Tháng Tự hào, cùng tìm hiểu về cờ LGBTQA+
Tháng 6 là tháng Tự hào (Pride month) của cộng đồng LGBTQA+ trên toàn thế giới. Cùng tìm hiểu về những lá cờ tự hào mà bạn có thể bắt gặp trong tháng này.
Cờ Cầu vồng, Rainbow Pride Flag, từ lâu đã trở thành biểu tượng của cộng đồng LGBTQA+ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đây không phải là lá cờ tự hào duy nhất. Mỗi cộng đồng, bản dạng giới và xu hướng tính dục đã có cho mình màu cờ riêng, nhằm nâng cao nhận thức và khẳng định niềm tự hào của mình.
Dưới đây là những lá cờ, có thể, bạn sẽ bắt gặp thường xuyên tại các sự kiện LGBTQA+ trong Tháng Tự hào.
Cờ Cầu vồng (Rainbow Pride Flag)
Đại diện cho:
Cộng đồng LGBTQA+ nói chung.
Lịch sử:
Cờ cầu vồng được thiết kế bởi Gilbert Baker, một nghệ sĩ và nhà hoạt động LGBT người Mỹ, và tung bay lần đầu tiên tại buổi diễu hành San Francisco Gay and Lesbian Freedom Day ngày 25/6/1978.
Lá cờ nguyên bản của Gilbert có 8 màu, gồm hồng, đỏ, cam, vàng, xanh lá, ngọc lam, chàm và tím. Sau này, để tiện cho việc sản xuất hàng loạt, ông quyết định loại bỏ màu hồng và màu ngọc lam. Cờ cầu vồng còn lại 6 màu và vẫn giữ thiết kế đó cho đến ngày nay.
Năm 2017, chính quyền thành phố Philadelphia (Mỹ) giới thiệu lá cờ “People Of Color Inclusive flag,” trong chiến dịch "More Color More Pride". Lá cờ có thêm 2 sọc đen và nâu, thể hiện cam kết của chính quyền thành phố trong việc giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc và liên tầng định kiến (intersectionality) mà người LGBT da màu đang gặp phải.
Năm 2018, Daniel Quasar thiết kế lá cờ “Progress”, nhằm tiếp nối lá cờ Cầu vồng Philadelphia. Anh sử dụng các màu sắc và sọc từ phiên bản cờ Philadelphia, cùng với màu cờ của người chuyển giới.
Ý nghĩa màu sắc:
- Màu hồng: tình dục
- Màu đỏ: sự sống
- Màu cam: sự chữa lành
- Màu vàng: ánh mặt trời
- Màu xanh lá: tự nhiên
- Màu ngọc lam: nghệ thuật
- Màu chàm: sự hoà thuận
- Màu tím: tâm hồn
- Màu đen và nâu: những người da màu trong cộng đồng LGBT.
Cờ Tự hào của Người Đồng tính nữ (Lesbian Pride Flag)
Đại diện cho:
Những người có bản dạng giới là nữ, bị hấp dẫn bởi những người có cùng bản dạng giới.
Lịch sử:
Lá cờ đồng tính nữ đầu tiên được thiết kế vào năm 1999 bởi nhà thiết kế đồ họa Sean Campbell. Lá cờ có hình ảnh của chiếc rìu 2 lưỡi (labrys) nên được gọi là Labrys Pride Flag. Tuy nhiên, cờ Labrys lại gặp phải nhiều phản đối, bởi biểu tượng tam giác ngược màu đen trên lá cờ giống biểu tượng Đức quốc xã sử dụng để xác định phụ nữ đồng tính trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Phiên bản đầu tiên của cờ đồng tính nữ ngày nay gồm có 6 sắc hồng, 1 sọc trắng và 1 nụ hôn đỏ. Lá cờ được thiết kế bởi Natalie McCray và giới thiệu trên weblog “This Lesbian Life” năm 2010. Tuy nhiên, biến thể không có nụ hôn được sử dụng rộng rãi hơn.
Năm 2018, Natalie bị cáo buộc về hành vi kỳ thị người chuyển giới, người song tính và phân biệt chủng tộc. Kết quả là, lá cờ bị thay thế bởi phiên bản sọc cam, được Tumblr blogger Emily Gwen giới thiệu vào năm 2018. Cho đến nay vẫn có nhiều tranh cãi xoay quanh ai là người thiết kế lá cờ đồng tính nữ cam - hồng.
Ý nghĩa màu sắc:
- Cam đậm: người không theo chuẩn về giới (gender nonconformity)
- Cam: độc lập
- Cam nhạt: cộng đồng
- Trắng: mối liên hệ đặc biệt với sự nữ tính
- Hồng nhạt: sự bình yên và thanh thản
- Hồng: Tình yêu và tình dục
- Hồng đậm: sự nữ tính
Cờ Tự hào của Người Song tính (Bisexual Pride Flag)
Đại diện cho:
Những người bị hấp dẫn bởi cả hai bản dạng giới nam và nữ.
Lịch sử:
Lá cờ được thiết kế bởi Michael Page, một nhà hoạt động LGBT, và công bố lần đầu vào ngày 5/12/1998. Ông chia sẻ rằng điểm nhấn trong lá cờ Song tính chính là sọc tím như đang hòa vào màu hồng và màu xanh. Tương tự trong đời sống, nơi những người song tính “hòa” trong cộng đồng đồng tính nam, nữ và dị tính.
