng nghe và tôn trọng, khiến họ cho rằng bạn đang cố ý đụng chạm họ. Lòng tự tôn bị đụng chạm châm ngòi cho sự tức giận.
Nỗi tức giận cũng là mối hiểm họa trong các hành vi hạ thấp hay tổn hại đối phương. Không thể bày tỏ cơn giận một cách hợp lý hoặc bị kìm nén quá lâu có thể gây ra các hành vi như tức giận vô cớ, hay chỉ trích và khó chấp nhận lỗi lầm của người khác.
4. Vị trí quyền lực
Sự khác biệt về vị trí quyền lực trong một bối cảnh xã hội có thể thay đổi hành vi của con người. Thậm chí, nó khiến một người tưởng chừng là bạn nhưng lại cư xử hoàn toàn khác được gia tăng quyền lực.
Nguyên do này được tìm ra trong thí nghiệm nhà tù Stanford của nhà tâm lý học Zimbardo. Ông cho một nhóm sinh viên tình nguyện sống trong một nhà tù mô phỏng ở tầng hầm Đại học Stanford. Những sinh viên này được phân chia thành hai vị trí khác nhau: tù nhân và người canh gác.
Thí nghiệm dự kiến kéo dài 14 ngày nhưng phải dừng lại ở ngày thứ 6 vì các sinh viên vai trò canh gác bắt đầu có những hành vi xâm phạm như lớn tiếng, sỉ nhục và đưa ra hình phạt thể chất đối với sinh viên vai trò tù nhân.
Zimbardo bị chỉ trích nặng nề về mặt đạo đức vì khiến những người tham gia gặp phải hậu sang chấn tâm lý. Tuy nhiên, nghiên cứu cho ta thấy quyền lực có thể chi phối hành vi con người theo hướng tiêu cực. Bởi khi ở một vị trí cao hơn, chúng ta có một đặc quyền riêng để chọn cách đối xử với người khác.
Kết
Chúng ta không nên thỏa hiệp với các hành vi có mục đích gây tổn hại, bất kể thể loại. Hiểu được nguyên nhân bắt nguồn giúp chúng ta biết được điều gì sẽ kích thích đến hành vi độc hại kể trên, dù vô tình hay cố ý, từ đó có sự chuẩn bị và can thiệp kịp thời.