11 Thg 08, 2021OnboardyThăng Tiến

Tập trung vào những thứ có thể kiểm soát được giữa biến động

Trước những quyết định quan trọng, chỉ có một số thứ bạn cần cân nhắc, và có thể kiểm soát được.

Hoàng Nguyễn
Tập trung vào những thứ có thể kiểm soát được giữa biến động

Nguồn: stories/freepik.

Mình nghĩ “Thành công là kết quả của chuỗi những sự lựa chọn đúng đắn.”

Nếu đọc qua câu nói này, chúng ta có thể nghĩ mọi thứ sẽ được định đoạt bởi kỹ năng phán đoán, đưa ra quyết định của mình.

Dừng lại một chút, bạn có thấy chữ “chuỗi” trong câu nói này chứ? Đoán thử ý nghĩa của nó là gì?

Nó nghĩa là nếu chỉ đưa ra một hoặc hai quyết định tốt thì cũng chưa chắc đạt được kết quả mong muốn, mà những quyết định tốt này cần phải ổn định và liên tiếp gần nhau.

Những gì đã diễn ra, nó đã diễn ra, đã trở thành một sự thật trong cuộc sống của ta (dù có là sự thật không như ta kỳ vọng). Ta cũng không có Đá thời gian của Dr. Strange để quay ngược về thời điểm lúc sự thật này chưa diễn ra.

Khi đang thực hiện mục tiêu, luôn có những điều ngoài kế hoạch xuất hiện, chúng gọi là “những thay đổi không mong đợi”. Và những thay đổi này sẽ khiến mọi việc trở nên không suôn sẻ, thậm chí còn trở nên thật tệ.

Làm thế nào để đối mặt với những thay đổi này?

Minh họa bởi: Timo Kuilder

Đây là cách ta nghĩ khi quyết định

Giờ hãy tưởng tượng, bạn đang đứng trước ngã rẽ quan trọng của cuộc đời, dù bạn chỉ có 1 mục tiêu, nhưng trớ trêu thay bạn lại có tới 2-3 sự lựa chọn.

Bạn sẽ đắn đo, suy nghĩ, tổng hợp nhiều thông tin để đưa ra quyết định:

  • Thông tin từ người nhiều kinh nghiệm hơn
  • Thông tin từ internet
  • Thông tin từ người thân
  • Thông tin từ vũ trụ, thần linh

Sau cùng, dựa trên những tính toán về thời gian, công sức và mức độ rủi ro, bạn đã đưa ra quyết định chọn lựa. Bạn sẽ đặt trọn niềm tin vào quyết định này, tự nhủ bản thân “Tôi sẽ kiên định với nó, tôi sẽ làm được, đây là quyết định tốt nhất rồi”.

Niềm tin đi kèm với kỳ vọng, kỳ vọng sẽ tạo ra thất vọng, bế tắc khi bạn nhận ra quyết định đó lại không tạo ra kết quả bạn mong đợi.

Bạn sẽ bắt đầu “giá như lúc đó chọn lại…”, “biết thế mình đã chọn…”

Nhưng bạn có biết:

“Sức mạnh của chúng ta không nằm ở những thứ đang tồn tại, mà là cách chúng ta phản ứng với những gì tồn tại.”

Sự thật sẽ luôn là sự thật

Có quá nhiều thứ ta không thể kiểm soát. 2 năm vừa rồi Covid là minh chứng rõ ràng cho ta thấy cuộc sống này luôn có cách khiến cho chúng ta bất ngờ. Trớ trêu thay đa phần những bất ngờ này thường sẽ làm ta khổ sở.

Sau khi ta chọn con đường sự nghiệp ta theo đuổi, công ty ta vào làm việc lại xuất hiện ông sếp tính tình quái gở, đồng nghiệp thì khó chịu, dự án nhàm chán, và không biết học thêm kiến thức từ ai. Ta chán nản nghĩ công việc này không phù hợp, mình nên chọn lại.

Sau khi ta chọn căn nhà mới để mua, hóa ra bà hàng xóm lại là người hay xoi mói, con đường gần đó thì quá ồn ào với tiếng karaoke, nội thất lại mau xuống cấp không như vẻ bề ngoài. Ta thất vọng tự trách móc vì sao không tìm hiểu kỹ hơn.

Sau khi ta quyết định lập nghiệp, mở một kinh doanh nhỏ thì Covid ập tới, nguồn hàng không có, chưa kịp tạo được kênh bán hàng online, mặt bằng vừa trang trí phải trả lại. Ta trách móc vì sao điều xui xẻo này lại xảy ra với mình.