Ý nghĩa màu sắc:
- Hồng: hấp dẫn bởi người cùng giới tính
- Xanh: hấp dẫn bởi người khác giới tính
- Tím: hấp dẫn bởi cả hai giới tính
Cờ Tự hào của Người Toàn tính (Pansexual Pride Flag)
Đại diện cho:
Những người cảm thấy hấp dẫn bởi tất cả các bản dạng giới.
Lịch sử:
Cờ Toàn tính xuất hiện trên các trang web từ giữa năm 2010. Cho đến nay, người thiết kế lá cờ này vẫn là ẩn số.
Ý nghĩa màu sắc:
- Hồng: phụ nữ
- Xanh: đàn ông
- Vàng: phi nhị nguyên giới
Cờ Tự hào của Người Vô tính (Asexual Pride Flag)
Đại diện cho:
Những người không bị hấp dẫn tình dục, không hoặc ít quan tâm đến các hoạt động tình dục.
Lịch sử:
Cờ Vô tính luyến ái được Mạng lưới thông tin về người vô tính (Asexual Visibility and Education Network - AVEN) công bố vào tháng 8 năm 2010, nhằm nâng cao nhận thức về người vô tính.
Ý nghĩa màu sắc:
- Đen: người vô tính nói chung
- Xám: nhóm người bán vô tính (grey asexual) và á tính (demisexual). Người á tính là những người không bị hấp dẫn về tình dục, trừ khi có gắn kết về mặt tình cảm.
- Trắng: tình dục
- Tím: cộng đồng
Cờ Tự hào của Người Liên giới tính (Intersex Pride Flag)
Đại diện cho:
Người mang trong mình những đặc điểm về nhiễm sắc thể, hormone giới tính hay bộ phận sinh dục mà theo định nghĩa của Cơ quan Cấp cao về Quyền con người của Liên Hợp Quốc (OHCHR) cho là “không thuộc những tính trạng tiêu biểu của cả nam giới lẫn nữ giới”.
Lịch sử:
Lá cờ này được thiết kế vào năm 2013 bởi Morgan Carpenter, thuộc tổ chức Nhân quyền của người Liên giới tính Úc.
Ý nghĩa màu sắc:
- Vàng: đại diện cho những màu không liên quan đến giới tính, ví dụ lam cho nam, hồng cho nữ.
- Vòng tròn tím: không thể phá bỏ và không thể thay đổi, biểu tượng cho sự vẹn toàn, hoàn thiện và tiềm năng.
Cờ Tự hào của Người chuyển giới (Transgender Pride Flag)
Đại diện cho:
Người có bản sắc, bản dạng giới khác với giới tính sinh học ban đầu.
Lịch sử:
Lá cờ này được thiết kế vào năm 1999 bởi Monica Helms, một người phụ nữ chuyển giới. Cô chia sẻ với thiết kế này, cho dù lá cờ tung bay theo chiều nào, nó vẫn sẽ giữ đúng thứ tự. Điều này tượng trưng cho những người chuyển giới đang cố gắng tìm lại chính bản thân họ trong cuộc sống.
Ý nghĩa màu sắc:
- Xanh: con trai
- Hồng: con gái
- Trắng: những người đang chuyển giới, không có giới tính, trung tính về giới tính và liên giới tính
Cờ Tự hào của Genderqueer (Genderqueer Pride Flag)
Đại diện cho:
Những người từ chối xác định giới tính.
Lịch sử:
Lá cờ được thiết kế vào tháng 6/2011 bởi Marilyn Roxie. Ban đầu, lá cờ đại diện cho cả những người genderqueer và phi nhị nguyên giới. Tuy nhiên, một số người không thích lá cờ này vì trong quá khứ từ "queer" nghiêng về ý nghĩa miệt thị. Những năm gần đây, từ này được khai hoá với ý nghĩa tự hào hơn, tuy vẫn còn nhiều người chưa đồng tình.
Ý nghĩa màu sắc:
- Tím: người lưỡng tính (androgynous)
- Trắng: agender - những người nhận dạng không thuộc giới nào hoặc không nhận dạng giới.
- Xanh: người phi nhị nguyên giới (non-binary)
Cờ Tự hào của Người Phi nhị nguyên giới (Non-Binary Pride Flag)
Đại diện cho:
Những người có bản dạng giới nằm bên ngoài hệ nhị phân giới.
Lịch sử:
Lá cờ được thiết kế bởi nhà hoạt động Kye Rowan, vào năm 2014, lúc 17 tuổi. Lá cờ được thiết kế như một lựa chọn cho những người phi nhị nguyên giới cảm thấy cờ genderqueer không thể hiện đúng về họ.
Ý nghĩa màu sắc:
- Vàng: những giới tính bên ngoài hệ nhị phân giới
- Trắng: những người có nhiều hoặc toàn giới
- Tím: những người có giới là sự kết hợp giữa nam và nữ
- Đen: những người không có giới
Cờ Tự hào của Người ủng hộ
Đại diện cho:
Những người không thuộc cộng đồng LGBTQA+ nhưng ủng hộ quyền bình đẳng của công dân, quyền bình đẳng giới, phong trào xã hội LGBTQA+ và chống lại nạn kỳ thị đồng tính, kỳ thị song tính, kỳ thị người chuyển giới và phân biệt đối xử với cộng đồng LGBTQA+.
Lịch sử:
Cờ của những người ủng hộ được tạo ra vào cuối những năm 2000, nhưng nguồn gốc cụ thể vẫn không ai biết.
Ý nghĩa màu sắc:
- Chữ A: đại diện của Allies, đồng minh
- Màu của cờ cầu vồng: người trong cộng đồng LGBTQA+
- Màu đen trắng: người dị tính và người hợp giới.