Thất nghiệp càng lâu, deal lương càng bất lợi?
Làn sóng sa thải mới đây của các “ông lớn" công nghệ như Microsoft (10.000 người), Google (12.000 người), Amazon (18.000 người) hậu đại dịch Covid-19 đã khiến chúng ta tự hỏi những người được giữ lại, họ có năng lực và thái độ ra sao?
Sau giai đoạn phục hồi từ đại dịch, nền kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp và khó lường. Thị trường tìm kiếm những ứng viên tự chủ, linh hoạt và có nhiều kinh nghiệm ứng biến nhanh trước biến cố. Điều này được cho là chỉ phù hợp với các bạn ứng viên mới nghỉ việc hoặc đang đi làm chứ không phải các bạn đã thất nghiệp được một thời gian.
Tuy vậy, trên thực tế, hầu hết ai cũng từng trải qua cảm giác thất nghiệp từ vài tuần đến vài tháng, tuỳ thuộc vào mục đích, định hướng và năng lực riêng của mỗi người.
Thất nghiệp có thật sự làm bạn bị kém ưu tiên?
Có nhiều lý do dẫn đến việc một người thất nghiệp. Theo một khảo sát của Indeed trên 1068 ứng viên và nhà tuyển dụng tại Mỹ, 54% số người đang thất nghiệp đã bị mất việc do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều người lựa chọn “career break" để tập trung phát triển bản thân hoặc các định hướng trong sự nghiệp.
Nhưng cho dù thất nghiệp với bất kỳ lý do gì, nhà tuyển dụng vẫn có xu hướng ưu tiên ứng viên đang trong quá trình làm việc hơn các bạn đã nghỉ việc và thất nghiệp. 77% ứng viên và 83% nhà tuyển dụng đồng ý rằng bạn dễ dàng nhận được việc hơn nếu bạn vẫn đang ở trong thị trường lao động.
Lý giải cho sự ưu tiên này, nhiều nhà tuyển dụng tin rằng thời gian thất nghiệp có thể khiến kĩ năng của ứng viên trở nên lỗi thời, họ sẽ cần được đào tạo và hỗ trợ nhiều hơn nếu được tuyển. Nhà tuyển dụng cũng lo ngại rằng việc thất nghiệp lâu có thể khiến ứng viên khó thích nghi với công việc nhanh, từ đó làm việc kém hiệu quả.
Về phía ứng viên, thời gian thất nghiệp lâu có thể khiến họ tự ti về khả năng của mình so với bạn bè đồng trang lứa. Đồng thời, đó cũng là rào cản khiến họ không dám thương lượng mức thu nhập với nhà tuyển dụng.
Đúng là việc trở lại thị trường lao động sau một quãng nghỉ là không dễ dàng. Ngay cả khi bạn quay trở lại lĩnh vực chuyên môn, bạn có thể mất thêm nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn và tìm cách thuyết phục những nhà tuyển dụng còn hoài nghi rằng bạn cũng có năng lực không thua kém những ứng viên khác.
Tuy nhiên, đó không phải là lý do khiến bạn phải nhận mức lương thấp hơn trước kia. Theo bài viết “Why you should negotiate pay even after taking an extended break” (Vì sao bạn nên thương lượng lương kể cả sau khi có một thời gian nghỉ) được đăng tải trên Payscale, trong 37% ứng viên quyết định thương lượng để tăng lương, 70% đã nhận được mức lương mong muốn. Vấn đề deal lương phụ thuộc lớn vào cách bạn thể hiện trong mắt nhà tuyển dụng.
Việc deal lương hoàn toàn phụ thuộc vào cách thể hiện của bạn
Không có công thức nào liên quan đến chuyện thất nghiệp càng lâu thì deal lương phải càng thấp hay thất nghiệp lâu sẽ có ít cơ hội việc làm hơn người khác. Không phải lúc nào chúng ta cũng may mắn (và mong muốn) tìm được việc ngay sau khi nghỉ việc ở công ty cũ.
Thực tế là, mức lương và cơ hội việc làm phụ thuộc nhiều vào yếu tố năng lực, kinh nghiệm sẵn có và cả việc bản thân ứng viên có phù hợp với văn hoá, tiêu chuẩn của công ty ứng tuyển hay không.
Khi có một khoảng trống trong hồ sơ, quan trọng nhất bạn cần phải thể hiện sự tích cực của bản thân và chủ động chia sẻ về khoảng thời gian này với nhà tuyển dụng. Đừng vì áp lực tâm lý do thất nghiệp khiến bạn rụt rè và vô tình bị nhà tuyển dụng đánh giá thấp về năng lực.
Chủ động và thẳng thắn chia sẻ lý do
Cũng theo Indeed, 48% nhà tuyển dụng mong muốn được thấy ứng viên chủ động chia sẻ về khoảng thời gian thất nghiệp của mình. Dù lý do là khách quan hay chủ quan thì bạn vẫn sẽ cần một lời giải thích hợp lý về nó. Hãy thẳng thắn và trung thực vì những lý do ngụy biện sẽ dễ dàng bị phát hiện bởi nhà tuyển dụng, từ đó khiến bạn bị hoài nghi về năng lực và dễ dàng đánh mất cơ hội việc làm đó.
Khi bạn đã có lý do chính đáng - vấn đề về sức khỏe, học tập, nghỉ ngơi, kinh doanh… - hãy giải thích rõ ràng nhưng ngắn gọn và súc tích vì 74% nhà tuyển dụng không muốn nghe quá chi tiết về khoảng thời gian thất nghiệp của bạn.
Chứng minh khoảng nghỉ đó không hề vô nghĩa
Thất nghiệp không phải là một điều tiêu cực và đáng xấu hổ, bằng việc biến giai đoạn đó trở nên tích cực trong mắt nhà tuyển dụng, bạn có thể có cơ hội deal được mức lương cao hơn kỳ vọng của bản thân.
Bạn hãy chia sẻ về việc bản thân đã sử dụng khoảng thời gian đó như thế nào. Nếu đã bồi dưỡng thêm kỹ năng chuyên môn, đó là những kỹ năng gì, bạn đã bồi đắp như thế nào, những kỹ năng đó giúp ích gì cho công việc bạn đang ứng tuyển… Nếu đã đi du lịch và khám phá thế giới, hãy chia sẻ bạn đã học được gì, khám phá được gì cùng lý do muốn quay trở lại công việc.
Khi kết thúc câu chuyện, đừng quên…
…cho thấy được sự sẵn sàng của bản thân với công việc
Hãy trả lời với chính mình câu hỏi vì sao bạn quyết định đi làm trở lại sau một khoảng nghỉ. Từ đó, hãy cho nhà tuyển dụng thấy được bạn đã sẵn sàng bằng việc chuẩn bị hồ sơ ra sao, khởi động tinh thần như thế nào… Bạn cũng đừng ngần ngại chia sẻ về những khó khăn bạn đã gặp phải trong thời gian đó với nhà tuyển dụng cũng như cách bạn đã vượt qua những khó khăn đó.
Kết
Thất nghiệp thực tế không đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Thời gian thất nghiệp dài hay ngắn cũng không phải cán cân quyết định mức lương khi bạn trở lại thị trường lao động. Quan trọng là cách bạn thể hiện như thế nào trong mắt nhà tuyển dụng để biến chúng thành cơ hội, hoặc thậm chí là lợi thế cho bản thân.
Bên cạnh đó, trước khi thỏa thuận lương, cũng đừng quên nghiên cứu về tình hình kinh tế nói chung, quy mô doanh nghiệp ứng tuyển cũng như mức lương trung bình mà thị trường trả cho vị trí tương tự bạn đang ứng tuyển để có thể deal một cách “hợp tình hợp lý" nhất.