Vũ trụ sẽ tiếp tục vận hành như vậy, nó không dừng lại chờ bạn vượt qua những cảm xúc tiêu cực đó. Thuật giả kim chỉ ra để thay đổi bản chất của một sự vật, cần thay đổi tính chất của nó từ bên trong. Bạn cũng vậy, đừng cố thay đổi những điều đã xảy ra, hay xem nó là chất xúc tác để bạn thay đổi cách phản ứng với hiện tại.

Để phản ứng phù hợp khi có “thay đổi”

Trước khi đưa ra quyết định:

Đây sẽ không phải là bài viết giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn, nhưng nếu đang phải cân nhắc những sự lựa chọn. Hãy thử chọn những nước đi có thể tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn nhất sau đó. Nó sẽ giúp bạn có thêm nhiều cách phản ứng hơn khi xảy ra sự thay đổi.

Khi thu thập thông tin, hãy tận dụng trí thông minh tập thể để có được danh sách càng nhiều rủi ro càng tốt. Nhờ đó bạn có thể chuẩn bị những phương án đối phó với chúng.

Khi “thay đổi” xảy ra:

Bạn có thể kỳ vọng, nhưng phải quản lý được những gì mình có. Biến kỳ vọng thành động lực, nhưng đừng để nó thành thứ axit độc hại bào mòn cảm xúc của bạn.

Mạnh mẽ là dám thừa nhận những cảm xúc tiêu cực của mình, trải nghiệm nó. Bạn có thể khóc, la lớn, tức giận, bộc lộ xảm xúc của mình để rồi hãy vượt qua nó. Đừng đứng yên tê liệt hay chờ “thời điểm thích hợp hơn”.

Làm gì có cái gọi là “đúng thời điểm”, chỉ có thời gian đang trôi đi, bạn có thể có thời gian mà bạn cần. Nhưng đừng lãng phí chỉ vì bạn đang chờ một cơ hội khác, một ông sếp khác, một dự án khác. Dành thời gian để thở, để hồi phục, để cảm xúc tiêu cực trôi qua và sốc tinh thần lên bước tiếp.

Hãy xem mọi thứ chỉ là thông tin

Tất cả những điều đã xảy ra, hãy xem nó là thông tin để bạn đưa ra cách phản ứng phù hợp với hiện tại.

  • Nếu ông sếp có tính cách quái gở, đó là thông tin để bạn cư xử phù hợp với tính cách đó.
  • Nếu đồng nghiệp nói xấu bạn với người khác, đó là thông tin để bạn quyết định có nên giải thích sự thật hay không.
  • Nếu đồ nội thất xuống cấp, đó là thông tin để bạn gọi thợ tới sửa chữa và chọn mua nhãn hiệu tốt hơn vào lần sau.

Bằng việc coi mọi thứ chỉ là thông tin, bạn sẽ tiếp nhận nó chủ quan hơn, tránh nhãn dán tích cực hay tiêu cực lên chúng.

  • Bạn sẽ không ghét ông sếp chỉ vì ông ấy quái gỡ (Vì sự thật là ông ấy vậy mà)
  • Bạn sẽ không giận đồng nghiệp chỉ vì bị họ nói xấu (Nếu họ nói đúng sự thật hoặc họ nói sai sự thật, và bạn quyết định không cần phải giải thích, thì sao phải ghét?)
  • Bạn sẽ không bực dọc khi đồ nội thất hư hỏng (Vì có bực nó cũng đã xuống cấp rồi)

Bằng việc xem những gì đã diễn ra là thông tin, ta có thể nhẹ nhõm hơn khi đối mặt với chúng

Những suy nghĩ cuối cùng

Đợt Work From Home dài vừa rồi, mình đã có cơ hội để review lại nửa đầu năm qua. Chỉ 6 tháng, nhưng đã có quá nhiều sự mất mát. Và hình như chúng đã hoàn toàn thay đổi mình theo hướng nào đó.

  • Có những mất mát mình đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đón nhận.
  • Có những mất mát tự mình đánh mất từ người khác.
  • Có những mất mát người khác đã đánh mất từ mình.

Mình tìm thấy một cách để mình vượt qua những thay đổi, mất mát này là:

“Thay vì cố gắng kiểm soát mọi thứ xung quanh, hãy cố gắng kiểm soát phản ứng của ta với chúng.”

Mình vẫn đang thực hành điều này, chưa rõ nó sẽ hiệu quả hay không nhưng biết đâu nó sẽ hữu ích cho các bạn.

Để đối diện với thế giới đầy bất trắc ngoài kia, chỉ cần nhớ điều sẽ tác động lớn tới cuộc sống của chúng ta chính là cách ta phản ứng lại thế giới.

Hình bìa bởi: stories.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục